Phân tích văn bản Nguyệt cầm — Không quảng cáo

Văn mẫu lớp 11 - Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 Chân trời sáng tạo Bài 8: Cái tôi - Thế giới độc đáo - Văn mẫu 11 Chân trờ


Phân tích văn bản Nguyệt cầm

I. Mở bài: - Nhắc đến sự thành công của phong trào thơ mới, chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ đến những cái tên như Chế Lan Viên, Huy Cận và đặc biệt là nhà thơ Xuân Diệu

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

- Nhắc đến sự thành công của phong trào thơ mới, chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ đến những cái tên như Chế Lan Viên, Huy Cận và đặc biệt là nhà thơ Xuân Diệu

- Trong thơ Xuân Diệu luôn có vai trò đặc biệt của cảm giác, cảm giác về cuộc sống xung quanh của nhà thơ. Bài thơ “Nguyệt cầm” là một trong những bài thơ thể hiện rõ

II. Thân bài

*4 câu thơ đầu

- Không khí bao trùm lên toàn bộ bài thơ là một vẻ lạnh, cái lạnh thấm sâu và xuyên suốt cả bài thơ

- “Trăng nhập” như muốn nói lên rằng ở đây trăng là một linh hồn nhạy cảm, bơ vơ đang đi tìm chỗ nương tựa

- “Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần” dẫn đến niềm nhớ thương và sự phân chia nghìn trùng xa cách giữa hai bên

→ Hai câu thơ là cặp phạm trù song song đối đẳng.

4 câu thơ tiếp

- Cảnh vật quá đỗi trong sạch, nỗi buồn được lan toả trong không gian thanh sáng thành ra như không có gì lấp vào được

- Tiếng đàn thánh thót mà trầm lắng kia dồn dập mà chậm rãi làm cho ánh trăng như đang run lên trong không gian

- 2 câu thơ tiếp là nguyên nhân của tiếng đàn buồn, ra là thi nhân vẫn đang hướng tới con người.

- Số phận của họ có phải giống như tiếng đàn kia vang lên mong manh, lẽ loi rồi tan vào trong vũ trụ

*4 câu thơ tiếp

- Từ “lạnh” được đặt độc lập trong câu thơ mới thấy được cái lạnh toát ra mạnh mẽ nhất, đến người đọc cũng cảm thấy hơi lạnh

- Tiếng “trời ơi” vang lên như tiếng kêu thảng thốt của một tâm hồn mềm yếu trước cái lạnh ấy, cái rùng mình của một thân phận cô đơn

- Câu thơ đảo từ “long lanh” lên trên đầu cho ta thấy ánh sáng phát ra từ tiếng đàn, động vào sỏi đá → Tiếng đàn đêm nay lại là tiếng vang của những mối hận trong lòng.

- Câu thơ đưa ta về với bến Tầm Dương, với cảnh và tình ngày xưa để cảm nhận tiếng đàn ở mức độ tinh vi nhất

*4 câu thơ cuối

- Tiếng đàn hoá thành đại dương, mỗi giọt âm thanh vừa là trăng, là bạc, là pha lê

- Hai từ “bốn bề” được đặt ở đầu câu thứ nhất lặp lại ở cuối câu thứ hai vừa là đóng khung cuộc đời con người trong đó lại vừa mở ra một không gian vô tận

- Tiếng đàn ngân mãi, vang vọng vào cái không gian xa kia làm nó thêm vời vợi mà con người thì cứ nhỏ đi, chìm đi mãi.

III. Kết bài

- Thiên nhiên là hình thức biểu hiện của tình yêu, là nơi Xuân Diệu gửi gắm tâm trạng, những suy nghĩ khiến ông trăn trở. Nếu như ta thả tâm hồn mình cũng ngập chìm trong đó, ta sẽ thấy vương vấn man mác một nỗi buồn không tên

Bài tham khảo Mẫu 1

Sinh thời, Xuân Diệu từng viết: Tôi có cái mà người ta gọi là “tâm hồn”, cái gì đó mà nó là hướng toát ra tinh vi nhất, huyền bí nhất. Tâm hồn ấy là một tâm hồn thơ, luôn cảm nhận cuộc sống bằng mọi giác quan của mình.

Trong thơ Xuân Diệu có vai trò đặc biệt của cảm giác, cảm giác về cuộc sống xung quanh nhà thơ muôn hình muôn vẻ, có khi lại là những điều lớn lao trong tình yêu, trong lòng người, nhưng có khi là chỉ qua việc nghe “nguyệt cầm” nhà thơ đã tạo nên bao điều tinh tế. “Nguyệt cầm” là một trong những điều tinh tế ấy.

Thơ ca lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945 có ảnh hưởng nhiều của thi pháp thơ tượng trưng ở Pháp, tức là “thế giới thống nhất trong tình âm u, huyền bí của nó” hay “hương sắc và âm thanh trong không gian tương ứng với nhau” (Bôđơle) ... Trong thơ Xuân Diệu, sự chuyển đổi cảm giác giữa âm thanh, màu sắc, hương vị ... rất thuần thục, nhà thơ luôn tạo ra những kênh cảm giác giao thoa với nhau. “Nguyệt cầm” là bài thơ nói nhiều về sự giao thoa ấy. Nhà thơ đã chọn đây là bài thơ hay nhất của ông, “bài thơ thăng hoa từ đầu đến cuối”.

