Phân tích văn bản Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài
1. Mở bài: - Giới thiệu những nét chính về tác giả Nguyễn Huy Tưởng: Ông là một tác giả có thiên hướng khai thác những đề tài lịch sử khi sáng tác và có những đóng góp to lớn cho thể loại tiểu thuyết và kịch
Dàn ý chi tiết
I. Mở bài
- Giới thiệu những nét chính về tác giả Nguyễn Huy Tưởng: Ông là một tác giả có thiên hướng khai thác những đề tài lịch sử khi sáng tác và có những đóng góp to lớn cho thể loại tiểu thuyết và kịch
- Giới thiệu đoạn trích Vĩnh biệt Cửu trùng đài: Đoạn trích được trích trong hồi V của một vở kịch 5 hồi thành công của Nguyễn Huy Tưởng – Vũ Như Tô
II. Thân bài
a. Những mâu thuẫn xung đột cơ bản của vở kịch
- Mâu thuẫn thứ nhất:
+ Mâu thuẫn: nhân dân lao động khốn khổ lầm than >< bọn hôn quân bạo chúa và phe cánh của chúng sống xa hoa truỵ lạc.
Mâu thuẫn vốn có từ trước, đến khi Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây Cửu trùng đài thì nó biến thành xung đột căng thẳng, gay gắt.
- Mâu thuẫn thứ hai
+ Vũ Như Tô - Kiến trúc sư - nghệ sĩ: Tâm huyết, hoài bão, muốn đem lại cái đẹp cho muôn đời.
+ Mượn uy quyền, tiền bạc của vua để thực hiện hoài bão lớn lao → mục đích chân chính >< con đường thực hiện mục đích sai lầm → Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu, thuần túy muôn đời và lợi ích thiết thực của nhân dân
→ Đẩy Vũ Như Tô vào bi kịch không lối thoát
b. Nhân vật Vũ Như Tô
- Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài khát khao say mê sáng tạo cái đẹp:
+ Ông là người “ngàn năm chưa dễ có một”
+ Tài năng của ông được thể hiện: “chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện lên”, “sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây dựng lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”
- Là một nghệ sĩ có nhân cách lớn, hoài bão lớn, có lí tưởng nghệ thuật cao cả.
+ Ban đầu, dù Lê Tương Dực dọa giết, Vũ như Tô vẫn kiên quyết từ chối xây Cửu trùng đài.
+ Mong muốn và hòa bão của ông chính là xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài vĩ đại và bền vững → khát khao cống hiến tài năng cho đất nước
+ Khi đã xây Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô dồn hết tâm sức
- Vũ Như Tô là người không hám lợi: vua ban thưởng ông đã đem chia hết cho thợ
- Tuy nhiên, lí tưởng, ước mơ của ông hoàn toàn thoát li khỏi hoàn cảnh lịch sử xã hội của đất nước, xa rời đời sống nhân dân
→ Tâm trạng bi kịch đầy căng thẳng: xây Cửu Trùng Đài là đúng hay sai?
→ Vũ Như Tô là một nhân vật bi kịch bởi đã mang trong mình không chỉ những say mê khát vọng lớn lao mà còn cả nhưng lại lầm lạc trong suy nghĩ và hành động.
→ Sự thức tỉnh của ông chỉ diễn ra vào phút cuối khi mà ông và Đan Thiềm bị bắt, Cửu Trùng Đài bị đập phá
c. Nhân vật Đan Thiềm
- Vũ Như Tô mê cái đẹp, Đan Thiềm mê cái tài → Đan Thiềm là tri kỉ, tri âm duy nhất ở triều đình của Vũ Như Tô
- Luôn động viên, khích lệ, giúp đỡ Vũ Như Tô xây đài, bảo vệ đài.
- Là con người luôn tỉnh táo: Biết chắc Đài không thành, tìm cách bảo vệ an toàn tính mạng cho Vũ Như Tô, khuyên Vũ bỏ trốn.
- Sẵn sàng đổi mạng sống của mình cứu Vũ Như Tô, đau đớn khi không thể cứu được người tài.
