Giải Đọc hiểu trang 41 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5 — Không quảng cáo

Giải bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt lớp 5 Bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5 - Tuần 9


Giải Đọc hiểu trang 41 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5

Đọc bài Giới thiệu sách. Bài Giới thiệu sách giới thiệu những câu chuyện gì. Con người trong câu chuyện sống với thiên nhiên như thế nào. Em hãy ghi lại những nhận xét của tác giả về truyện Những câu chuyện thời tiền sử. Sau khi nghe giới thiệu về hai câu chuyện, em muốn lựa chọn truyện nào để đọc.

Bài đọc

Đọc bài Giới thiệu sách và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

GIỚI THIỆU SÁCH

Sự tích các loài vật – Chuyện như thế đó của Kíp-ling và Những câu chuyện thời tiền sử của Mo-ra-via dẫn dắt người đọc đi đến cội nguồn hoang dã bằng cách kể hóm hỉnh, hấp dẫn, mở ra trong mắt trẻ nhỏ sự tưởng tượng phong phú, niềm ham thích khám phá thiên nhiên không giới hạn.

12 câu chuyện trong Sự tích các loài vật – Chuyện như thế đó là một loạt các gợi ý đầy tò mò: Vì sao cổ họng cá voi lại hẹp? Vì sao lạc đà có bướu trên lưng? Vì sao da tê giác sần sùi? Vì sao báo có đốm chấm? Cái vòi của con voi có gì đặc biệt?...

Trong những câu chuyện về loài vật của Kíp-ling xuất hiện con người. Ở đó con người cùng sống hoà bình với loài vật, thuần hoá những con vật hoang dại để cùng tận dụng sức lực của nhau vượt qua các trở ngại của xứ sở hoang dại. Con người học từ loài vật sự thông minh, nhanh trí. Có hai truyện ngắn Kíp-ling dành kể về cô gái nhỏ Táp-phi, được tác giả viết cho chính con gái ông. Đó là truyện Bức thư đầu tiên của loài người được viết thế nào? và Các chữ cái được phát minh ra sao? Kì diệu biết bao, người cha chia sẻ những câu chuyện cùng con gái nhỏ, từ bức vẽ đầu tiên, ý tưởng đầu tiên, cùng thảo những nét nguệch ngoạc đầu tiên về chữ viết.

Còn Những câu chuyện thời tiền sử cũng là chuyện loài vật, nhưng Mo-ra-via kể chuyện bằng giọng hóm hỉnh đến kinh ngạc. Những câu chuyện của ông miêu tả thế giới ngày xưa sinh động một cách khác lạ.

24 truyện ngắn trong sách đưa người đọc thực hiện những chuyến phiêu lưu cùng với muôn loài, để khám phá giống loài, tìm vùng đất mới, hiểu về mẹ thiên nhiên, hiểu về đặc điểm lạ kì của cơ thể.

Ông giải thích “nước mắt cá sấu” bằng chuyện chú Cá Sấu mở vũ trường trong miệng mời các loài cá đến chơi để làm mồi cho nó. Nhưng âm mưu của Cá Sấu bị chú Cá Tầm nhỏ bé phát hiện và dạy cho Cá Sấu bài học đích đáng.

Ông kể thời Cá Voi nhỏ xíu và có chân thì nó luôn muốn mình to lớn, nhưng lúc được to lớn thì lại trở nên ù lì ngu ngốc làm sao...

Những câu chuyện có kết thúc không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Tuy nhiên, qua đó bạn đọc nhỏ tuổi cũng có thể nhận ra hàm ý: mọi việc đều có bản chất riêng, ý nghĩa riêng, không phải người này phải giống như người khác, không phải nơi này sẽ tốt hơn nơi khác.

Đọc hai cuốn sách, các bạn nhỏ đều hiểu rằng trí tưởng tượng không bao giờ có giới hạn. Và các bạn hoàn toàn có quyền bay bổng trong trí tưởng tượng của riêng mình.

