Dàn ý
I. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:
- Tô Hoài là cây đại thụ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đạt kỉ lục về số lượng tác phẩm; phong phú, hấp dẫn về nội dung; đặc sắc về nghệ thuật.
"Vợ chồng A Phủ"
là một truyện ngắn xuất sắc trong đời văn Tô Hoài nói riêng và văn học hiện đại của ta nói chung.
- Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông là một cây bút viết truyện ngắn tài hoa. Thế giới nghệ thuật của Kim Lân chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân.
“Vợ nhặt”
là một trong những tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, in trong tập “Con chó xấu xí”.
- Thông qua hai tác phẩm, Tô Hoài và Kim Lân đã thể hiện những nét đặc sắc trong việc khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ.
II. Phân tích:
1.
Trong truyện ngắn
“Vợ chồng A Phủ”:
- Mị là một cô gái người dân tộc Mèo (H’Mông) đã kết tinh được những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ miền núi. Nhưng dưới mấy tầng áp bức khắc nghiệt tàn bạo của cường quyền, thần quyền, hủ tục phong kiến, Mị gần như tê liệt hết sức sống.
- Tô Hoài đã khám phá ra lòng ham sống, khát khao tình yêu, hạnh phúc, tự do tiềm ẩn mãnh liệt trong tâm hồn Mị. Chính sức sống này là tiền đề quan trọng giúp Mị thoát khỏi nhà ngục thống lí tìm đến Phiềng Sa được cán bộ A Châu dìu dắt để trở thành người tự do, người làm chủ cuộc đời mình, chiến đấu, giải phóng quê hương mình như một tất yếu.
- Qua nhân vật Mị, Tô Hoài đã đặt vấn đề khát vọng tự do, hạnh phúc chân chính của người phụ nữ miền núi và con đường giải phóng họ phải đi từ tự phát đến tự giác, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
2. Trong truyện ngắn
“Vợ nhặt”
:
- Nét đặc sắc về nghệ thuật của Kim Lân ở truyện này là đã sáng tạo được một tình huống rất độc đáo: “Vợ nhặt”, nghĩa là nhặt được vợ giữa nạn đói khủng khiếp. Đặt nhân vật vào tình huống ấy, Kim Lân đã có điều kiện làm nổi rõ số phận cùng phẩm chất nhân vật.
- Vợ Tràng: Đây là một người phụ nữ bị cái đói xô đẩy thành thân phận bơ vơ. Và cái đói cũng huỷ hoại cả thể xác tâm hồn chị. Nhưng khi gặp người chồng thực sự yêu thương, gặp bà mẹ chồng đôn hậu, thị đã trở thành “một người phụ nữ hiền hậu đúng mực”.
- Bà cụ Tứ: Sống nghèo khổ dưới đáy cùng của xóm ngụ cư với dáng đi
“lọng khọng”
, thân hình còm cõi, gương mặt u ám. Cuộc sống bắt bà phải sống cuộc sống tối tăm nhưng không thể dập tắt được phần người, rất người trong tâm hồn bà cụ già nua và nghèo khổ nhưng cần cù, chịu thương chịu khó, giàu lòng yêu con, rất mực nhân hậu, vị tha và một lòng hướng về cái thiện, về tương lai tươi sáng.
3.
Điểm tương đồng và khác biệt của hai tác phẩm:
- Sự tương đồng: Cùng thể hiện vẻ đẹp tâm hồn con người. Những nhân vật phụ nữ của Tô Hoài, Kim Lân được các nhà văn quan sát, miêu tả trong xu thế hiện thực, vận động đi lên nên số phận các nhân vật này đã đi từ bóng tối đến ánh sáng, “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”.
- Sự khác biệt: Do cái nhìn khám phá riêng biệt độc đáo của từng tác giả trước hiện thực cuộc sống nên mỗi nhân vật cũng có những biểu hiện khác nhau về số phận và vẻ đẹp tâm hồn thật đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Mị là nạn nhân của chế độ phong kiến miền núi hà khắc mà hiện thân của nó là cha con thống lí Pá Tra; bà cụ Tứ, vợ Tràng là những nhân vật bị cái đói, cái chết đe doạ cướp đi sự sống. Nhưng họ không mất đi hy vọng vào tương lai và luôn luôn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt.
