Nghị luận về tính khiêm tốn trong cuộc sống lớp 11 — Không quảng cáo

Văn mẫu lớp 11 - Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức Tổng hợp 50 bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (con


Nghị luận về tính khiêm tốn trong cuộc sống lớp 11

- Khiêm tốn: là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, những việc mình đã làm, không khoe khoang thành công, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ, luôn cố gắng, nỗ lực, không ngừng học tập và học hỏi.

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tính khiêm tốn.

2. Thân bài

a. Giải thích

- Khiêm tốn: là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, những việc mình đã làm, không khoe khoang thành công, không tự đề cao, không kiêu căng, tự phụ, luôn cố gắng, nỗ lực, không ngừng học tập và học hỏi.

b. Phân tích

- Người khiêm tốn là người ham học hỏi những điều hay, lẽ phải từ người khác, không ngừng cố gắng vươn lên trong cuộc sống, những người như thế sẽ rèn luyện được cho bản thân mình những đức tính tốt đẹp khác như kiên trì, nỗ lực,… xứng đáng được người khác học tập theo.

- Nếu trong xã hội ai cũng có lòng khiêm tốn và ý chí vươn lên thì xã hội này sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, phát triển hơn.

- Người có lòng khiêm tốn sẽ được mọi người yêu quý, tôn trọng, tin tưởng và sẽ thành công rực rỡ hơn những người khác.

c. Chứng minh

- Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người tài giỏi nhưng sống với lòng khiêm tốn làm minh chứng cho bài làm văn của mình. (Ví dụ: Bác Hồ, NHà bác học Einstein,…)

- Lưu ý: dẫn chứng phải tiêu biểu, nổi bật, xác thực được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

- Trong xã hội vẫn có không ít người có tính huênh hoang, tự cao tự đại, hay khoe khoang những thứ mà bản thân mình có, thậm chí có những người nói quá, làm lố để mong nhận được sự chú ý của người khác, khiến người khác phải trầm trồ, ngưỡng mộ bản thân mình,… → những người này cần bị phê phán, chỉ trích.

3. Kết bài

- Khái quát lại vấn đề cần nghị luận: sự khiêm tốn và rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Khiêm tốn không chỉ là nghệ thuật sống mà còn là nền tảng dẫn tới thành công. Vậy khiêm tốn là gì? Tại sao nó lại quan trọng với chúng ta đến vậy? Khiêm tốn là lối sống không tự đề cao mình, đánh giá đúng mực về bản thân, không khoe khoang thành công và không ngừng học hỏi từ những người khác. Chắc hẳn bạn cũng biết, không ai trong chúng ta là hoàn hảo, trí tuệ của mỗi người cũng chỉ là một hạt cát nhỏ bé giữa sa mạc rộng lớn. Hiểu được khả năng của mình sẽ là cơ sở quan trọng để ta hoàn thiện bản thân và mở mang tri thức.

Đồng thời, biết khiêm nhường và lắng nghe cũng giúp ta có được sự tôn trọng, tin yêu của những người xung quanh. Khiêm tốn làm chúng ta cao quý hơn trong mắt mọi người và luôn luôn nhận được sự nể phục. Khiêm tốn còn làm chúng ta tự kiềm chế bản thân mình để không tự mãn khi thành công. Chính điều này làm chúng ta luôn thấy mình “thấp” hơn người khác để bản thân không ngừng cố gắng mỗi ngày. Chính đức tính ấy đã làm cho bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trở nên gần gũi, cao quý hơn đối với nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Vậy nhưng, trong xã hội hiện nay vẫn có không ít người quá đề cao chủ nghĩa cá nhân, mải khoe khoang tự mãn, đắm chìm trong những gì đã đạt được để rồi dần thụt lùi so với dòng chảy của văn minh nhân loại.

