Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản trong bài thơ Cảnh khuya — Không quảng cáo

Tổng hợp các bài văn nghị luận về tác phẩm Cảnh khuya


Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản trong bài thơ Cảnh khuya.

Bác của chúng ta là như vậy, yêu thiên nhiên, chan hòa với thiên nhiên nhưng cũng yêu nước thương dân tha thiết. Bài thơ là bức tranh tràn ngập ánh trăng nơi núi rừng Việt Bắc - nơi ấy người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.

Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu khái quát về tác giả Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ tài ba vĩ đại của dân tộc Việt Nam, lại vừa là một nhà thơ xuất sắc.

- Giới thiệu về bài thơ “Cảnh khuya”: Bài thơ được sáng tác vào những năm kháng chiến chống Pháp.

- Hình tượng người chiến sĩ cộng sản là hình tượng nổi bật với vẻ đẹp sáng ngời.

2. Thân bài

a. Người chiến sĩ cộng sản với tâm hồn lãng mạn, yêu thiên nhiên

- Mở đầu bằng âm thanh của tiếng suối: tiếng suối trong rừng xa xa vọng lại như tiếng hát của người con gái trong trẻo ngân vang.

+ Ở đây ta nhận thấy sự thay đổi của tiêu chuẩn cái đẹp: trước kia thiên nhiên làm chuẩn mực để nói về vẻ đẹp của con người (biện pháp ước lệ tượng trưng); còn trong thơ Bác con người làm chuẩn mực để chỉ cái đẹp của thiên nhiên (Tiếng suối như tiếng hát).

+ Tiếng suối róc rách êm tai trong trẻo như tiếng một cô gái đang hát.

+ Ánh trăng đêm khuya tạo thành những bóng hoa trên mặt đất.

+ Điệp từ “lồng” nhấn mạnh vào sự xuyên tỏa của ánh sáng trăng khuya.

⇒ Cảnh vật thiên nhiên hiện lên mang vẻ đẹp của sự trầm mặc, huyền ảo của ánh trăng khuya. Nó không chỉ có màu sắc vàng yên ả mà nó còn có âm thành của tiếng suối chảy róc rách trong trẻo như tiếng hát vỏng lại từ phía xa. Phải có tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết mới cảm nhận rõ được bức tranh ấy.

b. Tâm trạng của một người chiến sĩ quên mình vì nước vì dân

- Câu thơ thứ ba có dấu phẩy ở giữa như cắt ngang hai sự đối lập nhau.

- Đối với thiên nhiên hiền hòa lung linh yên bình đẹp như vẽ kia là tâm trạng của nhà thơ. Đó là một tâm trạng đầy bất trắc, âu lo không yên bình.

- Người vẫn chưa ngủ chỉ có chưa ngủ thì mới có thể tả hết được cảnh đẹp đêm khuya được.

- Không phải người thức để ngắm cảnh mà vì Người đang lo nỗi nước nhà.

⇒ Trái ngược với sự hài hòa của thiên nhiên là tâm trạng đầy âu lo của nhà thơ, lo ngày mai chiến tranh, lo ngày mai có giành được độc lập cho dân tộc hay không.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của bài thơ.

- Bài thơ vừa vẽ lên bức tranh thiên nhiên tại chiến khu Việt Bắc hiền hòa với màu sắc của ánh trăng, sống động trong trẻo với âm thanh của tiếng suối, lại vừa thể hiện tâm trạng âu lo của nhà thơ qua đó thấy được tấm lòng đối với thiên nhiên và con người của nhà thơ vĩ đại.

Bài mẫu

Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về im lặng con chim hót

Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ

Mùa xuân năm 1941 Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Căn cứ địa Việt Bắc được chọn làm thủ đô kháng chiến. Trong chiến dịch Thu Đông 1947 ta thắng lớn trên chiến trường Việt Bắc. Cùng thời gian này Bác Hồ viết bài thơ Cảnh khuya. Bài thơ tả cảnh núi rừng Việt Bắc trong đêm trăng đẹp và thể hiện ý chí chiến đấu vì dân tộc của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Cảnh rừng Việt Bắc được mở ra bằng tiếng suối êm đềm trong mát rì rầm ngày đêm vọng đến. Trong đêm thanh vắng, tiếng suối nghe rõ lắm. Tiếng du dương huyền diệu được tác giả cảm nhận như tiếng hát xa. Đây chính là nét nghệ thuật “lấy động tả tĩnh”, chỉ có âm thanh của suối chảy trong đêm mọi vật chìm trong giấc ngủ, trong chiến trường máu lửa mà có tiếng suối chảy không đơn thuần là dòng chảy tự nhiên mà nó mang hơi ấm con người. Khi người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi lui về ở ẩn tại Côn Sơn cũng đã có những cảm nhận rất tinh tế:

Côn Sơn suối chảy rì rầm

Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai

Tiếng suối nghe như tiếng đàn cầm, bản nhạc đưa hồn con người ta vào cõi mông lung. Cả hai nhà quân sự, chinh trị tuy thời gian sống khác nhau nhưng có những cảm nhận hết sức tinh tế về âm thanh của tiếng suối trong đêm khuya. Sau âm thanh của tiếng suối là ánh trăng chiến khu. ánh trăng bao phủ khắp không gian, ánh trăng lồng vào cổ thụ, như hoà quyện vào cảnh vật trần gian. Trăng được nhân hoá, được nhắc lại khiến bức tranh, cảnh đẹp đêm trăng lộng lẫy hơn, thơ mộng hơn. Gợi cho ta nhớ đến những câu thơ trong Chinh phụ ngâm

Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm

Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông.

Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng...

Hai vế đối nhau trăng lồng cổ thụ /bóng lồng hoa tạo cho cảnh vật sự cân xứng hài hòa. Bức tranh đêm chiến khu thật đẹp đầy chất thơ. Thi sĩ với tâm hồn thanh cao đang tận hưởng những giây phút thần tiên của thiên nhiên.

Người nghệ sĩ thổn thức lòng mình trước cảnh đẹp đêm trăng, say sưa ngây ngất:

Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Chưa ngủ để ngắm trăng, chưa ngủ để lo nỗi nước nhà. Thơ xưa nói nhiều về trăng, các thi nhân thường tìm đến chốn lâm tuyền lánh đục, tránh cuộc đời bụi bặm bon chen nhưng Bác Hồ của chúng ta tìm nơi thiên nhiên để sống giữa thiên nhiên, đế hoạt động cách mạng - bởi Bác là chiến sĩ cộng sản:

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang

(Tức cảnh Pác Bó)

Sống giữa thiên nhiên bao la bát ngát, say đắm trong ánh trăng nhưng chính trong sự say đắm đó vẫn là đàm quân sự lãnh đạo con thuyền cách mạng của nước nhà. Trong bài thơ này có đầy đủ các yếu tố của một bài thơ cổ thi: có suối, có trăng... Nhưng trong cái cổ đó lại có cái chất hiện đại, chất thép người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Đêm trăng nơi chiến khu Việt Bắc thật là đẹp, ngồi ngắm trăng mà lòng tê tái trước nước nhà còn lầm than nô lệ, vì lẽ đó nên người:

Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà

Chất thép của người chiến sĩ cộng sản còn được thể hiện khá sâu sắc khi bị giam trong tù ngục:

Trong tù không rượu cũng không hoa

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe của ngắm nhà thơ

(Ngắm trăng)

Người thi sĩ cũng không thể hững hờ trước cảnh đẹp đêm nay, và như vậy ánh trăng đã chủ động tìm đến với thi nhân. Vầng trăng dường như biết được và ghi lại tâm trạng băn khoăn thao thức của thi nhân. Tâm trạng đó chính là nỗi nước nhà đang canh cánh bên lòng.

Đêm nay nơi núi rừng chiến khu Việt Bắc, vẫn là ánh trăng ấy, ánh trăng vẫn vằng vặc trên bầu trời, những trăng có biết không trời Nam đang lầm than nô lệ muốn thảnh thơi mà thưởng ngoạn trọn vẹn cảnh đẹp đêm nay sao thể yên lòng. Trong lòng người thi sĩ ấy đang chất chứa bao nỗi niềm, nỗi niềm lo cho nước cho dân. Đây chính là chất “thép”, chất chiến sĩ mà Bác Hồ đã từng nhắc đến:

Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp: Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi sông

Nay ở trong thơ nên có thép

Nhà thơ cũng phải biết xung phong

Vẻ đẹp người chiến sĩ cộng sản hiện lên trong bài thơ cảnh khuya thật đẹp, thật ngạo nghễ. Bác Hồ vừa có tâm hồn thi sĩ lại vừa có cốt cách của người chiến sĩ.

Bác của chúng ta là như vậy, yêu thiên nhiên, chan hoà với thiên nhiên nhưng cũng yêu nước thương dân tha thiết. Bài thơ là bức tranh tràn ngập ánh trăng nơi núi rừng Việt Bắc - nơi ấy người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.


Cùng chủ đề:

Hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công
Hãy trình bày nổi bật lối sống vô cùng giản dị, thanh bạch của Bác Hồ
Hãy trình bày ý kiến về câu tục ngữ: Có công mài sắt, có ngày nên kim
Hãy viết một đoạn văn nêu cảm nghĩ về các bài ca dao, dân ca, những câu hát về tình cảm gia đình
Hãy viết đoạn văn ngắn giải thích câu tục ngữ: “Đi một ngày đàng học một sàng khôn ”
Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản trong bài thơ Cảnh khuya
Hóa thân làm Cò mẹ (Dựa theo bài ca dao Con cò mà đi ăn đêm)
Hồ Chủ tịch có dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy “. Em hiểu lời dạy trên như thế nào?
Hồ Xuân Hương với vấn đề người phụ nữ trong bài thơ Bánh trôi nước
Ít lâu nay, trong lớp có một số bạn lơ là học tập
Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú (cảm động, buồn cười) em gặp ở trường