III. Đánh giá:
Hai tác phẩm không chỉ thể hiện tài năng mà còn cả tấm lòng của hai tác giả. Tô Hoài và Kim Lân xứng đáng là những cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam.
Bài mẫu
Tô Hoài là cây đại thụ lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông đã để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đạt kỉ lục về số lượng tác phẩm; phong phú, hấp dẫn về nội dung; đặc sắc về nghệ thuật.
"Vợ chồng A Phủ"
là một truyện ngắn xuất sắc trong đời văn Tô Hoài nói riêng và văn học hiện đại của ta nói chung. Kim Lân là một trong những nhà văn tiêu biểu của văn xuôi hiện đại Việt Nam. Ông là một cây bút viết truyện ngắn tài hoa. Thế giới nghệ thuật của Kim Lân chủ yếu tập trung ở khung cảnh nông thôn và hình tượng người nông dân.
“Vợ nhặt”
là một trong những tác phẩm xuất sắc của Kim Lân, in trong tập “Con chó xấu xí”. Thông qua hai tác phẩm, Tô Hoài và Kim Lân đã thể hiện những nét đặc sắc trong việc khắc họa vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ.
Con người là trung tâm của mọi tác phẩm văn học chân chính vì “
văn học là nhân học
” (Gorki). Cho nên số phận con người, nhất là người phụ nữ đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ lớn cổ kim đông tây xưa nay. Gorki đã có bốn câu thơ tuyệt hay:
“Trời không ánh sáng hoa nào nở
Dạ vắng yêu thương dạ những sầu
Đời không mẹ hiền,không phụ nữ
Anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu”
Vấn đề số phận người phụ nữ cũng đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt văn học Việt Nam. Đó là thân phận một nàng Kiều tài hoa và bạc mệnh ; một người chinh phụ phải sống trong sầu tủi cô đơn ; một cung nữ sắc nước hương trời bị vua ghẻ lạnh phải sống trong cảnh lạnh lùng ; một Hồ Xuân Hương thông minh sắc sảo, khát khao hạnh phúc ngọt ngào mà đời gặp toàn cay đắng, hẩm hiu. Những số phận con người phụ nữ trong văn học quá khứ là bất hạnh, khổ đau, bế tắc. Khép lại tấn bi kịch của người phụ nữ ngày xưa là chị Dậu ; cả cuộc đời của chị là một đêm tối dày đặc và kết thúc tác phẩm, chị lại phải chạy vào bóng tối không thấy lối thấy đường.
Những nhân vật phụ nữ trong hai câu chuyện nói trên là những con người lao động có cuộc đời cực khổ bất hạnh. Nhưng do các tác giả đã có cái nhìn sự vật hiện tượng do chiều hướng vận động đi lên nên đã có một cách đánh giá khác về số phận con người. Số phận các nhân vật ở đây luôn luôn đi từ bóng tối đến ánh sáng, từ “
thung lũng đau thương đến cánh đồng vui
”.
Mị trong “
Vợ chồng A Phủ
” của Tô Hoài sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, bị bọn thống trị, đại diện là thống lý Pá Tra áp bức đoạ đày. Mị tiêu biểu cho số phận người phụ nữ Mèo ở vùng rừng núi Tây Bắc trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Mị vốn là cô gái Mèo trẻ đẹp, đảm đang, hiếu thảo, giàu đức hi sinh vị tha, giàu lòng ham sống, yêu đời và rất mực tài hoa. Mị có tài thổi sáo, tiếng sáo của Mị có sức lôi cuốn đặc biệt làm cho biết bao chàng trai mê mẩn. Với những phẩm chất tốt đẹp ấy, Mị rất xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Và sự thực Mị đã sống những giây phút tươi đẹp của tuổi trăng rằm dù trong hoàn cảnh nghèo khó. Song tương lai của tuổi trẻ với hạnh phúc và tình yêu đã không đến được với cô gái Mèo nghèo khổ đó. Chỉ vì một món nợ truyền kiếp của bố mẹ, Mị bị bắt đem về làm con dâu trừ nợ cho nhà thống lý Pá Tra. Những ngà sống trong nhà ngục Thống lý, Mị phải chịu biết bao nỗi đau thương, tủi nhục tăm tối. Mị không chỉ bị hành hạ về thể xác mà còn bị đày đoạ về tinh thần. Như vậy cũng như bao người lao động khác vì đói nghèo, Mị đã trở thành nô lệ cho bọn giàu có. Thời gian đầu làm con dâu gạt nợ, người phụ nữ này đã phản kháng quyết liệt. Đã có lúc Mị muốn tự tử, nhưng vì thương bố, dù có chết thì món nợ vẫn còn, bố còn khổ hơn cả bây giờ, Mị đành âm thầm chấp nhận cuộc đời trâu ngựa. Bấy giờ Mị nghĩ rằng mình là con vật,thậm chí còn không bằng con trâu, con ngựa.