→ Đan Thiềm là nhân vật sống chết hết mình vì cái tài, cái đẹp.
d. Sự giải quyết mâu thuẫn, xung đột
- Mâu thuẫn 1 : giải quyết dứt khoát bằng cảnh quân nổi loạn đốt Cửu Trùng Đài, giết vua …
- Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu và lợi ích thiết thực của nhân dân: chưa được giải quyết .
→ Vũ Như Tô có tội hay công, chúng ta không trả lời được, tác giả mới chỉ nêu vấn đề
e. Nghệ thuật
- Ngôn ngữ tập trung phát triển cao, hành động dồn dập đầy kịch tính.
- Ngôn ngữ cao đẹp có sự tổng kết cao, nhịp điệu lời thoại nhanh.
- Tính cách tâm trạng nhân vật bộc lộ rõ nét qua ngôn ngữ hành động.
- Các lớp kịch được chuyển tự nhiên, linh hoạt liền mạch.
III. Kết bài
- Khái quát lại những nét tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích
- Đoạn trích đặt ra vấn đề có ý nghĩa muôn thuở về cái đẹp, và mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nhân dân, đồng thời tác giả bày tỏ niềm cảm thông, trân trọng đối với nghệ sĩ tài năng, giàu khát vọng nhưng lại rơi vào bi kịch.
Bài tham khảo Mẫu 1
Nguyễn Huy Tưởng, một cây bút sáng tác văn học thiên về những đề tài lịch sử, thể hiện nguồn kiến thức rộng lớn về con người và xã hội. Kịch “Vũ Như Tô” là một trong những hòn ngọc sáng chói trong sự nghiệp văn chương của ông. Trong đó, đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” được trích từ hồi thứ V của tác phẩm. Với cách xây dựng tầng lớp mâu thuẫn hợp lý, tác giả đã liên kết câu chuyện không chỉ khéo léo mà còn đẩy mạch truyện lên đỉnh cao, tạo tình huống hấp dẫn đến người đọc.
Có ý kiến cho rằng, “Vũ Như Tô” không chỉ là một vở kịch đơn thuần mà là kịch lịch sử, lấy cốt lõi từ một sự kiện có thật, viết về sự kiện trong khoảng thời gian năm 1516 – 1517 dưới triều vua Lê Tương Dực, vị vua thứ chín của thời Hậu Lê. Tác phẩm được hoàn thiện vào mùa hè năm 1941. Lấy bối cảnh một sự kiện diễn ra tại thành Thăng Long, khi mâu thuẫn giữa nhân dân và triều đình vô cùng căng thẳng thì Vũ Như Tô – một kiến trúc sư đại tài lại xây dựng Đài Cửu Trùng, công trình rất đồ sộ và tốn kém.
Đứng trước áp lực dư luận và sự nổi loạn đòi đốt Đài của nhân dân, Vũ Như Tô bất lực và đau đớn nhìn đứa con tinh thần của mình bị thiêu rụi. Mâu thuẫn trong vở kịch được xây dựng giữa phe nổi loạn với phe vua Lê Tương Dực, giữa phe Trịnh Duy Sản với Kim Phượng và các cung nữ, nổi bật nhất là những mâu thuẫn nội tâm của Vũ Như Tô.
Chính sự triều đình lúc bấy giờ rơi vào cảnh nhiễu nhương, các phe nổi loạn thi nhau giành giật ngôi vị. Phe nổi loạn gồm hầu hết những tầng lớp trong xã hội, từ dân chúng đến thợ xây dựng Cửu Trùng Đài. Nhân dân lao động mâu thuẫn với tên vua bạo chúa Lê Tương Dực suốt ngày chỉ ăn chơi sa đọa. Đây là mâu thuẫn giai cấp cơ bản của chế độ phong kiến đương thời. Mâu thuẫn này đã tồn tại từ trước đó, cho đến khi Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài thì mâu thuẫn càng trở nên căng thẳng.
Để xây dựng Cửu Trùng Đài, triều đình đã tăng sưu thuế, bắt thợ giỏi, hành hạ những người chống đối. Chính sách của vua khiến dân cùng nước kiệt, nhân dân thợ thuyền từ đó sinh ra căm ghét cả Vũ Như Tô vì ông chính là kiến trúc sư xây dựng Cửu Trùng Đài. Các nhân vật nổi loạn này chỉ xuất hiện qua lời kể của nhân vật Đan Thiềm, nhưng chính mâu thuẫn này đã gây ra hậu hỏa kinh hoàng cho triều đình.
