Nghị luận về trách nghiệm của con người đối với nơi mình sinh sống lớp 11
1. Mở bài: - Nêu vấn đề: Trong cuộc sống của mình, mỗi người trong bất kì thời điểm nào cũng có một nơi để sinh sống, có trách nhiệm với nơi mình sinh sống là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả mọi người.
Dàn ý chi tiết
1. Mở bài
- Nêu vấn đề: Trong cuộc sống của mình, mỗi người trong bất kì thời điểm nào cũng có một nơi để sinh sống, có trách nhiệm với nơi mình sinh sống là trách nhiệm và nghĩa vụ của tất cả mọi người.
- Nêu ý kiến, quan điểm của người viết về vấn đề.
2. Thân bài
a. Giải thích:
- Nơi con người sinh sống ở mỗi giai đoạn lại có sự khác nhau:
+ Quê hương - nơi mà một người được sinh ra, lớn lên và có mối liên kết tình cảm mạnh mẽ. Quê hương thường được liên kết với một địa điểm cụ thể, thường là quê nhà của gia đình hoặc vùng đất mà người đó có nguyên gốc hoặc đã sinh sống trong một khoảng thời gian dài
+ Nơi trú ngụ của bản thân – nơi chúng ta sinh sống, học tập, làm việc trong một khoảng thời gian. Những nơi đó đều có mối liên hệ chặt chẽ đối với chúng ta ở một thời điểm nhất định, đó là nơi chúng ta hay lui tới và đảm bảo sự sống ở đó.
b. Nơi sinh sống có ý nghĩa như thế nào đối với con người?
- Nơi đó có đường xá, nhà cửa, cung cấp cho ta thức ăn, sự sống, nơi có những người thân của chúng ta, có bạn bè và những mối quan hệ khác. Con người sẽ khó có thể sống tốt nếu như không có những mối quan hệ xung quanh mình, đặc biệt là nơi có gia đình.
- Nơi con người xây dựng và phát triển các mối quan hệ xã hội, gắn kết với bạn bè và cộng đồng. → tạo ra một môi trường để con người giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.
- Nơi sinh sống cũng cung cấp cho con người những yếu tố cơ bản của cuộc sống như nơi ở, thực phẩm, nước uống, y tế, giáo dục và cơ hội việc làm.
- Nó là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên, không khí trong lành, nguồn nước và đa dạng sinh học, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và sức khỏe của con người. Nơi sinh sống tốt đẹp, trong lành và bảo vệ môi trường sẽ ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của con người.
- Nơi lưu giữ những kí ức tươi đẹp của con người.
c. Tại sao mỗi người lại cần có trách nhiệm với nơi mình sinh sống?
-Tạo ra một cảm giác thoải mái khi được sống trong một môi trường như vậy.
- Khi học sinh đóng góp vào việc duy trì và cải thiện nơi mình sinh sống, họ sẽ phát triển cho mình lòng tự hào về môi trường xung quanh.
- Một môi trường sống sạch sẽ và thoải mái có ảnh hưởng tích cực đến quá trình học tập và làm việc.
- Một môi trường sống sạch sẽ còn tác động tích cực đến sức khỏe của mọi người.
e. Xác định trách nhiệm của mỗi người với nơi mình sinh sống
- Về nhận thức:
+ Nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và ý thức về hệ thống sinh thái và tài nguyên tự nhiên.
+ Hành động cá nhân của mình có thể có tác động đáng kể đến môi trường và cần phải đóng góp vào việc duy trì và bảo vệ môi trường xanh.
+ Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc duy trì trật tự và vệ sinh trong nơi mình sinh sống, môi trường sạch sẽ và gọn gàng không chỉ tạo điều kiện tốt cho sức khỏe mà còn tăng cường tinh thần làm việc và học tập.
+ Quyền được sống trong một môi trường an lành, sạch sẽ và thoải mái đi đôi với trách nhiệm đảm bảo môi trường đó.
- Về hành động: dọn dẹp vệ sinh khu vực mình sinh sống, tiết kiệm tài nguyên, tôn trọng và đối xử hòa thuận với mọi người sinh sống xung quanh mình.
3. Kết bài
- Khẳng định lại vấn đề: Mọi người cần tự nâng cao ý thức bảo vệ và giữ gìn nơi mình sinh sống, phải thực hiện những việc làm cụ thể góp phần giúp môi trường xung quanh mình trở nên tốt đẹp, văn minh và đáng sống hơn.
