Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh 2020 có đáp án và lời giải chi tiết — Không quảng cáo

Đề thi vào 10 môn văn có đáp án - 9 năm gần nhất Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh


Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh năm 2020

Tải về

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

Đề bài

PHẦN I. Đọc hiểu văn bản (2,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi nêu ở dưới:

(1) Có người hỏi tôi, tại sao sân bay quốc tế Vân Đồn, một sân bay còn rất "trẻ", lại được Chính phủ lựa chọn và lại có thể thực hiện tốt trọng trách đón các chuyến bay từ vùng dịch. Khi ấy, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là tập thể của mình. Cùng với cơ sở vật chất, phương tiện và quy trình, thì nhiệt huyết lần trách nhiệm và lòng yêu nước của các anh, chị, em tối là sức mạnh của sân bay quốc tế Vân Đồn. Tôi nhìn thấy niềm hạnh phúc trong ánh mắt, nụ cười "đồng đội" khi thấy đồng bào đặt chân lên đất mẹ.

(2) Chiều nay, vừa nhận được tin nhắn của con gái không được gặp ba sau nhiều tháng xa cách: "Ba nhớ giữ gìn sức khỏe!", cũng là lúc đồng nghiệp gửi cho tôi hình chụp lời bình luận trên mạng dưới thông tin sân bay quốc tế Vân Đồn đón đồng bào về nước: "Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có thể chưa cất cánh về mặt kinh tế, nhưng đã khởi đầu bằng một nhiệm vụ quốc gia nặng nghĩa nặng tình!".

(3) Khóe mắt tôi bỗng cay cay. Hình ảnh một thương cảng Vân Đồn sầm uất 100 năm trước hiện lên cùng niềm tin. Tôi biết, sau những chuyến đón đồng bào về tổ quốc, sẽ là những chuyến đón đưa nhộn nhịp kết nối Việt Nam với khắp năm châu. Sau những ánh mắt mừng vui của các "chiến binh" áo trắng, áo xanh của tôi ngoài kia đón "người mình” an toàn về tổ quốc, sẽ là nụ cười hạnh phúc của các anh chị em, thấy quê hương mình phát triển và trên con đường chông gai khó kể, Vân Đồn sẽ cất cánh bằng niềm tin của Tổ quốc Việt Nam.

(Phạm Ngọc Sáu, http://vnexpress.net/goc-nhin/cat-canh-bang-niem-tin-4074950.html)

Câu 1. (0,5 điểm) Trong đoạn văn (1), tác giả khẳng định những cơ sở nào khiến sân bay Vân Đồn được Chính phủ lựa chọn và lại có thể thực hiện tốt trọng trách đón các chuyến bay từ vùng dịch ?

Câu 2. (0,5 điểm) Xác định các lời dẫn trực tiếp trong đoạn văn (2).

Câu 3. (0,5 điểm) Chỉ ra hai từ láy được sử dụng trong đoạn văn (3).

Câu 4. (0,5 điểm) Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong câu văn in đậm.

PHẦN II. Tạo lập văn bản (8,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

“Tạm dừng việc đến trường, không dừng việc học" là thông điệp Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắn gửi tới các giáo viên, học sinh toàn quốc trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Từ thông điệp trên, hãy viết một đoạn văn (từ 12 đến 15 câu) trình bày suy nghĩ của em về tinh thần vượt khó trong cuộc sống. Trong đoạn văn có sử dụng phép nối (gạch chân từ nối).

Câu 2. (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh, Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều, dẫn theo SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2017, trang 94)

Lời giải chi tiết

Phần I

Câu 1:

Trong đoạn văn (1), tác giả khẳng định những cơ sở nào khiến sân bay Vân Đồn được Chính phủ lựa chọn và lại có thể thực hiện tốt trọng trách đón các chuyến bay từ vùng dịch?

Phương pháp: đọc tìm ý

Cách giải:

Cơ sở để Chính phủ lựa chọn sân bay Vân Đồn:

- Cơ sở vật chất, phương tiện và quy trình, nhiệt huyết, trách nhiệm và lòng yêu nước sục sôi của các cán bộ, nhân viên sân bay.

- Niềm hạnh phúc, nụ cười của các cán bộ, nhân viên sân bay khi thấy đồng bào được trở về.

Câu 2:

Xác định các lời dẫn trực tiếp trong đoạn văn (2).

Phương pháp: căn cứ bài Lời dẫn trực tiếp, lời dẫn gián tiếp

Cách giải:

Các lời dẫn trực tiếp của đoạn văn (2):

- "Ba nhớ giữ gìn sức khỏe!"

