Tóm tắt, phân tích tác giả , tác phẩm - Hai đứa trẻ - Thạch Lam - Văn 11 — Không quảng cáo

Tóm tắt, phân tích tác giả, tác phẩm văn 11 Tác giả - Tác phẩm tập 1


Hai đứa trẻ - Thạch Lam

Hai đứa trẻ - Thạch Lam bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 11

I. Tác giả

1. Tiểu sử

- Thạch Lam (1910 – 1942) sinh ra và học tập tại Hà Nội nhưng thuở nhỏ sống ở phố huyện Cẩm Giàng - Hải Dương.

- Sau khi đỗ Tú tài, ông thôi học về làm báo với anh và gia nhập Tự lực văn đoàn.

- Là người thông minh, trầm tĩnh, điềm đạm, đôn hậu và rất tinh tế.

2. Sự nghiệp văn học

a. Quan điểm sáng tác

Theo Thạch Lam văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực, nó tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của con người. Ông quan niệm: “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn".

b. Tác phẩm chính

- Ông để lại các tác phẩm tiêu biểu như: Gió đầu mùa (1937), Nắng trong vườn ( 1938 ), Sợi tóc (1942) , Ngày mới (1939) , Theo dòng (1941), Hà Nội băm sáu phố phường (1943) , ...

c. Phong cách nghệ thuật

- Sáng tác thường hướng vào cuộc sống cơ cực của những người dân thành thị nghèo và vẻ đẹp nên thơ của cuộc sống thường nhật.

- Cốt truyện đơn giản thuộc hoặc không có cốt truyện.

- Thạch Lam đi sâu vào thế giới nội tâm nhân vật.

- Có sự hòa quyện tuyệt vời giữa hai yếu tố hiện thực và lãng mạn, tự sự và trữ tình.

Sơ đồ tư duy - Tác giả Thạch Lam

II. Tác phẩm

1. Tóm tắt

Truyện xoay quanh hai đứa trẻ Liên và An. Chúng đã từng có một cuộc sống đầy đủ vui vẻ ở Hà Nội. Do gia đình sa sút, hai đứa trẻ phải về sống nơi phố huyện - một cuộc sống nghèo khổ, đơn điệu. Trong một buổi chiều tà, nhìn thấy những đứa trẻ đi nhặt nhạnh đồ thừa, Liên cảm thấy lòng man mác buồn. Xung quanh chị em Liên là cuộc sống tàn lụi của chị Tí, bác Siêu, bác Sẩm.... Thế nhưng chừng ấy người sống trong bóng tối vẫn hy vọng cái gì đó tươi sáng hơn. Mong ước ấy được thể hiện qua việc chờ chuyến tàu đêm chạy qua phố huyện. Chuyến tàu đêm từ Hà Nội về, ầm ầm lăn bánh qua phố huyện rồi khuất dạng, im tiếng trong trời đêm sâu thẳm. Lúc đó người buôn bán ở phố huyện mới dọn hàng sau một tối ế ẩm để trở về nhà. Còn hai đứa trẻ dần dần chìm vào giấc ngủ yên tĩnh.

2. Tìm hiểu chung

a. Xuất xứ và h oàn cảnh sáng tác

- Tác phẩm có lẽ được gợi lên từ những câu chuyện cảnh đời nơi phố huyện Cẩm Giàng, Hải Dương quê ngoại nhà văn với những kỉ niệm tuổi thơ.

- Tác phẩm in trong tập Nắng trong vườn .

b. Bố cục

- Phần 1(từ đầu đến "cười khanh khách"): cảnh phố huyện lúc chiều xuống

- Phần 2 (tiếp đến "cảm giác mơ hồ không hiểu nổi"): cảnh phố huyện về đêm

- Phần 3 (còn lại): cảnh chuyền tàu đêm đi qua phố huyện.

3. Tìm hiểu chi tiết

a. Bức tranh phố huyện tăm tối quẩn quanh và tâm trạng của Liên

* Cảnh ngày tàn

- Âm thanh: tiếng trống thu không nhỏ dần từ xa vọng lại, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng, tiếng muỗi vo ve.