- Liên hệ bản thân
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Trong cuộc sống hằng ngày, nơi mình sinh sống ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người trên nhiều yếu tố: môi trường sống, khu vực sống, hàng xóm láng giềng,…Bởi vậy, tính trách nhiệm đối với nơi đó càng cần được đẩy cao hơn nhằm tạo ra một không gian sống thoải mái, vui vẻ.
Sống trong một cộng đồng nơi mình sinh sống, chúng ta cần ý thức được nguyên tắc ứng xử giao tiếp phù hợp, thể hiện những hành vi văn minh, đúng đắn với mọi người. Như vậy, sẽ xây dựng nên được tình thần đoàn kết, gắn bó chặt chẽ tình người với nhau. Việc hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” cũng từ đó được hình thành và thiết lập. Có thể là từ những hành động vô cùng đơn giản: chia sẻ cùng nhau những món quà quê, tụ tập lại cùng nhau,... Bởi lẽ con người luôn tồn tại trong một tập thể, chẳng ai có thể sống mà tách khỏi cộng đồng. Từ đó, tạo ra những gắn kết, có thể giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống đời thường.
Ngoài ra, chúng ta nên tránh thái độ thờ ơ, không quan tâm đến mọi người xung quanh, chỉ quan tâm đến gia đình mình. Như vậy, chúng ta đã tự tạo nên cho mình khoảng không gian cô lập trong một cộng đồng lớn. Bên cạnh đó, mỗi người cần có những hành động bảo vệ quan cảnh nơi mình sinh sống, không vứt rác bừa bãi, viết bậy lên tường, lấn chiếm vỉa hè đường phố,…Đồng thời, nên dành thời gian rảnh rỗi tham gia các hoạt động cộng đồng tại nơi đó, để nhằm gắn kết tinh thần cộng đồng, vừa giúp ích cho xã hội.
Mỗi người cần có trách nhiệm đối với nơi mình sinh sống, bởi chỉ cần một việc nhỏ mỗi ngày cũng đã góp phần tạo nên cuộc sống ý nghĩa, môi trường sống văn minh, lành mạnh hơn.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Trong chúng ta, ai cũng có một phần trách nhiệm với quê hương nơi mình sinh sống, không chỉ là mảnh đất chở che, dõi theo từng bước chân ta lớn lên mà còn là một mảnh ghép của đất nước. Thế nên chúng ta có trách nhiệm với nơi mình sinh sống cũng chính là trách nhiệm góp phần hoàn thành xứ mệnh xây dựng và bảo vệ đất nước. Nơi chúng ta sinh sống là nơi lưu giữ những kỷ niệm, hình ảnh của gia đình, người thân, hàng xóm, bạn bè thân thiết hay những khung cảnh quen thuộc như con đường, trường học, cửa hàng, chợ,.. đang dần thay đổi dần theo thời gian giống như chúng ta. Thế nên để quê hương ngày một phát triển hiện đại và xinh đẹp hơn thì mỗi người cần phải có trách nhiệm với nơi mình sinh sống, những điều nhỏ bé sẽ vun đắp thành một điều lớn lao. Vậy trách nhiệm là gì? Hiểu một cách đơn giản, trách nhiệm chính là bổn phận của mỗi người, được thể hiện từ lời nói, cử chỉ, thái độ, làm sao để phù hợp, đúng đắn với chuẩn mực xã hội. Thí như tham gia đóng góp vào những hoạt động tập thể như quét dọn đường, trồng hoa và cây dọc đường,… Tuyên truyền giúp đỡ nhau để có môi trường sống lành mạnh, văn minh như không hát karaoke khi tối muộn, không vứt rác bừa bãi, không bịa đặt, tung tin ảnh hưởng đến cuộc sống của những người vô tội, luôn phải sống tran hòa, tích cực, giúp đỡ mọi người xung quanh khi họ gặp khó khăn, tránh thái độ khinh thường, miệt thị,… Chỉ những điều bình dị, thân quen cũng đã góp phần thể hiện trách nhiệm, tình yêu của mỗi người dân. Điều đó còn góp phần giúp cho cuộc sống, mối quan hệ của chúng ta trở nên thuận lợi khi mà tất cả mọi người đều yêu quý và có ấn tượng sâu sắc về hình ảnh tốt đẹp, lịch sự mà ta có được từ việc thực hiện trách nhiệm vốn có của bản thân, đồng thời sẽ thu hút được mọi người hành động theo. Mỗi gia đình có trách nhiệm sẽ là một bông hoa, càng nhiều gia đình thực hiện bổn phận trách nhiệm với nơi mình sinh sống thì sẽ xây dựng được một vườn hoa rộng lớn, xinh đẹp khi những vườn hoa tràn ngập màu sắc ấy hòa trộn, kết hợp với nhau, chúng ta sẽ bắt gặp một đất nước văn minh, lịch sự, tươi đẹp và đáng sống.