Không khí bao trùm lên toàn bộ bài thơ toát ra một vẻ lạnh, cái lạnh thấu suốt và thấm sâu, nó “nhập” vào hồn người từ những câu thơ đầu:

“Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân ...”

“Trăng nhập”, hình như trăng ở đây là một linh hồn nhạy cảm, bơ vơ đang đi tìm chỗ tựa nương, linh hồn ấy nhập vào “dây cung nguyệt lạnh” càng làm cho cảm giác lạnh lẽo tăng thêm. Nhưng câu thơ không chỉ đơn giản là cảm giác về xúc giác, thị giác. Dường như nhà thơ đang định lý giải “tại sao lại gọi là đàn nguyệt?”.

Đây là loại đàn thuộc một loại tỳ bà dành cho phụ nữ chơi. Nhưng nếu như chỉ lý giải như thế câu thơ trở nên tầm thường quá, lắp ghép các sự vật hiện tượng lại với nhau để lý giải dòng cảm xúc thực không phải là ý định của nhà thơ. “Dây đàn” ở đây chính là sự biểu hiện của ánh trăng, trăng dường như hóa thân thành dây đàn, dây đàn thành âm sắc của trăng.

Với thủ pháp xáo trộn hình ảnh, biến cái thực là “dây đàn” thành cái ảo là “trăng”. Và ngược lại, Xuân Diệu muốn cấu tứ theo lối đồng nhất: cây đàn nguyệt là đàn trăng và trăng cũng là một cây đàn, nhà thơ dùng chất liệu ánh sáng và âm thanh để diễn tả âm sắc của “đàn nguyệt”. Câu thơ tạo cho người đọc hai cách hiểu: nêu trăng là một cây đàn thì giọt đàn là giọt trăng, nếu đàn là trăng thì âm thanh là sắc trăng. Câu thơ hay đến mức kỳ diệu, đi trên ranh giới giữa cái thực và cái ảo, tạo nền cho dây đàn hai âm sắc: nóng và lạnh, trong đó lạnh là sở trường:

“Trăng thương, trăng nhổ, hỡi trăng ngần

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm”

Nhịp thơ 2/2/3 khiến ta liên tưởng đến những buồn thương mà đàn, trăng đã nói hộ thi sĩ, cứ nao nao, từng đợt, từng đợt như chực trào ra nơi khoé mắt. Âm thanh nguyệt cầm được cảm nhận sâu sắc chính bởi tâm hồn thi sĩ hòa nhập với tâm tình nghệ sĩ. Hai câu thơ như tách ra thành những chùm ba hợp âm. Chính vì có trăng nhập vào đàn nên âm sắc rung lên vừa là âm, vừa là sắc. Mỗi cặp “trăng thương, trăng nhớ, trăng ngần” là một nốt đàn. “Đàn buồn, đàn lặng, đàn chậm” là sự thay đổi của nốt đàn, trên là trăng, dưới là đàn, trên là ánh sáng, dưới là âm thanh. Tất cả đều đạt đến sự tuyệt đối của âm sắc.

Các giai điệu “trăng - đàn”, “đàn - trăng” cứ lặp đi lặp lại dễ gây cho ta cảm xúc buồn. Nếu như ở câu trên từ “ngần” đặt ở cuối câu là tiếng đàn dàn trải thì câu dưới từ “chậm” (thanh nặng) ở cuối câu tiếp theo từ “lặng” (thanh nặng) và “buồn” (thanh huyền) làm cho tiếng đàn như nghẹn lại, buồn thảm hơn. Những điệp khúc ấy cứ xoáy vào ta, da diết lạ kỳ. Tiếng đàn là sự đồng vọng của tiếng hồn bay tới vầng trăng, cái vầng trăng vẫn có tự muôn đời: trăng quá khứ, trăng của thực tại và trăng của những áng thơ ấy ...

Chính những ảo ảnh cảm giác mà ta cảm nhận được đã tạo nên sự so sánh: “mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”. Giọt ở đây là giọt đàn, cả bảy chữ là sự chuyển đổi của các kênh cảm giác: lấy cái hữu hình hoá cái vô hình: nếu như “giọt” là đơn vị của chất lỏng thì “giọt rơi tàn như lệ ngân” lại là giọt ánh sáng, giọt âm thanh. “Rơi” không chỉ nghe thấy tiếng vang ngân mà còn thấy được cả ánh sáng “tàn”, đem so sánh với “lệ” là giọt chất lỏng tạo cho “giọt” có cấu trúc muôn hình thể: âm thanh biến thành ánh sáng, ý thơ lung linh, chính tâm hồn tinh tế của thi nhân đã “kết” tiếng đàn kia từ âm, sắc thành giọt lỏng.