Mâu thuẫn trong kịch Vũ Như Tô còn bắt nguồn từ phe nội phản trong triều đình. Phe cánh đứng đầu là Trịnh Duy Sản, sau Trịnh Duy Sản là Ngô Hạch, An Hòa Hầu nhân dịp thợ thuyền dân chúng chống đối. Trịnh Duy Sản cầm đầu phe đối nghịch dấy binh nổi loạn, lôi kéo người làm phản, giết Vũ Như Tô, Lê Tương Dực, Đan Thiềm, tiêu diệt Cửu Trùng Đài. Mâu thuẫn này đã đẩy đoạn trích lên đến cao trào.
Trịnh Duy Sản, Ngô Hạch giết chết Lê Tương Dực, giải quyết mâu thuẫn đồng thời làm mâu thuẫn tăng lên. Ngoài ra, còn có mâu thuẫn giữa phe Trịnh Duy Sản với Kim Phượng và các cung nữ trong triều đình. Đối với Trịnh Duy Sản, Kim Phượng và các cung nữ là con rối của vua Lê Tương Dực. Kim Phượng và các cung nữ vì thế mà tìm cách đổ lỗi, căm ghét Đan Thiềm, Vũ Như Tô để mong được phe nổi loạn bỏ qua.
Nổi bật nhất trong tác phẩm là mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô và nhân dân lao động, đồng thời là mâu thuẫn trong chính suy nghĩ của nhân vật Vũ Như Tô. Một bên là nhân dân với tầm nhìn thực tế, lợi ích nhất thời, thiết thực, một bên là người nghệ sĩ, người yêu cái đẹp Vũ Như Tô với quan điểm nghệ thuật siêu thuần túy, nghệ thuật vị nghệ thuật.
Người nghệ sĩ thiên tài với nhiều hoài bão, tâm huyết nhưng không thể thi thố tài năng của mình để đem lại cái đẹp cho đời, mang tới niềm tự hào cho dân tộc khi cả xã hội, cả chế độ đã quá thối nát, mục ruỗng. Nhân dân phải sống cơ cực, lầm than trong khi nhà vua lại sa đọa, rượu chè bê tha. Hoàn cảnh đất nước không tạo điều kiện cho Vũ Như Tô thực hiện khát vọng sáng tạo của mình.
Nghe theo lời khuyên của cô cung nữ Đan Thiềm, một người cũng “mắc bệnh” yêu cái đẹp giống ông để mượn uy quyền, tiền bạc của Lê Tương Dực nhằm xây Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô không ý thức được hậu quả khôn lường xuất phát từ phía đại chúng. Trớ trêu thay, chính niềm khát khao cống hiến tài năng của mình để đem lại vinh quang cho đất nước đã đẩy ông vào trạng thái đối nghịch với lợi ích trực tiếp, thiết thực của người dân. Cho nên, mặc dù vốn gần gũi, yêu thương và quý trọng nhân dân nhưng Vũ Như Tô lại bị dân coi như kẻ thù.
Sự đối lập trong tâm trạng của Vũ Như Tô bắt nguồn từ chính những người dân và thợ thuyền. Họ phải sống một cuộc đời đói khổ, bị bóc lột, hành hạ và áp bức nên sự oán giận nhà vua cũng như kẻ xây dựng công trình kia là điều dễ hiểu. Với họ, Vũ Như Tô và Đan Thiềm chính là nguồn cơn của sự đau khổ khi đòi xây dựng Cửu Trùng Đài.