Bài siêu ngắn Mẫu 3
Là con người, chúng ta đang trong hành trình đi tìm hạt ngọc ẩn giấu sâu trong bề sâu tâm hồn, để khám phá những giá trị trân quý, trước tiên ta cần phải có trách nhiệm với những thứ vốn đơn giản nhất. Chẳng hạn như trách nhiệm của con người đối với nơi mình sinh sống.
Trước tiên, ta hiểu trách nhiệm là gì? Trách nhiệm là luôn sẵn sàng làm tốt nghĩa vụ mà mình được giao, dám có trách nhiệm với việc mình đã làm dù sai hay đúng. Nơi mình sinh sống là những thứ đơn giản xung quanh ta như quê hương,nơi mái ấm của ta đang hòa mình. Đó là nơi có người thân,bạn bè, hàng xóm ,..của ta sinh sống. Tất cả những thứ vốn đơn giản, tầm thường nhưng lại lớn lao vô cùng. Ngày ngày, chúng ta sinh sống và làm việc, gắn bó như máu thịt, việc có trách nhiệm là một việc vô cùng quan trọng. Ý thức được điều đó mỗi người dân cần quan tâm những thứ cạnh ta nhiều hơn nữa. Đơn giản như ta có thể đóng góp nhỏ bé từ những hành động nhỏ nhưng vô cùng thiết thực như sẵn sàng lắng nghe mọi người xung quanh, cần có những hành động bảo vệ nơi mình sinh sống, quan tâm đến đời sống xung quanh mình, để có hoạt động nào về tình nguyện của mình chúng ta đều có thể tham gia. Dọn dẹp vệ sinh, trồng cây, bảo vệ môi trường, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ những người khó khăn. Tránh thái độ thờ ơ, khinh bỉ người khác, coi thường những thứ xung quanh, chỉ biết sống đẹp ở thế giới bên ngoài mà lãng quên những thứ xung quanh ta. Tuy nhiên,hiện nay vẫn tồn tại không ít cá nhân sống thiếu trách nhiệm,dửng dưng không quan tâm đến những thứ xung quanh.Chỉ biết lợi ích cá nhân không quan tâm đến môi trường tập thể. Những người như vậy nên được xã hội chấn chỉnh, răn đe.
Sống có trách nhiệm đối với nơi mình sinh sống là vô cùng quan trọng. Hãy tập cách yêu thương những thứ xung quanh mình để xã hội văn minh, tốt đẹp.
Bài tham khảo Mẫu 1
Mỗi người chúng ta, ai cũng cần có trách nhiệm đối với nơi mà mình sinh sống. Bởi đó không chỉ là quê hương, mà còn là một phần tạo nên đất nước của chúng ta. Nơi chúng ta sinh sống, hiểu đơn giản là con ngõ, thôn xóm, làng xã - nơi mái ấm của ta đang hòa mình. Đó là nơi có bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp và cả những người thân yêu nhất của ta sinh sống. Những con đường, hàng cây, bầu không khí ở đó ngày ngày ta hít thở và qua lại nhiều lần. Chính vì vậy, việc chúng ta cần phải có trách nhiệm với nơi mình sinh sống, là điều hiển nhiên và cần thiết như việc chúng ta có trách nhiệm với mái ấm của chính mình vậy.
Trách nhiệm ở đây được hiểu là bổn phận của một người, tức là những lời nói, hành động, thái độ phải phù hợp, đứng đắn theo một chuẩn mực xã hội nhất định. Nghĩa là mỗi người dân đều có trách nhiệm quan tâm đến nơi mình sinh sống. Điều đó thể hiện qua việc tham gia vào các hoạt động chung của thôn xóm, như dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm, đóng góp cùng xây dựng đèn đường, làm đường, trồng hoa và cây dọc đường đi… Hoặc không tổ chức hát karaoke vào giờ nghỉ ngơi, không đổ rác bừa bãi, không bịa đặt, tung tin thất thiệt về hàng xóm láng giềng… Cùng với đó, là việc sẻ chia, giúp đỡ những người hàng xóm láng giềng khi gặp khó khăn, bất ổn. Đó chính là cách mà chúng ta thực hiện trách nhiệm của bản thân với nơi mà mình sinh sống.
