Giải Bài tập Nói và nghe trang 45 sách bài tập Ngữ văn 8 - Cánh diều
Nêu những điểm cần chú ý khi thảo luận ý kiến về một vấn đề trong đời sống. Hãy phát biểu ý lớn: “Em hiểu thế nào là “bệnh” thành tích?” bằng những ý nhỏ và các dẫn chứng cụ thể.
Câu 1
Câu 1 (trang 45, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 1):
Nêu những điểm cần chú ý khi thảo luận ý kiến về một vấn đề trong đời sống.
Phương pháp giải:
Dựa vào hướng dẫn nêu ra những điểm cần lưu ý.
Lời giải chi tiết:
Thảo luận về một vấn đề trong đời sống là đưa ra ý kiến của cá nhân về vấn đề đó và trao đổi, bàn bạc, lắng nghe ý kiến của mọi người cùng tham gia để có hiểu biết đầy đủ, toàn diện hơn và lựa chọn được cách thức giải quyết vấn đề phù hợp.
Vấn đề trong đời sống có thể nêu lên từ thực tế cuộc sống nhưng cũng có thể rút ra từ các tác phẩm văn học.
Để thảo luận ý kiến về một vấn đề trong đời sống, các em cần chú ý:
- Quan tâm, theo dõi các sự kiện, hiện tượng,... trong cuộc sống xung quanh hoặc suy nghĩ từ các văn bản đọc hiểu để phát hiện vấn đề có ý nghĩa.
- Lựa chọn một vấn đề cần thảo luận. Tìm hiểu các thông tin về vấn đề và suy nghĩ, xác định ý kiến của em về vấn đề đó.
- Thảo luận trong nhóm về vấn đề đã lựa chọn.
- Khi thảo luận, cần nêu rõ cách hiểu hoặc quan điểm của bản thân về vấn đề đồng thời, tôn trọng các ý kiến khác.
Câu 2
Câu 2 (trang 45, SBT Ngữ văn 8 Cánh diều, tập 1):
Hãy phát biểu ý lớn: “Em hiểu thế nào là “bệnh” thành tích?” bằng những ý nhỏ và các dẫn chứng cụ thể.
Phương pháp giải:
Dựa vào hướng dẫn để thực hiện yêu cầu.
Lời giải chi tiết:
Khái niệm và biểu hiện của “bệnh thành tích”:
- Khái niệm: “bệnh” ở đây là thói xấu hoặc khuyết điểm về tư tưởng tạo nên những hành động đáng chê trách hoặc gây hại, “thành tích” là kết quả được đánh giá tốt do nỗ lực mà đạt được, “bệnh thành tích” là tư tưởng thích được khen ngợi, đánh giá cao nên tạo ra những thành tích không có thật hoặc chạy theo thành tích bên ngoài mà không chú trọng đến thực chất và các mặt lợi, hại của nó khi giá trị thực bên trong không được đảm bảo.
- Bệnh thành tích khác hoàn toàn với ý thức phấn đấu để đạt thành tích bởi một bên chỉ chú trọng đến cái bên ngoài, một bên chú ý đầy đủ đến các mặt bên ngoài và bên trong; một bên chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân, một bên hướng tới khẳng định mình bằng những đóng góp thật sự có giá trị; một bên xuất phát từ nhu cầu và động cơ cá nhân ích kỉ, một bên lại xuất phát từ ý thức trách nhiệm và tinh thần phấn đấu vươn lên...
- Biểu hiện của “bệnh thành tích”: Vì thành tích, chạy theo thành tích mà bất chấp điều kiện và nhu cầu thực tế tạo ra những thành tích giả tạo cốt để tạo uy tín cá nhân, để che mắt dư luận hoặc đế nhận sự khen thưởng của cấp trên...
Nguyên nhân của bệnh thành tích:
- Nguyên nhân khách quan:
+ Cơ chế đánh giá, khen thưởng của Nhà nước chủ yếu dựa vào thành tích đạt được trong quá trình hoạt động của các tập thể, cá nhân.
+ Khả năng quản lí của các cơ quan chủ quản chưa thật chặt chẽ nên khi đánh giá lại chủ yếu dựa vào những báo cáo hoặc thành tích bề nổi, chưa thực sự xem xét phân tích để đánh giá chính xác thực chất.
+ Tâm lí xã hội vẫn chú trọng đến thành tích, kết quả mà chưa thực sự coi trọng phương pháp, quá trình.
- Nguyên nhân chủ quan:
+ Do hạn chế về tư tưởng nên dễ bị cám dỗ, cuốn hút bởi những yếu tố bề nổi, bên ngoài.
+ Do kém cỏi trong nhận thức nên không thấy được mối quan hệ cần thiết phải có giữa danh và thực, thành tích bề nổi và giá trị thực sự bên trong.
+ Do thiếu ý thức trách nhiệm nên không chú ý đến việc xây dựng nền tảng, gốc rễ cho một sự phát triển bền vững mà chỉ chạy theo những kết quả giả tạo đế thỏa mãn nhu cầu cá nhân ích kỉ.
Hậu quả:
- Với sự phát triển nhân cách con người: Sự tồn tại của bệnh thành tích sẽ làm hình thành cả một lớp người chạy theo thành tích, sống trong những điều giả tạo và góp phần tạo nên một thế giới giả tạo. Tất cả những thứ giả tạo sẽ hủy hoại hoặc chí ít cũng làm lệch lạc sự phát triển nhân cách của con người.
- Với môi trường xã hội và sự phát triển của đất nước:
+ Môi trường xã hội: tạo thành một môi trường với những cạnh tranh không lành mạnh, những quan hệ không lành mạnh.
+ Sự phát triển của đất nước: khi thành tích chỉ là giả hoặc không có giá trị thật, nó không những không tạo động lực cho sự phát triển của đất nước mà còn có thể đem đến những rạn nứt, suy thoái nghiêm trọng.
Giải pháp khắc phục bệnh thành tích:
- Đối với người quản lí và chính sách quản lí:
+ Cần xem xét một cách toàn diện mối quan hệ giữa thành tích đạt được với cách thức và quá trình đạt được nó để xác định chính xác thực chất giá trị của thành tích.
+ Cần đặt ra những mục tiêu có tính thực tế, những kế hoạch cụ thế đế tạo cơ sở thực tế cho những thành tích sau này.
+ Cần quản lí chặt chẽ và điều tra nghiêm túc để loại bỏ những thành tích ảo.
- Đối với mỗi cá nhân:
+ Cần nâng cao hiểu biết để nhận rõ cái lợi, cái hại, điều cần thiết và những gì không thực sự cần cho sự phát triển chung.
+ Cần nâng cao năng lực của bản thân để tạo ra những thành tích thật sự có giá trị
+ Cần rèn luyện bản lĩnh và xây dựng một ý thức, tư tưởng đúng đắn, lành mạnh để thực hiện trách nhiệm của bản thân trong mỗi việc làm.