Phân tích tâm trạng của nhân vật Chí Phèo sau khi bị Thị nở từ chối — Không quảng cáo

Văn mẫu lớp 11 - Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức Bài 1: Câu chuyện và điểm nhìn trong truyện kể - Văn mẫ


Phân tích tâm trạng của nhân vật Chí Phèo sau khi bị Thị nở từ chối.

Nam Cao viết văn từ những năm 30 của thế kỉ XX, là một nhà văn có tấm lòng đôn hậu, chứa chan tình yêu thương. Những trang văn của Nam Cao thường viết về người nông dân thấm đượm tình cảm nhân đạo sâu sắc.

Mẫu 1

Nam Cao viết văn từ những năm 30 của thế kỉ XX, là một nhà văn có tấm lòng đôn hậu, chứa chan tình yêu thương. Những trang văn của Nam Cao thường viết về người nông dân thấm đượm tình cảm nhân đạo sâu sắc. Nhắc đến Nam Cao người ta không thể không nhắc đến tác phẩm đã khẳng định vị trí của ông trong những năm 41 - Chí Phèo - tác phẩm viết về bi kịch của nhân vật Chí Phèo. Bi kịch của Chí Phèo gồm hai bi kịch nối tiếp nhau, một là bi kịch bị đẩy vào con đường tha hóa, hai là bi kịch bị cự tuyệt quyền là người. Sau khi bị Thị Nở cự tuyệt, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người bắt đầu.

Sau năm ngày chung sống với Thị Nở, Chí đã bị Thị Nở tuyệt tình. Một chân trời tràn đầy hạnh phúc vừa mở ra trước mắt Chi đã tối sầm lại. Tại sao Thị Nở lại tuyệt tình với Chí? Vì Thị Nở vốn đã dở hơi nhưng nguyên nhân chính là do bà cô của Thị Nở kiên quyết không cho Chí Phèo lấy Thị Nở. Vì Chí Phèo là thằng không cha, không mẹ, là kẻ lưu manh côn đồ, là con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Suy nghĩ của bà cô Thị Nở cũng chính là định kiến xã hội đầy bất công đối với Chí. Bà cô Thị Nở, dân làng Vũ Đại không biết và cũng không tin vào sự hoàn lương của Chí. Với họ, Chí mãi mãi là con quỷ dữ. Và thế là định kiến xã hội đã bóp chết tình người mong manh của Thị Nở, đã chặn đứng đường trở lại xã hội lương thiện của Chí. Phát hiện, tố cáo, lên án định kiến xã hội là một đóng góp mới đáng kể của Nam Cao trong văn học Việt Nam hiện đại.

Bị Thị Nở tuyệt tình, Chí lâm vào bi kịch bị cự tuyệt vô cùng đau đớn tuyệt vọng. Vị mất Thị Nở là mất tất cả, mất sự bấu víu cuối cùng, là mất đi tổ ấm, mất đi cơ hội làm người mà chí hằng ao ước đến cháy lòng. Có thể thấy, Nam Cao như đã hóa thân vào nhân vật của mình để diễn tả đến tận cùng cơn bão lòng của Chí với những cung bậc cảm xúc, phức tạp, tinh vi. Ban đầu, nghe Thị Nở chút lời bà cô vào mặt, Chí thảng thốt, bàng hoàng đến chết lặng. Chí không tin vào tai, vào mắt mình, Chí dường như không hiểu nổi, đến khi hiểu ra, Chí ngẩn mặt, ngẩn người. Đất dưới chân Chí như đang sụp đổ. Thoáng một cái, Chí như hít thấy hơi cháo hành, Chí tiếc nuối quá khứ hạnh phúc biết bao. Chí giật mình sửng sốt, Chí đứng lên gọi, đuổi theo, nắm tay. Chí đã cố gắng níu lấy Thị Nở bằng mọi cách nhưng mọi nỗ lực của Chí đều trở nên vô vọng.