- "Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có thể chưa cất cánh về mặt kinh tế, nhưng đã khởi đầu bằng một nhiệm vụ quốc gia nặng nghĩa nặng tình!".

Câu 3:

Chỉ ra hai từ láy được sử dụng trong đoạn văn (3).

Phương pháp: căn từ bài Từ láy

Cách giải:

- Hai từ láy trong đoạn (3): cay cay, nhộn nhịp.

Câu 4:

Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ trong câu văn in đậm.

Phương pháp: phân tích

Cách giải:

- Tác dụng:

+ Làm cho câu văn giàu giá trị biểu đạt, tăng sức gợi hình, gợi cảm.

+ Nhấn mạnh dù con đường có nhiều khó khăn nhưng chắc chắn Vân Đồn sẽ vững mạnh phát triển, đem về sự phồn vinh cho tỉnh và cho đất nước.

Phần II

Câu 1

“Tạm dừng việc đến trường, không dừng việc học" là thông điệp Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắn gửi tới các giáo viên, học sinh toàn quốc trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Từ thông điệp trên, hãy viết một đoạn văn (từ 12 đến 15 câu) trình bày suy nghĩ của em về tinh thần vượt khó trong cuộc sống. Trong đoạn văn có sử dụng phép nối (gạch chân từ nối).

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu vấn đề: Qua thông điệp “Tạm dừng việc đến trường, không dừng việc học”, suy nghĩ về tinh thần vượt khó trong cuộc sống.

2. Giải thích vấn đề

- Tinh thần vượt khó được hiểu là năng lượng, ý chí, nghị lực, niềm tin và sự kiên cường để vượt qua mọi khó khăn, gian nan của cuộc sống.

=> Tinh thần vượt khó là yếu tố quan trong để đưa con người tới thành công.

3. Phân tích, bàn luận vấn đề

- Biểu hiện tinh thần vượt khó:

+ Không ngại khó khăn, gian khổ.

+ Có niềm tin, nghị lực vươn về phía trước.

+ Khắc phục mọi hoàn cảnh khó khăn.

+ Nhìn thấy cơ hội trong những khó khăn

+…

-  Ý nghĩa tinh thần vượt khó:

+ Cuộc sống đa chiều, có những điều bất ngờ, nghịch cảnh xảy ra trong cuộc sống mà ta không thể thay đổi được. Vậy cách đối phó duy nhất là: biết chấp nhận thực tại ấy và nỗ lực hết mình để tìm trong nghịch cảnh nghị lực sống mạnh mẽ, tìm trong khó khăn những cơ hội để vươn lên, chiến thắng chính mình… (Chọn và phân tích dẫn chứng)

+ Vượt qua nghịch cảnh buồn đau là ta đã tôi luyện thêm tinh thần, ý chí, có thêm kinh nghiệm sống, từ đó nắm được chìa khoá của sự thành công. Ví dụ: như đại dịch Covid-19 vừa rồi, khiến chúng ta không thể đến trường nhưng vẫn hãy tự tìm hiểu kiến thức cho mình dù điều kiện khó khăn. Từ trong gian khó, thực hiện tốt lệnh cách ly và rèn luyện cho mình tinh thần tự học.

=> Trong hoàn cảnh khó khăn, ta khẳng định được chính mình; không dễ dàng khuất phục, không đầu hàng trước số phận sẽ giúp ta thêm mạnh mẽ; thành quả cuối cùng của sự nhẫn nại, cố gắng sẽ là đòn bẩy, là cơ hội lớn cho ta phát triển…

- Phê phán những người có lối sống hèn nhát, trốn chạy và đầu hàng khó khăn.

- Bài học nhận thức và hành động:

+ Nhận thức được khó khăn là quy luật của cuộc sống mà con người phải đối mặt.

+ Rèn luyện ý chí, bản lĩnh… để vượt qua gian nan, thử thách. Không mặc cảm, tự ti không trông chờ vào người khác hoặc ảo tưởng về số phận.

4. Liên hệ bản thân và tổng kết

Câu 2

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

Buồn trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh, Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

(Nguyễn Du, Truyện Kiều, dẫn theo SGK Ngữ văn 9, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2017, trang 94)

Phương pháp: phân tích, tổng hợp

Cách giải:

1. Giới thiệu chung

- Tác giả: Nguyễn Du (1765– 1820), quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là một nhà thơ vĩ đại của nền văn học Việt Nam.

- Truyện Kiều là một kiệt tác của nền văn học Việt Nam, tác phẩm còn có tên gọi khác là “Đoạn trường tân thanh”, được viết dựa trên cốt truyện của “Kim Vân Kiều truyện” nhưng sự sáng tạo về nội dung và nghệ thuật là rất lớn. Tác phẩm thấm nhuần tinh thần nhận đạo cao dẹp và có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc.

- Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” trích trong phần hai: Gia biến và lưu lạc. Nổi bật trong đoạn trích là 8 câu thơ cuối nói về tâm trạng đau buồn, âu lo của Thúy Kiều thể hiện qua cách nhìn cảnh vật.

2. Phân tích, cảm nhận

Phân tích bốn cặp thơ lục bát “buồn trông” để thấy được những đặc sắc nội dung và nghệ thuật:

a. Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

- Không gian, thời gian, cảnh vật:

+ Không gian cửa bể mênh mông, rộng lớn

+ Thời gian: chiều hôm. Trong ca dao, thơ ca, thời điểm chiều tà là thời điểm dễ khiến con người buồn, nhớ (dẫn chứng một vài câu thơ, câu ca dao: Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều…)

+ Cảnh vật: chỉ có bóng con thuyền và cánh buồm thấp thoáng, càng khiến không gian trở nên mênh mông, cô quạnh, không một bóng người.

-  Nghệ thuật: đảo ngữ thấp thoáng lên trước, cùng từ láy xa xa làm tăng thêm cảm giác xa xôi, nhỏ bé của con thuyền, tăng cảm giác cô độc của nhân vật.

b. Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

- Hình ảnh ẩn dụ: hoa trôi trên dòng nước ẩn dụ cho thân phận người con gái chìm nổi trên dòng đời. Kiều nhìn cánh hoa trôi mà cảm thương cho số phận chìm nổi lênh đênh của mình.

+ Liên hệ với ca dao: Thân em như thể bèo trôi/ Sóng dập gió dồi biết tựa vào đâu; Thân em như thể cánh bèo/ Ngược xuôi xuôi ngược theo chiều nước trôi…

⇒ Cánh hoa, cánh bèo, cánh lục bình… đều ẩn dụ cho sự mong manh, yếu đuối, không thể tự định đoạt của thân phận người con gái trong xã hội phong kiến. Sóng, dòng nước ẩn dụ cho cuộc đời.

c. Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

- Màu sắc của cảnh vật:

+ “Rầu rầu”: màu sắc ảm đạm, úa tàn

+ “Xanh xanh”: ý nói không gian không có sự sống con người, trời đất lẫn vào nhau một màu xanh.

⇒ Tâm trạng mệt mỏi chán chường của Thúy Kiều, nhìn đâu cũng thấy sự ảm đạm, thê lương; câu thơ tiêu biểu cho thủ pháp tả cảnh ngụ tình trong đoạn thơ (người buồn cảnh có vui đâu bao giờ).

d. Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

- Âm thanh dữ dội của sóng, gió gợi sự kinh hãi. Câu thơ như báo trước những sóng gió trong cuộc sống sắp tới với Kiều.

e. Đánh giá chung về nghệ thuật của đoạn thơ

- Điệp từ “buồn trông”: tạo nên âm hưởng trầm buồn, như một điệp khúc của đoạn thơ, là ngọn nguồn lí giải cảnh sắc trong đoạn thơ.

- Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình: cảm xúc của Thúy Kiều ảnh hưởng tới cảnh vật nàng nhìn thấy ⇒ cảnh nào cũng buồn, cô quạnh, u ám, đáng sợ.

- Hệ thống từ ngữ tả cảnh: tính từ, từ láy.

- Nhịp thơ thay đổi ở 2 câu cuối: đang từ chậm buồn trở nên gấp gáp.

- Thủ pháp đối lập giữa 2 câu cuối và 6 câu trước: âm thanh dữ dội đối lập với những hình ảnh ảm đạm.

- Hình ảnh được tả từ xa đến gần: sự thay đổi điểm nhìn của nhân vật, đứng trên lầu cao nhìn từ xa lại.

3. Tổng kết vấn đề

Tổng kết về nội dung và nghệ thuật:

- Nội dung: Nỗi buồn, lo sợ của Thúy Kiều trong cảnh cô đơn, vô vọng, phiêu bạt. Dự cảm về số phận bất hạnh đầy sóng gió của Kiều. Thể hiện sự cảm thông, thấu hiểu, thương xót số phận người phụ nữ của Nguyễn Du.

- Nghệ thuật: thủ pháp tả cảnh ngụ tình, điểm nhìn trần thuật được đưa từ xa tới gần làm tăng thêm giá trị nội dung.


Cùng chủ đề:

Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Bình năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Bình năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ngãi 2020 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ngãi năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ngãi năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh 2020 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh 2021 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Trị 2021 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Trị năm 2022