Hiểu được giá trị của đức tính khiêm tốn mỗi chúng ta cần nói không với cách sống tiêu cực và rèn luyện đức khiêm tốn từ những điều nhỏ bé hàng ngày. Bởi “khiêm tốn là lương tri của cơ thể”, thiếu nó ta đâu thể trở thành một con người đúng nghĩa cũng như hoàn thiện bản thân.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Ngạn ngữ Hy Lạp có câu: “Kiêu căng là đặc quyền của kẻ khờ dại”. Câu nói đó đã dạy cho chúng ta bài học luân lí làm người về lòng khiêm tốn. Đúng vậy, khiêm tốn không đơn thuần là bài học mà nó còn là thái độ sống, một nghệ thuật về cách đối nhân xử thế trên đường đời. Vậy khiêm tốn được hiểu như thế nào?

Khiêm tốn là thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân mình, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người khác. Người có lòng khiêm tốn luôn luôn thể hiện thái độ hòa nhã, nhún nhường trong văn hóa ứng xử, và quan trọng hơn, họ luôn tỏ ra tôn trọng bản thân mình và tôn trọng người khác. Trong công việc và trong cuộc sống, những người có thái độ khiêm tốn thường không thỏa mãn với những gì mình đạt được mà ngược lại, họ luôn cố gắng phấn đấu vươn lên để có thể đạt được những thành quả cao hơn và những thành công mĩ mãn. Có lòng khiêm tốn, con người ta mới có tinh thần cầu tiến, mới không ngừng học hỏi và tiến bộ.

Khiêm tốn chỉ cho ta thấy những thiếu sót của bản thân mình để sửa đổi, không tỏ thái độ kiêu căng tự mãn, và giúp ta biết bình tĩnh tiếp thu những ý kiến đóng góp của mọi người xung quanh. Sống khiêm tốn sẽ được mọi người yêu quý và bớt người ganh ghét đi. Đồng thời, khiêm tốn giúp con người ta không kiêu ngạo khi đứng trên đỉnh cao vinh quang, và người khiêm tốn sẽ lấy thành công đó làm động lực thúc đẩy họ tiến lên phía trước. Nếu tự mãn, đắm chìm trong thành công của mình mà quên mất rằng họ cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để tạo lập nên những thành quả mới. Những người đó sẽ dễ gặp thất bại và bị người đời xa lánh. Thực chất thì chúng ta không có đủ tư cách để tỏ ra kiêu ngạo trước những người khác, trí tuệ của chúng ta chỉ là hạt cát nhỏ giữa một sa mạc trí thức rộng lớn. Mỗi chúng ta hãy tự ý thức và nuôi dưỡng cho mình một thái độ khiêm tốn, khiêm tốn trước người, khiêm tốn trước đời, để có thể đạt được những thành công trong cuộc sống.

Qua đây, chúng ta thấy rằng rèn luyện tính khiêm tốn đôi khi bắt nguồn từ những hành động nhỏ nhặt trong đời thường. Tính khiêm tốn chính là bài học đạo đức đầu tiên và cần thiết cho mỗi con người. Nó còn là nhân tố thiết yếu tạo nên sự thành công và góp phần xây dựng những mối quan hệ bền vững trong xã hội.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Trong xã hội hiện đại, để thành công, chúng ta cần trang bị cho bản thân đức tính khiêm tốn bởi vì khi có nó, ta sẽ có những nhìn nhận đúng mực về bản thân. Từ đó, chúng ta sẽ gặt hái được nhiều thành quả tốt hơn trong cuộc sống.

Lòng khiêm tốn thật sự rất cần thiết và quan trọng đối với mỗi con người. Đó là thái độ không tự đề cao mình. Đánh giá đúng bản thân, luôn học hỏi người khác và biết kính trên nhường dưới. Những người khiêm tốn là những người luôn hòa nhã nhún nhường, tôn trọng người khác và nghe nhiều hơn là nơi. Họ luôn nhanh chóng nhìn nhận và sửa đổi khuyết điểm, học tập những cái hay, cái tốt để hoàn thiện bản thân. Họ cũng không bao giờ khoe khoang những thứ mình đạt được. Bác Hồ là tấm gương sáng cho lòng khiêm tốn. Suốt cuộc đời mình, Bác luôn giữ một cuộc sống giản dị, thanh đạm. Dù ở cương vị của một chủ tịch nước, Bác vẫn ở nhà sàn, cùng với những vật dụng giản dị và những món ăn đơn sơ.