Hụt hẫng, đau đớn, tan nát cõi lòng, Chí lôi rượu ra uống, nhưng càng uống lại càng tỉnh. Giấc mơ hạnh phúc, khát vọng hoàn lương phút chốc tan tành mây khói để lại trong lòng Chí nỗi đau mênh mang, thăm thẳm mà không một thứ rượu nào có thể làm nguôi ngoai. Nỗi đau ấy đã nhấn chìm, nuốt chửng cả rượu. Yếu tố phi lí đã được Nam Cao vận dụng một cách tài tình để phơi trải nỗi đau tận cùng trong lòng Chí. Càng uống càng tỉnh, hơi rượu không sặc sụa, Chí thấy thoang thoảng hơi cháo hành. Lơ lửng, chờn vờn trước mắt, hơi cháo hành hiện ra như một sự trêu ngươi, chọc tức, như lưỡi dao sắc xuyên thẳng vào trái tim rỉ máu của Chí, cứ nát cõi lòng tan hoang của Chí, đẩy Chí vào bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người. Chí ôm mặt khóc, dưng dức, khóc hư thể chưa bao giờ được khóc, tức tưởi, đau đớn tuyệt vọng. Tiếng khóc của người lương thiện bị cự tuyệt quyền làm người

Dõi theo đoạn văn diễn tả tâm trạng khi bị Thị Nở cự tuyệt, người đọc không chỉ thán phục tài năng mổ xẻ nội tâm thần tình của ngòi bút Nam Cao mà còn cảm phục trái tim nhân đạo vĩ đại của nhà văn. Ta nghe trong trang văn như có cả tiếng khóc thảm thương của Nam Cao trước bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo.

Mẫu 2

Cuộc đời Chí Phèo là một chuỗi những đau khổ, những bất hạnh. Hắn có mặt trên đời cũng đã khổ "trong một cái váy đụp để bên cái lò gạch cũ", rồi hắn cũng từng là anh canh điền lành, không thích cái người ta khinh.  ý vậy mà, từ một anh nông dân hiền lành hắn trở thành tên tù, tên lưu manh, con quỷ dữ mất hết nhân hình, nhân tính. Bi kịch, cuộc đời hắn quả là một bi kịch. Đỉnh điểm của bi kịch ấy là sau khi hắn được gặp thị Nở. Thị Nở đã đánh thức cái lương thiện trong con người hắn, hắn khao khát lương thiện, khao khát được làm hòa với mọi người, khao khát được sống cùng thị Nở. Hắn ước được "làm người" được trở về cuộc sống lương thiện.

Những tưởng ước mơ, khao khát của hắn sẽ được thị Nở mở đường nhưng Thị lại từ chối hắn và hắn cũng không có cách nào níu giữ được. Thế là Chí Phèo rơi vào tình thế bế tắc, tuyệt vọng, mọi hy vọng cho một tương lai "làm người" bỗng chốc hóa thành mây khói. Trong cơn tuyệt vọng ấy, Chí Phèo như tỉnh hẳn và chua xót nhận ra bi kịch tinh thần của cuộc đời mình - người vốn sinh ra là người nhưng lại không được làm "người". Hắn vật vã, đau đớn. Càng tuyệt vọng, hắn càng uống rượu; nhưng càng uống rượu, hắn càng tỉnh ra. Trong tận sâu thẳm tâm hồn, hắn ý thức được nỗi đau thân phận của mình. Vì thế, hắn ôm mặt khóc rưng rức và luôn thấy thoang thoảng mùi cháo hành. Chi tiết này được nhắc đi nhắc lại nhằm tô đậm niềm khao khát tình yêu thương, khát khao cuộc sống lương thiện và cũng nhấn mạnh bi kịch tinh thần không cách có thể cứu vãn.

Trong tột cùng bế tắc, Chí Phèo càng thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi nhân hình và nhân tính của mình, biến mình thành một con "quỷ" của làng Vũ Đại. Chí Phèo xách dao ra đi, thay vì đến nhà bà cô Thị Nở như dự định, tâm trí lại điều khiển hắn đến nhà Bá Kiến - người đã gây ra bao bất hạnh cho cuộc đời hắn. Khác với các lần trước, lần này, hắn đòi Bá Kiến trả cho hắn cái thứ quý giá mà hắn đã mất từ lâu - đó là làm người lương thiện. Hắn uống đến say mềm rồi hắn đi. Hắn đi với một con dao thắt ở lưng. Hắn lảm nhảm: " Tao phải đâm chết nó! tao phải đâm chết nó!". Nhưng hắn lại thẳng đường đi. Hắn không rẽ vào nhà thị Nở, hắn rẽ vào nhà Bá Kiến - lần này hắn đòi lương thiện. Điều này cho thấy, hắn đã thức tỉnh, hắn nhận ra mọi điều, hắn khao khát được trở thành người lương thiện. Hắn đòi lương thiện, nhưng hắn nhận ra ai cho hắn lương thiện, làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?. Hắn không thể trở thành người lương thiện được nữa. Hắn biết rằng chỉ còn một cách là giết Bá Kiến rồi tự sát. Sở dĩ, hắn hành động như vậy bởi vì hắn hiểu rõ được tấn bi kịch của đời mình, hắn bị đẩy vào bước đường cùng khi không thể trở lại thành người lương thiện.

