Kể lại một giấc mơ, trong đó em được gặp một nhân vật trong chuyện cổ tích.
Tôi nắm chặt lấy bàn tay ấm áp của bố. Trái tim tôi muốn thốt lên những lời này: Giá như, giá như có thể một lần nữa quay lại con sẽ cứu được cô bé, giá như cuộc sống không nghiệt ngã đến thế... Nước mắt tôi tràn ra hai gò má, lòng tôi như thắt lại.
Đã bao giờ bạn gây tổn thương cho ai đó mà các bạn yêu quý chưa? Riêng tôi, chỉ mới đây thôi, tôi đã gây ra một việc làm để phải day dứt và thấm thía cái rét cắt da cắt thịt cùng mùi vị của những que diêm cháy lên từ ước mơ. Dù việc đó chỉ trong một giấc mơ nhưng tôi vẫn xin kể để mọi người cùng được biết.
Đang ngồi đọc sách trong phòng chợt tôi thấy một cánh cửa lạ kì xuất hiện trên tường. Tôi giật mình, cái cửa nào đây, cửa mở, một luồng gió mạnh hút tôi vào trong. Mắt tôi hoa lên, trong sự mơ màng ấy tôi chỉ kịp nhận ra mình đang nằm trên tuyết khi có một cánh tay lay tôi dậy:
- Luck dậy đi nào? Sao lại ngủ ở đây?
- Tôi... tôi ở đâu thế này! ông là ai?
- Thôi đi ông tướng, cha mày đây mà mày không nhận ra à? Rõ....
Người đàn ông cau mày. Tôi nhận ra trên khuôn mặt ông ấy sự bực bội rõ rệt. Tôi lại gặp câu hỏi:
- Đây là đâu?
- Đầu óc mày có làm sao không đấy? Đây là Copenhagen, nơi mà mày và tao đang sinh sống ở ngôi nhà đằng kia.
Tay ông chỉ phía những dãy nhà ổ chuột.
- Tao là cha mày đây.
Ngưng một lát ông nói:
- Thôi về nào, ông dịu giọng - về nào con!
Thế là tôi đã hiểu ra. Tôi đang ở đất nước Đan Mạch xa xôi, nơi có những bông tuyết rơi và truyện cổ tích. Nơi mà tôi từng mong đợi tới để gặp nhân vật cổ tích yêu thích: cô bé bán diêm, chú lính chì dũng cảm,... Khi tôi còn bé, giờ thì tôi đã thực hiện được một phần mơ ước. Tôi đã bình tĩnh trở lại, miễn cưỡng đi theo ông - người gọi tôi là con về nhà. Đi qua những dãy hàng tạp hoá, những ngôi nhà sang trọng tôi thấy có những cây thông giáng sinh trang trí thật đẹp mắt và những món quà nhiều màu.
Phải rồi, đêm nay là đêm Nô-en. Tôi nhận ra những tiếng hát bài thánh ca từ nhà thờ vang lên. Bước đi lạo xạo trong tuyết, tôi thấy ngón chân tôi cứng đờ, nhìn xuống chân tôi thấy đôi giày mình đã rách nát hết. Tưởng chừng chỉ vài bước nữa là chiếc giày sẽ bung ra. Tôi kéo lê từng bước về đến một ngôi nhà tối om, ọp ẹp. Không hề có một ngọn nến, một món quà hay một thứ gì của giáng sinh, chỉ có một chiếc chuông đồ chơi sứt mẻ. Thế đấy, đêm nay tôi phải xa nhà để đến nơi tồi tàn này chịu cái rét cắt da căt thịt chẳng để làm gì. Phải rồi! Có lẽ ông trời đã giúp tôi đến đây để gặp được nhân vật cổ tích yêu thích mà bao lần tôi mong ước. Đến mười hai giờ đêm, khi những hồi chuông nhà thờ vang lên tôi rón rén bước ra khỏi nhà. Dù bị lạnh tê tái nhưng tôi vẫn muốn đi tìm gặp nhân vật cổ tích nào. Chỉ một thôi cũng được, trong thâm tâm tôi nghĩ như vậy nhưng liệu có thực hiện được và biết bao giờ tôi mới trở về nhà được? Tôi vẫn cứ đi, hai bên đường đèn sáng đủ màu, thỉnh thoảng có những cỗ xe ngựa phóng qua, những nơi tiệc tùng, hò hẹn. Tôi cảm thấy lạnh buốt ở những ngón chân.
