Bài 21. Sinh trưởng và phát triển ở động vật trang 73, 74 SBT Sinh học Chân trời sáng tạo
Nhận xét nào sau đây không đúng khi nói về đặc điểm sinh trưởng và phát triển ở động vật?
21.1
Nhận xét nào sau đây không đúng khi nói về đặc điểm sinh trưởng và phát triển ở động vật?
A. Cơ thể động vật sinh trưởng với tốc độ không đều.
B. Các phần khác nhau của cơ thể động vật có tốc độ sinh trưởng không giống nhau.
C. Sinh trưởng đạt mức tối đa của các loài vật nuôi tuỳ thuộc vào điều kiện chăm sóc.
D. Phôi thai có sự phát triển của các cơ quan, hệ cơ quan khác nhau.
Phương pháp giải:
C. Sai. Sinh trưởng đạt mức tối đa của các loài vật nuôi tuỳ thuộc vào giống, loài động vật. Các loài khác nhau có tốc độ và giới hạn sinh trưởng khác nhau.
Lời giải chi tiết:
Đáp án đúng là: C
21.2
Ở người, bệnh già trước tuổi (bệnh nhân có biểu hiện già ở tuổi thiếu nhi) là do sai lệch trong hệ gene. Nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở người bệnh lúc này là
A. thức ăn.
B. các hormone sinh trưởng và phát triển.
C. ánh sáng.
D. tính di truyền.
Phương pháp giải:
Ở người, bệnh già trước tuổi (bệnh nhân có biểu hiện già ở tuổi thiếu nhi) là do sai lệch trong hệ gene → Nhân tố ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển ở người bệnh lúc này là tính di truyền.
Lời giải chi tiết:
Đáp án đúng là: D
21.3
Điền từ/cụm từ thích hợp vào chỗ trống.
Quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật bắt đầu từ khi ...(1)... cho đến khi ...(2)... và chia làm hai ...(3)... bao gồm: ...(4)... và ...(5)...
Phương pháp giải:
Lý thuyết sinh trưởng và phát triển ở động vật
Lời giải chi tiết:
(1) hợp tử phân bào
(2) trưởng thành
(3) giai đoạn chính
(4) giai đoạn phôi
(5) giai đoạn hậu phôi
21.4
Tiêu chí để phân biệt các hình thức phát triển ở động vật là
A. biến thái.
B. cân nặng.
C. hình thái.
D. cấu tạo cơ thể.
Phương pháp giải:
Tiêu chí để phân biệt các hình thức phát triển ở động vật là biến thái. Dựa vào sự biến thái, người ta phân biệt hai kiểu phát triển là: phát triển không qua biến thái và phát triển qua biến thái. Phát triển qua biến thái lại chia làm hai loại: phát triển qua biến thái hoàn toàn và phát triển qua biến thái không hoàn toàn.
Lời giải chi tiết:
Đáp án đúng là: A
21.5
Lập bảng phân biệt phát triển qua biến thái hoàn toàn và phát triển qua biến thái không hoàn toàn.
Phương pháp giải:
Lý thuyết các kiểu biến thái
Lời giải chi tiết:
Tiêu chí |
Phát triển qua biến thái hoàn toàn |
Phát triển qua biến thái không hoàn toàn |
Đại diện |
Bướm, chuồn chuồn, ếch,… |
Châu chấu, gián, ve sầu,… |
Đặc điểm của ấu trùng so với con trưởng thành |
Ấu trùng có hình thái, cấu tạo và sinh lí rất khác với con trưởng thành. |
Ấu trùng có hình thái gần giống con trưởng thành nhưng phát triển chưa hoàn thiện. |
Vòng đời |
Trải qua nhiều lần lột xác, có giai đoạn trung gian. |
Trải qua nhiều lần lột xác. |
21.6
Tại sao trong chăn nuôi, người ta thường thu hoạch vật nuôi sau một thời gian nhất định chứ không nuôi đến khi cá thể đạt tới khối lượng tối đa?
Phương pháp giải:
Tốc độ sinh trưởng ở quãng thời gian sắp đạt tới khối lượng tối đa thường chậm hơn so với giai đoạn trước đó.
