Soạn bài Lao xao - Duy Khán siêu ngắn
Soạn bài Lao xao siêu ngắn nhất trang 110 SGK ngữ văn 6 tập 2 giúp tiết kiệm thời gian soạn bài
Câu 1
Trả lời câu 1 (trang 113, SGK Ngữ văn 6, tập 2):
a) Trình tự tên các loài chim được nói đến: Bồ các, chim ri, sáo sậu, sáo đen, tu hú, bìm bịp, diều hâu, quạ đen, quạ khoang, chim cắt, chèo bẻo.
b) Các loài chim được sắp xếp theo từng nhóm loài gần nhau:
- Bồ các, chim ri, sáo sậu, sáo đen, tu hú.
- Chim ngói, nhạn, bìm bịp.
- Diều hâu, chèo bẻo, quạ đen, quạ khoang, cắt.
c) Cách dẫn dắt lời kể, cách tả, cách xâu chuỗi:
- Lời kể rất tự nhiên.
- Cách tả mỗi con vật đều độc đáo, có đặc trưng cho mỗi hoạt động của loài. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng phép nhân hóa làm cho thế giới loài chim như thế giới con người.
- Cách xâu chuỗi các hình ảnh, chi tiết hợp lí và bất ngờ.
Câu 2
Trả lời câu 2 (trang 113, SGK Ngữ văn 6, tập 2):
Nhận xét về nghệ thuật miêu tả các loài chim:
a) Cách miêu tả các loài chim:
- Bồ các kêu váng lên, sáo hót vui, nhạn kêu “chéc chéc”, bìm bịp kêu “bịp bịp”, chèo bẻo kêu “chè cheo chét”.
- Diều hâu có cái mũi khoằm, chèo bẻo thức suốt đêm ngày mùa, quạ đen, quạ khoang lia lia láu láu, chim cắt cánh nhọn...
b) Sự kết hợp xen kẽ kể và tả :
- Tả: chim cắt cánh nhọn như dao bâu chọc tiết lợn...
- Kể: hai con chèo bẻo đang bay, một con cắt vụt lao ra...
c) Nhận xét: Tác giả quan sát rất tỉ mỉ về các loài chim và thể hiện được rất rõ tình cảm yêu mến gắn bó với thiên nhiên làng quê. Đặc biệt, nhà văn vẫn giữ được nét hồn nhiên của tuổi thơ khi kể và tả về thế giới các loài chim ở làng quê.
Câu 3
Trả lời câu 3 (trang 113, SGK Ngữ văn 6, tập 2):
Những yếu tố văn hóa dân gian:
- Đồng dao: Bồ các là bác chim ri. Chim ri là dì sáo sậu…
- Thành ngữ: Dây mơ, rễ má; Kẻ cắp gặp bà già;…
- Truyện cổ tích: Sự tích chim bìm bịp, Sự tích chim chèo bẻo.
Nhận xét: Chất văn hóa dân gian thấm đượm trong cái nhìn và cảm xúc của nhà văn về các loài chim và cuộc sống ở làng quê. Tuy vậy vẫn có điều chưa xác đáng là tạo nên một cách nhìn mang tính định kiến về loài chim “ác”.
Câu 4
Trả lời câu 4 (trang 113, SGK Ngữ văn 6, tập 2):
Bài văn đã cho em hiểu biết thêm về các loài chim và hoạt động kiếm ăn, cuộc sống thường ngày của chúng. Ngoài ra, bằng tình cảm yêu mến cảnh sắc quê hương, tác giả đã cho chúng ta thấy được bức tranh cụ thể, sinh động, nhiều màu sắc ở làng quê.
Luyện tập
Trả lời câu hỏi trang 114 SGK Ngữ văn 6 tập 2
Bài làm tham khảo
1. Chim hoạ mi
Chiều nào cũng vậy, con hoạ mi ấy không biết từ phương nào bay đến đậu trong bụi tầm xuân ở vườn nhà tôi mà hót.
Hình như suốt một ngày hôm đó, nó vui mừng vì đã được tha hồ rong đuổi bay chơi trong khắp trời mây gió, uống bao nhiêu nước suối mát trong khe núi, nếm bao nhiêu thứ quả ngon ngọt nhất ở rừng xanh. Cho nên những buổi chiều tiếng hót có khi êm đềm, có khi rộn rã, như một điệu đàn ai bấm trong bóng xế, mà âm thanh vang mãi trong tĩnh mịch, tưởng như làm rung động lớp sương lạnh mờ mờ rủ xuống cỏ cây.
Hót một lúc lâu, nhạc sĩ giang hồ không tên không tuổi ấy từ từ nhắm hai mắt lại thu đầu vào lông cổ im lặng ngủ, ngủ say sưa, sau một cuộc viễn du trong bóng đêm dày.
Rồi hôm sau, khi phương Đông vừa vẩn bụi hồng, con hoạ mi ấy lại hót vang lừng, chào sáng sớm. Nó kéo dài cổ ra mà hót, tựa hồ nó muốn các bạn xa gần đâu đó lắng nghe. Hót xong, nó xù lông rũ hết những giọt sương rồi nhanh nhẹn chuyển bụi nọ bụi kia, tìm vài con sâu, ăn lót dạ, đoạn vỗ cánh bay vút về phương Đông.
Ngọc Giao
2. Vệ sĩ của rừng xanh - đại bàng
Nếu như người dân miền biển biết được trước ngày biển động nhờ cánh chim báo bão, thì người dân Trường Sơn lại có thể biết được trời sắp có mưa to gió lớn ở những đôi cánh đại bàng đang sải vội vã trên bầu trời trong xanh không một gợn mây.
Thật hùng dũng làm sao những cánh chim đại bàng đạp cơn gió rừng đang ập đến trên trời xanh.
Ở Trường Sơn, mỗi khi trời nổi gió, thật là dữ dội. Những cây đại thụ sống hàng trăm năm cũng bị bật gốc cuốn tung ném xuống vực thẳm. Cây đổ, đá lăn ào ào. Cây càng cao sức cản càng lớn, càng thi nhau đổ gãy. Có cả những tảng núi đất sụt lở.
Giữa lúc đó, giữa lúc gió đang gào thét ấy, cánh chim đại bàng vẫn bay liệng trên nền trời. Có lúc chim cụp cánh lao vút đi như một mũi tên. Có lúc lại vẫy cánh đạp gió tung mình lên cao. Chỉ những lúc ấy mới thấy được khúc ca hùng tráng của đôi cánh chim đại bàng. Mặc mưa sa, mặc gió dậy, đại bàng vẫn xoè cánh bay từ triền núi này sang mỏm núi khác, cho đến khi nào mưa ngừng gió tạnh mới thôi.
Đại bàng ở Trường Sơn có hai loại phổ biến: loại lông đen, mỏ vàng, chân đỏ và loại lông màu xanh cánh trả, chân vàng, mỏ đỏ.
Mỗi con đại bàng, khi vỗ cánh bay lên cao nom như một chiếc tàu lượn. Nó có sải cánh rất vĩ đại, dài tới ba mét. Và cũng phải nhờ sải cánh như vậy, nó mới có thể bốc được khối lượng nặng nề của nó tới gần ba chục cân lên bầu trời cao.
Cánh đại bàng rất khoẻ, nó có một bộ xương cánh tròn dài như ống sáo, và trong như lớp thuỷ tinh. Lông cánh đại bàng ngắn nhất cũng phải tới bốn mươi nhăm phân. Mỏ đại bàng dài tới bốn mươi phân, rất cứng. Và đôi chân thì giống như đôi móc hàng của cần cẩu, những móng của nó với những vuốt nhọn có thể cào sơ gỗ như ta tước lạt giang vậy.
Khi đại bàng kiếm mồi, nó có thể vồ và cặp lên trời cả một con cheo rừng nặng khoảng ba kí lô và bay một mạch vẻ tổ. Tổ đại bàng không làm trên cây như tổ chim mà làm ở các hang đá. Khi con mái ở nhà ấp, thì con đực đi dọc theo ven suối bắt cá. Nó ngồi rình, khi thấy những con cá trắm, hoặc trôi nổi lên là dùng mò chộp, chạy về chia cho vợ. Mặc dù có đôi cánh rất khoẻ, nhưng đại bàng lại ít bay. Nó chạy trên mặt đất nom như một con ngỗng cụ, và luồn dưới các bụi cây rất giỏi.
Vùng núi tây Trường Sơn, theo dải núi dọc sông Ba có thể là xứ sở của loài chim này. Thấy rất ít trường hợp chúng bay đôi với nhau và ngay cả chú đại bàng con cũng vậy, ít khi nó bay cùng với cha hoặc mẹ. Có thể nói loài chim này, ngay khi mới tập bay, đã có tính độc lập cao. Bay ngược chiều gió, đó là cách rèn luyện cho đôi cánh non nớt của nó trở nên cứng cáp.
Đôi cánh lực sĩ của đại bàng, thật là hình ảnh kiêu hùng của bầu trời Trường Sơn. Nó có thể bay một mạch dài khoảng hai mươi cây số đường chim bay, không cần nghỉ.
Cánh đại bàng vỗ vào không khí tạo nên luồng gió phát ra những tiếng kêu vi vút, vi vút. Anh chiến sĩ đã gọi đó là dàn nhạc giao hưởng trên bầu trời. Mặc dù có sức khoẻ và được các loài chim nghiêng mình cúi chào, nhưng đại bàng cũng không cậy sức khoẻ của mình để đàn áp các giống chim khác.
Xứng đáng với danh hiệu kẻ làm chủ bầu trời trong các loài chim, đại bàng phô màu cánh xanh biếc của mình phản chiếu ráng trời đỏ rực, báo hiệu một cơn gió lớn sắp xảy tới, hoặc mưa nguồn đang đổ về.
Hình ảnh con chim đại bàng trở thành hình tượng của lòng khát khao tự do và tinh thần dũng cảm, đức tính hiền lành của người dân miền núi...
Đại bàng rất hiền lành, nhưng khi bị kẻ thù xâm phạm thì nó cũng chiến đấu rất quyết liệt. Người ta đã chứng kiến cảnh chim đại bàng đánh bại bầy khỉ định kéo nhau đến phá tổ. Vũ khí của nó là cặp mỏ nhọn, sải đầu cánh và móng nhọn. Đại bàng có thể cặp những chú khỉ con bay lên cao rồi thả xuống đất hoặc dùng vuốt nhọn xé chết. Dù sau đó có phải rời tổ bay đi nơi khác, chúng cũng không chịu để cho bầy khỉ vào cướp trứng của mình. Với sức khoẻ tung hoành trên ười cao, đại bàng đáng được gọi là “Vệ sĩ của rừng xanh”.
Thiên Lương - Trích Chim rừng Tây Nguyên
Bố cục
2 đoạn
- Đoạn 1 (Từ đầu … đến " râm ran "): Cảnh làng quê lúc chớm hè.
- Đoạn 2 (Còn lại): Thế giới các loài chim.
ND chính
Bằng sự quan sát tinh tường, vốn hiểu biết phong phú và tình cảm yêu mến cảnh sắc quê hương, tác giả đã vẽ nên những bức tranh cụ thể, sinh động, nhiều màu sắc về thế giới các loài chim ở đồng quê. |