Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương (chi tiết) — Không quảng cáo

Soạn văn 9 tất cả các bài, Ngữ văn 9 , tổng hợp văn mẫu hay nhất Chuyện người con gái Nam Xương - Nguyễn Dữ


Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương (chi tiết)

Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương. Câu 3. Vì sao Vũ Nương phải chịu nỗi oan khuất? Từ đó em cảm nhận được điều gì về thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến?

ND chính

- Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn truyền thống của người phụ nữ Việt Nam

- Niềm cảm thương cho số phận bi kịch của họ đòng thời lên án tố cáo các lễ giáo phong kiến vô nhân đạo, các hủ tục hà khắc trong chế độ phong kiến đương thời.

Tóm tắt

Vũ Thị Thiết (Vũ Nương) đẹp người đẹp nết, được Trương Sinh con nhà giàu nhưng thất học, hay ghen cưới về làm vợ. Trương Sinh phải đi lính, Vũ Nương ở nhà chăm sóc mẹ chồng chu đáo và nuôi con thơ. Khi mẹ chồng mất cũng lo ma chay chu tất. Khi Trương Sinh trở về, hay tin mẹ mất mà đau buồn. Con trẻ không biết không nhận cha, Trương Sinh đâm ghen tuông ngờ vực sự thủy chung của Vũ Nương. Vũ Nương chứng tỏ sự trong sạch của mình nên nhảy sông tự vẫn.

Phan Lang do cứu được Linh Phi nên được báo đáp. Sau đó gặp được Vũ Nương, Trương Sinh lập đàn giải oan cho vợ nhưng Vũ Nương không còn trở lại dương gian vì xã hội phong kiến quá hà khắc.

Câu 1

Câu 1 (trang 51 SGK Ngữ Văn 9 Tập 1)

Tìm bố cục của truyện

Trả lời:

- Phần 1 (từ đầu đến "như đối với cha mẹ đẻ mình"): Cuộc sống của Vũ Nương khi được gả về nhà Trương Sinh cho đến trước khi Trương Sinh trở về.

- Phần 2 (tiếp theo đến "nhưng việc trót đã qua rồi"): Số phận oan khuất của Vũ Nương.

- Phần 3 (đoạn còn lại): Vũ Nương được giải oan.

Câu 2

Câu 2 (trang 51 SGK Ngữ Văn 9 Tập 1)

Nhân vật Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh nào? Ở từng hoàn cảnh, Vũ Nương bộc lộ những đức tính gì?

Trả lời:

- Trong mối quan hệ vợ chồng trong cuộc sống hằng ngày: “Trương Sinh có tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức.”

=> “giữ gìn khuôn phép, không từng lần nào vợ chồng phải đến thất hoà”.

- Trong tình huống chia li: “Chàng đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong đeo được ấn phong hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên, thế là đủ rồi.”

=> Tình nghĩa.

- Trong những ngày xa chồng: một người mẹ hiền, dâu thảo, ân cần, hết lòng chăm sóc mẹ chồng lúc ốm đau: “Nàng hết sức thuốc thang lễ bái thần phật và lấy lời ngọt ngào khôn khéo khuyên lơn.” , thương yêu, lo lắng chu toàn: khi mẹ chồng mất “Nàng hết lời thương xót, phàm việc ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình.”.

=> Làm tròn nghĩa vụ của người con và người mẹ.

- Khi bị chồng nghi oan, Vũ Nương đã cố phân trần để chồng hiểu rõ tấm lòng mình, nhưng không có kết quả. Lúc bị dồn đẩy đến bước đường cùng, nàng đành mượn dòng nước sông quê để giãi tỏ tấm lòng trong trắng.

=> Tóm lại, bằng cách đặt nhân vật vào những hoàn cảnh, tình huống khác nhau, tác giả đã khắc hoạ đậm nét một  Vũ Nương hiền thục, một người vợ thuỷ chung, yêu thương chồng con hết mực, một người con dâu hiếu thảo, hết lòng vì cha mẹ, gia đình, đồng thời cũng là người phụ nữ coi trọng danh dự, phẩm hạnh, quyết bảo vệ sự trong sạch của mình.

Câu 3

Câu 3 (trang 51 SGK Ngữ Văn 9 Tập 1)

Vì sao Vũ Nương phải chịu nỗi oan khuất? Từ đó em cảm nhận được điều gì về thân phận của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến?

Trả lời:

- Nguyên nhân trực tiếp là do Trương Sinh quá đa nghi, hay ghen, gia trưởng, độc đoán. Trương Sinh đã không cho Vũ Nương cơ hội trình bày, thanh minh.

- Nguyên nhân gián tiếp là do xã hội phong kiến – Một xã hội gây ra bao bất công ấy, thân phận người phụ nữ thật bấp bênh, mong manh, bi thảm. Họ không được bênh vực chở che mà lại còn bị đối xử một cách bất công, vô lí,…

Câu 4

Câu 4 (trang 51 SGK Ngữ Văn 9 Tập 1)

Hãy nêu nhận xét về cách dẫn dắt tình tiết câu chuyện, những lời trần thuật và những lời đối thoại trong truyện?

Trả lời:

- Tình huống truyện bất ngờ, căng thẳng.

- Sự phát triển tâm lí nhân vật hợp lí: khởi đầu, đỉnh điểm.

- Chi tiết cái bóng xuất hiện đẩy kịch tính lên đến cao trào.

Câu 5

Câu 5 (trang 51 SGK Ngữ Văn 9 Tập 1)

Tìm những yếu tố kì ảo trong truyện. Đưa những yếu tố kì ảo vào một câu chuyện quen thuộc, tác giả nhằm thể hiện điều gì?

Trả lời:

- Những yếu tố truyền kỳ trong truyện là: chuyện nằm mộng của Phan Lang, Chuyện Phan Lang và Vũ Nương dưới động rùa của Linh Phi,… chuyện lập đàn giải oan, Vũ Nương hiện về ngồi trên kiệu hoa, cờ tán, võng lọng rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện, rồi "bóng nàng loang loáng mờ nhạt dần mà biến đi mất.".

- Ý nghĩa:

+ Làm hoàn chỉnh phẩm chất đẹp đẽ vốn có của Vũ Nương – một người ở thế giới khác vẫn khao khát phục hồi danh dự.

+ Tạo cái kết có hậu.

+ Thể hiện ước mơ của nhân dân: người tốt được minh oan và đền trả xứng đáng.

+ Thể hiện niềm cảm thương của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ trong chế độ phong kiến.


Cùng chủ đề:

Soạn bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông ten
Soạn bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông ten (bài 1) (chi tiết)
Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới (chi tiết)
Soạn bài Chuẩn bị hành trang vào thế kỷ mới_bài 1
Soạn bài Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh (chi tiết)
Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương (chi tiết)
Soạn bài Chuyện người con gái Nam Xương trang 43 SGK Văn 9
Soạn bài Chương trình địa phương (phần Tập làm văn) lớp 9 tập 2
Soạn bài Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt) trang 97 SGK Ngữ văn 9 tập 2 (chi tiết)
Soạn bài Chương trình địa phương (phần Tiếng Việt) trang 175 SGK Văn 9 (chi tiết)
Soạn bài Chương trình địa phương (phần Văn) - Chi tiết