Lời giải chi tiết:
Trong chăn nuôi, người ta thường thu hoạch vật nuôi sau một thời gian nhất định chứ không nuôi đến khi cá thể đạt tới khối lượng tối đa vì:
- Tốc độ sinh trưởng ở quãng thời gian sắp đạt tới khối lượng tối đa thường chậm hơn so với giai đoạn trước đó. Nếu kéo dài thời gian nuôi thì sẽ gây lãng phí về lượng thức ăn và các chi phí khác cho vật nuôi.
- Ngoài ra, người ta còn tính toán đến giá trị dinh dưỡng ở từng giai đoạn sinh trưởng của vật nuôi để quyết định thời điểm thu hoạch.
21.7
Sự phát triển ở sâu bọ sẽ thay đổi như thế nào trong các trường hợp sau:
a) Lượng hormone juvenile tiết ra nhiều hơn bình thường.
b) Lượng hormone ecdysone tiết ra nhiều hơn bình thường.
Phương pháp giải:
Dựa vào vai trò của các hormone
Lời giải chi tiết:
a) Khi lượng hormone juvenile tiết ra nhiều hơn bình thường: ức chế nhiều hơn dẫn đến làm chậm hoặc không xảy ra quá trình biến đổi sâu thành nhộng và bướm.
b) Khi lượng hormone ecdysone tiết ra nhiều hơn bình thường: thúc đẩy nhanh hơn quá trình biến đổi sâu thành nhộng và bướm.
21.8
Đọc đoạn thông tin sau và trả lời câu hỏi.
Khi bố trí nuôi gà trong chuồng, người nuôi cần dựa vào diện tích cụ thể của trang trại để tính mật độ số gà trong chuồng và chỉ nên thả 6 – 8 con gà/m 2 . Nếu nuôi gà với mật độ quá dày sẽ ảnh hưởng đến năng suất kinh tế của trang trại.
Nếu là một cán bộ của hợp tác xã chăn nuôi, em sẽ giải thích như thế nào để bà con nông dân hiểu rõ hơn về khuyến cáo này?
Phương pháp giải:
Nếu nuôi gà với mật độ quá dày sẽ ảnh hưởng đến năng suất kinh tế của trang trại.
Lời giải chi tiết:
Giải thích: Nếu nuôi gà với mật độ quá dày, không gian sống trở nên chật chội thì quá trình sinh trưởng và phát triển của gà sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực do không đáp ứng được sự thông khí, nhiệt độ chuồng nuôi, độ ẩm, độ sạch của không khí. Khi đó, đàn gà sẽ khó đạt được tốc độ sinh trưởng và phát triển tối ưu nên năng suất kinh tế của trang trại sẽ bị ảnh hưởng.
21.9
Có hai bạn đang tranh luận với nhau về chế độ dinh dưỡng của lứa tuổi 15 – 19 tuổi. Bạn thứ nhất nói: “Thịt, cá là loại thức ăn giàu đạm nên cần bổ sung nhiều cho giai đoạn này". Bạn thứ hai nói: “Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa cung cấp nhiều calcium nên cần uống nhiều sữa hơn so với ăn thịt, cá". Em có đồng ý với ý kiến của hai bạn không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Dựa vào ý kiến của em
Lời giải chi tiết:
Ý kiến của hai bạn đều đúng khi nhận xét về thành phần các chất dinh dưỡng có nhiều trong các loại thức ăn như thịt, cá, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa. Tuy nhiên, đối với từng giai đoạn phát triển của con người nói chung, ở lứa tuổi 15 – 19 tuổi nói riêng thì nhu cầu đối với các loại chất dinh dưỡng này có tỉ lệ khuyến cáo nhất định (tham khảo Hình 21.9, trang 148 SGK). Chúng ta không nên chỉ sử dụng một loại thức ăn mà nên ăn phối hợp nhiều loại và sử dụng chúng một cách cân đối, phù hợp.
21.10
Hãy thiết kế poster hoặc infographic để tuyên truyền các biện pháp bảo vệ sức khỏe tuổi dậy thì.
Phương pháp giải:
HS tự thiết kế
Lời giải chi tiết:
Một số poster hoặc infographic để tuyên truyền các biện pháp bảo vệ sức khỏe tuổi dậy thì: