Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh năm 2023 — Không quảng cáo

Đề thi vào 10 môn văn có đáp án - 9 năm gần nhất Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh


Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh năm 2023

Tải về

(1) Khi mới sinh ra, tôi đã có thể cảm nhận được hơi ấm của đôi bàn tay mẹ: Đôi bàn tay luôn nâng niu, lo lắng từng giấc ngủ, từng bữa ăn cho tôi. Đôi bàn tay đã dìu tôi những bước đi chập chững đầu tiên, nâng đỡ mỗi khi tôi té ngã và nhẹ nhàng chăm sóc những vết thương do tôi nghịch ngợm gây ra.

Đề bài

Câu 1: Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Khi mới sinh ra, tôi đã có thể cảm nhận được hơi ấm của đôi bàn tay mẹ: Đôi bàn tay luôn nâng niu, lo lắng từng giấc ngủ, từng bữa ăn cho tôi. Đôi bàn tay đã dìu tôi những bước đi chập chững đầu tiên, nâng đỡ mỗi khi tôi té ngã và nhẹ nhàng chăm sóc những vết thương do tôi nghịch ngợm gây ra.

(2) Suốt những năm tháng tôi đi học, bàn tay mẹ vẫn âm thầm lo lắng cho tôi. Bàn tay mẹ kiên nhẫn dạy tôi viết những nét chữ đầu tiên; giặt sạch chiếc áo tôi mặc; đánh bóng đôi giày tôi mang; thắp sáng ngọn đèn trên bàn học, dọn dẹp gọn gàng bàn ghế, tủ sách cho tôi. Bàn tay mẹ còn chuẩn bị cả chiếc giường tươm tất chắn màn cho tôi nằm ngủ mỗi tối...

[...]

(3) Trên thế gian này, còn điều gì kỳ diệu và quý giá hơn đôi bàn tay mẹ? Đôi tay chai sần, vất vả nhưng êm ái, dịu dàng và bất cứ khi nào cũng đầy ắp tình thương yêu dành cho bạn. Dù đi bất cứ nơi nào, ta cũng luôn khao khát được quay trở về bên vòng tay yêu thương của mẹ.

(Trích Hạt giống tâm hồn, tập 7, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2019, trang 130-131)

a. (0,5 điểm) Theo đoạn trích, khi mới sinh ra, nhân vật tôi đã có thể cảm nhận được điều gì?

b. (0,5 điểm) Cụm từ Đôi bàn tay trong đoạn văn (1) thực hiện phép liên kết nào?

c. (1,5 điểm) Chỉ ra và phân tích tác dụng của phép liệt kê trong câu văn được in đậm ở đoạn (2).

d. (0,5 điểm) Em có đồng tình với ý kiến của tác giả: Dù đi bất cứ nơi nào, ta cũng luôn khao khát được quay trở về bên vòng tay yêu thương của mẹ không? Vì sao?

Câu 2. Từ nội dung đoạn trích ở Câu 1, em hãy viết một đoạn văn (từ 10 đến 12 câu) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của lòng hiếu thảo trong cuộc sống.

Câu 3. Cảm nhận vẻ đẹp của người đồng mình trong đoạn thơ sau:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn

Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn

Sống trên đả không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

(Y Phương, Nói với con, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, 2005, trang 72)

Lời giải chi tiết

Câu 1:

a.

Phương pháp:

Căn cứ bài đọc hiểu, tìm ý.

Cách giải:

Theo đoạn trích, khi mới sinh ra, nhân vật tôi đã có thể cảm nhận được hơi ấm của đôi bàn tay mẹ.

b.

Phương pháp:

Căn cứ các phép liên kết.

Cách giải:

Phép liên kết lặp

c.

Phương pháp:

Căn cứ bài liệt kê, phân tích.

Cách giải:

- Biện pháp liệt kê: Liệt kê những việc mà mẹ đã làm cho tác giả: dạy viết những chữ đầu tiên, giặt áo, đánh bóng giày, thắp sáng ngọn đèn, dọn dẹp bàn ghế và tủ sách.