Trong khi đó, kiến trúc sư lại chỉ say sưa với tác phẩm nghệ thuật của mình, mong để lại cho đời sau một di tích lịch sử văn hóa mà quên mất thực tế nhân dân. Đến khi cuộc nổi loạn nổ ra, Cửu trùng Đài bị thiêu rụi, Vũ Như Tô vẫn không khỏi bàng hoàng, vẫn nghĩ mình vô tội, thậm chí còn muốn thuyết phục An Hòa Hầu, một lòng sống chết bảo vệ công trình dang dở. Một người nghệ sĩ nhân cách cao cả, lý tưởng đẹp đẽ, tôn sùng nghệ thuật chân chính và muốn để lại cho nhân dân, cho hậu duệ bức tượng đài kiến trúc.
Một nhân vật bi kịch khi thoát li khỏi thực tế, đưa cái nghệ thuật lên quá mức cho phép mà không nhìn lại cuộc sống đói khổ của nhân dân. Đến phút cuối, khi quần chúng nổi dậy đòi giết mình, đốt đài, người nghệ sĩ vẫn không nghĩ việc xây dựng Cửu Trùng Đài là gây tội ác, vẫn khăng khăng tin mình quang minh chính đại. Vũ Như Tô là một nghệ sĩ đại tài, họa chăng chỉ là không sinh ra đúng thời đại mà thôi.
Kịch nghệ thú vị ở chính những mâu thuẫn đối lập mà nó mang lại, ở đây, Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng nghệ thuật trọn vẹn và đặc sắc. Ngôn từ điêu luyện, khắc họa tính cách và diễn biến tâm trạng nhân vật để đẩy cao những mâu thuẫn giữa các tuyến nhân vật, dẫn dắt vở kịch đến nút thắt và nút mở hợp lý. Mâu thuẫn được giải quyết tuy không triệt để nhưng lại là lối thoát duy nhất cho tầng lớp mâu thuẫn chồng chất.
Đọc kịch của Nguyễn Huy Tưởng, ta không hoàn toàn có khái niệm chiêm nghiệm văn chương mà còn là phân tích lịch sử, đặt tình huống và thực tế đương thời để thấu hiểu và tri âm với tác giả.
Bài tham khảo Mẫu 2
Vào năm 1516 dưới triều vua lợn Lê Tương Dực vốn nổi tiếng là ăn chơi, sa đọa đã sai Vũ Như Tô xây điện 100 nóc và xây công trình quy mô lớn là Cửu trùng đài. Đây là một sự kiện có thật được nhà viết kịch tài ba Nguyễn Huy Tưởng khai thác để dựng lên vở kịch “Vũ Như Tô” phản ánh hai mâu thuẫn cơ bản về xã hội và con người.
Đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài” thuộc hồi cuối tác phẩm thể hiện cao trào kịch tính được đẩy lên đến đỉnh điểm, cùng với đó là bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô và nữ phụ Đan Thiềm những người nghệ sĩ say mê cái đẹp mà quên mất mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, giữa lí tưởng nghệ thuật thuần túy với lợi ích của nhân dân.
Vũ Như Tô là một nhà kiến trúc sư tài giỏi bị Lê Tương Dực ép xây dựng Cửu trùng đài để làm nơi hưởng lạc vui chơi với cung nữ. Ông vốn là người nghệ sĩ chân chính lại gắn bó gần gũi với nhân dân nên đã từ chối, quyết không nhận lời và ngang nhiên mắng chửi tên hôn quân bạo ngược.
Về sau khi được Đan Thiềm Người cung nữ say mê cái đẹp và biết quý trọng người tài thuyết phục là lợi dụng tiền bạc và quyền lực của vua để xây dựng một tòa lâu đài cho đất nước “Bền như sao trăng”, có thể “tranh tinh xảo với hóa công” và để cho “dân ta nghìn thu còn hãnh diện”. Kể từ đó ông thay đổi thái độ chấp nhận mệnh lệnh, dồn tất cả tài năng và trí tuệ sáng suốt để hoàn thành hoài bão, lí tưởng muốn điểm tô cho đất nước.
Chính việc làm ấy của Vũ Như Tô đã vô tình đẩy dân đen vào cảnh lầm than cực khổ khi sưu thuế ngày càng tăng cao, triều đình bắt thêm thợ giỏi, thẳng tay hạ chém những kẻ bỏ trốn, biết bao nhiêu người chết vì tai nạn. Nhân dân căm phẫn nhà vua, oán giân Vũ Như Tô. Để rồi Trịnh Duy Sản kẻ cầm đầu phe phái đối lập với triều đình lôi kéo dân chúng đứng lên làm phản giết vua và bắt giết Vũ Như Tô cùng Đan Thiềm.