Khiêm tốn là một đức tính cần thiết và là thái độ sống đẹp trong xã hội hiện nay. Vì không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả. Tất cả những việc chúng ta cần làm là học tập không ngừng ở người khác. Khiêm tốn đó dường như chỉ là một giọt nước giữa đại dương bao la mà thôi, khiêm tốn sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân và mở rộng hiểu biết của mình, khiêm tốn là thái độ cần có của mỗi chúng ta, bất kể là ai, làm chức vụ gì, tài giỏi thế nào thì đức tính đó sẽ làm chúng ta có thiện cảm với mọi người, và được mọi người yêu quý ta cũng như sẽ có những mối quan hệ gần gũi và thân thiết.

Tuy nhiên, nếu không có khiêm tốn, con người sẽ luôn ngủ trên vinh quang không tự mình vươn lên, không tự mình tiến bộ sẽ bị tụt hậu bị mọi người xung quanh căm ghét vì quá kiêu ngạo. Vậy mà vẫn có những người khác, cho mình là số một. Còn một số người khác thì rụt rè, tự ti, xem nhẹ giá trị bản thân mình. Những con người như thế sẽ khó thành công trong công việc. Từ đó dẫn đến những hậu quả rất lớn và kiến thức bị thu hẹp, gây mất đoàn kết. Ta cũng cần thấy rằng khiêm tốn không phải là tự ti, hạ thấp hay nâng cao bản thân, rụt rè và không đánh giá đúng năng lực của bản thân vì thế ta cần phải rút kinh nghiệm và tránh mắc phải những điều đó.

Tóm lại, khiêm tốn là đức tính góp phần nâng cao giá trị con người. Bản thân tôi cũng phải tự rèn luyện bản thân cho mình đức tính khiêm tốn để phát triển bản thân cũng như góp phần phát triển xã hội và đất nước.

Bài tham khảo Mẫu 1

“Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu”. Chính sự khiêm tốn làm nên sự vĩ đại trong vũ trụ này. Càng vĩ đại thì càng phải biết khiêm tốn hơn. Và để trở nên khiêm tốn, con người càng phải biết phấn đấu. Khiêm tốn có thể coi là một trong những phẩm đức cao quý nhất của con người.

Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, tự khép mình vào những khuôn thước của cuộc đời, bao giờ cũng có ý chí học hỏi, hoài bão trọng đại của cá nhân là tiến mãi không ngừng, chủ đích là không khoe khoang, không tự đề cao cá nhân mình với người khác, đánh giá đúng mực về bản thân, luôn ham học hỏi người khác và biết kính trọng mọi người.

Những người khiêm nhường thường rất hòa nhã, biết nhún nhường, tôn trọng người khác và nghe nhiều hơn nói. Họ luôn tự giác nhìn nhận và sửa đổi các khuyết điểm của mình, học tập những cái hay, cái tốt từ người khác và không tự mãn với những gì mình đã đạt được.

Thực không thể nào phủ nhận được vai trò và tầm quan trọng của đức tính khiêm tốn đối với mỗi con người. Một trong những đức tính cần thiết nhất để có thể hòa nhập có được mối quan hệ tốt là đức tính khiêm tốn. Đức tính khiêm tốn không chỉ là nghệ thuật sống mà còn là nền tảng cho sự thành công.

Những người vốn có tính khiêm tốn thường hay tự cho rằng kiến thức của mình vẫn còn hạn hẹp, còn phải cầu tiến hơn nữa và cần phải trau dồi, học hỏi nhiều hơn nữa, không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường không đáng kể, luôn luôn tìm đủ mọi phương diện để học hỏi thêm lên.

