Trình bày ý kiến của em về thói ăn chơi đua đòi lớp 7 — Không quảng cáo

Tổng hợp 50 bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời s


Trình bày ý kiến của em về thói ăn chơi đua đòi lớp 7

1. Mở đoạn: Nêu quan điểm về thói ăn chơi đua đòi.

Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn:

Nêu quan điểm về thói ăn chơi đua đòi.

2. Thân đoạn:

- Giải thích: Thói ăn chơi, đua đòi của học sinh

- Thực trạng: Các bạn học sinh hiện nay ăn chơi, đua đòi thể hiện trên những phương diện quần áo, ăn uống, giải trí,...

- Nguyên nhân:

+ Thích thể hiện bản thân, lối sống hưởng thụ, lười lao động

+ Sống ảo, thích khoe mẽ

- Hậu quả: Tệ nạn xã hội, tha hóa nhân cách

- Giải pháp:

+ Định hướng lối sống đúng đắn từ nhà trường và gia đình

+ Bản thân mỗi bạn học sinh cần ý thức được gia cảnh thực tế

3. Kết bài

Khẳng định lại quan điểm về vấn đề nghị luận: ý kiến của em về thói ăn chơi đua đòi.

Mẫu 1 Bài siêu ngắn

Nếu cuộc sống xưa chỉ mọi người chỉ mơ ước “ăn no mặc ấm” thì với xu thế phát triển ngày nay, mọi người ngày càng hướng tới “ăn ngon mặc đẹp”. Nhưng mặt trái của điều này là lối sống ăn chơi đua đòi của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Ăn chơi đua đòi là lối sống xa hoa, phung phí chạy theo thời đại, theo xu thế, theo những cái mới mẻ của xã hội. Người ăn chơi đua đòi không có lập trường riêng của bản thân mà chỉ luôn chạy theo, bắt chước xu hướng, phong cách của người khác. Biểu hiện của sự ăn chơi đua đòi là ngay cả khi kinh tế gia đình không cho phép nhưng họ vẫn chơi bời, mua sắm quần áo, giày dép hàng hiệu. Thích vào những hàng, quán đắt tiền để thể hiện bản thân với bạn bè. Thích đua đòi, bạn bè có gì mình cũng phải có để “bằng bạn bằng bè”. Một số học sinh còn học đòi người nổi tiếng ăn mặc hở hang ra đường, trang điểm “mắt xanh môi đỏ” khi đi học, họ nghĩ như vậy là nổi bật, là phong cách hơn người.

Thói đua đòi ngày nay không chỉ xuất hiện ở những người trẻ sống trong cuộc sống giàu có mà ngay cả những học sinh nghèo cũng đòi đua theo thời đại, vòi vĩnh, lừa lọc, ăn cắp số tiền mà bố mẹ dành dụm để nuôi họ ăn học. Nguyên nhân của việc này là do ở độ tuổi đó các bạn trẻ thích được thể hiện bản thân, đẳng cấp của riêng mình nhưng họ hiểu sai cách để thể hiện bản thân nên đã đi vào con đường chơi bời, đua đòi. Một phần nguyên nhân khác xuất phát từ sự thiếu quan tâm, chỉ bảo của ông bà, cha mẹ cho nên các bạn trẻ không được quản lí đã lêu lổng với lũ bạn xấu và nhiễm thói xấu.

Thói đua đòi ảnh hưởng rất lớn đến học tập và cuộc sống của các thế hệ trẻ. Họ mải mê chơi bời, ganh đua với người khác mà quên đi học tập, thường xuyên trốn học, bỏ học. Họ vì ăn chơi mà vay nặng lãi để rồi mang về cho bố mẹ một số nợ khổng lồ khó có thể trả. Thiếu tiền, họ bắt đầu đi cướp giật, trộm cắp,… Người ăn chơi đua đòi là u nhọt, là gánh nặng của cả gia đình và xã hội. Vì vậy, mỗi chúng ta cần nhận thức đúng và tránh xa thói xấu này, đừng dễ dàng bị bạn bè rủ rê, lôi kéo. Gia đình và nhà trường cũng phải thường xuyên quan tâm đến học sinh, con cái của mình để tránh con xa ngã, đi sai đường mà đánh mất bản thân.