Mở đầu đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài” là hình ảnh cung nữ Đan Thiềm hớt hơ hớt hải chạy, mặt cắt không còn hạt máu vào báo tin tình thế nguy kịch, thúc giục, cầu xin, van nài Vũ Như Tô chạy trốn với những lời lẽ tha thiết, chân thành: “Ông nghe tôi! Ông trốn đi! Ông nghe tôi! Ông phải trốn đi mới được”, nàng chắp tay van lạy Vũ Như Tô hãy bỏ trốn gìn giữ tính mạng chờ cơ hội khác vì đại sự đã hỏng.
Từng chi tiết hành động và lời nói của Đan Thiềm chứng tỏ cô là một người rất quý trọng người tài, hiểu biết lo trước lo sau cho tài năng đất nước. Cô khẳng định: “Ông trốn đi. Tài kia không nên để uổng. Ông mà có mệnh hệ nào thì nước ta không còn ai điểm tô nữa”, con người ấy sẵn sàng quỳ dưới chân giặc cầu xin tha mạng cho ông Vũ, sẵn sàng xin chết thay ông nhưng Vũ Như Tô nhất quyết sống chết cùng đài cửu trùng mà không chịu rời đi để rồi gây nên tấn bi kịch cho cuộc đời ông.
Vũ Như Tô coi Cửu trùng đài quý hơn sinh mạng của bản thân, nó là cả phần xác lẫn phần hồn của ông và Đan Thiềm. Chính vì vậy mà ông mù quáng, u mê không thoát ra khỏi ảo vọng của mình được. Quân làm phản càng ngày kéo đến càng gần nhưng con người ấy vẫn ngoan cố vẫn không hiểu vì lí do gì họ lại muốn bắt mình, vẫn cố đấu lí với đời, với số phận: “Có lí gì để họ giết tôi?”, đứng trước quân khởi loạn vẫn tự trấn an mình và mọi người “Đời ta chưa tận, mệnh ta chưa cùng. Ta sẽ xây một tòa đài để tạ lòng tri kỉ”.
Bị bọn chúng bắt ông vẫn nuôi hi vọng có thể phân trần với chủ tướng về tấm lòng nguyện vọng của bản thân mong sao để người đời hiểu cho nguyện ước ông đang thực hiện là vì vẻ đẹp ngàn năm của đất nước. Ông vẫn say sưa giấc mộng của riêng mình về Đài Cửu Trùng: “Vài năm nữa, Đài Cửu Trùng hoàn thành, cao cả, huy hoàng, giữa cõi trần lao lực, có một cảnh Bồng Lai…”
Vũ Như Tô không thể tỉnh táo để nhận diện tình thế nguy kịch của hiện tại. Ông vẫn nghĩ mình bị hiểu nhầm, vẫn không tin rằng mình bị nhân dân oán hận, bị mọi người căm ghét, ông không tin dân chúng muốn phá Cửu Trùng Đài bởi đó là công trình, là tòa lâu đài điểm tô cho đất nước. Đứng ở khía cạnh người hùng thì đúng ông là con người dám làm dám chịu, có khí phách hiên ngang nhưng dựa trên hoàn cảnh thực tại thì đó là bảo thủ, cố chấp.
Vũ Như Tô xây Cửu Trùng Đài là biểu hiện cho tài năng của người nghệ sĩ, hiện thân cho sự khao khát và say mê sáng tạo cái đẹp đó là đúng đắn, là đáng trân trọng nhưng thực tế của đất nước dân cùng khốn khổ cái đẹp ấy lại trở nên thật phù phiếm, xa xỉ bởi đã thấm đẫm máu, nước mắt và được xây trên thân xác của nhân dân. Dù là ước muốn cao đẹp của Vũ Như Tô nhưng ông đã vô tình gây ra tội ác, trở thành kẻ thù của dân chúng và thợ thuyền mà không hề hay biết.