Mẫu 3

Theo đuổi dòng văn học hiện thực, Nam Cao từng nhận định: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than.” Văn chương của ông thường chạm đến những kiếp đời ẩn giấu tận sâu dưới những áp bức, bóc lột và bất công. Ngòi bút của ông vừa sắc sảo vừa chân thực, trào phúng nhưng không thiếu phần tinh tế, vạch trần mọi sự xấu xa trong xã hội đương thời. Tác phẩm “Chí Phèo” được sáng tác năm 1941, là tác phẩm tiêu biểu cho lối đi riêng của nhà văn cùng cái nhìn nhân đạo. Trong đó, diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi bị Thị Nở từ chối đã đẩy cốt truyện lên cao trào và để lại những chiêm nghiệm sâu sắc.

Chí Phèo sinh ra đã chịu nhiều bất hạnh, cùng cực. Nỗi đau đã đến bên đời hắn ngay từ lúc mới có sinh mệnh. Mẹ của Chí cũng không thèm quan tâm tới hắn, bỏ hắn lại trong cái váy đụp cũ bên lò gạch bỏ hoang. Dưới cái xã hội thời bấy giờ, Chí lớn lên trong sự cưu mang đưa đẩy của người dân Vũ Đại. Hắn đã từng là một người lương thiện, có chí làm ăn nhưng phận đời đã đẩy hắn vào con đường của những bi thương, trượt dài trong bi kịch. Nhà tù và lòng người hiểm ác đã biến hắn trở thành “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại, ai cũng xa lánh, sợ hãi và ghét bỏ.

Chẳng khác gì một bóng ma, hắn sống lay lắt, vất vưởng cùng tiếng chửi và men say, không ai quan tâm, không ai đoái hoài. Rồi dường như trời còn thương cho hắn, tình yêu và bát cháo hành của Thị Nở - người phụ nữ hâm hâm dở dở, xấu xí vô cùng - đã cảm hóa được phần con và thức tỉnh phần người trong Chí. Hắn dường như được sống lại như một con người, hồi sinh phần lương thiện từ lâu đã bị chôn vùi, hắn muốn cưới Thị, muốn tu chí làm ăn. Nhưng rồi, Thị đã từ chối và cự tuyệt hắn, như cách bao năm nay Chí vẫn thường gánh chịu, hắn như rơi vào vực sâu của tuyệt vọng, hiện thực tàn khốc đã dập tắt đi tia sáng hy vọng vừa le lói.

Khi nghe Thị Nở chửi vào mặt hắn những lời cay nghiệt của bà cô: “Đàn ông chết hết cả rồi sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha. Ai lại đi lấy cái thằng chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ.”, Chí Phèo đứng ngẩn người ra, ngạc nhiên và vô cùng sửng sốt. Để níu giữ một niềm hy vọng trở về với con đường hoàn lương duy nhất, khi Thị Nở ra về, Chí đuổi theo nắm lấy tay, nhưng rồi Thị cương quyết đẩy hắn ngã chỏng quèo. Hẳn là ngay chính giây phút đó, Chí vẫn chưa chấp nhận được một sự thật đau lòng, hắn rơi vào vực sâu của tuyệt vọng, hoàn toàn mất đi tư cách làm người.

Rồi hắn tìm đến rượu và men say như cách bao lâu nay hắn vẫn dùng để che đi những nỗi đau đang hiện hữu. Bởi lẽ lúc tỉnh, hắn chẳng làm gì được, muốn lấy gạch đập vào đầu cũng không đủ dũng khí. Nhưng đáng tiếc, càng uống hắn càng tỉnh, càng đau đớn và tuyệt vọng hơn: “Tỉnh ra chao ơi là buồn”. Chí ôm mặt khóc, rưng rức, khóc như thể chưa bao giờ được khóc, tức tưởi, đau đớn. Tiếng khóc của người lương thiện bị cự tuyệt quyền làm người.