Học một thói quen tốt cần rất nhiều thời gian nhưng theo một thói quen xấu lại rất dễ dàng. Cho nên, chúng ta cần bảo vệ bản thân tránh xa thói ăn chơi, đua đòi để trở thành một học sinh ngoan, có ích cho xã hội.

Mẫu 2 Bài siêu ngắn

Hiện nay, qua các kênh truyền thông, chúng ta đều biết những lời phàn nàn trước lối sống của giới trẻ. Điều đó làm đau đầu không chỉ các bậc phụ huynh. Đã vậy, thực trạng xã hội ngày càng đáng báo động hơn khi có một bộ phận không nhỏ giới trẻ quan niệm rằng: “Thanh niên, học sinh biết nhuộm tóc, hút thuốc lá, uống rượu, vào các vũ trường … thế mới là cuộc sống “sành điệu” của tuổi trẻ thời nay”. Không chỉ dành riêng cho thanh niên, quan niệm này đã khiến những người có suy nghĩ phải trăn trở.

Sành điệu là người am hiểu sâu sắc một hay một số lĩnh vực nào đó, có kinh nghiệm và biết thưởng thức, đánh giá giá trị của sự vật, hiện tượng trong lĩnh vực mà họ quan tâm, hiểu biết… (chơi nhạc sành điệu, chơi tem sành điệu, chơi đồ cổ sành điệu, chơi cây cảnh sành điệu, trang phục sành điệu, nói tiếng Anh sành điệu…). Vậy, cách sống “sành điệu” mang ý nghĩa tích cực này là một cuộc sống tốt đẹp, đáng ca ngợi, biểu dương vì nó hướng đến cái đẹp, cái hài hòa, thanh lịch trong cuộc sống, khẳng định tài năng, sự thành đạt của con người…Quan niệm “Thanh niên, học sinh biết nhuộm tóc, hút thuốc lá, uống rượu, vào các vũ trường…thế mới là cuộc sống “sành điệu” của tuổi trẻ thời nay” là quan niệm sai lầm. Từ “sành điệu” này hiểu theo cách nghĩ lệch lạc, nó đồng nghĩa với việc ăn chơi, đua đòi, lãng phí, chạy theo những giá trị ảo … trong cuộc sống hiện đại.

Thói ăn chơi đua đòi là một hiện tượng hoàn toàn sai trái, ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức và hành vi của lớp trẻ, mang đến tư tưởng sống bất chấp, sống hưởng thụ, lười lao động, lười học tập rèn luyện, sống ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân,... Đương nhiên, không ai có quyền cấm các bạn trang hoàng cho bản thân nếu bạn có điều kiện, nhưng chỉ vì cái mẽ bên ngoài mà sẵn sàng vi phạm pháp luật thì đó lại trở thành một loại tội phạm. Xã hội không cấm bạn ăn ngon mặc đẹp, nhưng hãy ăn ngon mặc đẹp bằng chính đồng tiền mà các bạn làm ra, khi ấy, các bạn sẽ biết quý trọng đồng tiền, hiểu được mồ hôi công sức của bậc phụ huynh không phải để chơi bời phung phí.

Là học sinh cần ngồi trên ghế nhà trường chúng ta cần rèn luyện đức tính chịu khó học hành, sống có ước mơ, không sa ngã vào những cám dỗ của cuộc đời để đánh mất đi hạnh phúc của tương lai. Ngoài ra, ta cần phải thức tỉnh những con người đang sống đua đòi để họ thấy được cái sai và sớm sửa đổi, không nên chỉ biết chê trách.

Mẫu 3 Bài siêu ngắn

Ăn chơi đua đòi là một hiện tượng ta thường bắt gặp trong cuộc sống; nó đã và đang diễn ra quanh ta, nhất là trong lớp trẻ. Nó đã trở thành “thói” rất đáng chê trách.