Đến khi kinh thành bị phát hỏa, quân lính cho hay đó là lệnh của An Hòa Hầu, tận mắt chứng kiến cảnh Đài Cửu Trùng bốc cháy như giàn thiêu ông chỉ biết gào lên trong tuyệt vọng: “Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”.
Vũ Như Tô bị rơi từ đỉnh cao mộng tưởng xuống hố sâu của tuyệt vọng. Nỗi đau và sự mất mát đã hòa vào nhau làm một dội lên tiếng kêu của đau thương, tang tóc. Những câu cảm thán thốt ra từ đỉnh điểm cảm xúc đau đớn vô cùng. Thật đáng tiếc với những câu hỏi lớn của Vũ Như Tô đến khi chết ông vẫn không hiểu tại vì sao lại ra nông nỗi: “Ta tội gì? Ta không có tội! Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu trùng đài! Tấn bi kịch ấy là cái giá mà ông phải trả vì không nhận thức rõ vấn đề muôn thuở và thực tại.
Vũ Như Tô đã không hiểu được mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật được sáng tạo và xây dựng lên cuối cùng cũng phải vì phục vụ cho đời sống nhân dân. Đó mới là nghệ thuật vị nghệ thuật. Còn nghệ thuật không thể chỉ để thỏa mãn tài năng, lí tưởng của người nghệ sĩ mà quên mất rằng cái đẹp phải gắn với cái thiện, đẹp thiện không thể tách rời được nhau.
Đứng trên lập trường người nghệ sĩ Cửu trùng đài là cái đẹp tuyệt mĩ, đứng trên lập trường của nhân dân nó là một bông hoa ác thấm đẫm máu. Cái giá mà Vũ Như Tô phải trả là ông chỉ nghĩ mình là nghệ sĩ chân chính mà quên mất rằng mình cũng là một công dân của đất nước.
Như vậy qua đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài” nhà văn đã tái hiện lại bi kịch của Vũ Như Tô và Đan Thiềm gặp phải phản ánh sâu sắc hai mâu thuẫn của thời đại. Mâu thuẫn thứ nhất là mâu thuẫn của tập đoàn phong kiến Lê Tương Dực ăn chơi, hưởng lạc với hoàn cảnh bị bần cùng hóa của nhân dân. Mâu thuẫn thứ hai trong bản thân con người Vũ Như Tô và Đan Thiềm. Đó là mâu thuẫn giữa người công dân và người nghệ sĩ và phản ánh mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.
Hai mâu thuẫn này tác động lẫn nhau. Đan Thiềm thuyết phục Vũ Như Tô xây dựng Cửu trùng đài càng làm cho mâu thuẫn xã hội tăng cao, người nghệ sĩ càng hăng hái sáng tạo cái đẹp nghệ thuật bao nhiêu thì càng mâu thuẫn với lợi ích công dân bấy nhiêu. Thật đáng tiếc cho một người tài năng lại bị đặt nhầm chỗ, không đúng thời thế để rồi con người ấy, tài năng ấy bị hủy diệt bởi thực tại cuộc sống.
Qua đó ta cũng nhận thức được bài học cái đẹp nghệ thuật chỉ thực sự có nhu cầu và có ý nghĩa khi đời sống vật chất được đáp ứng đầy đủ, lợi ích của nhân dân phải được đặt lên hàng đầu. Quan điểm đó đến ngày nay vẫn không hề lỗi thời mà nó luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Đảng và nhà nước ta luôn vận dụng nó vào để duy trì và phát triển đất nước.
Đoạn trích đã giải quyết được mâu thuẫn xã hội nhưng mâu thuẫn cá nhân với hai tư cách nghệ sĩ và công dân chưa được giải quyết điểm biểu hiện trong lời nói cuối cùng của Vũ Như Tô “Ta tội gì. Không ta chỉ có một hoài bão là tô điểm đất nước, đem hết tài năng ra xây cho nòi giống một tòa đài hoa lệ có thể thách thức với công trình trước sau, tranh tinh xảo với hóa công” và lời đề tựa vở kịch của tác giả: “Chẳng biết Vũ Như Tô phải hay những kẻ giết Vũ Như Tô phải, ta chẳng biết. Cầm bút chẳng qua cùng một bệnh với Đan Thiềm”.