Cái phi lý tính ấy ta đã gặp nhiều trong thơ Xuân Diệu, tăng sức gợi cảm cho bài thơ. Có thể nói, Xuân Diệu đã đưa cái trong của tiếng đàn lên đến đỉnh cao của nghệ thuật, của cái đẹp là “thuỷ ngân”, đồng thời cũng đưa cái buồn của tiếng đàn xuống đến tuyệt đối. Âm thanh tích tụ mối sầu ở cảnh, ở tình kết thành giọt rơi giữa đêm vắng, giọt âm thanh cứ chơi vơi giữa lòng vũ trụ, giữa lòng thi sĩ. Dư âm của nó cứ lay động nhẹ trái tim nhà thơ, cứ đọng dần, đọng dần cho đầy tâm hồn cô vắng. So với tiếng đàn trong thơ Nguyễn Du xưa, tiếng đàn của Xuân Diệu buồn một nỗi buồn hết sức hiện đại, tất cả đều ở mức tinh tế nhất.

Chợt một cảm giác ghê sợ xâm chiếm dần nỗi buồn miên man khi bóng sáng lung linh bỗng rung mình:

“Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh

Lung linh bóng sáng bỗng rung mình

Vì nghe nương tử trong câu hát

Đã chết đêm rằm theo nước xanh”.

Vẫn tiếp tục là cảnh, là tiếng đàn cất lên trong đêm khuya mơ hồ, thanh vắng. Câu thơ vẫn kết cấu theo chùm ba hợp âm nhưng ở đây là sự ngưng đọng ở cảnh: “Mây trắng, trời trong, đêm thuỷ tinh”. Đó là sản phẩm của sự tương giao, “đêm thuỷ tinh” là sự sáng tạo, cụ thể hoá cái vô hình thành cái hữu hình có thể sờ nắm được.

Câu thơ không hề nói đến hình ảnh con người, cảnh trong sạch quá đỗi, nỗi buồn lan tỏa trong không gian thanh sáng quá thành ra như không có gì lấp vào được. Không vợi đi mà cứ tăng lên. Không có con người, không một làn gió, không có âm thanh nào khác ngoài tiếng đàn, càng không có hơi ấm của cuộc sống. Ngước lên bầu trời cao trong vắt, đối diện với tâm hồn: Mây không phải không có mà là đi vắng, nghĩa là mọi đêm vẫn có nhưng đêm nay thì không, sự hẫng hụt như tăng lên. Không gian trong đến choáng ngợp, giữa âm thanh và màu sắc có sự tương đồng. Chính tiếng đàn thánh thót mà trầm lắng, nhanh dồn dập mà chậm rãi làm cho ánh trăng kia như run lên trong không gian quá rộng, quá trong:

“Linh lung bóng sáng bỗng rung mình”

Câu thơ có sự chuyển đổi cảm giác cực mạnh, nếu “lung linh” là ánh sáng được cảm nhận bằng thị giác thì “lung linh” có cả xúc giác, cảm giác ghê sợ, rợn, lạnh ở phía sau, làm cho ta rùng mình. Dường như ngoài đêm ra, bóng sáng là thính giả duy nhất của đêm nhạc, nghe nhạc vì rung động nên rùng mình.

“Bóng sáng” là hư ảo nhưng tác giả thấy có một bóng sáng hiện lên trong đêm đó, cả cái vô hình cũng trở nên rung động, chứng tỏ sự tác động mạnh mẽ của âm thanh không chỉ làm cho con người xúc động mà còn làm cho cả những cái hư ảo, tưởng như không tồn tại cũng rung mình. Hai vần “inh - ung” đặt trong một câu thơ dễ gây cho ta cũng có cảm giác “rung rinh” ấy. “Bỗng rùng mình” chuẩn bị cho ý thơ dưới:

“Vì nghe nương tử trong câu hát

Đã chết đêm rằm theo nước xanh”

Dường như câu thơ nói rõ thêm nguyên nhân làm cho ta nghe thấy tiếng đàn buồn, thì ra thi nhân không quá thả hồn mình vào và bay bổng theo tiếng đàn mà quên đi cuộc sống con người, Xuân Diệu đang hướng tới con người. Hình như tiếng đàn ấy rất hợp với tiếng lòng thi sĩ, khi hai tiếng ấy gặp nhau có sức gợi hình ảnh rất lớn, dường như tiếng ấy hợp với tình này.

Tiếng đàn buồn rơi trong đêm trăng làm cho thi sĩ liên tưởng đến những con người bạc mệnh, những con người ấy cũng đã từng sống trong cảnh buồn thương, rơi rụng. Số phận của họ mỏng manh như tiếng đàn nhưng không dễ dàng làm cho người đời quên đi mà ngược lại, luôn in dấu trong cảnh vật, con người. Họ là ai? “Vì nghe nương tử trong câu hát”. Thì ra chỉ một bản đàn, qua những câu hát buồn lặng ấy đã tái hiện cả một kiếp người bạc mệnh. Họ là những người phụ nữ tài sắc nhưng “hồng nhan đa truân”, cuộc đời họ bất hạnh, buồn thảm như tiếng đàn của họ.

