Lý thuyết về đất và sinh quyển
Bài 12. Đất và sinh quyển
Bài 12. Đất và sinh quyển
1. ĐẤT VÀ LỚP VỎ PHONG HÓA
- Đất là lớp vật chất tơi xốp nằm trên cùng của bề mặt lục địa. Đất gồm các thành phần vô cơ, hữu cơ, nước, không khí và được đặc trưng bởi độ phì.
- Độ phì là khả năng cung cấp chất dinh dưỡng, khoáng, nước, nhiệt, khí cho thực vật sinh trưởng và phát triển, tạo ra năng suất cây trồng.
- Lớp vỏ phong hóa là sản phẩm phong hóa của đá gốc, nằm phía dưới lớp đất và phía trên của tầng đá gốc.
2. CÁC NHÂN TỐ HÌNH THÀNH ĐẤT
a. Đá mẹ: là nguồn cung cấp chất vô cơ cho đất, quyết định thành phần của đất.
b. Khí hậu:
- Nhiệt ẩm phá hủy đá gốc tạo thành các sản phẩm phong hóa sau đó tiếp tục phong hóa tạo thành đất.
- Ảnh hưởng đến chế độ nhiệt ẩm của đất, sự hòa tan, tích tụ vật chất trong các tầng đất.
- Khí hậu còn ảnh hưởng gián tiếp tới hình thành đất thông qua sinh vật, dẫn đến thành phần hữu cơ trong đất khác nhau.
Ví dụ: Tại khu vực khí hậu ôn đới lạnh, có thực vật lá kim phát triển mạnh. lớp thảm mục rừng lá kim nghèo chất tro, kiềm, đồng thời lại chứa các hợp chất khó tan như tan-nin, nhựa, sáp, li-nhin, nên hoạt động phân giải của vi sinh vật bị hạn chế, các sản phẩm phân giải thường c tính axit. Khiến cho đất ở đây nghèo mùn, nghèo dinh dưỡng.
c. Sinh vật:
- Động, thực vật cung cấp chất hữu cơ, phá hủy đá.
- Vi sinh vật phân giải xác động thực vật thành mùn.
- Động vật sống trong đất có vai trò cải tạo đất (ví dụ như giun).
d. Địa hình:
- Tác động tới sự phân phối nhiệt độ, ẩm, khả năng tích tụ vật liệu => Ảnh hưởng tới quá trình phong hóa, độ dày và độ phì của tầng đất.
e. Thời gian: Thời gian từ khi bắt đầu hình thành đất đến nay gọi là tuổi đất. Nơi có thời gian hình thành lâu, tầng đất sẽ dày hơn.
f. Con người: Con người không tham gia vào quá trình hình thành đất nhưng có thể làm đất biến đổi trở nên tốt lên hoặc xấu đi.
3. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM, GIỚI HẠN SINH QUYỂN
- Sinh quyển là toàn bộ sự sống trên Trái Đất, tạo thành một quyển của Trái Đất.
- Đặc điểm:
+ Sinh quyển là các cơ thể sống bao gồm thực vật, động vật, vi sinh vật.
+ Sinh quyển có đặc tính tích lũy năng lượng: cây xanh có khả năng quang hợp để tạo nên chất hữu cơ; vi khuẩn tích lũy đạm, sắt, …
+ Sinh quyển ảnh hưởng đến sự phát triển của các quyển khác trên Trái Đất.
+ Giới hạn:
-
-
Giới hạn của sinh quyển phụ thuộc vào giới hạn phân bố của sinh vật, gồm toàn bộ thủy quyển, phần thấp của khí quyển, lớp đất và một phần của thạch quyển.
-
Giới hạn phía trên: là nơi tiếp giáp lớp ô-zôn của khí quyển.
-
Giới hạn dưới: ở lục địa là đáy lớp vỏ phong hóa, ở đại dương là ở xuống tận các hố sâu đại dương (sâu nhất khoảng 11 km).
-
+ Sinh vật phân bố không đều trên toàn bộ chiều dày của sinh quyển mà thường tập trung nhiều ở khoảng vài chục mét ở phía trên và dưới bề mặt đất.
4. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN VÀ PHÂN BỐ SINH VẬT
a. Khí hậu
- Sự phát triển và phân bố của sinh vật chịu tác động trực tiếp của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm không khí.
+ Ánh sáng là điều kiện sinh tồn quan trọng bậc nhất của cây xanh để thực hiện quá trình quang hợp.
+ Mỗi loài sinh vật sẽ có một giới hạn thích nghi về nhiệt độ nhất định.
+ Độ ẩm không khí là yếu tố rất cần thiết cho các loài sinh vật vì hầu hết các sinh vật không thể tồn tại trong môi trường khô hạn.
b. Nước
- Nước rất cần thiết cho sinh vật sinh trưởng và phát triển. Mỗi loài có nhu cầu về nước khác nhau, điều đó ảnh hưởng tới khu vực phân bố của sinh vật.
Ví dụ: loài ưa ẩm sẽ phân bố ở các vùng xích đạo ẩm, ... loài ưa khô thường phân bố nhiều ở vùng thảo nguyên, hoang mạc, …
c. Đất
- Sự phát triển và phân bố thực vật chịu ảnh hưởng của các đặc tính lí, hóa, độ phì của đất nhất định, mỗi loài sẽ phát triển thích hợp ở một loại đất khác nhau.
Ví dụ: lúa gạo thích hợp với đất phù sa màu mỡ.
- Nhiều loài động vật không thích ánh sáng sẽ thường trú ẩn ở các hang dưới lòng đất: chuột, rắn, thỏ,...
d. Địa hình
- Độ cao địa hình, hướng sườn làm thay đổi nhiệt độ, lượng mưa => hình thành các vành đai sinh vật khác nhau.
Ví dụ: ở dãy Hoàng Liên Sơn ở Việt Nam có 3 vành đai sinh vật khác nhau: vành đai nhiệt đới gió mùa chân núi, cận nhiệt đới gió mùa trên núi, ôn đới gió mùa núi cao. Mỗi vành đai lại có 1 hướng núi.
e. Sinh vật
- Thực vật, động vật và vi sinh vật có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong chuỗi thức ăn.
- Nơi có nguồn thức ăn phong phú, phát triển thì đa dạng thành phần loài và ngược lại.
f. Con người
- Con người ảnh hưởng đến sự phát triển và phân bố sinh vật theo cả hướng tích cực và tiêu cực.
- Tích cực: làm đa dạng hóa thành phần loài thông qua việc lai tạo giống mới; mang các loài mới từ châu lục này đến châu lục khác,...
- Tiêu cực: săn bắt trái phép, khai thác quá bừa bãi làm suy giảm đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường sống của các loài sinh vật, ….