Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Lương Thế Vinh năm 2019
Tải vềĐọc kỹ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bẳng cách khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng: “Căn nhà sàn chật ních người mặc quần áo như đi hội. Mấy cô gái vừa lùi vừa trải những tấm lông thú thẳng tắp từ đầu cầu thang tới cửa bếp giữa sàn.
Đề bài
BÀI KHẢO SÁT MÔN TIẾNG VIỆT VÀO LỚP 6
Thời gian làm bài: 45 phút
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Đọc kỹ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bẳng cách khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng:
“Căn nhà sàn chật ních người mặc quần áo như đi hội. Mấy cô gái vừa lùi vừa trải những tấm lông thú thẳng tắp từ đầu cầu thang tới cửa bếp giữa sàn. Bấy giờ, người già mới ra hiệu dẫn Y Hoa bước lên lối đi bằng lông thú mịn như nhung. Buôn Chư Lênh đã đón tiếp cô giáo đến mở trường bằng nghi thức trang trọng nhất dành cho khách quý”.
(Trích “Buôn Chư Lênh đón cô giáo”, Hà Đình Cẩn)
Câu 1. Cô giáo đến Buôn Chư Lênh để làm gì?
A. Để vận động trẻ em đến trường
B. Để dạy học
C. Để mở trường học
D. Để trao phần thưởng cho học sinh giỏi
Câu 2. Người dân Chư Lênh đón tiếp cô giáo Y Hoa như thế nào?
A. Bằng thái độ nhiệt tình, chu đáo
B. Bằng nghi thức trang trọng nhất dành cho khách quý
C. Bằng cử chi vồn vã và rất chân tình
D. Bằng hình thức trang trí lịch thiệp
Câu 3. Cách đón tiếp của người dân Chư Lênh đối với cô giáo thể hiện điều gì?
A. Tấm lòng hiếu khách của bà con buôn làng.
B. Khát khao được học chữ của bà con buôn làng.
C. Thể hiện tình cảm yêu quý của bà con.
D. Cả ba đáp án trên.
Câu 4. Trong đoạn văn trên có bao nhiêu hình ảnh so sánh?
A. Hai
B. Ba
C. Bốn
D. Năm
PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Bài 1. (1,0 điểm)
Cho tiếng “trắng”, hãy tạo thành 2 từ ghép và 2 từ láy.
Bài 2. (1,0 điểm) Ghép thêm một bộ phận vào câu “Buôn Chư Lênh đón cô giáo” để được một câu:
a. Có sử dụng 1 cặp quan hệ từ
b. Có trạng ngữ chỉ thời gian
Bài 3. (2,0 điểm) Cho đoạn thơ sau:
Hạt mưa mải miết trốn tìm
Cây đào trước cửa lim dim mắt cười
Quất gom từng hạt nắng rơi
Làm thành quả – những mặt trời vàng mơ
(Trích “Tháng giêng của bé”, Đỗ Quang Huỳnh)
Xác định và chỉ ra tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn thơ trên.
Bài 4. (4,0 điểm) Viết bài văn tả quang cảnh buổi sáng nơi em sinh sống.
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Câu 1. C |
Câu 2. B |
Câu 3. D |
Câu 4. A |
Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.
Câu 1. Cô giáo đến Buôn Chư Lênh để mở trường học.
Câu 2. Người dân Chư Lênh đón tiếp cô giáo Y Hoa bằng nghi thức trang trọng nhất dành cho khách quý.
Câu 3. Cách đón tiếp của người dân Chư Lênh đối với cô giáo thể hiện tấm lòng hiếu khách của bà con buôn làng, khát khao được học chữ của bà con buôn làng và tình cảm yêu quý của bà con.
Câu 4. Trong đoạn văn trên có 2 hình ảnh so sánh:
- Căn nhà sàn chật ních người mặc quần áo như đi hội .
- Bấy giờ, người già mới ra hiệu dẫn Y Hoa bước lên lối đi bằng lông thú mịn như nhung .
PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Bài 1. (1,0 điểm)
Mỗi ý trả lời đúng được 0,5 điểm.
Gợi ý:
- Từ ghép: trắng tinh, trắng hồng
- Từ láy: trắng trẻo, trăng trắng
Bài 2. (1,0 điểm)
a. (0,5 điểm)
Vì hiếu khách nên Buôn Chư Lênh đón cô giáo bằng nghi thức trang trọng nhất.
b. (0,5 điểm)
Sáng nay , Buôn Chư Lênh đón cô giáo.
Bài 3. (1,0 điểm)
Biện pháp tu từ (0,5 điểm): nhân hoá ( Cây đào, hạt mưa mang đặc điểm, hoạt động của con người như lim dim mắt cười, mải miết trốn tìm).
Tác dụng (1,5 điểm): Qua biện pháp tu từ nhân hóa, hình ảnh thiên nhiên trở nên sinh động và gần gũi hơn. Nó tạo nên sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, làm cho cảnh vật trở nên sống động, thể hiện niềm vui và sự hồn nhiên trong cuộc sống. Đồng thời, cảnh vật cũng gợi lên cảm xúc ấm áp, vui vẻ trong không gian mùa xuân.
Bài 4. (4,0 điểm)
1. Yêu cầu về hình thức (1,0 điểm)
- Bài làm cần trình bày thành bài văn, có đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài, các phần được tách biệt thành các đoạn văn.
- Bài viết ngắn gọn, diễn đạt lưu loát, trình bày sạch sẽ, rõ ràng.
- Không mắc lỗi dùng từ, lỗi đặt câu, lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.
2. Yêu cầu về nội dung (3,0 điểm)
Học sinh miêu tả tả quang cảnh buổi sáng nơi em sinh sống, nhưng bài viết cần đảm bảo các ý lớn sau:
Mở bài: Giới thiệu buổi sáng nơi em ở
Thân bài:
- Miêu tả bao quát:
+ Khung cảnh
+ Bầu trời
+ Không khí
+ …
- Miêu tả chi tiết:
+ Cảnh vật: Gió, ánh nắng, cây cối,...
+ Những hành động của con người: Những người dân lao động, hàng xóm, gia đình em,...
+ Hành động của các con vật xung quanh em: Gà, chó, mèo, trâu,...
Kết bài: Cảm xúc, suy nghĩ của em khi được ngắm cảnh buổi sáng nơi em ở.