Không phải ngẫu nhiên mà những người phụ nữ tài sắc thường là những người giỏi cầm thơ, nàng Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đánh đàn biểu hiện nỗi lòng mình đến độ “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”. Còn “nương tử” trong bài thơ này có lẽ là nàng Chiêu Quân chăng? Có phải bản nhạc mà nhà thơ nghe là đang hát về nàng hay nghe nhạc mà tác giả liên tưởng đến nàng? Câu thơ có chiều sâu của thời gian, ở hiện tại nhà thơ nhìn về quá khứ, không gian được mở rộng, dường như tiếng đàn là nơi thu hút nhất những cảm xúc tài hoa: người tài hoa, âm sắc tài hoa, tất cả chơi vơi trong dòng âm thanh lơ lửng trong không gian. Phải chăng quá khứ đang biểu hiện hiện tại? Cảm giác về âm, sắc ấy khiến cho ánh trăng cũng rung mình thương xót cho kiếp người xấu số. Cái còn lại của đời người ấy là tinh anh của người đẹp.

Câu thơ rất “Tây” của Xuân Diệu đã tái hiện rất đúng cuộc đời người con gái tài hoa nhưng bạc mệnh Chiêu Quân. Đêm rằm chết dần, tàn dần theo nước xanh hay người con gái ấy gói cuộc đời mình lại trong tiếng đàn, câu hát rồi để mặc chảy trôi vĩnh viễn theo dòng nước xanh - dòng đời hoang dại? Câu thơ có sự lụi tàn của cái đẹp, có cái vô tình của tạo hoá, có cái nhẫn tâm của cuộc đời. Bạc bẽo lắm thay ! Cái sự thật phũ phàng ấy đã bao lần được nói tới trong văn thơ trung đại, nay đến lượt Xuân Diệu.

Chính điều đó giữ ông lại với tâm hồn Việt Nam. Bao nhiêu tình cảm tiếc thương cho đời người tài hoa bạc mệnh biểu hiện bằng hình ảnh thơ phũ phàng, nhà thơ như muốn nói đến điều tưởng như vô lý mà lại là sự thực ở đời. Dù sao thì ta cũng thấy nhà thơ đã nhận ra điều đó, giúp ta hiểu biết thêm về người xưa, về âm thanh tài hoa của “Nguyệt cầm” . Nghĩ thế những tưởng cho lòng mình ấm lại, tìm thấy chút gì ấm áp, nhưng trời ơi, tiếng đàn buồn lặng lại bị ánh trăng lạnh lẽo lấn át đi, không gian tràn ngập tiếng đàn vẫn ám ảnh và đập mạnh vào giác quan của nhà thơ, của ta, cảm giác lạnh vẫn cứ tăng lên:

“Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời

... Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”.

Không gian của bài thơ ngày càng khuya khoắt, thanh vắng hơn, dường như cái lạnh của đêm thu càng làm tăng thêm độ ngời sáng của trăng. Tiếng đàn không chỉ dừng lại ở mức độ tạo nên cảm xúc buồn mà chuyển thành “ghê”, tức là sợ hãi, mặc cảm như lùi xa. Cả bài thơ có đến ba từ “lạnh” nhưng phải đến từ thứ ba do được ngăn cách quyết liệt bởi hai dấu phẩy mới thấy hết được cái lạnh toát ra mạnh mẽ nhất; cách chuyển đổi cảm giác từ thính giác sang xúc giác đến độ như thế đã là tuyệt đối! Cái lạnh lọc trong ánh trăng, rùng mình làm người đọc cũng rợn người.

Tiếng kêu “trời ơi” không kìm nén được đã cất lên như sự chứng minh cho sự không dừng được của cảm xúc, như tiếng kêu thảng thốt của một tâm hồn mềm yếu trước cái lạnh dễ sợ của đêm nhạc, trước ký ức buồn thương. Cái rùng mình được diễn tả bằng nhịp ngắt từ “lạnh” riêng thành một nhịp, đó là sự tận cùng của cảm nhận. Thi nhân đã thu lòng mình vào khí thu lạnh lẽo, ánh trăng tỏ ngời và nỗi niềm uất hận từ tiếng đàn, những nỗi niềm ấy còn tồn tại trong cả sỏi đá.

Câu thơ đảo từ “long lanh” lên đầu cho ta thấy ánh sáng phát ra từ tiếng đàn, đọng vào sỏi đá. Cái cảm giác xù xì, trầm đục ấy lẽ ra phải được cảm nhận bằng thị giác nay “vang vọng” thì đã chuyển sang thính giác. Tiếng đàn đẹp và hay nay lại là tiếng vang của những mối hận trong lòng, những mối hận đã lên tiếng. Thế mới biết sự nhập tâm của người chơi đàn và người nghe đàn đạt đến mức độ như thế nào ! Trăng đêm thu trong “Nguyệt cầm” nhớ trăng bến Tầm Dương, Xuân Diệu nhớ đến Bạch Cư Dị.

Câu thơ đưa ta về bến Tầm Dương, với cảnh và tình ngày xưa, với cùng một lứa bên trời lận đận, để cảm nhận tiếng đàn ở mức độ tinh vi nhất: cả trăng, nhạc và ánh sáng ... hoà vào nhau. Nhà thơ đã nghe tiếng đàn bằng toàn bộ sự sống của mình. Còn ta, ta nghe tiếng đàn thơ bằng các giác quan của mình. Tất cả nằm trong sự cộng hưởng đến tuyệt vời. Thế mới biết năng lực tạo hình bằng âm thanh của Xuân Diệu đạt đến mức tài hoa như thế nào.