Bị đày đoạ khủng khiếp trong địa ngục nhà thống lý, Mị như bông hoa rừng đang héo tàn theo năm tháng. Người con gái tài hoa, trẻ đẹp, ham sống, yêu đời thuở nào giờ chỉ còn là người đàn bà thân xác héo khô, tâm hồn lạnh lẽo trống vắng.Từ đây, ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi. Mị ngày càng ít nói, Mị gần như tê liệt hết sức sống, mất hết cảm giác về thời gian, không gian, cuộc đời Mị chỉ còn thu nhỏ lại qua lỗ vuông cửa sổ bằng bàn tay mờ mờ trắng trắng, không biết là sương hay là nắng, nó cũng mờ đục tăm tối như số phận và tâm hồn Mị vậy, Mị cứ lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Ở đấy cuộc đời tăm tối, tủi nhục của Mị được Tô Hoài khắc hoạ một cảnh chân thực, cảm động. Hơn nữa, nhà văn không chỉ dừng lại ở đó, mà còn phát hiện niềm ham sống, khát khao hạnh phúc tình yêu, hạnh phúc tự do của người đà bà tội nghiệp này bằng việc miêu tả sinh động sự hồi sinh trước hết là vì ý thức nhân vật, không chỉ dạo dực đêm tình mùa xuân với những âm thanh náo nức, tiếng sáo, tiếng khèn của trai làng đã làm sống dạy tình yêu cuộc đời trong tâm hồn Mị mà lâu nay bị vùi dập bởi cuộc sống trâu ngựa khổ đau. Mị hồi tưởng lại quá khứ tươi đẹp và cảm thấy tâm hồn mình như phơi phới trở lại. Rồi “
Mị với tay lấy váy hoa, quấn lấy tóc sửa soạn đi chơi ngày Tết
” nhưng giữa lúc sức sống bừng lên một cách mãnh liệt thì cũng là lúc Mị bị vùi dập một cách phũ phàng nhất. Mị bị A Sử thản nhiên trói đứng ở cột nhà như trói một con vật. Như vậy, khát vọng sống của Mị đã bị vùi dập một cách hết sức tàn nhẫn.
Rồi một đêm chứng kiến cảnh A Phủ bị đánh, bị trói một cách thảm khốc. Vì niềm đồng cảm của những con người cùng cảnh ngộ, vì lòng thương người, Mị đã vượt qua được nỗi sợ hãi khủng khiếp, dám nghĩ tới một hành động thật táo bạo : Cắt dây trói giải cứu cho A Phủ rồi chạy theo A Phủ để thoát khỏi nhà ngục Thống Lý. Mị đến Phiếng Sa gặp A Châu, một cán bộ trung kiên của đảng. Được A Châu giúp đỡ, Mị tham gia du kích chiến đấu giải phóng mình và giải phóng quê hương như là một tất yếu.
Như thế là viết về một số phận người phụ nữ ở đây, Tô Hoài đã đặt ra vấn đề khát vọng tự do, hạnh phúc chân chính của người phụ nữ miền núi và con đường giải phóng của họ. Với khát vọng cao đẹp và sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, Mi đã đến với cách mạng để trở thành con người làm chủ.
Ở tác phẩm “
Vợ nhặt
”, số phận con người chưa hoàn toàn sang trang mới, nhưng ở đoạn kết của tác phẩm đã hé mở cho họ một tương lai tốt đẹp. Ngay nhan đề “
Vợ nhặt
” cũng đã phần nào nói lên được hoàn cảnh khốc liệt của số phận con người bị cái đói khủng khiếp, đe doạ cuớp đi sự sống.
Xưa nay, lấy vợ là phải cưới xin, nhưng đằng này lại nhặt được vợ như ngưới ta nhặt được cái rơm, cái rác bên đường mà chỉ nhờ bốn bát bánh đúc. Đó là hậu quả của nạn đói năm 1945 khủng khiếp. Cái nạn đói khiến cho bao người kinh hoàng, khiến cho bao số phận của con người trở nên mong manh như chiếc lá vàng trước gió. Đó cũng là bức tranh chân thực của xã hội Việt Nam năm 1945, đặt nhân vật vào tình huống ấy, Kim Lân có điều kiện làm nổi rõ số phận và phẩm chất nhân vật.
Cái số phận đầu tiên là “
Vợ nhặt
” : ngay cái tên của chị cũng không có, cái đói đã huỷ hoại đi cả hình thể lẫn tâm hồn của Thị: “
nom chị ta rách rưới quá
”; “
áo quần tả tơi như tổ đỉa”, “chị ta gầy sọp, cái ngực lẹp kép, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt
”. Chị ngồi với mấy người bạn trước kho thóc trông thật thảm hại. Kim Lân không miêu tả gia cảnh của người đàn bà này mà mở đầu cuộc đời chị là hai người quen nhau : Một câu nói vu vơ trêu chọc của Tràng. Cái đói khiến Thị phải gợi ý Tràng cho ăn và cắm đầu ăn một chạp bốn bát bánh đúc rồi lon ton chạy theo về làm vợ nhặt người đàn ông xa lạ kia. Đời người con gái hạnh phúc nhất là khi rước dâu. Vậy mà Thị phải theo không Tràng về. Cái dáng người lầm lũi, e thẹn đi cách Tràng vài bước trong lời trêu chọc và ánh mắt của trẻ con, người lớn xóm ngụ cư khiến người đọc xót thương. Thương nhất là cảnh chị ngồi méo giường, cái thúng ôm khư khư trước mặt. Thế ngồi của Thị cũng chông chênh như cuộc đời, như lòng Thị, như tương lai của Thị. Nhưng tình thương bao la của người mẹ chồng cùng tấm lòng chân thành của Tràng đã xua đi nỗi e dè, tủi cực của thị. Sáng hôm sau Thị dạy sớm với cử chỉ dịu dàng, chăm chỉ. Đến đây số phận của Thị đã khác. Từ một người bơ vơ đầu đường xó chợ, bị cái đói rình rập làm cho Thị trở nên “
cong cớn, liều lĩnh, chua chát, chỏng lỏn
”, đã trở thành một người phụ nữ hiền hậu, đúng mực. Thị đã có mái ấm gia đình thực sự với một người chồng luôn luôn yêu thương Thị đặc biệt là người mẹ chồng đôn hậu.
Bà cụ Tứ, mẹ Tràng càng gây nhiều xót thương, thiện cảm cho người đọc, độc giả có thể tìm thấy ở hình tượng nhân vật này bao bà mẹ VN nghèo khổ mà cần cù, chịu thương, chịu khó, rất mực thương con và lúc nào cũng hướng về cái thiện, về tương lai tươi sáng. Cái dáng người lọng khọng, cái thân hình còm cõi, cái gương mặt u ám của bà như đã nói với ta tất cả số phận nghèo khổ dưới đáy của xã hội xóm ngụ cư. Cho nên khi có người đàn bà xa lạ xuất hiện đầu giường của con mình, bà cụ ngạc nhiên đến sững sờ, không hiểu nổi. Và khi hiểu ra đó là đứa con dâu mới của mình thì cụ lại hiểu ra biết bao cơ sự vừa ai oán, vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình và rồi “
trong đôi mắt lèm nhèm của bà cụ rỉ xuống hai dòng nước măt
”. Đó là giọt nước mắt của một người mẹ nghèo : “
vừa mừng vui, vừa lo âu, xót thương, vừa buồn tủi
”. Tủi vì làm mẹ mà không lo được cho con. Nay con có vợ rồi lại phải lấy vợ theo cách ấy : không cưới treo hay bất cứ một nghi thức nào vẫn thường được tôn trọng ở nông thôn ta ngày xưa. Nhưng dù niềm vui hay nỗi buồn, dù nỗi lo toan hay tủi phận thì người mẹ Việt Nam ở bà cụ Tứ bẫn bừng sáng một tấm lòng yêu thương độ lượng. Bữa cỗ cưới ngày đói thật thảm hại “
giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối vầ một đĩa muối ăn với cháo..
.
Trong bữa ăn bà cụ Tứ toàn nói chuyện tốt đẹp mai sau.. bà nhìn cuộc sống bằng đôi mắt lạc quan “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời
”. Cuộc sống khắc nghiệt đầy đạo con người, bắt họ phải sống cuộc sống loài vật. Nhưng nó không thể dập tắt được phần người, rất người trong lòng bà mẹ khốn khổ kia. Đó chính là nét đặc sắc của tư tưởng nhân đạo Kim Lân.
Viết về “
Vợ nhặt
”, Kim Lân không chỉ dừng lại ở phản ánh chân thực nạn đói khủng khiếp năm 1945, mà tiến lên một bước nữa nhằm khắc hoạ nét đẹp, tâm hồn người lao động, đặc biệt là người phụ nữ. Dù rơi vào hoàn cảnh khốn cùng, dù kề bên cái chết, họ vẫn hướng về cuộc sống gia đình, hạnh phúc tình yêu với một niềm tin bất diệt. Chọn tình huống “
Vợ nhặt
” do nạn đói rùng rợn gây nên, Kim Lân không nhằm miêu tả sự sụt giá, tha hoá con người, trái lại khẳng định khát khao sống còn và phẩm giá của họ. Tình yêu cuộc sống của những con người nằm bên bờ vực cái chết đã trở thành nguồn sáng, nguồn ấm áp sưởi ấm lòng người, thôi thúc họ đi cứ lấy đời mình. Và Cách mạng, Đảng đã dang đôi tay nhân hậu cứu vớt lấy đời họ thật đúng lúc. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết.
“Từ vô vọng mênh mông đêm tối
Người đã đến chói chang nắng dội
Trong lòng tôi, ôi Đảng thân yêu
Sống lại rồi hạnh phúc biết bao nhiêu”
Qua việc miêu tả số phận khổ đau của các nhân vật phụ nữ và phát hiện ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn họ, các tác giả đã đề cập đến các vấn đề hết sức quan trọng và có ý nghĩa muôn đời của văn học. Đó là vấn đề phấn đấu cho con người được sống trong tự do, hạnh phúc, tình yêu, gia đình. Chính tài năng, phẩm chất, cá tính và tấm lòng chân trọng tin yêu ở người phụ nữ đã giúp cho các tác giả có được các tác phẩm rất có giá trị, xây dựng được các nhân vật vừa có nét chung, vừa có nét riêng rất hấp dẫn. Cùng thể hiện vẻ đẹp tâm hồn con người. Những nhân vật phụ nữ của Tô Hoài, Kim Lân được các nhà văn quan sát, miêu tả trong xu thế hiện thực, vận động đi lên nên số phận các nhân vật này đã đi từ bóng tối đến ánh sáng, “từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui”. Do cái nhìn khám phá riêng biệt độc đáo của từng tác giả trước hiện thực cuộc sống nên mỗi nhân vật cũng có những biểu hiện khác nhau về số phận và vẻ đẹp tâm hồn thật đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Mị là nạn nhân của chế độ phong kiến miền núi hà khắc mà hiện thân của nó là cha con thống lí Pá Tra; bà cụ Tứ, vợ Tràng là những nhân vật bị cái đói, cái chết đe doạ cướp đi sự sống. Nhưng họ không mất đi hy vọng vào tương lai và luôn luôn tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt.
Hai tác phẩm không chỉ thể hiện tài năng mà còn cả tấm lòng của hai tác giả. Tô Hoài và Kim Lân xứng đáng là những cây bút tài hoa của nền văn học Việt Nam.
Nguồn: Sưu tầm