Người có sẵn tính khiêm tốn không bao giờ chịu chấp nhận sự thành công của cá nhân mình trong hoàn cảnh hiện tại, lúc nào cũng cho sự thành công của mình là tầm thường không có gì to tát, luôn luôn tìm đủ mọi phương diện để học hỏi thêm lên.

Người khiêm tốn cũng không bao giờ biểu lộ sự tự mãn về những gì mình có, mình biết, nhờ vậy dễ tạo được sự đồng cảm và mối quan hệ thân thiện với người khác trong giao tiếp,nên kết giao được với nhiều người hơn. Họ cũng không đề cao mình và hạ thấp người khác, nên bản thân luôn vui vẻ, an lạc và hạnh phúc. Đức tính khiêm tốn giúp con người thể hiện khả năng tự chủ cao trong mọi việc, chiến thắng “cái tôi” bản ngã của mình.

Nhờ biết sống khiêm tốn mà biết mở rộng tâm hồn đón nhận mọi cái tốt đẹp của mọi người như đón làn gió mát, luôn tươi mới và phóng khoáng. Khiêm tốn cho ta sức mạnh, là động lực nhân văn giúp ta tu dưỡng nhân cách, đạo đức ngày một thêm tốt đẹp hơn.Nhờ biết khiêm tốn mà ta không chỉ biết học thầy, những người giỏi hơn mình mà còn biết học hỏi những người như mình-học bạn, coi bạn là thầy, biết “học thầy không tày học bạn”. Người khiêm tốn luôn thấy ai xung quanh mình cũng có điều để đáng học hỏi.

Nhân dân ta có bao câu tục ngữ nêu lên bài học về đạo đức tính khiêm tốn: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe!” Câu tục ngữ khuyên con người phải ý thức đúng đắn năng lực của mình, tích cực học hỏi, không dấu giếm cái dốt vì sợ xấu hổ.

Sự hiểu biết của mỗi người rất hạn chế giống như hạt cát trong sa mạc mênh mông. Ai cũng phải khiêm tốn học tập, coi việc học tập là chuyện rèn luyện suốt đời. Kẻ kiêu ngạo khác nào sống trong ao tù: “Kiêu ngạo là biểu hiện cái ngu dốt của mình”. Kiêu ngạo chính là cách giết chết lòng ham học hỏi của mình Nhà bác học vĩ đại Einstein tâm sự với tuổi trẻ gần xa là phải biết khiêm tốn và nỗ lực học tập không ngừng, bởi “điều mà chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết mênh mông như đại dương”.Khiêm tốn là một trong nhiều đức tính mà tuổi trẻ chúng ta phải tu dưỡng, rèn luyện. Trong 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng: “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Khiêm tốn là một đức tính rất cần thiết và là thái độ sống đẹp trong xã hiện nay. Vì không ai trong chúng ta là hoàn hảo cả, trí tuệ của mỗi chúng ta chỉ là một hạt cát bé nhỏ giữa sa mạc rộng lớn, khiêm nhường sẽ giúp chúng có thể hoàn thiện bản thân và mở rộng vốn hiểu biết của mình hơn. Khiêm nhường là thái độ cần có của mỗi chúng ta bất kể ta là ai, có chức vụ gì, tài giỏi nào vì đức tính ấy giúp ta có được thiện cảm với những người xung quanh có được những mối quan hệ gần gũi và cần thiết.

Nếu không có đức tính khiêm tốn, con người chúng ta sẽ ngủ quên trên chiến thắng, không biết vươn lên, không tự mình tiến bộ, hoàn thiện bản thân và sẽ trở nên tụt hậu so với những con người biết học hỏi. Thế nhưng vẫn có nhiều người không khiêm nhường, tự cao kiêu ngạo và khinh thường người khác.Trái ngược một số khác lại tự ti, xem nhẹ bản thân mình, rụt rè và nhút nhát, không dám thể hiện bản thân. Những con người như thế sẽ khó thành công trong công việc.