Tiếng đàn về đêm khuya nghe càng rõ, càng dồn dập:

“Bốn bề ánh nhạc biển pha lê ...

Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê”

Hình ảnh thơ được cấu tạo từ sự tương giao, sự chuyển đổi của các giác quan: âm nhạc tỏa lan trong không gian mang lại cả màu sắc, hình khối. Ta không chỉ nghe thấy mà còn cảm thấy trong cái rùng mình, sờ nắm thấy từ chất liệu quý “pha lê”.

Không gian bao quanh, tiếng đàn hoá thành đại dương chứa âm thanh, mỗi giọt âm thanh vừa là trăng, là bạc, là pha lê. Câu thơ như vút cao lên. Tuy nhiên, từ đầu tới giờ đêm nhạc chỉ gây cho ta cảm giác ớn lạnh thì biển pha lê kia cũng chỉ là một bể sầu vô định, mênh mông, choáng ngợp mà trên đó có một linh hồn - chiếc đảo đang bơ vơ. Hai từ “bốn bề” đặt ở đầu câu thứ nhất lặp lại ở cuối câu thứ hai vừa đóng khung cuộc đời con người trong đó lại vừa mở ra một không gian vô tận mà ở đó con người thật nhỏ bé, khó xác định, cứ bị ngợp dần.

Có thể nói mặc cảm cô đơn bế tắc luôn ám ảnh các nhà thơ mới, nhất là Xuân Diệu. Ông như một “con chim hoạ mi hoan hỉ hót trong bóng đêm những nỗi cô đơn của mình bằng những tiếng ngọt ngào” (Shelley). Hình ảnh “chiếc đảo hồn tôi ... “ là nỗi lòng tự bạch của t thi sĩ nói riêng và một tầng lớp lúc bấy giờ. Tiếng “rợn” như một cái rùng mình trước sự thật ấy.

Đây không phải là lần duy nhất Xuân Diệu cảm thấy choáng váng vì cô đơn. Ông khát khao giao cảm hết mình với đời nhưng những gì mà ông nhận lại thì “chưa đủ” nên càng thấy cô đơn, mà càng cô đơn ông càng giao cảm, càng đi sâu vào những điều tinh tế, ông đã thạo dò la tâm cảnh, tâm tình. Khát khao ấy biểu hiện rõ nét trong hai câu thơ:

“Chỉ biển trời xanh, chẳng bên trời

Mắt nhìn thêm rợn ánh khơi vơi”

(Buồn trăng)

Cái vô biên, bất tận của vũ trụ luôn tác động đến cảm giác, cảm xúc của thi sĩ, và khi ấy phương thức giãi bày, bộc lộ tuyệt vời nhất lại là thơ.

Toàn bài im ắng và lặng lẽ. Cái tĩnh mịch như lên cao độ ở hai câu kết:“

“Sương bạc làm thinh khuya nín thở

Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê”

Không còn gì ngoài tiếng đàn đang thả ra từng giọt ảm thanh não nề. Sương bạc, đêm khuya là thính giả của đêm nhạc cũng lặng thinh và nín thở và rồi chợt nhận ra rằng sao Khuê đang bị mờ dần bởi mối sầu trong nhạc, nhà thơ ngước nhìn lên. Lúc này giọng đàn sầu não đã chiếm lĩnh cả bên trong những vì tinh tú, tâm sự trong nhạc đã sâu sắc tuyệt đối. Vũ trụ đã nghiêng mình, lòng người đã bị chinh phục!.

Bài thơ kết thúc trong lúc cả vũ trụ bị thu hút bởi âm thanh Nguyệt cầm. Chỉ còn những sợi ánh sáng trắng, giọt âm thanh trăng như vương lại, đọng trên trang thơ.

Bài tham khảo Mẫu 2

Nhắc đến sự thành công của phong trào thơ mới, chắc hẳn chúng ta sẽ nghĩ đến những cái tên như Chế Lan Viên, Huy Cận và đặc biệt là nhà thơ Xuân Diệu - Người được mệnh danh là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới. Thoát ra khỏi lối mòn của thơ cũ, Xuân Diệu đã để lại cho đời cả một gia tài thơ khổng lồ. Trong thơ Xuân Diệu luôn có vai trò đặc biệt của cảm giác, cảm giác về cuộc sống xung quanh của nhà thơ muôn hình muôn vẻ, có khi là những điều lớn lao trong tình yêu, nhưng có khi là chỉ qua việc nghe “nguyệt cầm” nhà thơ đã tạo nên bao điều tinh tế. Bài thơ “Nguyệt cầm” là một trong những bài thơ thể hiện rõ sự tinh tế ấy.

Không khí bao trùm lên toàn bộ bài thơ là một vẻ lạnh, cái lạnh thấm sâu và xuyên suốt cả bài thơ, nó “thâm nhập” vào hồn người từ những câu thơ đầu:

“Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân ...”

“Trăng nhập” như muốn nói lên rằng ở đây trăng là một linh hồn nhạy cảm, bơ vơ đang đi tìm chỗ nương tựa, linh hồn ấy đã nhập vào “dây cung nguyệt lạnh” càng làm cho cảm giác lạnh lẽo tăng thêm. Nếu “Trăng nhập vào dây cung nguyệt lạnh” mở ra bối cảnh da diết thì “Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần” dẫn đến niềm nhớ thương và sự phân chia nghìn trùng xa cách giữa hai bên. hai câu thơ vì thế mà trở thành cặp phạm trù song song đối đẳng.