- Màu sắc:

+ “chân trời phương tây đỏ rực như lửa cháy và những áng mây ánh hồng như hòn than sắp tàn”

+ “màu đen của dãy tre làng cắt hình rõ rệt trên nền trời”

→ Âm thanh và màu sắc gợi nỗi buồn thấm thía, cảm giác tàn lụi

- Không gian hẹp như bị chặn lại

- Từng bước chân thời gian chầm chậm bước tới chiều rồi tối

→ Qua ngòi bút của Thạch Lam buổi chiều như buồn hơn, ngày tàn đến nhanh hơn, phố huyện phơi bày vẻ tiêu điều xác xơ, mòn mỏi

- Tâm trạng của Liên

Tâm hồn cô bé nhạy cảm, tinh tế, xao xuyến một nỗi buồn man mác: “Liên không hiểu sao, nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”

* Cảnh chợ tàn

- Hình ảnh chợ huyện lúc vãn: “trên nền chợ đầy rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và lá mía”

- Những đứa trẻ nghèo nhặt rác, chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì có thể dùng được.....

- Tâm trạng Liên: động lòng thương cảm

* Những con người nơi phố huyện

- Mẹ con chị Tí:

+ Ngày ngày mò cua bắt ốc, đêm đến lại lầm lũi dọn hàng nước

+ Khách hàng toàn là những người dưới đáy xã hội

+ Dẫu chả kiếm được bao nhiêu nhưng đêm nào mẹ con chị Tí cũng dọn hàng

→ Mẹ con chị đang cầm cự trong sự sống

- Chị em Liên với của hàng tạp hóa sơ sài.... chẳng đáng là bao

- Bà cụ Thi là nhân vật điển hình cho số phận tàn tạ trong cái đêm đen của xã hội ấy

→ Diễn biến tâm trạng Liên thể hiện một tâm hồn tinh tế nhạy cảm và đồng cảm với những con người không tương lai, không hạnh phúc

b . Tâm trạng của Liên trong đêm tối và trước những ngọn đèn

* Cảnh phố huyện về đêm

- Khung cảnh

+ Bóng tối bao la phủ trùm tất cả, cả phố huyện chìm trong bóng tối

+ Ánh sáng nhỏ bé yếu ớt chỉ là quầng, là khe, là vệt, là chấm và cuối cùng chỉ là hột sáng thưa thớt

→ Có sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối, hình ảnh ngọn đèn leo lét nơi quán hàng chị Tí là biểu tượng cho kiếp sống nhỏ nhoi lay lắt, mù tối của những người cùng khổ trong biển đêm mênh mông của cuộc đời. Ngọn đèn ấy tuy yếu ớt nhưng vẫn là niềm lạc quan sống của những kiếp người nhỏ bé vô danh, vô nghĩa không tương lai, hạnh phúc trong xã hội cũ

- Sinh hoạt của con người

+ Các nhà đóng cửa im lìm

+ Gánh phở của bác Siêu so với mẹ con chị Tí có phần khấm khá hơn nhưng lại đứng trước nguy cơ đáng sợ hơn: thất nghiệp. Bởi ở vùng quê này thứ quà của bác Siêu là một thứ quà xa xỉ.

+ Vợ chồng bác Sẩm sống trong cảnh màn trời chiếu đất, trông chờ vào của bố thí ở nơi đây => sự trông chờ trong vô vọng.

+ Mẹ con chị Tí: hàng nước đơn sơ

+ Chị em Liên: quán nhỏ

→ Nghèo khổ, nhàm chán, tẻ nhạt, vô vị

* Tâm trạng của Liên

- Đêm tối với Liên quen lắm, chúng chẳng đáng sợ

- Rồi Liên hoài tưởng về quá khứ tươi đẹp ở Hà Nội, nơi có một vùng sáng rực và lấp lánh

- Như mọi người dân trong phố huyện Liên luôn mong chờ một cái gì đó mới mẻ, tươi sáng sẽ đến xua tan đi đêm đen âm u lụi tàn ở phố huyện

→ Bằng trái tim đôn hậu, dịu dàng Thạch Lam đã phát hiện ra những rung động sâu xa, những khao khát thầm kín trong cuộc đời những con người tưởng như hoàn toàn an phận ấy

c. Tâm trạng đón đợi tàu

* Tâm trạng chờ đợi

- An dù buồn ngủ ríu cả mắt nhưng vẫn dặn chị tàu đến nhớ đánh thức em

- Còn Liên ngồi yên không động đậy ngắm nhìn sao trời....

