Kể lại chuyến về quê thăm bà — Không quảng cáo

Văn tự sự - Miêu tả


Kể lại chuyến về quê thăm bà.

Tôi sống với bố mẹ ở thành phố còn bà nội tôi vẫn sống ở quê cùng với chú thím tôi. Quê nội tôi ở vùng trung du có những đồi hoa sim tím rất đẹp. Cứ đến tháng sáu, cả một vùng đồi núi như được trải một tấm thảm rực rỡ những bông hoa sim, hoa mua tím. Tôi có thể ngắm những đồi hoa ấy không biết chán.

Dàn ý

I. Mở bài:

- Giới thiệu một chuyến về quê.

II. Thân bài: kể về một chuyến về quê.

1. Kể bao quát về chuyến về quê

- Em đi với ba về quê.

- Quê cách nhà em 300 km.

- Quê em rất đẹp và thân thương.

2. Kể chi tiết về chuyến về quê

a. Kể chuyến về quê

- Tối mẹ đã chuẩn bị sẵn đồ để sáng em về quê.

- Sáng em dã dậy từ rất sớm để ra bến xe.

- Em leo lên xe và tâm trạng vô cùng phấn khởi.

- Em ngồi trên xe nhìn mọi cảnh vật bên đường.

- Em ngủ thiếp đi lúc nào không biết.

b. Kể lúc về tới quê

- Vừa về tới nhà nội là em bỏ đồ chạy đi cùng tụi nhỏ trong xóm

- Em đi khắp xóm, ai cũng hỏi han em

- Mọi người dân quê rất thân thiện, họ cho em rất nhiều quà quê

- Bà nội em lúc nào cũng dặn em cẩn thận, lo cho em, quan tâm em từng li từng tí.

- Về quê mọi thứ thật thanh bình và đặc biệt nhất là nội vẫn khỏe mạnh để em thương yêu.

III. Kết bài: nêu cảm nghĩ của em về chuyến về quê.

Bài mẫu

Tôi sống với bố mẹ ở thành phố, còn bà nội tôi vẫn sống ở quê cùng với chú thím tôi. Quê nội tôi ở vùng trung du có những đồi hoa sim tím rất đẹp. Cứ đến tháng sáu, cả một vùng đồi núi như được trải một tấm thảm rực rỡ những bông hoa sim, hoa mua tím. Tôi có thể ngắm những đồi hoa ấy không biết chán.

Hè nào, bố mẹ tôi cũng cho tôi về quê chơi. Đã thành lệ nên ngay sau khi dự lễ bế giảng ở trường về là tôi vội sắp xếp “hành lí” cho thật chu đáo để sáng hôm sau “khởi hành” cho sớm. Hồi còn bé, tôi thường cùng bố đi ô tô về quê, nhưng năm nay, bố tôi đã mua được xe máy nên hai bố con tôi đi bằng xe máy.

Tầm 8 giờ, bố con tôi đã về đến làng. Ngay ở cổng làng, tôi đả gặp lũ bạn ở quê vẫn chơi đùa cùng tôi những dịp hè trước. Trông thấy tôi, chúng reo lên và chạy theo xe của bố tôi. Tôi bảo bố dừng xe lại và tụt xuống ôm chầm lấy chúng.

Thằng Hoà thưa với bố tôi:

-   Bác cứ về trước đi ạ, để Nam ở lại chơi với chúng cháu một chút. Tí nữa nữa chúng cháu đưa Nam về.

Rồi cả mấy đứa nhao nhao trêu đùa bố tôi:

-   Bác cứ yên tâm đi ạ, không sợ cậu “quý tử” sứt mẻ gì đâu.

-   Chúng cháu bồi cho lại vui hơn tết ấy chứ lị.

Bố tôi mỉm cười bẹo má mấy đứa đứng gần nói:

-   Được, nhưng phải về sớm kẻo bà mong.

Rồi bố lên xe, đi về phía cuối làng, nơi có căn nhà nhỏ thân thương của bà tôi. Mải chơi đùa với mấy đứa bạn, mãi hơn 10 giờ tôi mới về đến nhà bà. Bà tôi đứng sẵn ở cổng chờ tôi. Bà âu yếm ôm tôi vào lòng, khẽ xoa đầu tôi rồi dẫn tôi ra giếng rửa mặt. Bà bảo tôi:

-   Để bà rửa mặt cho.

Mặt tôi đỏ bừng. Năm nay tôi đã lớn rồi, đã lên lớp 8 rồi chứ còn bé bỏng gì nữa đâu. Tôi lắc đầu nguầy nguậy:

-   Không, bà để cháu tự rửa, cháu lớn rồi mà.

Bà mắng yêu tôi:

-   Bố tiên sư nhà anh, ra dáng ghê nhỉ.