Một người kiêu ngạo luôn tự tiêu diệt mình trong kiêu ngạo. Ngược lại với đức tính khiêm tốn là sự tự cao, tự đại. Những người có tính tự cao hay tự đề cao mình, luôn coi thường người xung quanh, không nhận được sự yêu quý của mọi người, bị mọi người xa lánh. Cũng cần phải thấy rằng khiêm nhường không có nghĩa là tự ti, tự hạ thấp mình, rụt rè và không đánh đúng năng lực bản thân. Người tự cao tự đại thường chỉ dừng lại ở mức độ họ đang có vì họ luôn cho rằng bản thân đã quá giỏi giang và không cần học hỏi thêm nữa.

Khiêm tốn là đức tính góp phần nâng cao giá trị của con người. Đó là một trong những đức tính mà Bác Hồ đã dạy cho thiếu niên Việt Nam: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Chính vì vậy không ngừng học tập rèn luyện bản thân và không được tự mãn trước những thành quả mà ta đã đạt được. Đó chính là hướng phấn đấu của chúng ta để có thể tiếp thu tri thức nâng cao trình độ bản thân góp phần xây dựng xã hội ngày một văn minh, giàu đẹp.

Khó mà tôn trọng người khác nếu bản thân không tự khiêm nhường. Khó mà mở lòng tiếp thu tri thức quý báu từ người khác nếu bạn có thói kiêu ngạo. Sự khiêm tốn là chiến thắng của tâm trí đối với những lời xu nịnh và dục vọng thấp hèn của bản thân. Tử tế, lịch sự và khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hóa thực sự.

Bài tham khảo Mẫu 2

Bác Hồ kính yêu của chúng ta có câu “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, một phút tự kiêu cũng bằng thừa” để khẳng định vai trò, giá trị của lòng khiêm tốn đối với cuộc sống của con người. Lòng khiêm tốn là một đức tính vô cùng quý, cần có trong mỗi chúng ta bởi nó giúp chúng ta nhìn nhận bản thân mình tốt hơn. Nhận biết đánh giá những ưu điểm của người khác để học hỏi, được bạn bè thầy cô xung quanh ta thương mến, nể trọng.

Lòng khiêm tốn là gì? Lòng khiêm tốn chính là phong cách sống khiêm nhường không tỏ vẻ hống hách trước những thành công mà bản thân mình đạt được, không cảm thấy mình đã tài giỏi rồi vỗ ngực tự kiêu.

Khiêm tốn giúp con người đánh giá đúng về năng lực của bản thân mình, không coi thường người khác, mà luôn tìm được những điểm mạnh của người khác để học tập nâng cao kinh nghiệm của mình tích lũy kiến thức để phát huy được nội lực của mình tốt hơn. Nó sẽ giúp cho con người thành công hơn, đạt được những thành tựu to lớn

Trong cuộc sống ngày này, nhiều người thường mắc bệnh tự mãn, chỉ cần đạt được một chút thành tích trong học tập hoặc trong công việc là đã tỏ vẻ mình tài giỏi, rồi vỗ ngực tự kiêu, khiến cho người xung quanh cảm thấy khó chịu. Những người luôn cho mình tài giỏi, không có tính khiêm tốn sẽ bị những người xung quanh ghét bỏ, trở thành người cô đơn, ít bạn bè thật lòng và dễ bị thất bại trong cuộc sống.

Trong cuộc sống con người muốn thành công phải trải qua một quá trình gian nan, vất vả khổ luyện thì mới có thể đạt được thành tựu nào đó. Nhưng biển học là vô bờ, khi chúng ta giỏi lại có người khác giỏi hơn ta, thành đạt hơn ta nên không có gì là nhất cả. Trong cuộc sống ta phải biết cố gắng vươn lên không nên tự bằng lòng với những gì mình đã có, mà phải nỗ lực không ngừng học hỏi để có những thành công mới.

