Soạn bài Thực hành đọc hiểu Đây thôn Vĩ Dạ SGK Ngữ văn 11 tập 2 Cánh diều - siêu ngắn
Đọc trước bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ và tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Hàn Mặc Tử. Tìm hiểu cảnh vật, con người xứ Huế và hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
Trước khi đọc 1
Câu 1 (trang 41, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Đọc trước bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ và tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Hàn Mặc Tử.
Phương pháp giải:
Chú ý lựa chọn thông tin phù hợp, phục vụ cho việc đọc hiểu.
Lời giải chi tiết:
+ Hàn Mặc Tử hay Hàn Mạc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22/9/1912 tại làng Lệ Mỹ bên dòng Nhật Lệ, nay thuộc thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình.
+ Lớn lên ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định trong một gia đình theo đạo Công giáo.
+ Hàn Mặc Tử là một nhà thơ nổi tiếng, đặt nền móng cho dòng thơ lãng mạn hiện đại Việt Nam và là người khởi xướng nên Trường thơ loạn. Ngòi bút thơ của ông được biết đến với một giọng thơ trữ tình, đằm thắm; thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết, khát khao tình người đến cháy bỏng.
+ Đọc thơ của Hàn Mặc Tử ta sẽ bắt gặp một tâm hồn yêu cuộc sống, yêu con người da diết; một khát vọng sống mãnh liệt đến đau đớn tột cùng. Hàn Mặc Tử là một người nghệ sĩ đa tài nhưng cuộc đời ngắn ngủi.
+ Tác phẩm tiêu biểu
* Tuyển tập Gái quê (1936) bao gồm: Mơ, Gái quê, Tình quê, Nhớ Nhung, Hái dâu, Âm thầm, Lòng quê, Nắng tươi, Đời phiêu lãng,…
* Tuyển tập Thơ điên (1938) bao gồm: Hương thơm, Mật đắng, Xuân như ý, Máu cuồng và hồn điên,…
* Khác: Biết anh, Em đau, Nhớ mây, Một cõi quên, Hồn lìa khỏi xác, Xuân như ý, Duyên kỳ ngộ, Quần tiên hội,…
Trước khi đọc 2
Câu 2 (trang 41, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Tìm hiểu cảnh vật, con người xứ Huế và hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
Phương pháp giải:
Tìm hiểu thêm các tài liệu trên internet để hiểu được hoàn cảnh ra đời của bài thơ.
Lời giải chi tiết:
- Nhắc đến xứ Huế là người ta thường nhắc đến mộng mơ, thơ mộng.
- Hoàn cảnh ra đời: Bài thơ được sáng tác năm 1938, in trong tập thơ Gái quê. Được lấy cảm hứng từ mối tình đơn phương của Hàn Mặc Tử dành cho người con gái xứ Huế.
Trong khi đọc 1
Câu 1 (trang 41, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Chú ý hình ảnh so sánh “xanh như ngọc” ở dòng thơ số 3.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ khổ 1 của bài thơ, chỉ ra hình ảnh nào được so sánh xanh như ngọc.
Lời giải chi tiết:
Hình ảnh vườn cây được so sánh với xanh như ngọc. Muốn thể hiện vẻ đẹp xanh tươi, tươi tốt của thiên nhiên nơi này.
Trong khi đọc 2
Câu 2 (trang 41, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Chú ý về tính nghịch lý khác thường trong quan hệ của “gió” và “mây”.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ khổ 2, chỉ ra sự khác thường bằng cách so sánh với thực tế.
Lời giải chi tiết:
+ Trong câu thơ chúng ta thấy gió và mây mỗi sự vật theo một hướng khác nhau.
+ Ngoài thực tế, gió thổi hướng nào mây sẽ bay theo hướng đó vì nhờ có gió mây mới có thể bay đi.
→ Mây và gió từ sự vật gắn liền với nhau lại thành hai sự vật tách biệt không liên quan đến nhau. Trong thực tế không thể xảy ra điều này, từ đó tác giả muốn sử dụng để bày tỏ dụng ý khác.
