Soạn bài Hạnh phúc của một tang gia (chi tiết) — Không quảng cáo

Soạn văn 11 tất cả các bài, Ngữ văn 11 , tổng hợp văn mẫu hay nhất Hạnh phúc của một tang gia - Vũ Trọng Phụng


Soạn bài Hạnh phúc của một tang gia (chi tiết)

Soạn bài Hạnh phúc của một tang gia - Ngữ văn 11. Câu 2. Phân tích những niềm hạnh phúc khác nhau của mỗi người trong đại gia đình cụ cố Hồng và những người đến đưa đám ma do cái chết của cụ cố tổ đem lại.

Câu 1

Câu 1 (trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

Hạnh phúc của một tang gia là một phần của nhan đề chương XV tiểu thuyết Số đỏ do chính Vũ Trọng Phụng đặt. Anh (chị) co suy nghĩ gì về nhan đề này và tình huống trào phúng của đoạn trích?

Lời giải chi tiết:

- Cách đặt tên nhan đề rất lạ, gây cảm giác tò mò, chú ý cho người đọc và cũng thể hiện một nghịch lý nực cười: trong tang gia mà lại có hạnh phúc.

- Mâu thuẫn trào phúng cơ bản nằm ngay trong nhan đề. Đám con cháu vô cùng hạnh phúc trước cái chết của cụ Tổ vì họ đã phải chờ đợi quá lâu. Cụ cố Tổ mất đi đối với con cháu này lại là một niềm sung sướng vì chúng sẽ được hưởng gia tài.

- Trong đoạn trích này, tác giả cũng dựng nên bối cảnh của một tang gia bối rối; chẳng những bối rối mà còn rất lo lắng và bận rộn. Nhưng nghịch lý lại tiếp tục được bộc lộ khi lo lắng, bận rộn không phải cho một đám ma mà là lo tổ chức cho chu đáo, linh đình một ngày vui, một đám hội. Như vậy, cách đặt tiêu đề vừa gây chú ý cho người đọc, vừa phản ánh đúng một sự thật mỉa mai, hài hước và tàn nhẫn.

Câu 2

Câu 2 (trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

Vì sao cái chết của cụ cố tổ lại là niềm hạnh phúc của mọi thành viên trong gia đình cụ? Phân tích những niềm hạnh phúc khác nhau của mỗi người trong đại gia đình cụ cố Hồng và những người đến đưa đám ma do cái chết của cụ cố tổ đem lại.

Lời giải chi tiết:

- Cái chết của cụ cố tổ lại là niềm hạnh phúc của mọi thành viên trong gia đình cụ vì con cháu sẽ được hưởng gia tài.

- Niềm hạnh phúc của mỗi thành viên:

+ Cụ cố Hồng mơ màng nghĩ đến cảnh mình mặc đồ xô gai chống gậy ho lụ khụ để thiên hạ bình phẩm ngợi khen.

+ Bà văn minh thì sốt cả ruột vì mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời, cái mũ mấn trắng viền đen.

+ Cô Tuyết sẽ có dịp khoe thân thể nõn nà của mình, mặc một bộ áo thơ ngây để chứng tỏ mình còn trong trắng.

+ Những người đến dự tang thì như là cụ cố chết đi để có một buổi họp mặt và khoe đủ thứ trang phục hoặc phê bình đủ kiểu…

→ Mỗi người đều có những niềm hạnh phúc riêng, nhưng bọn chúng chỉ hành động như những kẻ bất hiếu. Qua đây phê phán những kẻ lố lăng đồi bại và có những hành động không có nhân tính và toàn những kẻ bất hiếu.

Câu 3

Câu 3 (trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

Anh (chị) hãy phân tích cảnh "đám ma gương mẫu".

Lời giải chi tiết:

- Toàn cảnh đám tang khiến cho người đọc hình dung được sự nhốn nháo, pha tạp Tây Tàu của đám tang. Nó làm lộ rõ vẻ học đòi vô học và rởm đời của tang chủ:

+ Đủ cả kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu.