Lòng khiêm tốn giúp con người không bị sa đà vào danh lợi, không hám danh và biết mình cần gì để có thể điều chỉnh bản thân cho phù hợp với cuộc sống. Trong xã hội xưa đã có rất nhiều vị quan thanh liêm học rộng tài cao nhưng sẵn sàng cáo quan về ở ẩn để tránh xa những thói tham quan đấu đá, xu nịnh…

Lòng khiêm tốn thường thể hiện ra ngoài bằng sự hòa nhã, nhũn nhặn của con người, khi thành công nhưng không bao giờ cho đó là điều quan trọng, to lớn là người có kiến thức học rộng hiểu nhiều nhưng vẫn cảm thấy mình chưa thể hiểu hết được bởi biển học là vô biên, vô cùng.

Những người có lòng khiêm tốn lúc nào cũng không ngừng nỗ lực cầu tiến, ham học hỏi bởi họ cảm thấy bản thân mình chưa thể nào dừng lại ở đó cần phải nỗ lực nhiều hơn. Họ không bao giờ thỏa mãn với những gì mình có mà luôn cố gắng nhiều hơn, nỗ lực không ngừng vươn lên.

Lòng khiêm tốn giúp cho bản thân con người nhận được những điểm còn hạn chế, thiếu sót của mình để hoàn thiện mình tốt hơn. Đánh giá năng lực của người khác đúng hơn nhìn ra những mặt mạnh của những người xung quanh mình để biết mình là ai trong cuộc sống.

Là một học sinh chúng ta cần phải hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn, tích lũy kinh nghiệm, kiến thức để sau này xây dựng đất nước tốt đẹp hơn. Tránh vỗ ngực tự cao trước những thành tích học tập tốt mà ngủ quên trên chiến thắng không chịu nỗ lực chúng ta sẽ bị tụt hậu.

Bài tham khảo Mẫu 3

Chúng ta được sinh ra và lớn lên, chúng ta cùng nhau học tập và làm việc. Ngay từ lúc còn nhỏ chúng ta đã được dạy về những đức tính tốt đó là “năm điều Bác Hồ dạy”, một trong số những đức tính cao quý mà Bác truyền dạy là đức tính khiêm tốn.

Khiêm tốn là một trong những đức tính đáng quý của con người, khiêm tốn là biết đánh giá bản thân mình đúng chừng mực, không tự cao và coi thường người khác. Khiêm tốn thể hiện thái độ sống tích cực, hài hòa với mọi người, người khiêm tốn đôi khi tự mình làm nên tất cả nhưng lại không nhận hết công lao về phần mình, họ sẵn sàng chịu phần thua thiệt mà không màng đến công lao hay phần thưởng. Người khiêm tốn là người luôn luôn tích cực học hỏi người khác, luôn đề cao giá trị của người khác hơn bản thân mình. Họ thấy được điểm hay và điểm mạnh của người khác để học tập và tiếp thu. Người khiêm tốn không bao giờ cho là mình tài giỏi hơn người, họ không có thái độ tự kiêu, tự đề cao mình nên dễ dàng kết bạn, có nhiều mối quan hệ tốt và dễ dàng vươn tới thành không. Không những thế, vì người khiêm tốn luôn đề cao người khác nên được mọi người yêu quý và mến mộ.

Khiêm tốn là một đức tính rất tốt, nó giúp cho con người hoàn thiện hơn về nhân cách, khiêm tốn giúp con người ham mê học hỏi vì họ không tự cho mình là giỏi. Khiêm tốn giúp con người ta không ngừng tiến bộ, có thêm nhiều hiểu biết, trở thành một con người hoàn thiện hơn.

