Soạn bài Nói và nghe: Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội SGK Ngữ văn 12 tập 1 Kết nối tri thức
Viết bài trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội
Đề bài
Trả lời Câu hỏi Thực hành nói và nghe trang 152 SGK Văn 12 Kết nối tri thức
Trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên hoặc xã hội
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Dựa vào kiến thức phần hướng dẫn thực hành nói và nghe
Lời giải chi tiết
Xin chào thầy cô và các bạn, hôm nay em xin được trình bày kết quả nghiên cứu về một vấn đề tự nhiên, xã hội mà nhóm chúng em đã làm trong thời gian vừa qua.
Trước hết, kiến trúc nhà ở của người Ê-đê trong đoạn trích “Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời” gắn liền với hình ảnh nhà sàn dài. Nhà sàn dài là kiến trúc độc đáo và đặc biệt của người Ê-đê ở Tây Nguyên. Đặc trưng của nhà dài Tây Nguyên bao gồm: hình thức của thang, cột sàn và cách bố trí vật dụng trên mặt bằng sinh hoạt. Điều này được miêu tả rất rõ trong đoạn trích ở các chi tiết: “Chồm lên hai lần, chàng leo hết cầu thang. Chàng giậm chân trên sàn sân, hai lần sàn sân làm như vỗ cánh, bảy hàng cột nhà chao qua chao lại từ đông sang tây”, “cầu thang trông như cái cầu vồng”, “tòa nhà dài dằng dặc”, “voi vây chặt sàn sân”, “các xà ngang xà dọc đều thếp vàng”. Hình ảnh nhà sàn dài dằng dặc, cầu thang, xà ngang xuất hiện nhiều lần và được lặp đi lặp lại cho thấy dấu ấn kiến trúc nhà ở đặc trưng của đồng bào người Ê-đê. Tuy kiến trúc nhà ở không được miêu tả một cách tỉ mỉ nhưng những hình ảnh tiêu biểu như vậy cũng đủ để làm đồng hiện nền văn hóa đặc sắc của vùng Tây Nguyên.
Hơn nữa, đoạn văn còn làm nổi bật được hoạt động và tính cách của người dân Ê-đê. Để thiết đãi vị tù trưởng Đăm Săn - vị khách quý của buôn làng, người dân nô nức thi nhau mang ra những món ăn ngon nhất, những loại thuốc quý nhất để thiết đãi: thuốc sợi, thuốc lá, trầu vỏ, gà mái ấp, gà mái đẻ, gạo trắng. Người Ê-đê hiện lên với nét tính cách xởi lởi, hào phóng, nồng hậu. Những hoạt động thiết đãi tù trưởng Đăm Săn cũng chính là những hoạt động của dân làng khi tiếp đón những vị khách quý từ phương xa.
Bên cạnh đó, chi tiết “chiêng xếp đầy nhà ngoài”, “cồng chất đầy nhà trong” và “ai đánh chiêng cứ đánh chiêng, ai cắm cần cứ cắm cần” đã phản ánh phong tục đánh cồng chiêng và uống rượu cần của người dân vùng Tây Nguyên. Cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà nó còn chứa đựng giá trị văn hóa của cộng đồng người Ê-đê. Chính vì vậy, chi tiết Đăm Săn đến nhà Nữ Thần Mặt Trời thấy hình ảnh “chiêng xếp đầy nhà ngoài, cồng xếp đầy nhà trong” biểu thị cho sự quyền lực và giàu có. Người Ê-đê tin rằng: mỗi một chiếc cồng đều ẩn chứa một vị thần cho nên càng nhiều cồng, cồng càng cổ thì quyền lực của vị thần càng cao. Ngoài ra, tục uống rượu cần cũng là một nét đẹp văn hóa trong đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Rượu cần trong đoạn trích chính là phương tiện để gắn kết tình cảm giữa người tù trưởng Đăm Săn và Đăm Par Kvây. Rượu không chỉ đóng vai trò trong các buổi thực hành nghi lễ để cầu xin đấng thần linh mà nó còn thể hiện đầy đủ tinh thần tập thể của cộng đồng, lòng mến khách của chủ nhà.
Có thể nói, những vật dụng trong căn nhà của người Ê-đê không chỉ gắn liền với hoạt động sống mà còn phản ánh được tính cách, sự giàu có, phồn vinh của cả một cộng đồng.
Đoạn trích “Đăm Săn đi bắt Nữ Thần Mặt Trời” là đoạn trích quan trọng của sử thi “Đăm Săn”. Đoạn trích không chỉ khắc họa vẻ đẹp phi thường, khát vọng mãnh liệt của người anh hùng Đăm Săn mà qua đó, chúng ta còn thấy được những nét đẹp văn hóa, đặc biệt là không gian sinh hoạt của người Ê-đê ở Tây Nguyên. Sử thi “Đăm Săn” cho thấy kiến trúc nhà dài, vật dụng gắn liền với sinh hoạt và lối sống, tính cách của đồng bào người Ê-đê. Các giá trị vật chất, tinh thần của người Ê-đê trong thời đại mới cần phải được bảo tồn và phát huy hơn nữa.
Bài nghiên cứu đến đây là kết thúc, em cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe.