Soạn bài Viết bài tập làm văn số 6 - Văn lập luận giải thích (làm ở nhà) (Chi tiết) — Không quảng cáo

Soạn văn 7 ngắn gọn, đầy đủ và vô số bài văn mẫu hay Bài 26


Soạn bài Viết bài tập làm văn số 6 - Văn lập luận giải thích (làm ở nhà) (Chi tiết)

Soạn bài Viết bài tập làm văn số 6 - Văn lập luận giải thích (làm ở nhà) đầy đủ nhất trang 88 SGK ngữ văn 7 tập 2

Đề 1

Đề 1 (trang 88 SGK Ngữ văn 7 tập 2)

Mùa xuân là Tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

Bác Hồ muốn khuyên dạy chúng ta điều gì qua hai dòng thơ này? Vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại góp phần làm nên mùa xuân của đất nước?

Dàn ý chi tiết:

a/ Giải thích sơ lược vấn đề

- Mùa xuân:…Tết:…

- Càng xuân: Hiểu như thế nào?

b/ Vì sao ra tham gia phong trào trồng cây này? Vì:

- Cây xanh là lá phổi của thiên nhiên nó giúp ta điều hoà không khí như hút khí CO 2 nhả khí O 2

- Ngăn chặn lũ lụt

- Tô điểm màu xanh cho đất nước thêm đẹp

c/ Làm như thế nào để thực hiện lời dạy của Bác

- Chống phá hoại rừng xanh

- Chăm sóc và bảo vệ cây xanh nơi em sinh sống…

- Giữ gìn rừng nguyên sinh và rừng đầu nguồn

3/ Kết bài:

- Thực hiện lời dạy của Bác mùa xuân nào nhân dân ta cũng trồng cây đầu xuân…

– Bản thân em ý thức như thế nào?

– Tham gia nhiệt tình việc trồng cây ở nhà, ở trường…

Bài làm tham khảo

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến mọi mặt của đời sống xã hội. Người cũng rất quan tâm đến môi trường và hiểu được ý nghĩa thiết thực của môi trường sống nên Bác đã động viên toàn thể quần chúng nhân dân tích cực trồng cây làm cho đất nước thêm xanh, thêm đẹp, thêm giàu sức sống:

“Mùa xuân là tết trồng cây,

Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”

Hai câu thơ của Bác đã khẳng định việc trồng cây đã trở thành một phong tục mới trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta. Việc trồng cây thực sự đã trở thành ngày hội náo nức, một việc làm có ý nghĩa để cho môi trường ngày càng xanh tươi, “làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Từ “xuân” Bác dùng ở câu thơ này được hiểu với những hàm ý khác nhau. Trước hết, ta thấy từ “xuân” ở dòng thứ nhất chỉ mùa bắt đầu của một năm. Từ “xuân” thứ hai với nghĩa tượng trưng là nói về sức sống, vẻ tươi đẹp. Với câu nói đầy hình ảnh đó, Bác khuyên mọi người khi mùa xuân tới hãy tích cực trồng cây. Việc trồng cây sẽ góp phần làm cho quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.

Chúng ta đã hiểu lời khuyên của Bác, vậy thì vì sao việc trồng cây trong mùa xuân của đất trời lại có thể góp phần làm nên mùa xuân của đất nước? Đó là vì, mùa xuân có tiết trời ấm áp, khí hậu ôn hoà rất phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây cối. Tết trồng cây đầu năm có ý nghĩa hết sức to lớn, nó tạo nên một môi trường sống trong sạch và tốt đẹp hơn; con người được sống trong bầu không khí trong lành, thoải mái. Việc trồng cây phủ xanh đồi núi trọc hay những vùng ven biển đang bị cát lấn có tác dụng ngăn được bão lũ, chống xói mòn, giảm bớt những hậu quả do thiên tai mang lại, góp phần làm giàu cho quê hương, đất nước. Trồng cây cho chúng ta một nguồn tài nguyên phong phú để phát triển ngành công nghiệp gỗ, sản xuất ra những đồ vật hữu dụng trong gia đình,... Trồng cây sẽ tạo ra được những quang cảnh đẹp hơn, tạo nên cảnh quan kiến trúc thơ mộng, tôn thêm vẻ đẹp của nơi ở. Hơn nữa, cây xanh còn có tác dụng điều hoà không khí, chống lũ, bảo vệ đất đai và góp phần mang lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế xã hội. Không có cây xanh, chúng ta khó có thể tồn tại một cách bình yên và khoẻ mạnh được. Trồng cây, làm cho cây xanh tươi và nơi nào cũng có cây xanh thì đất nước sẽ xanh tươi, khắp nơi sẽ tràn đầy sự sống. Như thế, việc trồng cây thực sự đã và sẽ góp phần làm cho đất nước “càng ngày càng xuân”.

Qua lời thơ, ta thấy rằng, tết trồng cây là một việc làm ý nghĩa, trở thành một thuần phong mĩ tục tốt đẹp trong xã hội chúng ta. Là một học sinh, chúng ta phải làm theo lời Bác dạy. Chúng ta trồng một cây xanh nghĩa là chúng ta đã thắp một nén hương thơm để tưởng nhớ tới Bác Hồ kính yêu.

Đề 2

Đề 2 (trang 88 SGK Ngữ văn 7 tập 2)

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Hãy tìm hiều người xưa muốn nhắn nhủ điều gì qua câu ca dao ấy.

Dàn ý chi tiết

a. Mở bài:

- Giới thiệu truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc: là truyền thống lâu đời, thể hiện những đạo lí tốt đẹp của dân tộc.

- Giới thiệu, trích dẫn bài ca dao.

b. Thân bài:

* Giải thích ý nghĩa của câu ca dao.

- Nghĩa đen: Nhiễu điều là tấm vải đỏ, nhiễu điều phủ lấy giá gương là tấm vải đỏ che phủ, bao bọc, bảo vệ gương.

- Nghĩa bóng: Lời khuyên của dân gian: Mọi người phải biết đoàn kết, thương yêu nhau. Tinh thần đoàn kết thương yêu nhau là truyền thống của dân tộc.

* Tại sao lại phải sống đoàn kết, thương yêu nhau?

- Để cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống lao động: chống bão lũ, hạn hán…

- Để cùng chống giặc ngoại xâm…

- Để cùng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống sinh hoạt: những người nghèo, nạn nhân chất độc màu da cam, những trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, trẻ em ung thư… (có thể dẫn một số câu tục ngữ, ca dao có nội dung tương tự)

* Cần phải làm gỡ để thực hiện lời dạy của người xưa?

- Thương yêu đùm bọc và sống có trách nhiệm với chính những người thân yêu trong gia đình, hàng xóm…

- Sống có trách nhiệm với cộng đồng: tham gia các phong trào ủng hộ, các hoạt động từ thiện…

* Liên hệ bản thân:

- Là học sinh, em có thể thực hiện lời khuyên của dân gian (yêu thương đoàn kết với bạn bè trong lớp, tham gia các hoạt động ủng hộ, quyên góp…)

c. Kết bài:

- khẳng định giá trị của bài ca dao: Thể hiện được truyền thống tương thân tương ái quý báu của dân tộc.

- Khẳng định rằng truyền thống tốt đẹp ấy sẽ được thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối và phát huy.

Bài làm tham khảo:

Dân tộc ta vốn có truyền thống đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Để diễn đạt tình nghĩa tha thiết này, ca dao có câu:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng.”

Những hình ảnh trong câu ca dao thật dễ hiểu nhưng ý nghĩa của nó thì thật là sâu sắc. “Nhiễu điều” là tấm vải đỏ; “giá gương” là giá đỡ tấm gương. Hình ảnh “Nhiễu điều phủ lấy giá gương” có nghĩa đen là tấm vải đỏ che phủ, giữ cho sạch và làm đẹp cho giá gương cùng cả tấm gương. Hai tiếng “phủ lấy” nhắc nhở, thể hiện sự gắn bó không tách rời giữa giá gương và nhiễu điều. Hình ảnh đó còn gợi lên nghĩa bóng đó là sự yêu thương, đùm bọc, che chở. Lấy nghĩa bóng đó, dân gian muốn nhắn nhủ mọi người trong cùng một cộng đồng cần phải biết yêu thương, đùm bọc, che chở cho nhau: “Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó là một lời khuyên nhủ đậm đà tình nghĩa.

