Ông ngoại tôi dẫn tôi đến và giới thiệu tôi với tiểu đội trưởng của ông ngày xưa - ông Nguyên. Ông Nguyên có khuôn mặt phúc hậu với nụ cười rất hiền từ, trìu mến. Ông có mái tóc bạc trắng, làn da đỏ au và giọng nói sang sảng, khỏe khoắn.
Hôm nay, ông ngoại tôi dậy từ rất sớm. Ông vừa tập thể dục vừa huýt sáo rất vui vẻ. Từ trong phòng mình tôi cũng có thế nghe thấy giai diệu của những bài hát Cách mạng thật hùng tráng. Tôi sực nhớ ra sáng hôm nay là ngày 22 tháng 12, ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng là ngày đơn vị cũ của ông tôi tổ chức họp mặt các cựu chiến binh. Ông tôi lấy bộ huân huy chương của ông ra, lau tỉ mỉ từng chiếc cho sáng bóng lên, là bộ quân phục cũ thật phẳng phiu, sẵn sàng cho buổi họp trang trọng này. Thật may mắn, tôi được theo ông đến dự buổi họp mặt bởi ông ngoại muốn tôi hiểu rõ hơn về cuộc kháng chiến oanh liệt đã qua.
Khi ông và tôi đến thì hội trường đã chật cứng người. Niềm vui của mỗi người cũng lộ rõ trên từng ánh mắt, nụ cười. Đã lâu rồi mọi người trong đơn vị mới được gặp lại nhau. Cả hội trường tràn ngập tiếng hỏi han, tiếng cười vui sướng. Các ông bà nay đều đã già nhưng vẫn rất vui vẻ. lạc quan và rất khỏe mạnh. Ông ngoại tôi dẫn tôi đến và giới thiệu tôi với tiểu đội trưởng của ông ngày xưa - ông Nguyên. Ông Nguyên có khuôn mặt phúc hậu với nụ cười rất hiền từ, trìu mến. Ông có mái tóc bạc trắng, làn da đỏ au và giọng nói sang sảng, khỏe khoắn. Thoạt nhìn ông tôi đã cảm thấy ông là một người rất dễ mến. Khi biết tôi muốn tìm hiểu về cuộc sống chiến đấu của bộ đội ta thời chiến tranh, ông xoa đầu tôi và bảo: “Cháu biết vậy là tốt lắm. Thế hệ trẻ bây giờ cần phải biết cha ông ta khi xưa đã phải gian lao thế nào để bảo vệ nền độc lập cho Tổ quốc”. Ông tôi và ông Nguyên đều là những chiến sĩ lái xe trên con đường Trường Sơn lịch sử mà chiến công của họ đã từng được đưa vào thơ văn. Điển hình là Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Tôi hỏi ông Nguyên “Ông ơỉ, cháu thấy các ông thật là giỏi, xe không có kính mà vẫn lái được. Như chúng cháu bây giờ thì làm sao mà chịu nổi bụi bặm như vậy, chưa kể chúng cháu còn được đi trên những con đường được trải nhựa hết sức bằng phẳng. Ông Nguyên nhìn tôi rồi cười và nói: “Chiến tranh mà cháu, bom đạn đã cướp đi tính mạng biết bao con người huống chi là cái kính xe ô tô. Các ông phải lái xe trong mưa bom bão đạn, ranh giới giữa sự sống và cái chết mỏng manh lắm. Lúc đó cái chết kề cận các ông còn không sợ thì bụi chỉ là chuyện nhỏ thôi, cháu gái ạ. Thực sự thì xe không có kính cùng kéo theo nhiều phiền toái lắm: Gió và bụi cứ thế ùa vào buồng lái, nhiều lúc mắt ông cay xè tưởng như không nhìn rõ đường nữa. Chưa kể có những hôm trời mưa, nước mưa tuôn xối xả vào buồng lái. Uớt lạnh kinh khủng nhưng vẫn cố lái, không hề ngừng nghỉ. Rồi ông hắng giọng đọc to:
Không có kính, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa phì phèo châm điểu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha.
Tôi nói : “Cháu đã đọc Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật, cháu thấy nhà thơ viết rất chân thực về cuộc sống gian khổ của các ông. Bài thơ đã để lại cho cháu ấn tượng rất sâu sắc”. Ông Nguyên tiếp lời ngay: “Đúng, bài thơ hay lắm, vì Phạm Tiến Duật cũng là lính Trường Sơn, tận mắt chứng kiến bộ đội ta chiến đấu như thế nào. Nhưng theo ông thì không có thơ văn nào diễn tả hết được đâu cháu. Một trong những nỗi khổ của bộ đội các ông chính là phải xa gia đình - mái ấm thân yêu. Từng lá thư gia đình gửi lên, từng món quà hiếm hoi các ông cũng chia sẻ với nhau cho vơi bớt nỗi nhớ nhà. Và trong hoàn cảnh như vậy thì tình đồng đội đã giúp các ông rất nhiều, các ông cùng nhau ăn ngủ, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui, chia sẻ những tiếng cười nhưng xúc động nhất là được bắt tay nhau thật nhanh, thật chặt qua cái cửa không kính ấy. Bởi vì mình cần sống và được chứng kiến rằng bạn mình vẫn sống, khoẻ mạnh. Chiến tranh khốc liệt đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng con người, nhiều đồng đội cũ hằng chiến đấu cùng ông và ông ngoại cháu đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường, có những người hài cốt vẫn chưa được tìm thấy. Mỗi lần nhớ đến họ, ông lại rất thương cảm, xót xa”. Sau một khoảng im lặng, tôi tiếp tục hỏi ông: “Vậy ông thích câu thơ nào nhất trong bài thơ ạ?” Ông Nguyên nhăn trán lại suy nghĩ rồi đáp: “Hai câu cuối cháu ạ: Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước – Chỉ cần trong xe có một trái tim”. Hai câu này thật giàu ý nghĩa, chính tấm lòng yêu nước, ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam đã thúc đấy bộ đội ta vượt lên trên mọi gian khổ, hi sinh. Chiếc xe ở đây không phải chạy bằng xăng, dầu mà chạy bằng nhiên liệu vĩnh cửu đó là lòng yêu nước của những người lính lái xe đấy”. Ông Nguyên lại xoa đầu tôi rồi nhìn thẳng vào mắt tôi, ông nói:
“Hiểu được những gian khổ mà cha ông ta phải trải qua để bảo vệ đất nước khỏi ách nô dịch của giặc ngoại xâm, các cháu phải cố gắng học thật giỏi, đem lại vinh quang cho đất nước, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp nhé!”.
Về đến nhà rồi mà trong đầu tôi vẫn âm vang những lời dặn dò của ông Nguyên. Vâng, thế hệ trẻ chúng ta phải luôn ghi nhớ công ơn của cha ông từ thời xưa giữ nước, chúng ta phải làm rạng danh cho non sông để đền đáp công ơn như trời biển ấy.