“Thói” là lối, cách sống hay hoạt động thường không tốt, được lặp lại lâu ngày thành quen. Ta thường nói: “Thói hư, tật xấu; dở thói du côn đầu bò; mãi mới bỏ được thói hút xách nghiện ngập; thói ăn chơi đua đòi. Tục ngữ có câu: “ Đất có nghề, quê có thói”, hoặc “ Thói đời trâu buộc ghét trâu ăn”… Thói ăn chơi đua đòi là cách sống của một số người bắt chước nhau, đua đòi nhau về cách sống, cách xài sang, thích chưng diện, chạy theo “mốt”. Có kẻ thì khoe sang, khoe giàu, ăn tiêu như phá. Xe máy, xe ô tô thích dùng loại “xịn”. Từ bộ váy, bộ vét đến đôi giày, đồng hồ, túi xách…phải là hàng Nhật, hàng Ý, hàng Mĩ,… mua bằng đô-la trong các siêu thị mới oách! Có một số kẻ, tiền bạc chẳng có nhiều thế mà cũng ăn chơi đua đòi, lười lao động, trốn học bỏ học. Có kẻ vì ăn chơi đua đòi mà sa ngã như những kẻ trộm cắp, hút chích, cờ bạc, mại dâm, v.v… Có nhiều gia đình con cái ăn chơi đua đòi rồi trộm cắp, tù tội… mà bố mẹ mang tiếng xấu xa ê chề!

Nhân dân ta vốn cần cù, giản dị, tiết kiệm trong làm ăn, sinh sống. Thói ăn chơi đua đòi là một hiện tượng tiêu cực, trái hẳn với nếp sống và đạo lí của nhân dân. Học được một điều hay, rèn được một đức tính tốt thì rất khó, nhưng đua đòi ăn chơi sẽ bị sa ngã. Câu tục ngữ: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” và lời nhắc nhở của ông bà, cha mẹ: “Chọn bạn mà chơi” là bài học rất bổ ích để mỗi chúng ta tu dưỡng đạo đức, tính tình.

Ăn chơi đua đòi là một thói xấu. Ăn ngon mặc đẹp ai cũng muốn, nhưng phải hợp lí, hợp thời, hợp cảnh. Xung quanh ta có biết bao tấm gương sáng và đẹp về con người mới. Hình ảnh những học sinh giỏi ở trường ta, quê hương ta là những tấm gương để ta noi theo.

Bài tham khảo Mẫu 1

Trong mỗi con người chúng ta, gồm có 2 mặt đó là mặt tốt và mặt xấu không có ai là ở trong con người là sự hoàn thiện, những người bên ngoài tốt thì chưa chắc bên trong đã tốt và những người bên ngoài xấu chưa chắc đã xấu. Ở trong mỗi con người đều có những thói xấu. Thói là sự việc thường lặp đi lặp lại theo chiều hướng tiêu cực chứ không phải tích cực và lâu ngày rồi cũng thành quen như thường đã nói: “thói hư, tật xấu” chứ đã có ai nói là: “thói ngoan, tật tốt” chưa? Tôi chỉ nghe thấy từ: “thói hư, tật xấu” thôi chứ chưa bao giờ nghe đến từ: “thói ngoan, tật tốt” cả. Các hiện tượng tính xấu trong xã hội còn rất nhiều cũng như thói ăn chơi đua đòi vậy, thói ăn chơi đua đòi là 1 hiện tượng xấu trong xã hội. Nó là hiện tượng xấu của giới trẻ và nó diễn ra xung quanh ta và ngay trước mắt ta và nó cũng là “thói xấu” rất đáng chê trách.