Khiêm tốn là một đức tính quý báu, vậy làm sao để mình trở thành một người khiêm tốn? Câu trả lời là bạn phải không ngừng trau dồi và học tập, không ngừng tiếp thu kiến thức để thấy rằng mình vẫn còn rất nhiều thiếu sót và mình cần phải học tập nhiều hơn để lấp đầy những khoảng trống đó. Giao lưu kết bạn với những người tài năng hơn mình để học hỏi thêm từ họ, đừng vội vui mừng vì một hành công nhất định của mình, đừng ngủ quên trong chiến thắng quá lâu để rồi khi tỉnh giấc mình đã bị tụt lại phía sau. Nếu bạn đạt được thành công thì cứ vui mừng nhưng hãy chuyển sự vui mừng hãnh điểm đó thành động lực để tiếp tục phấn đấu, đừng khoe khoang về thành tích của mình bởi chăng ở xã hội ngoài kia còn rất nhiều người tài giỏi hơn bạn nhưng họ đâu có khoe khoang gì về chiến tích của mình. Hằng ngày, họ vẫn sống và nỗ lực trong thầm lặng, họ không khoe khoang nhưng mọi người vẫn biết đến thành công của họ đấy thôi. Bởi vậy, chẳng ai có thể biết khi nào mình đạt được thành công, hãy cứ nỗ lực, bạn chỉ thực sự đạt được sự ngưỡng mộ của người khác khi tự miệng họ nhắc đến bạn chứ không phải là tự bản thân mình đi rêu rao với mọi người về công lao ấy.

Khiêm tốn là một đức tính cần được rèn luyện và tu dưỡng thế nhưng đừng lầm tưởng khiêm tốn là mình biết nhưng không nói ra. Khiêm tốn là không tự cao, không khoe khoang về những gì mình có nhưng nếu trong một tình huống nào đó điều đó là cần thiết thì hãy cứ thể hiện. Giả sử bạn đang trong một tiết học và cả lớp phải giải đáp một câu hỏi khó và chỉ có mình bạn biết câu trả lời, thế nhưng bạn lại hoàn toàn im lặng không lên tiếng bởi vì nghĩ rằng đó là khiêm tốn. Lúc này, bạn thực sự đã sai rồi, bạn đã để mất cơ hội ghi điểm của mình, khi bạn trả lời câu hỏi ấy cũng đồng nghĩa với việc thể hiện tri thức của mình và giúp cả lớp vượt qua câu hỏi khó khăn ấy. Có thể bạn sẽ nhận được sự tán dương của mọi người thì sao? Bởi vậy phải biết cân nhắc và suy nghĩ trước khi hành động để không hiểu sai về sự khiêm tốn.

Đi ngược lại với khiêm tốn là sự khoe khoang. Những người thường hay tự cao cho rằng mình tài giỏi hơn người sẽ bị người khác xa lánh, họ tự tâng bốc bản thân mình khiến những người xung quanh khó chịu rồi mọi người sẽ bàn tán về con người ấy. Sau cùng cái mà họ nhận được không phải là sự ngưỡng mộ, tôn trọng mà là sự khinh bỉ chê bai của mọi người. Vậy nên hãy rèn luyện để mình trở thành một người khiêm tốn được mọi người ngưỡng mộ và tôn trọng, đừng để tự cao che mờ mắt đánh mất tương lai.

Khiêm tốn là một đức tính cần có ở mọi người. Hãy cùng nhau học tập và rèn luyện để trở thành người khiêm tốn, tự hoàn thiện bản thân mình là một quá trình gian nan vì vậy hãy thực hiện từng bước một rồi mọi cố gắng của bạn sẽ được đền đáp xứng đáng.


Cùng chủ đề:

Nghị luận về sức mạnh của lòng dũng cảm lớp 11
Nghị luận về sự cần thiết của việc học ngoại ngữ lớp 11
Nghị luận về sự thành công trong cuộc sống lớp 11
Nghị luận về tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng lớp 11
Nghị luận về thói quen đưa ra chủ kiến của bản thân lớp 11
Nghị luận về tính khiêm tốn trong cuộc sống lớp 11
Nghị luận về trách nghiệm của con người đối với nơi mình sinh sống lớp 11
Nghị luận về vấn đề cần cấm sử dụng vận dụng bằng ni lông để bảo vệ môi trường lớp 11
Nghị luận về vấn đề tôn trọng sự khác biệt lớp 11
Nghị luận về vấn đề tuổi trẻ cần có trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường sống lớp 11
Nghị luận về vấn đề đấu tranh cho bình đẳng giới lớp 11