Những thanh trắc nghe mà nức nở, kết hợp với những thanh bằng trùng tạo ra âm thanh trầm uất, sâu lắng. Những nhịp đứt đoạn, ngắc ngứ diễn tả một nỗi buồn u ẩn của những kiếp cầm ca. Những nốt đàn buồn chầm chậm mà đọng thành từng giọt như giọt lệ có âm thanh “ngân” lên nỗi buồn của ca nữ.

Chợt một cảm giác xâm chiếm nỗi buồn miên man khi bóng sáng lung linh bỗng rung mình:

“ Mây vắng, trời trong, đêm thuỷ tinh

Lung linh bóng sáng bỗng rung mình

Vì nghe nương tử trong câu hát

Đã chết đêm rằm theo nước xanh”.

Câu thơ không nói đến hình ảnh con người, cảnh vật quá đỗi trong sạch, nỗi buồn được lan tỏa trong không gian thanh sáng thành ra như không có gì lấp vào được. Không thể vợi bớt đi mà cứ ngày càng tăng lên. Không có con người, không có âm thanh nào khác ngoài tiếng đàn, càng không có hơi ấm của cuộc sống. Chính tiếng đàn thánh thót mà trầm lắng kia dồn dập mà chậm rãi làm cho ánh trăng như đang run lên trong không gian quá rộng, quá trong:

“Linh lung bóng sáng bỗng rung mình”

2 câu thơ tiếp là nguyên nhân của tiếng đàn buồn, ra là thi nhân vân đang hướng tới con người. Nghe tiếng đàn “rơi”, trong ánh trăng, Xuân Diệu nghĩ ngay tới những kiếp người bạc mệnh. Số phận của họ có phải giống như tiếng đàn kia vang lên mong manh, lẻ loi rồi tan vào trong vũ trụ. Khi hạ bút viết từ “xanh” không biết thi nhân có thầy nhói trong tim mình, Nước “xanh” không phải một dòng nước trong trẻo, dịu êm; nước xanh là dòng nước vẫn còn mang cái vẻ hoang dại và vô tình của tạo hóa, lại là nơi đón những linh hồn còn màu xanh của sức tuổi trẻ.

Không gian của bài thơ ngày càng khuya khoắt, thanh vắng hơn, dường như cái lạnh của đêm thu càng làm tăng thêm độ ngời sáng của ánh trăng:

“Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời

... Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”.

Bài thơ có đến ba từ “lạnh”. Nhưng phải đến từ “lạnh” thứ ba này được đặt độc lập trong câu thơ mới thấy được cái lạnh toát ra mạnh mẽ nhất, đến người cũng cảm thấy hơi lạnh bốc lên, cái lạnh lọc trong ánh trăng, cái lạnh rùng mình. Giọt “lệ đàn” giờ thành nước, dòng nước tê lạnh cứ ngấm dần vào tìm người ta... Tiếng “trời ơi” vang lên như tiếng kêu thảng thốt của một tâm hồn mềm yếu trước cái lạnh ấy, cái rùng mình của một thân phận cô đơn giữa một thể giới tưởng như bao la, thế giới thiếu vắng con người, thể giới lạnh lẽo với đầy kí ức buồn.

Hai câu thơ tiếp đảo từ “long lanh” lên đầu cho ta thấy ánh sáng phát ra từ tiếng đàn, động vào sỏi đá. Cái cảm giác ấy lẽ ra phải được cảm nhận bằng thị giác nay “vang vọng” thì đã chuyển sang thính giác. Tiếng đàn đêm nay lại là tiếng vang của những mối hận trong lòng. Câu thơ đưa ta về với bến Tầm Dương, với cảnh và tình ngày xưa để cảm nhận tiếng đàn ở mức độ tinh vi nhất: ánh trăng, nhạc và ánh sáng ... hoà vào nhau. Thế mới thấy năng lực tạo hình bằng âm thanh của Xuân Diệu đạt đến mức tài hoa như thế nào.

Tiếng đàn càng về khuya nghe càng rõ, càng dồn dập:

“Bốn bề ánh nhạc biển pha lê ...

Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê”

Không gian được bao quanh bởi tiếng đàn. tiếng đàn hoá thành đại dương, mỗi giọt âm thanh vừa là trăng, là bạc, là pha lê. Câu thơ như vút cao lên. Tuy nhiên, từ đầu bài thơ tới giờ đêm nhạc chỉ gây cho ta cảm giác ớn lạnh thì biển pha lê kia cũng là một bể sầu vô định, mênh mông, choáng ngợp mà trên đó có một chiếc đảo đang bơ vơ. Hai từ “bốn bề” được đặt ở đầu câu thứ nhất lặp lại ở cuối câu thứ hai vừa là đóng khung cuộc đời con người trong đó lại vừa mở ra một không gian vô tận, ở đó con người thật nhỏ bé, khó xác định, bị ngợp dần.