Thói ăn chơi đua đòi là sự bắt đầu của một số người ăn chơi và sau đó những người đó kéo những người bình thường vào cuộc sống bắt chước, cuộc sống của sự đua đòi, đua đòi về cách sống, cách xài đồ xịn, đắt tiền…. Chạy theo những đồ vật phẩm bên ngoài theo mốt, từ những vật phẩm bên ngoài lẫn bên trong đều phải là hàng hiệu, đắt tiền, nhập từ nước ngoài vào mua bằng đô-la thì xài mới vip. Có kẻ thì muốn khoe nhà mình giàu, mình nhiều tiền. Có thể nói là từ đầu đến chân và từ trong ra ngoài đều phải mốt, đều phải xịn, dùng phải vip. Nào là thi ăn đặc sản, uống rượu tây mà thậm chí có người chưa đủ tuổi cũng uống do bị lôi kéo, mỗi cuộc nhậu nhẹt thì phải cho vài vê, rồi thì vào vũ trường, đi karaoke thâu đêm đến sáng, dập dìu gái đẹp phía sau. Hiện tượng sơn móng tay, móng chân, mắt xanh mỏ đỏ, trai đeo khuyên tai…. Ta cũng thấy có nhiều ở trường học đối với những học sinh hư hỏng là con của những ông những bà quyền cao, chức trọng, tiền thì chất đầy như núi, là các cậu ấm, tiểu thư có thể nói rằng đây toàn là dân chơi. Có một số nhà thì nghèo rớt mồng tơi, tiền bạc thì cũng chẳng bằng ai mà cũng thích chạy theo mốt gọi là của dân chơi rồi kết quả là sao đây? Chắc chắn là bán nhà, bán cửa, bỏ học, trộm cắp, nghiện ngập, tù tội để kết quả là bố mẹ vẫn phải gánh chịu hết. Có nhiều chuyện viết về như là có 1 người nhà giàu và 1 người nhà nghèo, tên nhà giàu thì lúc đi học không hề thèm học và chỉ biết ăn chơi thậm chí coi khinh anh nhà nghèo, còn anh nhà nghèo thì hồi nhỏ học hành chăm chỉ và kết quả của 2 người này ra sao đây ạ? Kết quả của anh nhà nghèo là lớn anh nhà nghèo làm giám đốc cho 1 công ty còn tên nhà giàu thì ăn chơi hết tiền phải đi đánh giày, gặp phải anh nhà nhà nghèo hồi trước mà mình khinh bỉ mà cảm thấy xấu hổ. Nhân dân Việt Nam ta vốn cần cù và giản dị trong làm ăn, sinh sống vậy mà lại nhiễm thói ăn chơi đua đòi làm ô nhiễm đức tính cao đẹp đó của nhân dân ta, đó là 1 hiện tượng tiêu cực trong đời sống của chúng ta, trái hẳn nếp sống, đạo lí của nhân dân và con người Việt Nam. Nếu học một điều hay, một đức tính hay thì có vẻ rất khó, nhưng thói ăn chơi đua đòi lại học rất dễ nhưng nó lại học theo 1 chiều hướng tiêu cực và dễ bị sa ngã.

Tóm lại thói ăn chơi, đua đòi là 1 hiện tượng xấu trong xã hội, nó làm ảnh hưởng đến đức tính giản dị, cao đẹp của con người Việt Nam. Ăn ngon mặc đẹp thì ai mà chẳng muốn riêng tôi còn muốn nữa là nhưng cũng phải biết cân nhắc, biết hạn chế, hợp lí, phù hợp với hoàn cảnh. Xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu là tấm gương sáng cho ta noi theo nên các bạn đừng bao giờ noi theo tấm gương xấu.

Bài tham khảo Mẫu 2

Xã hội ngày càng phát triển bên cạnh những mặt tích cực thì chúng ta cũng đang phải đối mặt với rất nhiều tệ nạn xã hội mà một trong số đó chính là thói ăn chơi đua đòi của giới trẻ hiện nay. Nó đã trở thành một trong những vấn nạn cần được lên án.

Thói chính là cách sống là những hoạt động không tốt được lặp lại âu ngày thành quen. Chúng ta vẫn thường nhìn thấy từ thói ở rất nhiều cụm với ngũ nghĩa không mấy tốt đẹp như thói hư tật xấu, thói xấu, thói ăn chơi đua đòi.

Thói ăn chơi đua đòi là một trong những thói xấu mà rất nhiều bạn trẻ đang mắc phải. Ăn chơi đua đòi là cách sống bắt chước nhau theo thị hiếu đám đông về cách cách sống, cách chưng diện, chạy theo mốt… Đặc biệt khi mà mạng xã hội đang bùng nổ như hiện nay thì con người ta lại càng thích đua đòi để khoe lên mạng xã hội chứng tỏ mình. Túi xách, nước hoa, áo quần phải là hàng xách tay thì mới ưng, thanh toán bằng đô la thì mới chứng tỏ được bản lĩnh.

Không những thế ăn uống cũng phải ăn trong không gian sang chảnh, xài rượu Tây thì mới chứng tỏ được bản thân mình là con người sành điệu. Hiện tượng này xảy ra nhan nhản ngoài xã hội có những con người là con ông này bà nọ, chức trọng quyền cao và dĩ nhiên họ cũng không nằm ngoài những cuộc vui thâu đêm suốt sáng, ăn chơi thỏa thích. Đây chính là thực trạng của xã hội hiện nay.