+ Hàng trăm câu đối, vòng hoa, bức trướng.

- Khi miêu tả cận cảnh, tác giả chú ý đến những hành động, những lời bàn tán thầm thì của những người đi đưa đám. Những câu chuyện chẳng liên quan gì đến người chết.

- Nhà văn đã lặp lại điệp khúc “Đám cứ đi…” như một sự châm biếm ngầm. Một đám ma hỗn độn và hài hước, pha tạp đủ thứ, học đòi đủ kiểu để khoe khoang. Xe chở người chết cứ đi, người đưa cứ chim chuột nhau, con cháu cứ hưởng thụ niềm hạnh phúc sung sướng của mình. Mỗi người một tâm lý, một mục đích khác nhau, hội tụ lại để thực hiện “nghĩa tử là nghĩa tận” với người chết. Điểm nổi bật nhất và chung nhất của đám người này là sự giả dối, thói đạo đức giả.

Câu 4

Câu 4 (trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

Từ niềm "hạnh phúc" của các nhân vật do cái chết của cụ cố tổ đem lại và cảnh tượng của cái đám tang gương mẫu, anh chị nhận xét như thế nào về xã hội thượng lưu thành thị đương thời? Thái độ của nhà văn với xã hội này ra sao?

Lời giải chi tiết:

- Một xã hội suy tàn với những chế độ thối nát, tác giả đã miêu tả đầy đủ những hình ảnh đó để thể hiện những hình ảnh chi tiết trong đoạn văn, hình ảnh này biểu tượng cho một điều đó là đồng tiền làm mờ mắt con người họ chỉ biết đến tiền mà không biết đến tình người.

Câu 5

Câu 5 (trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

Anh (chị) nhận xét gì về nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng ở đoạn trích này?

Lời giải chi tiết:

- Từ một tình huống trào phúng cơ bản – Hạnh phúc của một tang gia được tác giả triển khai mâu thuẫn theo nhiều tình huống khác nhau, tạo nên một màn hài kịch lớn, phong phú và biến hóa khôn lường gây nhiều thú vị cho người đọc. Một trong những thủ pháp quen thuộc được tác giả sử dụng là phát hiện những chi tiết đối lập gay gắt nhưng cùng tồn tại trong một sự vật, một con người để từ đó làm bật lên tiếng cười châm biếm.

- Ngoài ra, tác giả còn sử dụng nhiều thủ pháp cường điệu: nói ngược, nói mỉa mai… sử dụng đan xen linh hoạt trong đoạn trích và đều mang lại hiệu quả nhất định. Chẳng hạn, cái chết của cụ tổ khiến mọi người trong cái đại gia đình bất hiếu không ai giống ai. Đặc biệt, đám rước đưa ma được tổ chức nhố nhăng, lố bịch và trở thành cơ hội tốt để mọi người gặp gỡ, giao lưu, phô trương thanh thế và cười cợt, nói xấu, mỉa mai, chim chuột nhau...

- Tác giả còn có con mắt tinh đời để nhìn thấy và miêu tả đúng cái nét riêng của từng nhân vật xuất hiện trong đoạn trích. Ngòi bút miêu tả của Vũ Trọng Phụng linh hoạt, biến hóa, giàu yếu tố hài hước gây cười và sắc sảo tinh tế đến từng chi tiết nhỏ. Vũ Trọng Phụng xứng đáng là một bậc thầy – một nhà văn hiện thực xuất sắc trong việc sử dụng nghệ thuật trào phúng.

Luyện tập

Câu hỏi (trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)

Hãy chỉ ra những mâu thuẫn và những chân dung trào phúng ở đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia.

Lời giải chi tiết:

Những mâu thuẫn và chân dung trào phúng trào phúng trong đoạn trích:

* Mâu thuẫn trào phúng trong đoạn trích:

- Câu chuyện của Xuân tóc đỏ và cái chết của cụ tổ. Một kẻ có tội như Xuân ngờ đâu lại trở thành có đại công với gia đình.

- Mâu thuẫn trào phúng còn thể hiện ngay trong tựa đề của chương này “Hạnh phúc của một tang gia”.