Giờ chỉ còn lại tiếng đàn sầu não với một tâm hồn bơ vơ. Không gian nín lặng đi vì xúc động. Nỗi buồn ngập tràn, lan tỏa, lắng sâu vào tâm hồn người đọc. Tiếng đàn ngân mãi, vang vọng vào cái không gian xa kia làm nó thêm vời vợi mà con người thì cứ nhỏ đi, chìm đi mãi.

Thế giới không có mặt trời đầy sao mà hoang vắng quá. Chỉ có những sợi ánh sáng le lói, những giọt âm thanh lấp lánh trên trang thơ, cái tài, Cái hồn của Xuân Diệu được đặt ở đó. Thơ Xuân Diệu là tiếng lòng của ông, thiên nhiên là tâm sự khỏa lấp khoảng trống trong tâm hồn ông. Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu mà thiên nhiên là hình thức biểu hiện của tình yêu đó, đó là nơi ông gửi gắm tâm trạng, những suy nghĩ khiến ông trăn trở. Khi ông thất vọng cô đơn, thiên nhiên lạnh lẽo trầm lắng, khi ông vội vã sống, vội vã yêu, thiên nhiên trở nên tươi sáng chan hòa. Tuy nhiên nếu như thả tâm hồn mình cũng ngập chìm trong đó, ta sẽ thấy vương vấn man mác một nỗi buồn không tên, mới nhìn tưởng như là muôn thuở nhưng nhìn kĩ thì nó lại mang dấu ấn của một lớp người, của một thời đại đã qua có thể nhận được sự cảm thông của nhiều thế hệ sau.

Bài tham khảo Mẫu 3

Trong văn chương của dân tộc cũng như văn chương của thế giới, ta có thể thấy hình ảnh ánh trăng là một hình ảnh rất đỗi quen thuộc trong cảm hứng thi ca của các thi nhân, đã có rất nhiều những tác phẩm hay, thành công với các đề tài này. Trăng được khai thác ở nhiều khía cạnh, truyền tải, biểu đạt cho những nội dung, đề tài khác nhau. Vì vậy có thể nói viết về trăng không còn là một đề tài mới mẻ, đây cũng là áp lực cho các thế hệ thi nhân sau đó. Nhưng đến lượt của mình, Xuân Diệu đã thể hiện một cách mới mẻ, sáng tạo về cái đề tài tưởng chừng như đã quá đỗi quen thuộc ấy, không chỉ lựa chọn cho mình một điểm nhìn, một khía cạnh mới để khám phá, mà Xuân Diệu còn đặt hình ảnh quen thuộc ấy với một sự vật ngỡ không mấy liên quan, đó chính là tiếng đàn cầm, tạo nên một tác phẩm thành công mang tên “Nguyệt cầm”.

“Nguyệt cầm” là bài thơ Xuân Diệu viết để thể hiện những cảm xúc, tình cảm đầy chất trữ tình, đặc biệt là những ẩn ý của cảm xúc ấy được thể hiện qua một hình ảnh mới lạ “nguyệt cầm”. Với nhan đề của bài thơ này ta có thể liên tưởng về sự hòa quyện của ánh trăng trong bản nhạc của người nghệ sĩ, sự hòa quyện này không chỉ tạo nên khung cảnh tuyệt sắc mà còn tạo ra âm thanh du dương, quyến rũ, hấp dẫn người nhìn, người xem. Mặt khác cũng gợi đến bóng dáng của nhân vật trữ tình với cây đàn cầm gảy trong đêm trăng. Nhưng đó chỉ là cảm nhận đầu tiên của độc giả về nhan đề của bài thơ, nhưng liệu mục đích, ý niệm của nhà thơ có phải vậy không thì còn cần phải xem xét, tìm hiểu:

“Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh

Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần

Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!

Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”

Không gian được nhà thơ Xuân Diệu gợi mở ra ở đây chính là không gian của một đêm trăng, đối tượng soi chiếu của ánh trăng đó được gợi nhắc cụ thể ở đây, chính là “cung nguyệt”. Thể hiện sự tiếp xúc giữa ánh trăng với cung đàn, Xuân Diệu đã thể hiện thông qua động từ “nhập”, từ này có sức ám ảnh mạnh mẽ, vì nó không chỉ gợi ra sự giao hòa của trăng- đàn mà nó còn gợi ra sự hợp nhất thành một giữa chúng. Nhưng sự giao hòa tuyệt đối này gợi ra cho người đọc sự choáng ngợp, đồng thời cảm nhận được hơi lạnh vô hình len lỏi, tác động vào tâm trí, trong dòng cảm nhận “Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh”. Ngay câu thơ đầu tiên, nhà thơ Xuân Diệu đã tạo cho bài thơ một âm hưởng trầm buồn, và nỗi buồn ấy được thể hiện ngay trong câu thơ sau đó “Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần”, vầng trăng trong cái nhìn của nhà thơ cũng đâu phải là một hiện tượng của thiên nhiên mà nó như một con người, có sự đa cảm nhất định, biết thương, biết nhớ.