Vậy thì tại sao người trong một nước phải yêu thương giúp đỡ lẫn nhau? Trong tâm thức mỗi người Việt Nam đều tin các dân tộc trên đất nước ta là anh em. Con người cùng một nước, có cùng chung một nguồn gốc lịch sử. Mọi người trong cùng cộng đồng, cùng làng, cùng nước,… đời sống vật chất, tinh thần luôn gắn bó với nhau, rất cần đến sự quan tâm động viên giúp đỡ lẫn nhau; nhất là lúc có ai đó gặp khó khăn hoạn nạn. Hơn nữa, không ai có thể sống lẻ loi trong xã hội mà phải hoà nhập vào cộng đồng. Thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau là lẽ sống của mỗi người, nó đã trở thành một truyền thống đạo lí tốt đẹp của dân tộc ta. Tình cảm yêu thương đoàn kết tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần sẽ giúp con người vượt qua bao khó khăn, chiến thắng kẻ thù và thiên tai, đi tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Có thể kể đến các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nhân dân ta. Rồi những tấm lòng hảo tâm đóng góp vào các quỹ từ thiện đã giúp nhiều người nghèo khó, bệnh tật khắc phục được hoàn cảnh, vượt qua bệnh tật hiểm nghèo trở về với cuộc sống bình thường.

Chúng ta phải làm thế nào để phát huy được đạo lí tốt đẹp đó? Chúng ta cần tránh quan điểm: “Đèn nhà ai người ấy rạng”, có thái độ dửng dưng đứng trước nỗi đau khổ của họ hàng, làng xóm, dân tộc. Và yêu thương giúp đỡ lẫn nhau phải xuất phát từ lòng chân thành, tự nguyện thì đó mới là nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng. Để phát huy được đạo lí tốt đẹp của nhân dân Việt Nam, chúng ta phải biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh khi họ gặp khó khăn hoạn nạn với thái độ chân thành, kịp thời. Thương yêu, đùm bọc lẫn nhau là biểu hiện sự đoàn kết dân tộc. Mỗi người cần phải biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó.

Ý nghĩa của câu ca dao đã trở nên muôn đời. Vì đó là bài học đã đúc kết bằng tâm huyết của nhân dân ta. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải biết phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp đó.

Đề 3

Đề 3 (trang 88 SGK Ngữ văn 7 tập 2)

Hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công.

Cuộc sống sẽ chỉ cho bạn có những người đạt được thành công theo một cách giản dị đến bất ngờ. Thành công là khi bố và con trai có dũng khí bước vào bếp, nấu những món ăn mẹ thích nhân ngày tám tháng ba. Món canh có thể hơi mặn, món cá sốt đáng lẽ phải có màu đỏ sậm thì lại ngả sang màu… đen cháy.

Nhưng nhìn mâm cơm, mẹ vẫn cười. Bởi vì hai bố con không thể thành công trên “chiến trường” bếp núc, nhưng lại thành công khi tặng mẹ “đoá hồng” của tình yêu. Một món quà ý nghĩa hơn cả những món quà quý giá, hạnh phúc ấy long lanh in trong mắt mẹ.

Thành công còn là hình ảnh một cậu bé bị dị tật ở chân, không bao giờ đi lại bình thường được. Từ nhỏ cậu đã nuôi ước mơ trở thành cầu thủ bóng đá. Sau bao nỗ lực khổ luyện, cậu bé trở thành cầu thủ dự bị trong một đội bóng nhỏ, và chưa bao giờ được chính thức ra sân. Nhưng đó không phải là thất bại. Trái lại, thành công đã nở hoa khi cậu bé năm xưa, với bao nghị lực và quyết tâm, đã chiến thắng hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ từ ngày thơ bé. Thành công ấy, liệu có mấy người đạt được?

Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi nguyện vọng một lấy tới hai bảy phẩy năm? Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công bị trì hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón họ với nguyện vọng hai, nguyện vọng ba. Quan trọng là họ đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.

Ngày còn nhỏ, tôi đã được đọc một câu chuyện rất xúc động. Chuyện kể về một cậu bé nghèo với bài văn tả lại mẹ – người phụ nữ đã che chở cuộc đời em. Cậu bé viết về một người mẹ với mái tóc pha sương, với đôi bàn tay ram ráp nhăn nheo nhưng dịu hiền và ấm áp. Cậu kết luận rằng: bà ngoại là người mẹ – người phụ nữ đã nâng đỡ em trong suốt hành trình của cuộc đời. Bài văn lạc đề, phải về nhà viết lại. Nhưng đó mới chính là một tác phẩm thành công, bởi ở đó chất chứa tình yêu thương của đứa cháu mồ côi dành cho bà ngoại. Liệu có thành công nào, tình cảm nào thiêng liêng hơn thế?

Nhiều năm trước, báo chí từng vinh danh một cậu học trò nghèo thi đậu đại học với vị trí thủ khoa. Đối với cậu, đó là một thành công lớn. Nhưng có một thành công khác, lặng thầm mà lớn lao, đó là chiến thắng của một người cha gần hai mươi năm trời đạp xích lô nuôi con ăn học. Bao niềm tin và hi vọng hiện lên trên gương mặt vốn đã chịu nhiều khắc khổ. Và ngày con trai đậu đại học cũng là ngày tốt nghiệp khoá học của một người cha.

Tôi biết có một nữ sinh tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu gần hai mươi năm trước. Với tài năng của mình, cô có thể gặt hái thành công trên con đường sự nghiệp và danh vọng. Nhưng cô sinh viên năm ấy đã chấp nhận hi sinh những cơ hội của đời mình để trở thành một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền của hai cô công chúa nhỏ. Cho tới bây giờ, khi đã là một phụ nữ trung niên, Người vẫn nói với tôi rằng: “Chăm sóc bố và hai con chu đáo, đối với mẹ đã là một thành công lớn”. Mỗi khi nghe câu nói ấy, tôi lại rơi nước mắt. Gia đình là hạnh phúc, là thành quả đẹp đẽ của đời mẹ, và chúng tôi phải cảm ơn mẹ vì điều đó.

Con người luôn khát khao thành công, nhưng mù quáng theo đuổi thành công thì thật là vô nghĩa. Bạn muốn mình giàu có, muốn trở thành tỷ phú như Bill Gates? Vậy thì hãy gấp đồng tiền một cách cẩn thận rồi trao nó cho bà cụ ăn xin bên đường. Với việc làm đẹp đẽ ấy, bạn sẽ cho mọi người hiểu được bạn không chỉ giàu có về vật chất mà còn giàu có tâm hồn. Khi đó, bạn đã thực sự thành công.

Cũng có khi bạn ước mơ thành công sẽ đến với mình như đến với Abramovich – ông chủ của đội bóng toàn những ngôi sao? Thành công chẳng ở đâu xa, chỉ cần bạn dành thời gian chăm sóc cho “đội bóng” của gia đình bạn. Ở đó, bạn nhận được tình yêu thương vô bờ bến, thứ mà Abramovich không nhận lại được từ những cầu thủ của ông ta. Thành công đến với mọi người một cách giản dị và ngọt ngào như thế!

Bạn được sinh ra, đó là một thành công vĩ đại của cha và mẹ. Trách nhiệm của bạn là phải gìn giữ cho vẻ đẹp hoàn thiện của thành công ấy. Đừng bao giờ ủ ê nghĩ rằng cuộc sống là một chuỗi của thất bại, bởi như một giáo sư người Anh từng nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”.

Đề 4

Đề 4 (trang 88 SGK Ngữ văn 7 tập 2)

Dân gian có câu: Lời nói gói vàng , đồng thời lại có câu: Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Qua hai câu trên, em hãy cho biết dân gian đã hiểu như thế nào về giá trị, ý nghĩa lời nói trong cuộc sống.

Bài làm

Lời nói là phương tiện quan trọng để kết nối người này với người khác, tạo nên các mối thâm giao của con người trong xã hội. Vì thế cha ông ta có khuyên: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, vì lời nói bay đi thì không thể lấy lại được, nên ta hãy cẩn thận trước khi nói.

Tâm lý chung của con người là thích nghe ngọt. Những lời nói tốt đẹp không làm chúng ta tốn kém tiền bạc hay hao tổn sức lực, nhưng nó đem lại nhiều ích lợi và làm cho người nghe được an ủi, khích lệ và làm cho tình thân giữa ta với người khác được thêm thắm thiết đậm đà. Dĩ nhiên, chúng ta không nên vì “lựa lời” mà nói với nhau những lời giả dối. Trái lại, chúng ta cần nói thật với nhau bằng tấm lòng yêu thương.

Lại có một câu chuyện kể lại rằng:

Ngày xưa có một ông vua nước Ai-cập gửi cho nhà hiền triết Bias một con vật vừa quý lại vừa hiếm để tế lễ các thần minh. Thế nhưng, ông vua này muốn chơi khăm nhà hiền triết một vố, bèn phán:

- Sau khi cúng xong, ngươi phải trả lại cho ta cái gì vừa tốt nhất lại vừa xấu nhất nơi con vật quý hiếm ấy.

Nhà hiền triết cũng không phải là tay vừa, bèn xẻo ngay cái lưỡi trao cho ông vua. Cử chỉ đó gián tiếp nói lên rằng:

- Cái lưỡi là phần tốt nhất nếu biết sử dụng, nhưng đồng thời cũng là phần xấu nhất nếu không biết sử dụng.

Đúng thế, cái lưỡi là một bộ phận quan trọng để phát ra tiếng nói. Tiếng nói là một phương tiện hữu hiệu để chuyển đạt cho người khác biết những tư tưởng, những ý nghĩ, những ước muốn thầm kín; nhờ đó bắc lấy một nhịp cầu cảm thông. Lưỡi đóng một vai trò quan trọng như vậy, song cái lưỡi cộng với lời nói lại chính là nguyên cớ làm cho chúng ta dễ vấp phạm hơn cả, bởi vì chúng ta có thể vấp phạm ở bất kỳ đâu, trong bất cứ lúc nào và với bất kỳ ai.

Tục ngữ cũng đã có câu:

“Không nọc nào độc cho bằng cái lưỡi”.

Hay: “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”.

Một lời nói thiếu suy nghĩ được sánh ví như đổ thêm dầu vào lửa, làm bừng lên sự tức giận, thiêu huỷ hết tình ruột thịt cũng như tình nghĩa anh em. Hơn nữa, trong cộng đoàn tu trì gồm những con người từ “khắp tứ phương thiên hạ”, mỗi người mỗi tính, mỗi người một kiểu sống khác nhau, nên không thể tránh được hết những va chạm, những bực bội, những buồn phiền… Nhiều khi chính chúng ta lại là những người gây ra những đau khổ, buồn phiền cho người khác chỉ bằng những lời nói thiếu cân nhắc trước sau.

Cụ thể ngay trong cuộc sống hàng ngày, nhiều khi có thể vô tình thôi, chúng ta chọc ghẹo anh chị em mình bằng những lời nói nghe hơi… “rát tai”, nghe mà “đau nhói cả tim”. Nhiều khi chúng ta chỉ muốn nói cho sướng cái miệng của mình, nhưng lại không để ý đến nỗi đau của người anh chị em mình khi phải nghe những lời chọc ghẹo đó.