* Tâm trạng đón tàu

- Nhìn thấy ánh đèn ghi từ xa nghe tiếng còi vọng lại Liên đã vội vã gọi em dậy

- Rồi tàu đến Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua

* Tâm trạng khi tàu đi qua

- Ngẩn ngơ, nuối tiếc

- An băn khoăn nghĩ ngợi: Tàu hôm nay không đông chị nhỉ? Còn Liên lặng theo mơ tưởng

* Ý nghĩa của việc đợi tàu

- Đợi tàu là nếp sống nhu cầu không thể thiếu của chị em Liên

- Đợi tàu để được cháy lên khao khát đổi đời

- Qua việc đợi tàu Thạch Lam thể hiện thái độ vừa cảm thương xót xa trước cuộc sống lay lắt bế tắc của những kiếp người nhỏ bé nhất là những đứa trẻ vừa nâng niu trân trọng khát vọng vươn ra ánh sáng, khát vọng đổi đời ở những con người ấy.

d. Giá trị nội dung

Thạch Lam đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía niềm xót thương với những sống cơ cực quẩn quanh, tăm tối ở phố huyện nghèo những ngày trước Cách mạng. Đồng thời ông cũng biểu lộ sự trân trọng ước vọng đổi đời mơ hồ trong họ.

e. Giá trị nghệ thuật

- Cốt truyện đơn giản như không có truyện

- Miêu tả nội tâm chân thực, tinh tế

- Chất liệu hiện thực hòa quyện cùng lãng mạn, yếu tố tự sự đan cài với trữ tình tạo nên nét đặc sắc khó lẫn cho tác phẩm

- Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa tả cảnh và diễn tả tâm trạng

Sơ đồ tư duy - Hai đứa trẻ

Nhận định

Một số nhận định về tác giả, tác phẩm

- Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam có đoạn viết:

“Thạch Lam là một cây bút thiên về tình cảm, hay ghi lại cảm xúc của mình trước số phận hẩm hiu của những người nghèo, nhất là những người phụ nữ trong xã hội cũ, sống vất vả, thầm lặng, chịu đựng, giàu lòng hi sinh ( Cô hàng xén ). Có truyện miêu tả với lòng cảm thông sâu sắc một gia đình đông con, sống cơ cực trong xóm chợ ( Nhà mẹ Lê ). Có truyện phân tích tỉ mỉ tâm lý phức tạp của con người ( Sợi tóc )....”

- Nhà văn Nguyễn Tuân:

“Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc… Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và tầng trải về sự đời. Thạch Lam có những nhận xét tinh tế về cuộc sống hàng ngày. Xúc cảm của Thạch lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê. Thạch Lam là nhà văn quý mến cuộc sống, trang trọng trước cuộc sống của mọi người chung quanh. Ngày nay đọc lại Thạch lam, vẫn thấy đầy đủ cái dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học...

- Nhà văn Vũ Ngọc Phan:

“Ngay trong tác phẩm đầu tay ( Gió đầu mùa ), người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng... Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỷ mỷ những cái rất nhỏ và rất đẹp... Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy...”


Cùng chủ đề:

Tóm tắt, phân tích tác giả , tác phẩm - Chiều tối - Hồ Chí Minh - Văn 11
Tóm tắt, phân tích tác giả , tác phẩm - Chiều xuân - Anh Thơ - Văn 11
Tóm tắt, phân tích tác giả , tác phẩm - Chiếu cầu hiền - Ngô Thì Nhậm - Văn 11
Tóm tắt, phân tích tác giả , tác phẩm - Chí Phèo - Nam Cao - Văn 11
Tóm tắt, phân tích tác giả , tác phẩm - Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân - Văn 11
Tóm tắt, phân tích tác giả , tác phẩm - Hai đứa trẻ - Thạch Lam - Văn 11
Tóm tắt, phân tích tác giả , tác phẩm - Hầu trời - Tản Đà - Văn 11
Tóm tắt, phân tích tác giả , tác phẩm - Hạnh phúc của một tang gia - Vũ Trọng Phụng - Văn 11
Tóm tắt, phân tích tác giả , tác phẩm - Khóc Dương Khuê - Nguyễn Khuyến - Văn 11
Tóm tắt, phân tích tác giả , tác phẩm - Lai Tân - Hồ Chí Minh - Văn 11
Tóm tắt, phân tích tác giả , tác phẩm - Lẽ ghét thương - Nguyễn Đình Chiểu - Văn 11