Điều đó không chỉ giúp ích cho địa phương, cộng đồng nơi mình sống. Mà còn giúp bản thân chúng ta có một môi trường sống văn minh, sạch sẽ và thân thiện. Đồng thời, còn góp phần xây dựng hình ảnh bản thân chúng ta tốt đẹp, lịch sự hơn trong mắt cộng đồng. Và gây dựng nên các mối quan hệ tốt đẹp giữa những người láng giềng cùng chung khu vực sống. Như ông bà ta vẫn bảo “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Việc có những người hàng xóm tốt sẽ giúp ích chúng ta rất nhiều trong cuộc sống này.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại không ít cá nhân sống thiếu trách nhiệm với nơi mà mình sinh sống. Họ không hề tham gia vào các hoạt động tập thể của làng xóm. Sẵn sàng vứt rác bừa bãi ra đường làng. Vào ngày nghỉ, đêm khuya thì tổ chức hát karaoke ầm ĩ. Luôn tìm cách soi mói, bịa đặt về những người dân khác trong khu vực sống. Đó là những biểu hiện của người kém văn minh, gây ảnh hưởng đến cả khu dân cư. Những cá nhân có thói xấu như vậy cần được chấn chỉnh, răn đe bằng các hình thức phù hợp để sớm nhận thức được sai lầm của bản thân và thay đổi để phù hợp hơn với môi trường sống.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, mỗi địa phương là một phần của đất nước. Vì vậy, để là một công dân có ích cho tổ quốc, trước hết chúng ta phải có trách nhiệm với chính bản thân mình, với gia đình và nơi mà mình sinh sống. Đó chính là cách mà chúng ta thể hiện trách nhiệm của bản thân đối với quê hương, đất nước.
Bài tham khảo Mẫu 2
“Việc sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm của cuộc đời mình chính là điểm xuất phát của lòng tự trọng”. Con người chúng ta sống không chỉ là sống riêng cho bản thân mình mà còn sống vì cộng đồng, xã hội. Con người chính là nhân tố cấu thành nên xã hội, mỗi nhân tố sẽ có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với xã hội. Để xã hội ngày một tốt hơn, mỗi con người cần phải sống có trách nhiệm.
Sống có trách nhiệm là việc mỗi cá nhân phải biết hoàn thành những công việc, nghĩa vụ mà mình được giao. Có tinh thần trách nhiệm luôn sẵn sàng dốc hết sức lực và nhiệt huyết để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Khi phạm lỗi, dám đối mặt với những lỗi lầm mình gây ra, không né tránh hay đùn đẩy trách nhiệm.
Mỗi người chúng ta cần nên sống có trách nhiệm, vì đó thể hiện lòng tự trọng của mỗi con người. Sống có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn đặc biệt trong cuộc sống ngày càng phát triển như hiện nay thì việc mỗi người được sinh ra với một sứ mệnh, nhiệm vụ riêng càng cần phải có trách nhiệm.
Việc xác định trách nhiệm của mỗi người là một việc rất quan trọng. Khi còn là một học sinh ta phải xác định được trách nhiệm của mình là học tập thật tốt. Chúng ta cần chú tâm học tập, tìm tòi, khám phá bởi kiến thức không chỉ có trong sách vở mà nó có ở trong cuộc sống thực tế. Có rất nhiều những bài học không có trong sách, đòi hỏi con người phải tự mình trải nghiệm để rút ra bài học, những bài học đó đôi khi phải trả một cái giá rất đắt, nhưng nó giúp chúng ta trưởng thành hơn. Cũng không nên học quá nhiều mà không có chất lượng, học vẹt, học xuông chính những điều đó sẽ giết chết tri thức.
Gia đình là một tế bào của xã hội, muốn xã hội tốt đẹp thì mỗi tế bào cần trở lên tốt đẹp. Gia đình chính là nền tảng nuôi dưỡng tư cách đạo đức cá nhân, có ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ và hành động của mỗi người. Đối với gia đình phải là một người con có trách nhiệm với cha mẹ, lễ phép “kính trên nhường dưới” là một tiêu chuẩn quan trọng trong mối quan hệ gia đình Đối với đất nước, ta phải có trách nhiệm sống và cống hiến hết mình cho đất nước, cho cộng đồng.
Chúng ta không thể sống tách biệt được với cộng đồng, mỗi chúng ta cần phải tự ý thức được việc phải tham gia hoà mình vào tập thể, để trải nghiệm những cái tốt đẹp rút ra bài học cuộc sống cho bản thân.
Thế hệ trẻ chính là chủ nhân tương lai của đất nước, vì vậy để đất nước ngày càng phát triển, chúng ta cần có trách nhiệm với chính nơi mình sinh sống. Những trách nhiệm đó không quá cần to lớn, chúng tới từ những hành động nhỏ nhất như không xả rác, không hút thuốc, giữ gìn vệ sinh chung… Việc sống có trách nhiệm được thể hiện qua các hành động thường ngày như đúng giờ, đúng hẹn, giữ chữ tín.
