Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt trường Lương Thế Vinh năm 2020
Tải vềVì sao Giu-li-ét-ta “buông thõng hai tay, đôi mắt thẫn thờ tuyệt vọng” ? Lí do nào khiến Ma-ri-ô quyết định nhường cơ hội xuống xuồng cho Giu-li-ét-ta?
Đề bài
BÀI KHẢO SÁT MÔN TIẾNG VIỆT VÀO LỚP 6
Thời gian làm bài: 60 phút
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi bên dưới bằng cách khoanh tròn vào chữ cái đặt trước câu trả lời đúng:
Con tàu chìm dần, nước ngập các bao lớn. [...] Chiếc xuồng cuối cùng được thả xuống. Ai đó kêu lên: “Còn chỗ cho một đứa bé”. Hai đứa trẻ sực tỉnh, lao ra.
- Đứa nhỏ thôi! Nặng lắm rồi. - Một người nói.
Nghe thế, Giu-li-ét-ta sững sờ, buông thõng hai tay, đôi mắt thẫn thờ tuyệt vọng.
Một ý nghĩ vụt đến, Ma-ri-ô hét to: “Giu-li-ét-ta, xuống đi! Bạn còn bố mẹ…”
Nói rồi, cậu ôm ngang lưng Giu-li-ét-ta thả xuống nước. Người ta nắm tay cô lôi lên xuồng.
Chiếc xuồng bơi ra xa. Giu-li-ét-ta bàng hoàng nhìn Ma-ri-ô đang đứng bên mạn tàu, đầu ngửng cao, tóc bay trước gió. Cô bật khóc nức nở, giơ tay về phía cậu: “Vĩnh biệt Ma-ri-ô!”
(Trích Một vụ đắm tàu , A-mi-xi.
Tiếng Việt 5, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Câu 1. Vì sao Giu-li-ét-ta “buông thõng hai tay, đôi mắt thẫn thờ tuyệt vọng” ?
A. Vì con tàu đang chìm dần vào biển khơi, còn chiếc xuồng đang bơi ra xa.
B. Vì sắp phải xa Ma-ri-ô để lên xuồng cứu hộ.
C. Vì muốn nhường cho Ma-ri-ô xuống xuống trước mình.
D. Vì biết mình không được xuống xuồng, không còn cơ hội sống sót.
Câu 2. Lí do nào khiến Ma-ri-ô quyết định nhường cơ hội xuống xuồng cho Giu-li-ét-ta?
A. Giu-li-ét-ta là con gái, cần được bảo vệ, yêu thương.
B. Giu-li-ét-ta vẫn còn bố mẹ, có người đang mong đợi cô trở về.
C. Ma-ri-ô trông thấy sự tuyệt vọng trong mắt của Giu-li-ét-ta.
D. Ma-ri-ô tự tin mình có thể thoát khỏi hiểm nguy.
Câu 3. Dòng nào sau đây không nêu đúng phẩm chất mà Ma-ri-ô thể hiện qua đoạn trích trên?
A. Ma-ri-ô là một cậu bé dũng cảm.
B. Ma-ri-ô là một người bạn tốt, một người con hiếu thảo.
C. Ma-ri-ô là người nhân ái, sẵn sàng hi sinh vì người khác.
D. Ma-ri-ô là cậu bé mạnh mẽ, quyết đoán.
Câu 4. Trong những câu dưới đây, câu nào là câu cầu khiến?
A. “Còn chỗ cho một đứa bé”.
B. “Nặng lắm rồi”.
C. “Giu-li-ét-ta, xuống đi!”.
D. “Vĩnh biệt Ma-ri-ô!”.
PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Bài 1. (1,0 điểm)
a. Đặt một câu có từ “Hà Nội” được dùng như một tính từ.
b. Đặt một câu có từ “yêu thương” được dùng như một danh từ.
Bài 2. (1,0 điểm) Cho tổ hợp từ: “Những ngày tháng chúng tôi được học dưới mái trường tiểu học thân yêu này”.
a. Vì sao nói tổ hợp từ trên chưa tạo thành một câu?
b. Sửa lại tổ hợp từ trên để tạo thành một câu hoàn chỉnh theo hai cách khác nhau.
Bài 3. (2,0 điểm) Cho đoạn thơ sau:
“Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm hà nó thấp áo vàn
Thương nhau, tre chẳng ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.”
(Trích Tre Việt Nam , Nguyễn Duy,
Tiếng Việt 4, tập một , NXB Giáo dục Việt Nam, 2018)
Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên.
Bài 4. (4,0 điểm) Gia đình có ý nghĩa thật quan trọng với cuộc đời mỗi người.