Trong khi đọc 3
Câu 3 (trang 42, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Từ “ở đây” trong dòng thơ số 11 chỉ không gian nào?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ khổ 3, xác định vị trí từ ngữ và hiểu nội dung của khổ thơ để tìm ra không gian.
Lời giải chi tiết:
Chỉ ra không gian ở Huế nhưng cũng có thể là không gian tưởng tượng của tác giả.
Sau khi đọc 1
Câu 1 (trang 42, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Bức tranh thôn Vĩ (khổ 1) có đặc điểm gì? Bức tranh đó được nhìn từ con mắt của ai? Qua đó, ta thấy được tâm trạng gì của nhân vật trữ tình?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ khổ 1 của bài thơ, chỉ ra hình ảnh, chi tiết nổi bật để miêu tả được bức tranh thôn Vĩ, chú ý về cách xưng hô để thấy được điểm nhìn và tâm trạng của người đang miêu tả đó.
Lời giải chi tiết:
+ Đặc điểm: Thôn Vĩ nổi bật sáng chói với những tia nắng mới lên chiếu qua hàng cau cùng với khu vườn xanh mướt đầy sức sống. Giữa khung cảnh thiên nhiên tràn ngập sức sống ấy, hình ảnh người con gái với khuôn mặt chữ điền lấp ló qua những lá trúc hiện lên.
+ Điểm nhìn: Có thể thấy bức tranh đó được nhìn từ con mắt của tác giả.
+ Tâm trạng: Qua đó, ta thấy được tình yêu của nhân vật trữ tình với thôn Vĩ Dạ và với cuộc tình dang dở của ông với người con gái nơi đây.
Sau khi đọc 2
Câu 2 (trang 42, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Bức tranh thiên nhiên ở khổ 2 có điểm nào khác với khổ 1? Sự khác biệt đó cho biết điều gì về tâm trạng, tình cảm của nhân vật trữ tình?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ khổ 1 và khổ 2, xác định bức tranh thiên nhiên có sự thay đổi như thế nào khi qua khổ 2, tại sao tác giả lại để sự thay đổi đó (chú ý về các từ ngữ bộc lộ tâm trạng, tình cảm).
Lời giải chi tiết:
+ Nếu khổ thơ thứ nhất tác giả miêu tả bức tranh thôn Vĩ Dạ ngập tràn sức sống với khung cảnh thiên nhiên ngập tràn sắc màu thì ở khổ hai, khung cảnh thiên nhiên đã trở nên đượm buồn hơn.
+ Tâm trạng: Nỗi buồn đã nhuốm cả vào không gian, cảnh vật, làm cho tâm trạng con người cũng trở nên buồn hơn.
Sau khi đọc 3
Câu 3 (trang 42, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Qua ba câu hỏi trong ba khổ thơ, hãy nêu nhận xét của em về cách cấu tứ của bài thơ.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ khổ 1, 2, 3 tìm ra những câu hỏi trong các khổ thơ từ đó rút ra được cách sắp xếp của tác giả.
Lời giải chi tiết:
- Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
+ Câu hỏi này không chỉ là một lời chào mời mà nó còn như một lời trách móc nhẹ nhàng của cô gái Thôn Vĩ.
- Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?
+ Thuyền ai là một câu hỏi không rõ ràng, ai ở đây có thể là một thiếu nữ. Thuyền và bến đò cùng bờ sông và ánh trăng đã tạo nên khung cảnh hết sức lãng mạn và đẹp đẽ.
- Ai biết tình ai có đậm đà?
+ Lời thơ như nhắc nhở, không phải bộc lộ một sự tuyệt vọng hay hy vọng, đó chỉ là sự thất vọng về một tình yêu không trọn vẹn.
→ Nếu ở khổ 1 khổ 2 là những câu hỏi tu từ mang sự bí ẩn, gây tò mò một chút trách móc nhưng kết lại bài thơ bằng câu thơ cuối là câu hỏi tu từ bộc lộ rõ sự thất vọng khi tình yêu không trọn vẹn.