- Miêu tả tỉ mỉ niềm hạnh phúc của mọi người trước cái chết của cụ cố tổ

=> Vũ Trọng Phụng đã lột bộ mặt thật của xã hội lố lăng, chuộng hình thức, không chút tình người, vạch trần chân tướng của những hạng người mang danh thượng lưu trí thức, văn minh nhưng thực chất là cặn bã, đạo đức giả

* Những nhân vật trào phúng : cụ cố Hồng, vợ chồng Văn Minh, cô Tuyết, cậu Tú Tân, ông Phán mọc sừng, Xuân Tóc Đỏ. Bên cạnh đó là chân dung của những người ngoài gia đình (hai tên cảnh sát Min Đơ, Min Toa, bạn cụ cố Hồng...).

→ Tác giả tái hiện được thực trạng xã hội thượng lưu với bản chất gian manh, lố bịch, rởm đời lúc bấy giờ.

Tóm tắt

Cái chết của cụ già và những người có công lớn nhất gây ra cái chết ấy là Xuân tóc đỏ. Tác giả tái hiện lại quá trình chạy chữa để giải thích nguyên nhân cái chết của ông cụ. Những bài thuốc khủng khiếp của các ông lang và sự bối rối của cụ cố Hồng khi cha chết cũng được nhà văn chú ý miêu tả trong đoạn này. Đám con cháu vô cùng hạnh phúc trước cái chết của cụ Tổ vì họ đã phải chờ đợi quá lâu. Họ vô cùng sốt ruột vì việc chuẩn bị nghi lễ được tiến hành quá chậm chạp. Mỗi người một tính toán, một niềm hạnh phúc riêng nên họ háo hức chờ đợi đám tang. Tác giả tập trung miêu tả cảnh đám tang. Đặc biệt chú ý đến những người được hưởng hạnh phúc từ đám tang này, từ người được thuê trông coi, khách dự đám đến cô Tuyết và đám con cháu. Nổi bật nhất trong đám tang là cô Tuyết với phục tang mang tên Ngây thơ. Đám tang được tổ chức linh đình. Xuân xuất hiện vào giờ chót khiến cụ bà và Tuyết rất cảm động. Cảnh đưa tang. Đám tang được giễu qua các phố, đi đến đâu làm nhốn nháo đến đó. Những người tham gia đám tang đều rất thời trang, họ thì thầm những câu chuyện đang là mốt của thời thượng, họ tán tỉnh, chim chuột nhau. Cảnh hạ huyệt. Cậu Tú Tân say sưa chụp ảnh. Cụ cố Hồng cố tỏ vẻ đau khổ, ông Phán vừa khóc than thảm thiết vừa lén trả tiền công cho Xuân vì Xuân đã gây ra cái chết của ông cụ.

Bố cục

Bố cục: 3 phần

- Phần 1 (từ đầu đến "cho Tuyết vậy"): Niềm vui và hanh phúc của các thành viên khi cụ tổ qua đời

- Phần 2 (tiếp đến "đám cứ đi"): Cảnh đám ma gương mẫu

- Phần 3 (còn lại): Cảnh hạ huyệt

Nội dung chính

Qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia , thấy được bản chất lố lăng, đồi bại của xã hội thượng lưu thành thị những năm trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Cùng chủ đề:

Soạn bài Chí Phèo - Tác giả (chi tiết)
Soạn bài Chí Phèo - Tác phẩm (chi tiết)
Soạn bài Chữ người tử tù (chi tiết)
Soạn bài Hai đứa trẻ (chi tiết)
Soạn bài Hầu Trời (chi tiết)
Soạn bài Hạnh phúc của một tang gia (chi tiết)
Soạn bài Khái quát văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 (chi tiết)
Soạn bài Khóc Dương Khuê (chi tiết)
Soạn bài Kiểm tra tổng hợp cuối học kì I - Ngữ văn 11 (chi tiết)
Soạn bài Kiểm tra tổng hợp cuối năm (chi tiết)
Soạn bài Lai Tân (chi tiết)