Kể về bà
Bà tôi mắt đã lòa, tay chân lập cập. Nhưng sớm nào tôi cũng thấy bà huơ gậy tới lui trong vườn.
Dàn ý
1. Mở bài
- Dẫn dắt, giới thiệu về bà
2. Thân bài
a. Giới thiệu về bà
- Ngoại tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi. Nhưng vẻ ngoài với những sương gió, tảo tần không chút che giấu của bà làm ngoại có vẻ già hơn tuổi.
- Tôi sống với ngoại từ nhỏ. Tôi lớn lên hầu như từ một tay bà nuôi nấng.
b. Miêu tả về bà
- Bà có dáng người nhỏ, gầy guộc. Cái dáng người một đời đã chịu biết bao nhiêu gió mưa, sương nắng.
- Lưng bà còng hẳn xuống bởi gánh nặng mưu sinh nuôi mẹ tôi và ba chú dì ăn học.
- Đúng như câu hát: “Tóc bà trắng, màu trắng như mây…”. Tôi thường ngồi đếm xem bà còn bao nhiêu sợi tóc bạc. Những sợi tóc trắng cũng chỉ lưa thưa trên mái đầu.
- Những vết nhăn vẫn không hề giảm trên khuôn mặt bà khi bà cười.
- Đôi mắt bà đã không còn sáng như trước nữa. Nhưng nó vẫn đen nháy, hiền từ và đầm ấm đến lạ kì. Bất kì ai khi nhìn vào đôi mắt bà có thể thấy điều đó. Ở đó, ta có cảm giác được yêu thương, chở che và không phải lo nghĩ điều gì cả.
- Tôi yêu nhất là đôi bàn tay bà. Đôi bàn tay chỉ có da bọc lấy xương, nổi những đường gân xanh nhưng lại rất ấm áp. Đôi tay tết tóc cho tôi, vuốt ve, vỗ về cho tôi ngủ, đan khăn sưởi ấm tôi, nấu món ngon cho tôi mỗi ngày. Đó như đôi bàn tay vạn năng của chúa vậy.
c. Kể về tính tình, những sinh hoạt của bà, những kỉ niệm cùng với bà.
- Bà tôi không phải người già nhất làng nhưng lại là người được mọi người yêu quý và kính trọng nhất. Bà không bao giờ to tiếng, cãi nhau với ai cả. Mọi chuyện bà đều nói rất nhẹ nhàng nhưng hợp lí.
- Bà như một kho tàng, một cuốn bách khoa của cuộc sống vậy. Những câu chuyện lịch sử thời ông cha dựng nước, thời chiến, những nét đẹp của phong tục dân tộc, những câu chuyện cổ, …. bà đều biết hết.
- Tuổi thơ tôi lớn lên cùng bà vì bố mẹ thường đi công tác. Bà chăm tôi ăn, ru tôi ngủ. Những tiếng ru ầu ơ của bà nuôi tôi lớn đến giờ.
- Tuổi thơ của tôi là những buổi trưa hè được nằm trong lòng bà, ngước mắt lên bầu trời để những câu chuyện của bà đi vào lòng mình. Để từ đó tôi biết: ở hiền sẽ gặp lành, rằng muốn được hạnh phúc phải tự mình cố gắng và giành lấy, không ai có thể giúp mình được, rằng phải luôn biết yêu thương và hướng thiện.
3. Kết bài
Nêu cảm xúc và suy nghĩ bản thân.
Bài mẫu
Bà tôi mắt đã lòa, tay chân lập cập. Nhưng sớm nào tôi cũng thấy bà huơ gậy tới lui trong vườn. Tôi hỏi thì mẹ nói bà năng tập thể dục, để chống chọi căn bệnh viêm khớp quái ác đã đeo đuổi suốt thời trẻ. Ba tôi thì nói khác, số bà là vậy, một đời vất vả, quăng quặt với chuyện cửa nhà, bếp núc, rồi đến chuyện ruộng đồng, con cá, con tôm…Bây giờ già cả vẫn không quen ngồi một chỗ!
Tôi là út ít trong nhà, nên bà cưng tôi nhất. Mỗi lần ba cầm cây roi lăm lăm khi biết tôi trốn học vì mê chơi, tôi liền ù đến bên bà, chui tọt vào trong lòng bà và giả vờ thút thít. Bà ngăn ba, mắng tôi vài câu, đánh nhẹ mấy cái vào mông rồi thôi. Vì thế mà tôi tránh được những trận đòn hết sức nghiêm khắc.
Chuyện gì tôi cũng mách với bà, từ thằng Bo nhà hàng xóm uýnh lộn, đến chuyện nhỏ Lem bị tôi giựt đầu con búp bê, hay chuyện tôi làm toán được điểm mười đỏ chót… Mỗi lần tôi kể là mỗi lần bà cười tủm tỉm. Khi thì bà trách nhẹ, rồi dặn dò chuyện nọ chuyện kia, có khi xoa đầu tôi tấm tắc.
Năm tôi học lớp bốn, mắt bà trắng đục không nhìn thấy đường. Bác sĩ khuyên nên để bà đi mổ mắt. Bà đồng ý nhưng tôi thấy bà có vẻ lo lắng lắm. Mấy ngày trên giường bệnh chờ đến lượt mổ cả nhà tôi luôn túc trực bên bà. Có hôm ba mẹ bận việc chỉ còn mình tôi với bà, tôi nằm gọn trong vòng tay nhăn nheo của bà để được nũng nịu và được nghe kể chuyện đời xưa.
Bà hay nói với tôi: “Bà mổ mắt để được nhìn rõ cu Bi của bà”. Tôi khoái lắm, dụi miết vào lòng bà. Vậy mà không hiểu sao có lần tôi lại bật ra câu hỏi ngô nghê: “Lỡ mắt bà không sáng được nữa thì sao?” Bà vuốt nhẹ đôi gò má múp míp của tôi, cười móm mém. -Thì con sẽ là đôi mắt của bà, bé ạ!
Ca mổ thành công nhưng vài năm sau thì bà mất. Cho đến khi trưởng thành tôi vẫn không sao quên được bóng dáng và những kí ức thân thương về bà. Tôi luôn gắng giữ gìn và trui rèn cho mình một đôi mắt “sáng”, tràn đầy lạc quan và tin yêu trước cuộc đời, trước mọi người, trước những ánh nhìn…Tất cả là những bài học vô giá mà tôi thấm thía một cách lặng lẽ từ bà trong những ngày bà nằm viện.
Tôi sẽ vì bà, vì bản thân tôi mà sống thật tốt. Cũng như để xứng đáng và khắc ghi mãi mãi trọn vẹn lời giao ước: Con sẽ là đôi mắt của bà…