Nguyễn Huy Tưởng trân trọng tài năng, say mê cái đẹp, cảm thông cho Vũ Như Tô nhưng ông cũng không đồng tình với nhân vật và những người nghệ sĩ chỉ biết quan tâm đến cái đẹp mà không vì quyền lợi của nhân dân.
Bài tham khảo Mẫu 3
Trong làng kịch hiện đại Việt Nam, bên cạnh Lưu Quang Vũ tài năng, vực dậy cả một nền văn học kịch đang trên đà tụt dốc, ta cũng không thể không nhắc đến Nguyễn Huy Tưởng một trong những nhà viết kịch và tiểu thuyết xuất sắc. Các tác phẩm của ông thường đi khai thác các đề tài lịch sử và tác phẩm Vũ Như Tô là tác phẩm nổi bật nhất. Xung đột kịch được đẩy lên đến cao trào và được giải quyết ở hồi thứ 5 “Vĩnh biệt cửu trùng đài” qua đó thể hiện quan niệm sâu sắc của ông về cuộc đời và nghệ thuật.
Vũ Như Tô là một kiến trúc sư tài giỏi, bị Lê Tương Dực – tên vua tàn bạo bắt xây Cửu Trùng Đài thành nơi để hắn ăn chơi, hưởng lạc. Là một người nghệ sĩ chân chính, Vũ Như Tô đã không nhận lời dù có bị hắn đe dọa sẽ giết chết. Nhưng Đam Thiềm một cung nữ đã thuyết phục được ông xây Cửu Trùng Đài. Cửu Trùng Đài xây cao bao nhiêu, lòng dân oán hận Vũ Như Tô bấy nhiêu. Lợi dụng tình thế đó Trịnh Duy Sản đã dấy binh nổi loạn. Đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài” là sự tiếp nối các sự kiện đang bị đẩy lên đến cao trào đó.
Mở đầu tác phẩm là tiếng hoảng hốt của Đan Thiềm, khuyên Vũ Như Tô hãy mau trốn đi. Cơn biến loạn xảy ra ở kinh thành nên tình trạng của Vũ Như Tô hết sức nguy hiểm, nhưng Vũ Như Tô lại nhất định không trốn, không nghe lời khuyên của Đam Thiền bởi “Những người quân tử không bao giờ sợ chết. Mà vạn nhất có chết, thì cùng phải để cho mọi người biết rằng công việc mình làm chính đại quang minh. Tôi sống với Cửu Trùng Đài, chết cũng với Cửu Trùng Đài. Tôi không thể xa Cửu Trùng Đài một bước. Hồn tôi để cả ở đây, thì tôi chạy đi đâu?”. Ông hi sinh hết mình cho nghệ thuật, ông cố thủ ở lại cũng mong Cửu Trùng Đài sẽ được hoàn thiện, để tranh tinh xảo với hóa công. Nhưng ông nào biết, chính quyết định đó đã khiến ông nhận lấy cái chết oan nghiệt, đến cả lúc chết ông vẫn không thể lí giải vì sao mình phải chết.
Khi nhận lời xây dựng Cửu Trùng Đài bản thân Vũ Như Tô đã mắc phải sai lầm trong suy nghĩ và hành động. Vũ Như Tô mượn uy quyền và tiền bạc của Lê Tương Dực để thực hiện giấc mộng Cửu Trùng Đài. Nhưng tiền bạc đó chính là công sức, của cải của nhân dân, ông chỉ nhìn thấy cái bề nổi khi xây dựng xong Cửu Trùng Đài, mà không nhận ra phần sâu của sự việc. Cửu Trùng Đài càng đến ngày hoàn thiện thì mâu thuẫn giữa ông với nhân dân càng lớn dần, họ căm ghét Vũ Như Tô bởi ông đã hạ lệnh giết chết những người bỏ trốn để duy trì kỉ luật trên công trường. Đó là hành động hết sức tàn nhẫn, đặt công trình lên trên tính mạng của thợ thuyền. Vũ Như Tô đã biến thành một kẻ đáng sợ, người dân không còn thấy hình ảnh của Vũ Như Tô gần gũi với nhân dân đâu nữa. Vì xây Cửu Trùng Đài mà cuộc sống của nhân dân ngày càng cực khổ. Vũ Như Tô là một thiên tài nhưng không phải là một hiền tài. Ông không thấu hiểu nỗi thống khổ của nhân dân.