Sau khi đọc 4
Câu 4 (trang 42, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Trong bài Nhớ thương, Hàn Mặc Tử khắc hoạ tâm trạng của người cung nữ thông qua hình ảnh đối lập giữa “ngoài kia” và “trong đây”.
Ngoài kia xuân đã thắm duyên chưa
Trời ở trong đây chẳng có mùa
Không có niềm trăng và ý nhạc
Có người cung nữ nhớ thương vua
Theo em, sự đối lập không gian được thể hiện thế nào trong Đây thôn Vĩ Dạ? Ý nghĩa của sự đối lập này là gì?
Phương pháp giải:
Đọc toàn bài tìm ra sự đối lập về không gian, tác giả sử dụng sự đối lập ấy nhằm mục đích gì, muốn truyền tải điều gì?
Lời giải chi tiết:
- Bức tranh thiên nhiên được miêu tả trong bài thơ:
+ Ở khổ 1: Cảnh vật thiên nhiên hiện lên đầy sức sống với những tia nắng mới cùng sắc xanh ngập tràn.
+ Ở khổ 2: Bức tranh ấy đã nhuốm màu tâm trạng với sắc buồn là chủ đạo. Cảnh vật vẫn đẹp như vậy nhưng lại ẩn chứa nỗi buồn man mác.
- Không gian thực và ảo: Ở những câu thơ cuối, lại xuất hiện sương khói mờ ảo, mọi thứ đều không còn nhìn thấy rõ chứng tỏ đây là không gian ảo, tác giả tưởng tượng ra.
→ Ý nghĩa: Thể hiện tâm trạng, nỗi buồn trong lòng của tác giả.
Sau khi đọc 5
Câu 5 (trang 42, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Nêu nhận xét của em về tác dụng của một yếu tố tượng trưng trong bài thơ.
Phương pháp giải:
Gợi nhớ lại kiến thức về tượng trưng (biểu tượng cho điều gì đó) để tìm ra được yếu tố đó trong bài thơ, chỉ ra yếu tố đó thể hiện điều gì từ đó rút ra được vai trò.
Lời giải chi tiết:
Hình ảnh trăng xuất hiện trong bài thơ đã khơi dậy cho người đọc về một niềm tin và khát vọng vào tình yêu và cuộc sống.
Sau khi đọc 6
Câu 6 (trang 42, SGK Ngữ Văn 11, tập hai):
Sự day dứt về thân phận như bị bỏ rơi, bị quên lãng của chủ thể trữ tình gợi cho em cảm xúc gì? Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 - 10 dòng) trình bày cảm xúc đó.
Phương pháp giải:
Đọc toàn bài, đưa ra cảm nhận về hình ảnh con người với thân phận bị bỏ rơi, bị quên lãng. Trình bày lại thành một đoạn văn có hình thức 8 - 10 dòng.
Lời giải chi tiết:
Bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" là một bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật, thiên nhiên và con người xứ Huế mộng mơ. Hình ảnh con người ở bên lề của cuộc sống không phải chủ thể chính trong bài thơ nhưng cũng là một hình ảnh đẹp, thể hiện được cảm xúc của bài thơ. Câu thơ mở đầu bài thơ là một lời mời chào xen chút dỗi hờn của cô gái thôn Vĩ. Đến với những câu thơ tiếp theo miêu tả khung cảnh thiên nhiên thôn Vĩ, đâu đó lấp ló hình ảnh con người với khuôn mặt chữ điền sau những tán lá trúc. Sang khổ thơ thứ hai, màu sắc của cảnh vật cùng thiên nhiên và tâm trạng con người đã có sự thay đổi rõ rệt. Cảnh vật hiện lên với nét buồn qua cái nhìn đầy nội tâm của nhân vật trữ tình. Cảnh vật như có sự chia li, xa cách với nhau. Ở khổ thơ cuối, có thể thấy cảnh vật và con người đều chìm sâu vào trong mộng ảo mơ hồ với sương khói mờ nhân ảnh. Chính vì vậy, hình ảnh con người bên lề cảnh vật thiên nhiên đóng góp vai trò rất quan trọng tạo nên sự thành công của bài thơ.