Rồi hai bà cháu cùng cười vang. Bố tôi ở trong nhà hỏi vọng ra:

-   Hai bà cháu có điều gì vui mà cười giòn thế?

Hai bà cháu chỉ nhìn nhau, lại cười. Nụ cười của bà mới hiền hậu làm sao, ấm áp làm sao, khiến tôi thấy lòng lâng lâng bao niềm vui không tả nổi.

Vào nhà, bà múc cho tôi một bát nước vối và bảo:

-   Uống đi cháu, cho mát ruột. Lá vối này tự tay bà ủ đấy.

Quả thật tôi rất thích uống thứ lá vối quê do bà tôi ủ. Bà tôi ủ vối khéo lắm; Lá không còn mùi ngái mà không mốc, uống vào có một hương vị thật đặc biệt, nó mộc mạc mà thanh nhã, đậm đà vị hương đồng gió nội và đậm đà cái tình của bà tôi nữa.

Ăn cơm xong, tôi lại chạy ra gốc đa đầu làng chơi với mấy thằng bạn. Mọi lần, chúng tôi thường trèo lên tận ngọn đa để bắt chim non. Nhưng năm nay, bỗng nhiên tôi không muốn bắt chim non nữa. Tôi bảo bọn thằng Hoà, thằng Quảng:

-   Đừng bắt chim non các cậu ạ, tội nghiệp mẹ nó lắm.

Bọn chúng nghe tôi nói vậy cũng đồng ý. Thằng Hoà bỗng reo to:

-   Thôi, về lấy diều ra thả đi, gió to thế này diều sẽ lên cao lắm đấy.

Chúng tôi vác diều lên sườn đồi sau làng thả cho quang, diều không bị vướng vào các ngọn tre trong làng. Gió rất mạnh nên cánh diều lên rất cao. Tiếng sáo vi vu nghe thật vui tai. Bọn tôi cứ mải miết chơi thả diều tới tận xầm tối mới về.

Trông thấy tôi quần áo lem luốc, bố tôi mắng:

-   Sao con nghịch thế. Quần áo bẩn quá.

Bà tôi cười hiền hậu:

-   Trẻ con phải thế chứ. Hồi còn bé, anh có khác gì nó bây giờ đâu.

Bố tôi cười chống chế:

-  Là con sợ nó không quen lại ốm thì khổ bà.

Bà không trả lời bố, quay sang ôn tồn bảo tôi:

-  Thôi, đi tắm đi con, chờ chú thím về rồi ăn cơm.

Chú thím tôi đi làm mãi tối mịt mới về. Chờ chú thím tắm xong rồi cả nhà quây quần bên mâm cơm. Bà gắp cho tôi và em An (con chú thím tôi, cu cậu mới ba tuổi rưỡi) mỗi anh em một cái trứng cá rất lớn. Tôi cảm ơn bà rồi gắp phần tôi cho em An:

-   Cháu để phần em, cháu lớn rồi.

Bà lại mắng yêu tôi:

-   Bố nhà anh! Rồi bà cười, ánh mắt bà rất vui.

Trong bữa ăn, bà hỏi thăm bố tôi về chuyện của các cô, các chú trong cơ quan bố mẹ. Nghe bố kể dạo này nhà nào cũng khá lên, bà vui lắm.

Vừa ăn xong, rất nhiều cô bác và cả các anh chị thanh niên, cả bọn thằng Hoà đã kéo đến chật nhà bà tôi. Họ tíu tít hỏi chuyện bố tôi. Mãi khuya mọi người mới về. Chà, cái tình quê ấm áp quá.

Đêm hôm đó, tôi lại được rúc đầu vào lòng bà, nghe bà kể truyện cổ tích. Ở giường bên bố nói vọng sang.

-  Thôi, ngủ đi con, để bà còn ngủ, khuya rồi.

Nhưng bà tôi vẫn cứ kể truyện cổ tích cho tôi nghe. Câu chuyện của bà đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm. Với những giấc mơ thật đẹp.


Cùng chủ đề:

Hồ Chủ tịch có dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy “. Em hiểu lời dạy trên như thế nào?
Hồ Xuân Hương với vấn đề người phụ nữ trong bài thơ Bánh trôi nước
Ít lâu nay, trong lớp có một số bạn lơ là học tập
Kể cho bố mẹ nghe một chuyện lí thú (cảm động, buồn cười) em gặp ở trường
Kể lại câu chuyện đã làm thay đổi cuộc sống của em
Kể lại chuyến về quê thăm bà
Kể lại nội dung câu chuyện được ghi trong một bài thơ có tính chất tự sự (như Lượm hoặc Đêm nay Bác không ngủ) theo những ngôi kể khác nhau (ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ nhất)
Kể về bà
Làm cho tiếng nói trong sáng, giàu và phát triển
Loài cây em yêu
Miêu tả chân dung một người bạn của em