Hãy phân tích nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao — Không quảng cáo

Tổng hợp các bài văn nghị luận về tác phẩm Lão Hạc


Hãy phân tích nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao

Truyện Lão Hạc được miêu tả và kể lại bằng những tâm sự của nhân vật chính và xung quanh nhân vật chính. Đó là tâm sự của Lão Hạc về con chó, về người con trai của lão, về kiếp người, về cái chết, về mảnh vườn

Viết về đề tài nông dân trước cách mạng, "Lão Hạc" là một truyện ngắn độc đáo, đặc sắc của nhà văn Nam Cao. Một truyện ngắn chứa chan tình người, lay động bao nỗi xót thương khi tác giả kể về cuộc đời cô đơn bất hạnh và cái chết đau đớn của một lão nông nghèo khổ. Nhân vật lão Hạc đã để lại trong lòng ta bao ám ảnh khi nghĩ về số phận con người, số phận người nông dân Việt Nam trong xã hội cũ.

Truyện Lão Hạc được miêu tả và kể lại bằng những tâm sự của nhân vật chính và xung quanh nhân vật chính. Đó là tâm sự của Lão Hạc về con chó, về người con trai của lão, về kiếp người, về cái chết, về mảnh vườn. Đó là tâm sự của ông giáo, của vợ ông giáo, của Binh Tư về thân phận lão Hạc. Có đoạn Nam Cao tả ngoại hình nhân vật bằng những từ tượng hình rất ấn tượng, đó cũng là một gương mặt mang nỗi đau của cõi lòng quặn thắt: (cười như mếu, mắt ầng ậng nước, mặt đột nhiên co dúm lại, những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra...). Đây là một tâm sự đau nhất của một tâm hồn trong trẻo, chân thật: "Thì ra tôi già bằng này tuổi rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó”. Sự xuất hiện của các nhân vật khác trong truyện đều không được miêu tả ngoại hình, mỗi người chỉ hiện diện bằng một tâm sự về lão Hạc và bằng một tâm sự của nhà văn về thân phận họ. Có tâm sự hoài nghi, miệt thị của Binh Tư “làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão hạc bởi vì lão lương thiện quá”. Có tâm sự của người con trai lão Hạc, rất thương cha nhưng phải bỏ làng ra đi và mang trong lòng một niềm u uất.

Nhân vật ông giáo trong truyện là một mạch tâm sự có biến động, từ “dửng dưng” đến “ái ngại” “muốn ôm choàng lấy lão mà oà lên khóc” đến kính trọng.

Bàng hoàng: “Hỡi ôi lão Hạc... con người đáng kính ấy”. Sau cùng là thái độ vững tin thầm lặng, bền bỉ, sáng ngời vào nhân cách của lão Hạc. Lão Hạc kết thúc đời mình trong khung cảnh “nhốn nháo”, “chẳng ai hiểu” của dư luận, nhưng câu chuyện lại truyền đi một thông điệp cuối cùng, thông thiết, son sắt như một lời thề: “Lão Hạc ơi! Lão Hạc ơi! Lão hãy yên lòng mà nhắm mắt... Đến khi con trai lão về, tôi sẽ trao lại cho hắn và bảo hắn: “Đây là cái vườn mà ông cụ thân sinh ra anh đã cố để lại cho anh trọn vẹn”.

Cốt truyện lão Hạc thể hiện trực tiếp tấm lòng của nhà văn về con người, một quan niệm nghệ thuật đựơc thể hiện thành một mạch tâm sự rung động của các mạch tâm sự, để hiện ra một tâm thế của người nông dân.

Lão Hạc là chân dung của một tâm hồn lão nông Việt Nam “đáng kính”, nói theo ngôn ngữ của nhân vật ông giáo trong truyện. Phần đáng kính ấy là cõi lòng của lão, một khối tâm sự nhức nhối bởi sự vò xé, xô đẩy không nguôi giữa một bên là cảnh đời túng quẩn, với một bên là cõi lòng lão Hạc đôn hậu, trong sáng.

Cảm hứng nổi bật của Nam Cao trong truyện ngắn lão Hạc là khẳng định mãnh liệt về tình thương, niềm tin đối với con người. Lão Hạc tin vào đứa con của mình, lão tin vào con trai lão sẽ trở về.

Có lần lão nói một cách rất ấn tượng làm người nghe phải run lên: “Nếu kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người... kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn!...” Lão hồn nhiên và trung thực, tự trọng, đến mức trong trẻo: “tôi già bằng này tuổi đầu rồi mà còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó” . Và ngay cả khi chết lão cũng tính toán kĩ bằng ý thức trung thực và tự trọng.

Đặc sắc của Nam Cao trong việc diễn đạt về người nông dân lao khổ là ở chỗ đó. Đây là một “dụng công” nghệ thuật của nhà văn. Con chó gắn với kỉ niệm đau buồn và dục vọng hạnh phúc của lão Hạc về đứa con, gắn với nỗi ân hận cao thượng về đức tính trung thực, về triết lý chua chát quanh kiếp người. Truyện ngắn Lão Hạc, cao vút một niềm tin sâu sắc của Nam Cao vào con người.


Cùng chủ đề:

Hãy kể về người mẹ kính yêu của em
Hãy kể về việc làm mà nhờ đó, mình đem lại niềm vui cho người khác,ngữ văn 8
Hãy nêu lên những suy nghĩ của em về câu nói sau đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh: . . . "Non sông
Hãy nêu suy nghĩ của em về vai trò của những người lãnh đạo anh minh như Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn đối với vận mệnh đất nước
Hãy phân tích bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà
Hãy phân tích nhân vật lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao
Hãy phân tích tâm trạng bức bối, khao khát tự do qua bài thơ Khi con tu hú của nhà thơ Tố Hữu
Hãy tóm tắt văn bản trích Tức nước vỡ bờ (trích Tắt đèn của Ngô Tất Tố) trong khoảng 5 câu đến 7 câu, trong đó có sử dụng ít nhất một câu ghép
Hãy tóm tắt đoạn trích Tức nước vỡ bờ
Hãy viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của mình về người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945
Hạt dẻ Trùng Khánh