- Tác dụng:

+ Cho thấy tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho con. Mẹ luôn là người chăm lo cho con từ những điều nhỏ nhặt nhất, mong muốn dành tất cả những gì tốt đẹp của cuộc đời cho đứa con bé bỏng của mình.

+ Từ đó cũng thấy được sự trân trọng, tình yêu thương của con dành cho mẹ.

d.

Phương pháp:

Phân tích.

Cách giải:

- Em đồng ý với ý kiến của tác giả.

- Bởi: Chúng ta không thể bắt gặp ở đâu một người hi sinh tất cả những gì mình có, dành cho ta những điều tốt đẹp nhất mà không đòi hỏi bất cứ điều gì như mẹ. Mẹ luôn là động lực, là người chắp thêm đôi cánh cho ta vững bước trên đường đời đầy chông gai phía trước. Vòng tay yêu thương của mẹ sẽ khiến ta quên hết mệt nhọc ngoài kia để trở về làm đứa con bé bỏng, để có thể thoải mái tâm sự, thoải mái nhõng nhẽo như ngày thơ bé.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu vấn đề: Ý nghĩa của lòng hiếu thảo trong cuộc sống.

2. Thân đoạn

a. Giải thích vấn đề

- Hiếu thảo: là tấm lòng yêu thương chăm sóc ông bà cha mẹ, luôn luôn đối xử chân thành, kính trọng hết mực và tình cảm yêu thương kính mến ấy phải xuất phát từ tận đáy lòng của người con, người cháu.

- Ý nghĩa của lòng hiếu thảo: là sức mạnh, là tình yêu thương nuôi dưỡng phẩm chất con người.

b. Bàn luận vấn đề

- Biểu hiện:

+ Con cháu biết nghe lời và tôn trọng lời dạy bảo của cha mẹ, ông bà.

+ Tôn vinh, ghi nhớ công ơn của tổ tiên.

+ Giúp đỡ và chăm sóc cho người già.

+ Duy trì tình cảm và quan hệ tốt đẹp với gia đình.

- Ý nghĩa của lòng hiếu thảo:

+ Là một phương tiện để tạo ra một cộng đồng xã hội văn minh, giàu lòng nhân ái.

+ Đóng vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội.

+ Là sức mạnh, giá trị cốt lõi trong việc hình thành và duy trì các mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, xã hội.

+ Gìn giữ và tôn vinh giá trị gia đình.

+ Phát triển phẩm chất đạo đức của mỗi con người.

- Dẫn chứng về lòng hiếu thảo:

+ Câu chuyện về chàng Chử Đồng Tử nhà nghèo, sống cùng cha mà hai cha con chỉ có một chiếc khố chia nhau dùng chung. Đến khi cha mất, trước khi đi ông có nói với Chử Đồng Tử rằng: “Cha chết đi, con giữ lại cái khố mà che thân, cho thiên hạ khỏi chê cười. Con cứ tang trần cho cha là được.” Ấy vậy nhưng chàng không nỡ tang trần cho cha nên đã dùng chiếc khố duy nhất để an táng cha yên nghỉ, còn mình thì ở trần, tiếp tục cuộc sống hàng ngày trước đây.

c. Phản đề

- Một số người bất hiếu, không vâng lời cha mẹ, ngược đãi cha mẹ mình, luôn làm cha mẹ đau lòng. Đó là những người đáng bị phê phán trong xã hội. …

3. Kết đoạn

- Liên hệ bản thân: Nhận thức được tầm quan trọng về ý nghĩa của lòng hiếu thảo, tích cực rèn luyện, học tập, yêu thương gia đình, ông bà cha mẹ…

Câu 2:

Phương pháp:

Phân tích, tổng hợp.

Cách giải:

1. Mở bài:

- Giới thiệu chung về tác giả Y Phương, tác phẩm Nói với con.

- Giới thiệu vị trí và nội dung đoạn trích.

2. Thân bài

- Những phẩm chất cao quý của người đồng mình:

“Người đồng mình…

… chí lớn”

+ Dòng thơ đầu được lặp lại: “người đồng mình” là cách gọi thể hiện sự gần gũi, thân thương như trong một gia đình. “Thương lắm” – bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với cuộc sống nhiều vất vả, gian khó của họ.

+ Từ ngữ giàu sức gợi: “cao” “xa” vừa gợi h/a miền núi cao vừa gợi điều kiện sống khó khăn, vất vả.

“Nỗi buồn” “chí lớn” thể hiện bản lĩnh vững vàng, ý chí kiên cường của người đồng mình.

è Lời thơ lẩn quất một nỗi buồn xen lẫn niềm tự hào về phẩm chất tốt đẹp của người miền núi.

- Tác giả khái quát lên vẻ đẹp truyền thống của người miền cao:

“Người đồng mình…

… làm phong tục”

+ Hình ảnh “người đồng mình”: vóc dáng, hình hài nhỏ bé, “thô sơ da thịt”, họ chỉ có đôi bàn tay lao động cần cù nhưng chẳng mấy ai nhỏ bé, yếu hèn. Họ dám đương đầu với gian lao, vất vả, họ lớn lao về ý chí, cao cả về tinh hồn.

+ Công lao vĩ đại của người đồng mình: “đục đá kê cao quê hương” – xây dựng quê hương, tạo nên ruộng đồng, dựng lên nhà cửa, bản làng, làm nên giá trị vật chất, tinh thần cho quê hương. “Làm phong tục” – tạo nên bao nền nếp, phong tục đẹp, làm nên bản sắc riêng của cộng đồng.

è Lời thơ tràn đầy niềm tự hào về vẻ đẹp của người đồng mình. Nhắn ngủ con phải biết kế thừa, phát huy những truyền thống đó.

- Từ đó, người cha khuyên con biết sống theo những truyền thống của người đồng mình:

“Dẫu làm sao…

… không lo cực nhọc”

+ Điệp từ “sống” khởi đầu 3 dòng thơ liên tiếp, tô đậm mong ước thiết tha, mãnh liệt của cha dành cho con.

+ Ẩn dụ “đá” “thung” chỉ không gian sống của người niềm cao, gợi lên những nhọc nhằn, gian khó, đói nghèo. Người cha mong con “không chê” tức là biết yêu thương, trân trọng quê hương mình.

+ So sánh “như sông” “như suối”: lối sống hồn nhiên, trong sáng, mạnh mẽ, phóng khoáng, vượt lên mọi gập ghềnh của cuộc đời.

+ Đối “lên thác xuống ghềnh”: cuộc sống không dễ dàng, bằng phẳng, cần dũng cảm đối mặt, không ngại ngần.

è Cha khuyên con tiếp nối tình cảm ân nghĩa, thủy chung với mảnh đất nơi mình sinh ra của người đồng mình và cả lòng can đảm, ý chí kiên cường của họ.

3. Kết bài

- Nội dung:

+ Thể hiện tình cảm sâu nặng mà người cha dành cho con. Cha chăm nom con từng bước đi, nâng niu con từng tiếng cười, giọng nói và dạy dỗ con biết vững bước trên đường đời, biết sống sao cho xứng đáng với gia đình, quê hương.

+ Bộc lộ tình yêu quê hương xứ sở và niềm tự hào về người dồng mình của tác giả.

- Nghệ thuật: Từ ngữ, hình ảnh giản dị, giàu sức gợi, in đậm lối tư duy trong sáng, hồn nhiên, sinh động của người miền núi. Giọng điệu khi ân cần, tha thiết; khi mạnh mẽ, nghiêm khắc.


Cùng chủ đề:

Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ngãi năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ngãi năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh 2020 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh 2021 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Ninh năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Trị 2021 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Trị năm 2022
Đề thi vào 10 môn Văn Quảng Trị năm 2023
Đề thi vào 10 môn Văn Sóc Trăng 20 có đáp án và lời giải chi tiết
Đề thi vào 10 môn Văn Sóc Trăng 2021 có đáp án và lời giải chi tiết