Lý thuyết dữ liệu lôgic - Tin học 10
Lý thuyết dữ liệu lôgic
BÀI 5: DỮ LIỆU LÔGIC
1. Các giá trị chân lí và các phép toán lôgic
a) Lôgic mệnh đề
- Mệnh đề là một khẳng định có tính chất hoặc đúng hoặc sai
- Ví dụ: “Hà Nội là Thủ đô của Việt Nam” là một mệnh đề đúng, còn “8 là số nguyên tố” là một mệnh đề sai.
- Các giá trị “Đúng” hay “Sai” chính là giá trị chân lí (giá trị lôgic) của mệnh đề mà nó thể hiện, được thể hiện tương ứng bởi 1 và 0 trong đại số lôgic
- Trong ngôn ngữ lập trình, các biến hay các hàm cũng có thể mang giá trị lôgic.
b) Các phép toán lôgic cơ bản
- Bốn phép toán lôgic quan trọng nhất là các phép toán AND (phép nhân lôgic), OR (phép cộng lôgic), XOR (cộng loại trừ lôgic), NOT (phép phủ định)
+ p AND q chỉ đúng khi cả p và q đều đúng.
+ p OR q là đúng khi ít nhất một trong p hoặc q đúng.
+ p XOR q chỉ đúng khi p và q có giá trị khác nhau.
+ NOT p cho giá trị đúng nếu p sai và cho giá trị sai nếu p đúng.
- Biểu thức lôgic là một dãy các đại lượng lôgic được nối với nhau bằng các phép toán lôgic, có thể có dấu ngoặc để chỉ định thứ tự ưu tiên thực hiện các phép toán.
2. Biểu diễn dữ liệu lôgic
- Chỉ cần 1 bit để biểu diễn dữ liệu lôgic, bit có giá trị bằng 1 cho giá trị đúng và bit có giá trị bằng 0 cho giá trị sai. Tuy nhiên, một số ngôn ngữ lập trình có quy ước riêng, không mã hóa các đại lượng lôgic bởi một bit.
- Trên thực tế, có thể biểu diễn dữ liệu lôgic theo các cách khác miễn là tạo ra hai trạng thái đối lập.