Bên cạnh những bạn trẻ có ý thức, sống có trách nhiệm thì vẫn có một bộ phận giới trẻ sống vô trách nhiệm. Những hành động vô trách nhiệm đó sẽ gây lên những hậu quả nghiêm trọng. Thái độ đó thật đáng trách.
Mỗi thanh niên hiện nay cần sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Việc sống có trách nhiệm khiến cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Bài tham khảo Mẫu 3
Nhà văn I-li-a Ê-ren-bua đã từng viết:
“Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào đại trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra biển. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc”.
Em rất đồng tình với nhà văn về cách mà ông diễn giải tình yêu tổ quốc. Bởi tổ quốc chính là rất nhiều những làng xóm, những mái nhà góp lại tạo thành. Khi ta yêu nơi mình sinh sống thì cũng chính là đang yêu tổ quốc. Và tình yêu đó phải hóa thành hành động, thành lời nói, thành trách nhiệm. Mỗi người trong chúng ta ai cũng yêu tổ quốc của mình, nên càng cần phải có trách nhiệm với nơi mình sinh sống.
Khi nhắc đến hai từ “trách nhiệm” chúng ta thường nghĩ ngay đến những hành động, việc làm to lớn, có tầm ảnh hưởng rộng đến địa phương mình sinh sống. Nhưng thật ra không phải như vậy. Trách nhiệm đó, tùy từng cá nhân với độ tuổi, hoàn cảnh gia đình, quỹ thời gian… mà sẽ biến hóa thành nhiều mức độ khác nhau. Hiểu một cách chung nhất thì đó là ý thức quan tâm, tham gia vào các hoạt động chung của địa phương như dọn dẹp vệ sinh đường phố, giữ trật tự và an ninh, đóng góp vào các quỹ khuyến học, giúp đỡ hàng xóm láng giềng khi gặp khó khăn… Đó chính là cách mà chúng ta thể hiện trách nhiệm của mình đối với địa phương mà mình đang sinh sống.
Tuy nhiên, cùng với các cư dân luôn yêu quý và cống hiến cho quê hương, thì lại có nhiều trường hợp sống thiếu trách nhiệm với địa phương, với gia đình. Họ không tham gia vào các hoạt động tập thể chung của địa phương từ lao động đến quyên góp. Dù bản thân có thời gian và sức khỏe để tham gia. Họ cũng không có ý thức giữ gìn không gian chung của địa phương như cố tình vứt rác bừa bãi, đua xe tạo tiếng ồn lớn vào ban đêm, có hành vi trộm cướp… Thật đáng buồn khi có những con sâu muốn làm rầu nồi canh chung.
Tuy chỉ là một vài cá thể đơn lẻ, nhưng nhóm người này vẫn gây nên những tác hại khó bỏ qua cho xã hội. Trước hết, họ gây mất trật tự an ninh, gây ảnh hưởng xấu đến bộ mặt của địa phương. Sau đó, họ gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, tình cảm của người dân trên địa bàn. Ông cha ta từ xưa đã dạy rằng “đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết”. Nên việc đoàn kết giữa mọi người dân trên địa phương là vô cùng quan trọng.
Để khắc phục hiện tượng này và nâng cao tinh thần trách nhiệm cho người dân đối với địa phương. Chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, cổ động về chủ đề yêu thương quê hương - xây dựng đất nước. Để giúp người dân tự ý thức được trách nhiệm của một công dân Việt Nam. Ngoài ra, các biện pháp xử lý, răn đe phù hợp đối với những cá nhân cố tình rũ bỏ, làm ngược lại với trách nhiệm của mình. Cùng với đó, cần có những kế hoạch, hoạt động tập thể văn minh, thích hợp để người dân có cơ hội được trao đổi, bày tỏ quan điểm, nguyện vọng cá nhân. Từ đó giúp họ có thêm hiểu về trách nhiệm của mình.
Như vậy, mỗi người trong chúng ta đều cần có trách nhiệm với nơi mình sinh sống và cần cụ thể hóa nó thành hành động thực tiễn. Vâng lời Bác Hồ dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, Tùy theo sức của mình”. Em luôn cố gắng thực hiện trách nhiệm của bản thân bằng các hành động nhỏ như dọn vệ sinh đường làng, giúp cụ bà sang đường, tham gia quyên góp sách vở cho học sinh vùng cao… Em tin khi triệu hành động nhỏ góp lại sẽ làm nên một cơn gió lớn giúp quê hương đổi thay.