Do vậy, trong cộng đoàn tiếng cười là cần thiết, nó đem lại niềm vui cho cộng đoàn là điều cần làm và nên làm. Nhưng chúng ta cũng cần phải ý tứ hơn nữa trong những lời chọc vui để những lời chọc vui đó không những đem lại niềm vui cho mình mà còn làm cho người bị chọc cũng được vui cười thoải mái. Dựa vào lời nói, người khác có thể biết được phần nào tâm hồn của chúng ta. Được yêu mến và kính trọng hay bị khinh bỉ và ghét bỏ, một phần lớn là do cái lưỡi và lời nói của chúng ta. Như thế, cái lưỡi đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành uy tín và thế giá của mỗi người, như một câu danh ngôn đã dạy: “Lưỡi người khôn ngoan tạo nên danh dự, còn mồm kẻ ngu dại gây đổ vỡ tan hoang”. Bởi đó, ta cần phải biết đắn đo cân nhắc trong cách ăn nói của mình để tránh đi những hiểu lầm, đau khổ cho người khác. Phải sử dụng lời nói như một phương tiện, giúp chúng ta cảm thông và xích lại gần nhau hơn “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi” là vậy. Ý thức được tầm quan trọng của ngôn từ, chúng ta hãy chú ý những ngôn từ chúng ta dùng trong ngày. Phải có trách nhiệm khi sử dụng ngôn từ, bởi vì qua những lời chúng ta nói, chúng ta có thể đem lại niềm vui Phục sinh nhưng cũng có thể đem lại đau khổ thập giá cho những anh em trong cộng đoàn và chúng ta cũng nên lắp đặt một… “Cái thắng” vào miệng, để những lúc ngứa mồm, muốn phát ngôn bừa bãi, thì biết “stop” lại đúng nơi và đúng lúc. Để kết thúc, xin mượn câu nói của cha ông ta nói về ngôn từ: Hãy uốn lưỡi bảy lần trước khi nói. Hoặc Lựa lời mà nói khó thay ! Tiếng chì, tiếng bấc thường hay “chàng ràng” Khi ai mở miệng nói ngang Thì ta chắc chẳng ngại “phang”…. “mĩ từ”

Một tia lửa nhỏ sơ sơ

Khu rừng lớn mấy mặc dù cháy tiêu

Giữa ngàn thế sự đảo điên

Có ai áp dụng lời khuyên bao giờ

Lời nói không mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau !

Đề 5

Đề 5 (trang 88 SGK Ngữ văn 7 tập 2)

Em giải thích nội dung lời khuyên của Lê-nin: Học, học nữa, học mãi.

Bài làm

Lê-nin là nhà cách mạng kiệt xuất của nhân loại. Tên tuổi của Người gắn liền với cuộc Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại. Bên cạnh đó, đối với nhiều thế hệ người Việt Nam, tên tuổi Lê-nin đã trở thành thân thuộc với câu châm ngôn nổi tiếng: “Học, học nữa, học mãi”.

Khái niệm “học” mà Lê-nin sử dụng ở đây có thể hiểu theo những cách khác nhau, tùy theo mức độ rộng hay hẹp trong ý nghĩa.

Theo nghĩa hẹp: học là hoạt động thu nhận và tái hiện tri thức của học sinh dưới sự hướng dẫn và truyền đạt của thầy giáo trong nhà trường. Hoạt động học như thế gắn liền với một giai đoạn cụ thể trong cuộc đời: lứa tuổi thanh thiếu niên, gắn liền với một không gian xác định: nhà trường.

Theo nghĩa rộng: Hoạt động học diễn ra ở mọi nơi mọi lúc, trong suốt cuộc đời một con người. Không phải ngẫu nhiên người ta gọi cuộc đời là “trường đời”. đây là mái trường mở ra theo bước chân của con người trên mọi nẻo đường đời, ở mọi lứa tuổi. Theo ý nghĩa này, Gorki đã gọi cuộc đời là “trường đại học của tôi”. Và đây cũng là ý nghĩa chính trong khái niệm học của Lê-nin. Bản thân cuộc đời Lê-nin là một minh chứng cho quan niệm này. Qua trường đời, Lê-nin thu nhận tri thức để trở thành nhà trường có kiến thức sâu rộng. Qua trường đời, Lê-nin “học làm cách mạng " rồi trở thành nhà cách mạng vĩ đại. Tri thức của nhà trường theo nghĩa hẹp dù phong phú, toàn diện đến đâu cũng có giới hạn. Tri thức của trường đời mới là nguồn tri thức rộng lớn, phong phú. Trong trường đời mọi sự kiện, mọi lĩnh vực đời sống là trang sách. Mọi người quanh ta đều là thầy ta. Người ta phải học tất thảy mọi điều dù là nhỏ nhặt nhất như câu tục ngữ đã tổng kết: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Với cách hiểu trên, hoại động học là rất cần thiết. Nhờ học mà xã hội loài người luôn phát triển. Thế hệ sau kế thừa những thành tựu của thế hệ trước để từ đó tạo lập nên những thành tựu mới. Lí giải về sự thành công của mình, nhà bác học Niu-tơn đã nói một cách hóm hỉnh: Tôi đã đứng trên vai người khổng lồ. “Người khổng lồ” ở đây là một cách nói hình tượng về những tri thức đã được nhà bác học tiếp thu qua nhưng hoạt động học tập của mình.