Câu 1

Bài Giới thiệu sách giới thiệu những câu chuyện gì? (Khoanh vào chữ cái trước ý đúng)

A. Sự tích loài vật và Chuyện như thế đó

B. Sự tích loài vật – Chuyện như thế đó Những câu chuyện thời tiền sử

C. Những câu chuyện thời tiền sử

Phương pháp giải:

Học sinh đọc kĩ câu đầu tiên bài Giới thiệu sách để chọn đáp án đúng.

“Sự tích các loài vật – Chuyện như thế đó của Kíp-ling và Những câu chuyện thời tiền sử của Mo-ra-via dẫn dắt người đọc đi đến cội nguồn hoang dã bằng cách kể hóm hỉnh, hấp dẫn, mở ra trong mắt trẻ nhỏ sự tưởng tượng phong phú, niềm ham thích khám phá thiên nhiên không giới hạn.”

Lời giải chi tiết:

Bài Giới thiệu sách giới thiệu những câu chuyện Sự tích loài vật – Chuyện như thế đó Những câu chuyện thời tiền sử

Chọn B

Câu 2

a) Những câu hỏi, gợi ý được đặt ra trong truyện Sự tích loài vật – Chuyện như thế đó là gì?

=> Các câu chuyện nhằm giải thích về:.......................................................................

b) Con người trong câu chuyện sống với thiên nhiên như thế nào?

=> Con người sống với thiên nhiên:.............................................................................

Phương pháp giải:

Học sinh đọc kĩ bài đọc để tìm ra câu trả lời đúng.

Lời giải chi tiết:

a)

Các câu chuyện nhằm giải thích về: Vì sao cổ họng cá voi lại hẹp? Vì sao lạc đà có bướu trên lưng? Vì sao da tê giác sần sùi? Vì sao báo có đốm chấm? Cái vòi của con voi có gì đặc biệt?...

b)

Con người sống với thiên nhiên: Con người cùng sống hoà bình với loài vật, thuần hoá những con vật hoang dại để cùng tận dụng sức lực của nhau vượt qua các trở ngại của xứ sở hoang dại.

Câu 3

Em hãy ghi lại những nhận xét của tác giả về truyện Những câu chuyện thời tiền sử :

- Về giọng văn của tác giả:.....................................................................................

- Về câu chuyện “Nước mắt cá sấu”:......................................................................

- Về câu chuyện chân voi:.......................................................................................

Phương pháp giải:

Học sinh đọc kĩ bài đọc và ghi lại những nhận xét của tác giả về truyện Những câu chuyện thời tiền sử.

Lời giải chi tiết:

- Về giọng văn của tác giả: hóm hỉnh đến kinh ngạc.

- Về câu chuyện “Nước mắt cá sấu”: Âm mưu của Cá Sấu bị chú Cá Tầm nhỏ bé phát hiện và dạy cho Cá Sấu bài học đích đáng.

- Về câu chuyện chân voi: ù lì ngu ngốc làm sao.

Câu 4

Sau khi nghe giới thiệu về hai câu chuyện, em muốn lựa chọn truyện nào để đọc? Vì sao?

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Sau khi nghe giới thiệu về hai câu chuyện, em muốn lựa chọn truyện Sự tích các loài vật – chuyện như thế đó để đọc.

Vì em muốn hiểu thêm về thế giới loài vật, những điều đặc biệt, kỳ lạ,.... và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên.

Câu 5

Ý nghĩa của câu “Đọc hai cuốn sách trên, các bạn nhỏ đều hiểu rằng trí tưởng tượng không bao giờ có giới hạn.” là:

A. Cuốn sách giúp cho các bạn nhỏ được khám phá những vùng đất mới.

B. Cuốn sách giúp cho các bạn nhỏ được mơ mộng, sáng tạo và thoả sức tưởng tượng.

C. Cuốn sách giúp cho các bạn thêm yêu thiên nhiên và loài vật.

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Ý nghĩa của câu “Đọc hai cuốn sách trên, các bạn nhỏ đều hiểu rằng trí tưởng tượng không bao giờ có giới hạn.” là cuốn sách giúp cho các bạn nhỏ được mơ mộng, sáng tạo và thoả sức tưởng tượng.

Chọn B

Câu 6

Nếu là em, khi được giải thích về “nước mắt cá sấu” em sẽ giải thích như thế nào?

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Nếu là em, khi được giải thích về “nước mắt cá sấu” em sẽ giải thích là: một biểu hiện giả dối, không thành thật của cảm xúc, khóc những giọt nước mắt đau buồn giả tạo.

Câu 7

Hãy đọc đoạn trích sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

Hoàng hôn bắt đầu ngả dài theo các bóng cây. Mặt trời không còn đỏ ửng mà thay vào đó là những ráng hồng tía như những bó đuốc sắp lịm vào bóng tối. Bầu trời hơi sẫm lại nhưng vẫn còn đủ để cho các lá cây rừng hắt lên những ánh sáng mờ mờ.

Gió đang đẩy mây đi nhanh. Hình như gió muốn mây về nhà ngủ cho kịp kéo bóng tối sập xuống.

Bầu trời chỉ còn lỗ chỗ một vài đám mây lơ thơ mải chơi, dùng dằng chẳng muốn về phía xa chân trời.

Và đến khi mặt trời vừa khuất hẳn đã thấy từ phía bầu trời hiện lên vệt sáng của trăng.

Vệt sáng ban đầu chỉ mơ hồ hắt nhẹ lên nền trời tối thẫm dải ánh sáng mờ nhạt nhưng càng lúc càng đậm dần.

Rừng cây xao xác.

Hình như chúng hồi hộp để đợi trăng lên.

(Thảo Điệp)

Em hãy tìm những từ ngữ miêu tả bầu trời trong đoạn văn trên (chú ý các từ thể hiện sự so sánh, nhân hoá).

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn trích để tìm ra những từ ngữ miêu tả bầu trời.

Lời giải chi tiết:

Những từ thể hiện sự so sánh: ráng hồng tía như những bó đuốc sắp lịm vào bóng tối.

Những từ thể hiện sự nhân hóa: ngả dài, đẩy, muốn, đi nhanh, sập xuống, lơ thơ mải chơi, dùng dằng chẳng muốn về, khuất, mơ hồ hắt nhẹ.

Những từ khác: sẫm, mờ mờ, lỗ chỗ, tối thẫm, mờ nhạt, đậm dần.

Câu 8

Em hãy viết hai câu để miêu tả bức ảnh dưới đây:

(Chú thích về bức ảnh: Chú vẹt A-lếch có khả năng nhận thức vượt trội so với đồng loại. Chú rất thân thiết với người chủ, tiến sĩ tâm lí động vật học. Vị tiến sĩ này đã huấn luyện vẹt A-lếch trở thành cá thể độc nhất vô nhị có thể nói được hơn 100 từ. Khi vị tiến sĩ qua đời năm 2007, A-lếch đã dành những lời sau cuối cho bà: “Bà sẽ ổn thôi. Tôi yêu bà).

Phương pháp giải:

Em quan sát bức tranh để miêu tả cho phù hợp.

Lời giải chi tiết:

Vị tiến sĩ già đang chơi cùng chú vẹt A - lếch đáng yêu của mình. Chú vẹt thông minh đã dụi mỏ vào mũi bà để thể hiện tình cảm yêu thương.


Cùng chủ đề:

Giải Đọc hiểu trang 27 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5 tập 2
Giải Đọc hiểu trang 31 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5
Giải Đọc hiểu trang 31 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5 tập 2
Giải Đọc hiểu trang 36 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5
Giải Đọc hiểu trang 36 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5 tập 2
Giải Đọc hiểu trang 41 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5
Giải Đọc hiểu trang 41 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5 tập 2
Giải Đọc hiểu trang 45 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5 tập 2
Giải Đọc hiểu trang 47 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5
Giải Đọc hiểu trang 48 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5 tập 2
Giải Đọc hiểu trang 50 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5