Em hãy viết bài văn tả lại một bữa cơm sum họp gia đình ấm áp, vui vẻ.
------- Hết -------
Đáp án
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (2,0 điểm)
Câu 1. D |
Câu 2. B |
Câu 3. B |
Câu 4. C |
Mỗi câu trả lời đúng được 0,5 điểm.
Câu 1. Giu-li-ét-ta cảm thấy tuyệt vọng vì em biết mình không được xuống xuồng
cứu hộ khi xuồng chỉ còn một chỗ trống và dành cho đứa trẻ nhỏ hơn là Ma-ri-ô.
Câu 2. Ma-ri-ô quyết định nhường cơ hội xuống xuống cho Giu-li-ét-ta vì cậu đã mất bố, còn Giu-li-ét-ta vẫn còn bố mẹ, vẫn còn người mong đợi cô trở về. Ma-ri-ô đã chấp nhận hi sinh.
Câu 3. Trong đoạn trích, không có thông tin nào thể hiện Ma-ri-ô là một người con hiếu thảo.
Câu 4. Câu văn này là câu cầu khiến vì mục đích của nó là đưa ra lời yêu cầu, đề nghị. Trong câu có từ cầu khiến “đi”, kết thúc bằng dấu chấm than. Các câu trong phương án A, B là câu trần thuật (câu kể), câu trong phương án D là câu cảm thán.
PHẦN II. TỰ LUẬN (8,0 điểm)
Bài 1. (1,0 điểm)
Mỗi ý trả lời đúng được 0,5 điểm.
Gợi ý:
a. Bún chả là một món ăn đậm chất Hà Nội.
b. Những yêu thương cha mẹ dành cho con không gì đong đếm được.
Bài 2. (1,0 điểm)
a. (0,5 điểm)
Tổ hợp từ: “Những ngày tháng chúng tôi được học dưới mái trường tiểu học thân yêu này” chưa thành câu vì tổ hợp này mới là một cụm danh từ, chưa có cấu trúc hoàn chỉnh của câu với các thành phần chính là chủ ngữ và vị ngữ.
b. (0,5 điểm)
- Cách 1: Thêm thành phần câu còn thiếu:
Gợi ý: Những ngày tháng chúng tôi được học dưới mái trường tiểu học thân yêu này sẽ không bao giờ bị lãng quên.
- Cách 2: Thay đổi vị trí các từ ngữ trong tổ hợp:
Gợi ý: Những ngày tháng này, chúng tôi được học dưới mái trường tiểu học thân yêu.
Bài 3. (1,0 điểm)
Biện pháp tu từ (0,5 điểm): nhân hoá ( Tre mang những đặc điểm giống con người: thân bọc lấy thân, tay ôm, tay níu, thương nhau, ở riêng).
Tác dụng (1,5 điểm): Qua biện pháp tu từ nhân hóa, ta thấy tre là loài cây không
mọc đơn độc, lẻ loi mà mọc thành bụi, thành rặng để bảo vệ nhau trước bão tố. Đằng sau hình ảnh cây trẻ là hình ảnh con người Việt Nam: những người có tấm lòng tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống thường ngày cũng như trong những gian khó cuộc đời. Chính lòng nhân ái, tình đoàn kết đã tạo nên sức mạnh to lớn cho dân tộc vượt qua những thời điểm thử thách, gian nguy.
Bài 4. (4,0 điểm)
1. Yêu cầu về hình thức (1,0 điểm)
- Bài làm cần trình bày thành bài văn, có đủ ba phần mở bài, thân bài, kết bài, các phần được tách biệt thành các đoạn văn.
- Bài viết ngắn gọn, diễn đạt lưu loát, trình bày sạch sẽ, rõ ràng.
- Không mắc lỗi dùng từ, lỗi đặt câu, lỗi diễn đạt, lỗi chính tả.
2. Yêu cầu về nội dung (3,0 điểm)
Học sinh miêu tả bữa cơm sum họp của gia đình mình, nhưng bài viết cần đảm bảo các ý lớn sau:
Mở bài: Giới thiệu chung về bữa cơm sum họp (Khi nào? Ở đâu?) và ấn tượng chung của em về bữa cơm đó
Thân bài: Tả bữa cơm sum họp.
- Tả không khí chuẩn bị trước bữa cơm.
- Tả hoạt động của mọi người trong bữa cơm: không khí, cử chỉ, lời nói, cảm xúc... của từng thành viên trong gia đình.
- Kết thúc bữa cơm.
Kết bài: Suy nghĩ, tình cảm của em về bữa cơm đoàn tụ ấm áp, quý giá và ý nghĩa của gia đình.