Trong hơi men, hắn ngửi thấy mùi cháo hành thoang thoảng, hắn nhớ rõ ước mơ về một mái nhà yên ấm, về giấc mơ tu chí làm ăn nay đã tan thành mây khói. Hiện thực đau lòng thúc đẩy hắn cầm dao muốn đi giết chết bà cô già đã nói với Thị những lời như thế. Hắn căm phẫn, hùng hổ đi tìm bà cô của Thị. Những tưởng sau cơn đau tuyệt vọng đó, con quỷ giữ trong Chí lại trỗi dậy. Nhưng không, Chí rơi nước mắt vì lương tâm, lương tri đã sống dậy, phần người của hắn được thực tỉnh bằng tình yêu thương. Sự tỉnh táo đã giúp hắn nhận ra đâu mới là nguyên do của những nỗi đau đang gánh chịu, kẻ thù của hắn không ai khác là Bá Kiến.

Cứ thế hắn đi thẳng một mạch đến nhà Bá Kiến. Không đếm xỉa đến những đồng hào trong túi cụ Bá, Chí không đòi tiền mà dõng dạc đòi quyền được làm người, dứt khoát: “Tao không đến đây đòi tiền!” đòi lại quyền được làm người lương thiện: “Tao muốn làm người lương thiện.” Lòng khát khao được sống như một người bình thường ngày càng mãnh liệt trong lòng Chí Phèo. Nhưng rồi hiện thực đau thương gói ghém vào một câu hỏi không có lời hồi đáp: “Ai cho tôi lương thiện?” Câu hỏi đó hắn không thể trả lời được, Bá Kiến không trả lời được, cả làng Vũ Đại cũng không ai trả lời được.

Một tất yếu của nỗi đau đớn và bất hạnh đã xảy ra, Chí Phèo đâm chết Bá Kiến, giết chết kẻ đã đẩy hắn vào đường cùng rồi tự giải thoát cho mình bằng cái chết. Có người nói hành động của Chí là hành động bồng bột của cơn say, nhưng thực chất, đó là hành động lúc Chí tỉnh táo nhất. Hắn nhận thực rõ đâu là kẻ thù, đâu là hiện thực đau thương và đâu là con đường giải thoát cho mình. Ngay chính lúc ấy, phần con trong Chí đã hiện hữu, Chí đã đánh đổi mạng sống để lấy ánh sáng của lương thiện. Tiếng nói và hành động của Chí lúc bây giờ cũng chính là tiếng nói của một lớp người đang bị ghì xuống tận đáy xã hội bấy giờ.

Bằng nghệ thuật khắc họa nhân vật điển hình và đặt nhân vật vào tình huống điển hình, Nam Cao đã khắc họa thành công hình ảnh Chí Phèo đồng thời là những người nông dân bần cùng. Bên cạnh đó, bút pháp miêu tả tâm lí và diễn biến tâm lí tinh vi, sắc sảo, đào sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật để nhận thấy những thay đổi dù là nhỏ nhất cũng làm nên nét riêng biệt độc đáo trong ngòi bút hiện thực của “nhà văn của người nông dân nghèo” Nam Cao.

Người nông dân nghèo là chủ đề quen thuộc và được nhiều nhà văn khai thác, tuy nhiên hình tượng người nông dân trong bần cùng của Nam Cao đã để lại trong lòng độc giả ấn tượng sâu sắc. Mà ở đó, Chí Phèo là hiện thân của một xã hội nhiều góc khuất, những mảnh đời bị “ghì chặt xuống đất” và được soi sáng bằng trái tim nhân đạo và ánh sáng của thiên lương. Không sai khi nhận định rằng: “Chí Phèo là vàng được đãi từ dòng sông hiện thực.”

“Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa”, câu chất vấn đầy ám ảnh của Chí Phèo tựa hồ như vẫn còn văng vẳng bên tai, làm người ta phải suy nghĩ mãi. Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi bị Thị Nở từ chối, chúng ta càng cảm thương hơn cho một phận đời bất hạnh, trong những giờ phút cuối đời vẫn còn khắc khoải một nỗi đau và ước mơ được sống như người bình thường, bình dị, an yên.


Cùng chủ đề:

Phân tích tác phẩm "Sống mòn" lớp 11
Phân tích tác phẩm "Đất rừng phương Nam" lớp 11
Phân tích tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao
Phân tích tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông”
Phân tích tác phẩm “Bước đường cùng” lớp 11
Phân tích tâm trạng của nhân vật Chí Phèo sau khi bị Thị nở từ chối
Phân tích tấn bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô
Phân tích tình huống truyện lạ và éo le mà Kim Lân đã xây dựng trong truyện ngắn Vợ nhặt
Phân tích tình yêu trong bài thơ Thuyền và biển
Phân tích truyện ngắn “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân
Phân tích và chứng minh hai câu nói cuối cùng của nhân vật Chí Phèo đã bộc lộ rõ chủ đề của tác phẩm