Vũ Như Tô bị đặt vào mâu thuẫn không thể hóa giải, điều hòa: một bên là khát vọng nghệ thuật, một bên là đời sống của nhân dân. Bởi vậy, cuối cùng ông đã nhận lấy cái kết vô cùng bi thảm. Vũ Như Tô bị hiểu lầm và bị kết tội: Nhân dân coi bạo chúa và Vũ Như Tô là một là hai người gây ra tội ác: “Bạo chúa đã chết, còn thằng Vũ Như Tô đem phanh thây thành trăm mảnh”. Ông không chỉ bị nhân dân kết tội mà giấc mộng cuộc đời ông, ông đã dồn biết bao tài năng và tâm sức xây dựng Cửu Trùng Đài giờ cũng rơi vào tuyệt vọng, Cửu Trùng Đài bị phá hủy. Trước cảnh tượng Cửu Trùng Đài rực cháy, Vũ Như Tô rú lên kinh hoàng, tất cả giấc mộng đẹp tan tành, sụp đổ, đó là tiếng rú kinh hoàng, sợ hãi. “Thông thế là hết, dẫn ta đến pháp trường” – Vũ Như Tô người sáng tạo cái đẹp cũng bị giết. Cái chết của Vũ Như Tô là một kết cục tất yếu vì Cửu Trùng Đài là một công trình đẹp, tuyệt mỹ nhưng nó lại là biểu hiện của cái xấu, cái ác, nên tất yếu nó sẽ bị hủy diệt. Qua đó Nguyễn Huy Tưởng cũng nêu lên mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời: nghệ thuật phải xuất phát từ cuộc sống và phục vụ con người mới có thể tồn tại nếu không nó tất yếu sẽ bị diệt vọng.
Ngoài nhân vật Vũ Như Tô, ta cũng không thể không nhắc đến Đam Thiền. Bà là một cung nữ xinh đẹp, tài năng nhưng bị bỏ rơi. Đam Thiền là người yêu cái đẹp, cái thái độ “biệt nhỡn liên tài”, chính bà là người đã khuyên Vũ Như Tô nên ở lại để xây dựng Cửu Trùng Đài điểm tô cho đất nước, cũng chính bà đã khuyên Như Tô trốn đi khi xảy ra biến loạn. Và bà tình nguyện ở lại để bảo vệ Cửu Trùng Đài bởi “tôi chết đi không thiệt hại cho đời”. Cũng như Vũ Như Tô, Đan Thiềm cũng rơi vào bi kịch vỡ mộng: hi sinh tất cả danh dự tính mạng để bảo vệ Cửu Trùng Đài nhưng cuối cùng vẫn phải chết. Đau đớn hơn trước khi chết còn phải chứng kiến cảnh Cửu Trùng Đài bị đốt phá tan tành. Người bà hết lòng bảo vệ là Vũ Như Tô cũng bị đưa ra pháp trường.
Hồi năm của vở kịch Vũ Như Tô đã được Nguyễn Huy Tưởng sử dụng ngôn ngữ kịch điêu luyện, mang tính tổng hợp cao. Nhịp điệu lời thoại nhanh, gấp gáp, sử dụng những câu văn ngắn cho thấy tình thế cấp bách. Tính cách, tâm trạng nhân vật được bộc lộ rõ nét.
Với các lớp kịch linh hoạt, tự nhiên tác giả đã tái hiện thành công hồi kịch thứ năm. Qua hồi kịch này ông gửi gắm sự cảm thông với bi kịch của Vũ Như Tô, đồng thời đặt ra vấn đề mối quan hệ hài hòa giữa nghệ thuật và con người. Không chỉ vậy xã hội cần trân trọng, nâng niu những tài năng nghệ thuật, để họ có thể phát huy tài năng của bản thân, xây dựng sự giàu đẹp cho đất nước.