Đề thi vào 10 môn Văn Hà Giang năm 2023 — Không quảng cáo

Đề thi vào 10 môn văn có đáp án - 9 năm gần nhất Đề thi vào 10 môn Văn Hà Giang


Đề thi vào 10 môn Văn Hà Giang năm 2023

Tải về

Đọc đoạn trích: Bây giờ là buổi trưa. Im ắng lạ. Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tôi mê hát. Thường cử thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát.

Đề bài

I . PHÂN ĐỌC HIỂU (5,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Bây giờ là buổi trưa. Im ắng lạ. Tôi ngồi dựa vào thành đá và khe khẽ hát. Tôi mê hát. Thường cử thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa ra lời mà hát. Lời tôi bịa lộn xộn mà ngớ ngẩn đến tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình.

Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”

Xa đến đâu mặc kệ, nhưng tôi thích ngắm mắt tôi trong gương. Nó dài dài, màu nâu, hay nheo lại như chói nắng

(Dẫn theo Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục, 2009, tr.114,115)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (0,75 điểm). Đoạn trích trên trích từ tác phẩm nào? Tác giả là ai?

Câu 2 (0,75 điểm). Chỉ ra lời dẫn trực tiếp trong câu văn: Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!"

Câu 3 (1,0 điểm). Theo đoạn trích, vì sao nhân vật tôi “đôi khi bò ra mà cười một mình”?

Câu 4 (1,0 điểm). Nêu nội dung chính của đoạn văn in đậm ở trên.

Câu 5 (1,5 điểm). Đoạn trích trên gợi cho em suy nghĩ gì về thế hệ thanh niên xung phong thời kì kháng chiến chống Mĩ? (Trình bày trong khoảng 5 đến 7 dòng)

II. PHẦN LÀM VĂN (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

5Một nốt trầm xao xuyến.

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

Mùa xuân - ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế.

(Trích Mùa xuân nho nhỏ, Thanh Hải, Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục, 2009, tr.56)

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

Cách giải:

- Tác phẩm: Những ngôi sao xa xôi.

- Tác giả: Lê Minh Khuê.

Câu 2:

Cách giải:

Lời dẫn trực tiếp: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm”.

Câu 3:

Cách giải:

Nhân vật đôi khi “bò ra cười một mình” vì: những lời hát nhân vật tự bịa ra lộn xộn mà ngớ ngẩn khiến nhân vật tôi cũng phải ngạc nhiên.

Câu 4:

Cách giải:

Nội dung: Vẻ bề ngoài xinh đẹp của nhân vật “tôi” – Phương Định.

Câu 5:

Cách giải:

HS qua đoạn trích nêu những suy nghĩ của bản thân về thế hệ thanh niên xung phong thời kì kháng khiến chống Mĩ.

Gợi ý:

- Họ là những cô gái trẻ trung, xinh đẹp còn mang trong mình những nét hồn nhiên, ngây thơ.

- Họ là những người lạc quan, yêu đời dù trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt.

-…

II. LÀM VĂN

Cách giải:

1. Mở bài:

- Giới thiệu chung về tác giả Thanh Hải và tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ.

- Giới thiệu 3 khổ thơ cần phân tích.

2. Thân bài

2.1 Khát vọng, lí tưởng sống cao đẹp của nhà thơ

- Mùa xuân đất nước đã khơi dậy trong lòng nhà thơ những khát vọng sống cao quý:

“Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến”

+ Điệp từ “ta làm”, lặp cấu trúc, liệt kê -> giúp tác giả bày tỏ ước nguyện được hiến dâng cuộc đời mình cho quê hương, xứ sở.

+ Các hình ảnh “con chim hót” “một cành hoa” “nốt nhạc trầm”: giản dị, tự nhiên mà đẹp, thể hiện ước nguyện khiêm nhường mà đáng quý.

+ Có sự ứng đối với các hình ảnh ở đầu bài thơ -> lí tưởng cống hiến cho đời là một lẽ tự nhiên, tất yếu; gợi liên tưởng đến mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, giữa con người – đất nước.

Tấm lòng thiết tha được hòa nhập, được cống hiến cho cuộc đời, cho đất nước.

Khát vọng sống đẹp được nâng lên thành lí tưởng sống cao cả”

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

+ “Mùa xuân nho nhỏ”: ẩn dụ cho những gì đẹp nhất, tinh túy nhất của cuộc đời con người để góp phần làm nên mùa xuân của đất nước. Là cách nói khiêm nhường, giản dị, gợi một tâm hồn đẹp, một lối sống đẹp, một nhân cách đẹp “lặng lẽ dâng cho đời”.

+ Điệp từ “dù là” + hình ảnh tương phản “tuổi hai mươi” – “khi tóc bạc” khẳng định sự tồn tại bền vững của những khát vọng và lí tưởng sống ấy. Cả cuộc đời mình ông vẫn muốn chắt chiu những gì tốt đẹp nhất để hiến dâng cho đời.

=> Khổ thơ là lời tổng kết của nhà thơ về cuộc đời mình. Cho đến tận cuối đời ông vẫn khát khao cống hiến cho đất nước.

- Bài thơ khép lại trong giai điệu của khúc ca xuân xứ Huế:

“Mùa xuân ta xin hát

Câu nam ai nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế”

+ Khúc Nam ai buồn thương da diết, khúc Nam bình êm ái, dịu ngọt: gợi con đường nhiều gian khổ, hi sinh mà đất nước đã đi qua; gợi mùa xuân hiện tại với cuộc sống thanh bình, no ấm.

+ Nhịp phách tiền rộn ràng trải khắp nước non ngàn dặm là giai điệu của một cuộc sống mới, sức sống mới.

=> Tình yêu đất nước, yêu cuộc đời đã giúp tâm hồn Thanh Hải bay lên với những khát vọng sống cao đẹp.

3. Kết bài:

- Nội dung: Bày tỏ lẽ sống đẹp đẽ, cao cả, đó là sẵn sàng dâng hiến cuộc đời mình cho đất nước, quê hương.

- Nghệ thuật:

+ Thể thơ 5 chữ, giàu nhịp điệu.

+ Ngôn ngữ, hình ảnh giản dị, trong sáng.

+ Cảm xúc chân thành, tha thiết.


Cùng chủ đề:

Đề thi vào 10 môn Văn Cần Thơ 2021 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Cần Thơ năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Cần Thơ năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Chuyên Sư phạm Hồ Chí Minh 2018 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Gia Lai năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Hà Giang năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Hà Nam 2020 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Hà Nam 2021 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Hà Nam năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Hà Nam năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Hà Nội 2014 có đáp án và lời giải chi tiết