Nghĩa gốc của từ “học” trong tiếng Nga mà Lê-nin sử dụng chỉ hoạt động diễn ra trong một quá trình kéo dài. Người lặp lại từ này ba lần chính là để nhấn mạnh tính thường xuyên, liên tục, không ngừng của hoạt động học. Có điều đó là bởi tri thức trong trường đời là vô hạn. Nó bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau và luôn luôn được bổ sung, phát triển. Đây chính là lí do để chúng ta phải “học nữa, học mãi”. Ngừng học tập cũng tức là chúng ta đặt mình ra khỏi vòng quay của cuộc sống đang không ngừng đổi thay, phát triển.

Nhưng “học nữa, học mãi” không có nghĩa là học tràn lan mọi lĩnh vực, học không có trọng điểm kiến thức. Bên cạnh việc học toàn diện, chúng ta còn phải biết hướng sự học vào giải quyết những mục tiêu cụ thể trong cuộc sống. Mục đích của học không phải chỉ để tiếp thu tri thức mà còn phải vận dụng tri thức đó vào thực tế cuộc sống, để đạt tới những thành tựu có ý nghĩa, để tạo ra tri thức mới. Học như thơ mới đem lại sự say mê và bổ ích. Đây là động lực để hoạt động học gắn bó với con người trong cuộc đời của mình.

Chúng ta đang sống trong một xã hội được mệnh danh là “xã hội tri thức”, “xã hội thông tin”: Hơn bao giờ hết, phương châm “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin thật sự trở nên thiết yếu với mỗi con người. Sự giàu có đích thực của mỗi con người, mỗi quốc gia ngày nay là sự giàu có tri thức. Chỉ có phát triển tri thức mới đưa đất nước “sánh vai các cường quốc năm châu” như mong ước của Bác Hồ vĩ đại.

Câu châm ngôn “Học, học nữa, học mãi” của Lê-nin thật giản dị nhưng lại hàm chứa một chiều sâu trí tuệ. Đất nước đang đứng trước những vận hội mới. Thế hệ thanh, thiếu niên Việt Nam vì thế phải khắc sâu lời nhắc nhở của Lê-nin và biến nó trở thành hiện thực bằng những hoạt động cụ thể của mình.


Cùng chủ đề:

Soạn bài Văn bản báo cáo (Chi tiết)
Soạn bài Văn bản đề nghị (Chi tiết)
Soạn bài Viết bài tập làm văn số 2 - Văn biểu cảm (Chi tiết)
Soạn bài Viết bài tập làm văn số 3 - Văn biểu cảm (Chi tiết)
Soạn bài Viết bài tập làm văn số 5 - Văn lập luận chứng minh (làm tại lớp) (Chi tiết)
Soạn bài Viết bài tập làm văn số 6 - Văn lập luận giải thích (làm ở nhà) (Chi tiết)
Soạn bài Xa ngắm thác núi Lư (Chi tiết)
Soạn bài Ý nghĩa văn chương (Chi tiết)
Soạn bài Đại từ (Chi tiết)
Soạn bài Đặc điểm của văn bản biểu cảm (Chi tiết)
Soạn bài Đặc điểm của văn bản nghị luận (Chi tiết)