Giày tôi đã rách tung ra rồi tôi phải đi chân đất. Đang đi bỗng nhiên tôi gặp một cồ bé mặc bộ váy rách nát, đi đôi giầy to gấp hai lần chân cô. Tôi đã không chịu đựng nổi sự lạnh giá nữa vì tôi sống ở miền nhiệt đới. Trong đầu tôi lúc ấy chỉ nghĩ cách nào ủ ấm cho đôi chân của mình. Vừa thấy cô bé đi qua, tôi liền ngáng chân cho cô bé vấp ngã, cô bé ngã xuống tuyết, cái giỏ đựng diêm rơi ra. Tôi vội cướp ngay lấy một chiếc giày còn chiếc giày kia tôi giật mạnh khiến nó văng ra giữa đường. Một cỗ xe ngựa chạy qua kéo theo cả chiếc giày đó. Tôi chạy vội đi, tôi hơi hối hận vì đã làm một việc không tốt. Nhưng tôi lại nghĩ chắc gì cô bé đã cần đến chiếc giày này. Nó to như thế chắc cô bé đã có mấy chiếc giày nhỏ đi bên trong và cả tất ấm nữa. Tôi đi chiếc giày vào bên chân trái, vừa đi tôi vừa nghĩ liệu cô bé còn chiếc giày nào không, cứ nhìn bộ váy rách rưới là đủ biết cô bé nghèo và cả vẻ mặt xanh xao nữa. Chắc cô bé đã đi bán diêm cả ngày, vẫn chưa được ăn uống gì. Có thể cô bé cũng sống trong ngôi nhà ổ chuột nào đó. Chắc hẳn cô bé không thể đi nữa vì quá lạnh và lại không có giày. Mình làm như thế có nên không? Nhưng nếu mình không có chiếc giày này thì cũng sẽ cứng đơ chân mất thôi.
Tôi dừng lại, đầu óc phân vân, đúng lúc tói cảm thấy có một cánh tay đẩy mạnh vai tôi. Tôi ngã nhào xuống tuyết và lập thức chiếc giày ở chân tôi bị giật mất. Một cậu trạc tuổi tôi đã lấy chiếc giày đó và chạy thật nhanh. Tôi lồng lộn bật dậy đuổi theo cậu ta. Chưa bao giờ tôi chạy nhanh đến thế, tôi đã đuổi kịp và xô cậu ta ngã để giật lại chiếc giày. Tôi lại chạy về phía cửa hiệu tạp hoá nơi tôi đã lấy chiếc giày của cô bé. Tôi nhận thấy mình đã làm một việc thật hèn hạ và tôi cần phải trao trả ngay chiếc giày cho cô bé. Tôi lần theo những vết chân trên tuyết, đi mãi từ khu phố này sang khu phố khác tôi đã tưởng mình mất dấu. Tôi vẫn kiên trì đi tìm, qua những gian nhà sáng ánh điện, mùi ngỗng quay thơm nức, tôi rẽ vào một con đường, tôi bắt gặp cô bé ở một cái hẻm giữa hai ngôi nhà. Cô bé ngồi sát vào tường cố thu đôi tay và đôi chân lại để chống chọi với gió rét. Tôi định cầm chiếc giày thể thao trả cho cô bé nhưng rồi lại lo sợ. Tôi sợ phải đối diện với cô, với những gì mà tôi đã gây ra. Thế đấy! Mỗi khi cần đến sự dũng cảm thì nó mất tiêu và thay vào đó luôn là nỗi lo sợ, sự hèn nhát. Tôi ngồi nép vào tường và quan sát cô bé. Cô bắt đầu lấy ra từng que diêm và quẹt. Đến lúc này tôi đã nhận ra rồi, có bé ấy chính là cô bé bán diêm mà tôi luôn mong được gặp. Vậy nên ngay từ đầu tôi đã thấy có gì đó thân quen ở cô.
Ánh lửa loé lên, cô hơ đôi tay, tôi thấy trong mắt cô bé ánh lên niềm vui. Miệng cô xuýt xoa, tôi biết lúc đó cô đang nhìn thấy lò sưởi bằng đồng, sáng loáng, ôi! Cô bé tội nghiệp. Những ngón tay cô cố cầm que diêm thật lâu. Que diêm tàn và cô bé lại quẹt những que khác, những hình ảnh về ngỗng quay, cây thông dần hiện trong tâm trí tôi. Tôi cảm thấy một mối giao cảm rõ rệt. Thật lạ kì, đến que diêm thứ tư, bà của cô bé hiện lên rõ mồn một. Bà cô thật đẹp lão và hiện lên. Rồi cô nói gì đó với bà những lời nói xuất phát tự đáy lòng. Rồi cô quẹt tiếp tất cả những que diêm còn lại, ánh lửa nối tiếp hiện lên cảnh tượng huy hoàng, bà cô hiện ra dang tay đón cô. Tôi thả chiếc giày xuống và quay mặt chạy đi. Tôi không đủ can đảm để nhìn cảnh tượng thần kì đó nữa. Lòng tôi vừa chan chứa niềm cảm thương và những câu tự trách mình. Không, tôi không muốn cô bé chết, không! Tôi hét thật to.
Tôi bừng tỉnh vì cái lay dậy của bố. Mồ hôi lạnh toát sống lưng. Tôi nắm chặt lấy bàn tay ấm áp của bố. Trái tim tôi muốn thốt lên những lời này: Giá như, giá như có thể một lần nữa quay lại con sẽ cứu được cô bé, giá như cuộc sống không nghiệt ngã đến thế... Nước mắt tôi tràn ra hai gò má, lòng tôi như thắt lại.