Tương đồng với dòng xúc cảm của vầng trăng, cung đàn dường như cũng u uất, lặng lẽ trong giai điệu “Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm”, và trong cách miêu tả của nhà thơ, ta lại liên tưởng đến đàn và trăng như một đôi tình nhân, và giữa họ là một chuyện tình buồn “Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân”, “giọt rơi” ở đây có thể là ánh trăng, hiểu như vậy ta có thể thấy được cái độc đáo trong cảm nhận của Xuân Diệu, vì nhà thơ đã dùng âm thanh để miêu tả cái hình ảnh, ánh trăng buông xuống như những giọt lệ sầu thương.

“Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh

Lung linh bóng sáng bỗng rùng mình

Vì nghe nương tử trong câu hát

Đã chết đêm rằm theo nước xanh”

Không gian trữ tình tiếp tục được nhà thơ mô tả bằng những hình ảnh cụ thể, sinh động. Đó chính là là không gian của bầu trời đêm “Mây vắng, trời trong, đêm thủy tinh”, không gian ấy tuy có trăng nhưng vắng những đám mây lại gợi ra một không gian bị thu hẹp, “trời trong” vừa gợi ra độ sâu, vừa gợi ra độ trong của bầu trời, khi ấy, không gian buổi đêm như “thủy tinh”. Và ánh sáng của vầng trăng trên bầu trời ánh chiếu xuống không mang cảm giác yên bình như thường thấy mà nó sáng “lung linh”, tức ánh sáng đẹp nhưng lại mang đến sự rung mình cho người nhìn, người đón nhận nó. Và nguyên nhân của sự rung mình đó cũng được nhà thơ lí giải, đó là sự tích về cái chết của người phụ nữ, khi người phụ nữ ấy cất tiếng hát rồi đắm mình trong dòng chảy của dòng nước xanh, vào đúng thời khắc đêm rằm, khi ánh trăng cũng đẹp, cũng lung linh như vậy.

“Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời

Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi…

Long lanh tiếng sỏi vang vang hận

Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”.

Từ những nét phác thảo thoáng qua, nhà thơ Xuân Diệu đã đi đặc tả cụ thể những chi tiết, hoàn thiện những nét vẽ cụ thể của bức tranh thơ. Không gian đêm trăng là không gian của tiết trời vào thu, vì vậy mà ánh trăng như càng thêm tỏ rạng “Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời”, và trong không gian tuyệt sắc của không gian đêm trăng đó, vang vọng đâu đó tiếng đàn đầy u uẩn, bởi nó lạnh như nước, làm tái tê cõi lòng người nghe “Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi..” câu thơ gợi cho người đọc liên tưởng cho người đọc liên tưởng đến một thứu âm thanh réo rắt, lạnh lẽo, khắc khoải đến tận tâm can. Và sở dĩ tiếng nhạc bi thương, réo rắt như thế là bởi chính chủ thể của tiếng đàn ấy đang đeo mối sầu không có người dãi tỏ “Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người”.

“Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê

Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề

Sương bạc làm thinh, khuya nín thở

Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê”.

Ở khổ thơ cuối này, ta có thể thấy cách mô tả của nhà thơ Xuân Diệu rất độc đáo, bởi nhà thơ một lần nữa lấy cái hình ảnh để đặc tả cái âm thanh “Bốn bề ánh nhạc: biển pha lê”, rõ ràng là âm thanh của cung đàn đấy nhưng lại được thể hiện qua hình ảnh đầy sức gợi tả “ánh”, với cách dùng từ này tạo ra được sức hấp dẫn cũng như các cung bậc cảm xúc mà tiếng nhạc đó mang lại, sự đẹp đẽ của tiếng nhạc đó được Xuân Diệu liên tưởng đến vẻ đẹp của “biển pha lê”, cái đẹp mênh mông, trong sáng. Đến đây nhân vật trữ tình mới xuất hiện trong sự suy tư bộn bề “Chiếc đảo hồn tôi rợn bốn bề”, không gian xung quanh cũng như đồng cảm với thi nhân, như cảm nhận được nỗi buồn, sự bỗi bề ấy mà “làm thinh”, “nín thở”. Âm thanh tiếng nhạc vẫn réo rắt, không chỉ đánh động tâm can con người mà còn đánh động đến cả sao Khuê

“Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê”.

Bài thơ “Nguyệt cầm” của nhà thơ Xuân Diệu là một bài thơ mang những cảm xúc rất đặc biệt của nhà thơ, bởi độc giả thường quen với hồn thơ Xuân Diệu, một hồn thơ dạt dào cảm xúc tươi mới, sự hối hả, vội vàng đầy đắm say với tình yêu, với cảnh sắc, vẻ đẹp của “thời tươi” thì trong bài thơ này tuy vẫn dạt dào cảm xúc, song lại mang âm vị trầm buồn, chất chứa những nỗi suy tư, những bí mật không thể dãi bày, không thể tâm sự.


Cùng chủ đề:

Phân tích văn bản Kiến và người
Phân tích văn bản Kính gửi cụ Nguyễn Du
Phân tích văn bản Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới
Phân tích văn bản Muối của rừng
Phân tích văn bản Ngôi nhà tranh của cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự
Phân tích văn bản Nguyệt cầm
Phân tích văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà
Phân tích văn bản Người trẻ và những hành trang vào thế kỉ XXI
Phân tích văn bản Nhớ con sông quê hương
Phân tích văn bản Sơn Đòong - Thế giới chỉ có một
Phân tích văn bản Tảo phát Bạch Đế thành