Và hậu quả mà thói ăn chơi đua đòi này để lại là không hề nhỏ. Có những gia đình dung túng cho con em của mình để đến khi phát hiện ra chúng không lo học hành, nghiện ma túy, HIV thì lúc đó đã quá muộn màng. Thanh danh gia đình bị hủy hoại, thậm chí mạng sống cũng thể giữ được đến lúc đó hối hận thì cũng đã quá muộn màng. Những hậu quả mà thói ăn chơi đua đòi để lại không chỉ là vấn đề đạo đức, văn hóa mà còn là cả vấn đề về tính mạng của con người.

Chúng ta có quyền được ăn ngon mặc đẹp nhưng nó phải phù hợp với từng hoàn cảnh gia đình xã hội và ở mức độ cho phép. Ai cũng muốn mình trở nên đẹp hơn trong mắt mọi người nhưng nếu như thể hiện quá thì nó cũng sẽ trở nên lố và trở thành một tệ nạn. Thay vì sống bất chấp ăn chơi đua đòi chúng ta không sống giản dị, bình lặng như mọi người. Nhất là các bạn học sinh, sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì các bạn nên tập trung vào việc học, ăn chơi đua đòi chỉ làm cho chúng ta xao nhãng việc học mà thôi, nó không giúp ích gì cho chúng ta sau này hết. Hôm nay bạn có áo mới, có điện thoại đắt tiền nhưng không có nghĩa là bạn có được tất cả giá trị của con người không nằm ở hình thức bên ngoài mà nó nằm ở giá trị bên trong tâm hồn của chúng ta.

Chúng ta hãy biết sống giản dị phù hợp với hoàn cảnh, nếu như muốn chứng tỏ mình thì các bạn có thể chứng minh ở những lĩnh vực khác như công việc, học tập chứ đừng nên a dua theo những thói ăn chơi đua đòi. Cuộc sống sẽ trở nên có ý nghĩa hơn khi bạn biết sống là chính mình biết tận hưởng những giá trị đích thực của cuộc sống.

Bài tham khảo Mẫu 3

Đối với lứa tuổi học sinh, độ tuổi nhạy cảm, hay suy nghĩ và khát khao được thể hiện cá tính bản thân, việc được coi là sành điệu, "chất chơi" trở thành nhu cầu, thậm chí là mục tiêu để đề đạt nguyện vọng với bố mẹ. Chính vì vậy, thói ăn chơi đua đòi đã và đang trở thành mầm mống phát triển trong suy nghĩ của một bộ phận học sinh hiện nay.

"Thói ăn chơi, đua đòi" hiểu theo nghĩa tiêu cực, là thói hư tật xấu lâu dần trở thành thói xấu khó bỏ, chỉ biết chạy theo nhu cầu cá nhân mà không quan tâm đến thực trạng kinh tế gia đình. Thói ăn chơi, đua đòi là sự chạy đua cách sống sang trọng, thích mặc đồ hiệu, thích khoác lên mình những bộ quần áo đắt giá, ăn sang uống xịn, chưng diện, trang điểm quá đậm khi đi học. Hầu hết tiền để phục vụ cho thói sống này đều là do bố mẹ chu cấp vì các bạn đều dưới độ tuổi lao động. Tuy nhiên, các bạn dường như không ý thức được việc mình đang tiêu tiền của phụ huynh nên tâm lý tiêu xài rất thoải mái, không nhận biết được sự hoang phí của cá nhân.

Thời gian gần đây, phong trào "Richkids" ngày càng trở nên rầm rộ khi các bạn trẻ đua nhau tham gia trả lời phỏng vấn cho những câu hỏi như tổng giá trị bộ đồ bạn đang mặc là bao nhiêu, một tháng bạn tiêu hết bao nhiêu tiền,... Đáng ngạc nhiên rằng, có rất nhiều bạn lứa tuổi học sinh diện lên mình những chiếc áo vài chục triệu, túi xách vài trăm triệu, mang những đôi giày tính bằng nghìn đô. Số tiền càng cao càng tỉ lệ thuận với độ giàu có và "ngầu". Những bạn trẻ sẵn sàng vòi vĩnh bố mẹ, thậm chí tuyệt thực, hỗn láo khi nhu cầu mua hàng hiệu không được đáp ứng. Ngoài ra, việc ăn uống, giải trí của các bạn trẻ cũng ngày càng được cải thiện. Một cốc trà sữa giá cả trăm nghìn, một bữa ăn vặt xuất hiện cả bia, cả đồ uống có cồn, một bữa cà phê "tâm sự" phải chọn chỗ sang, ngon, nổi tiếng,... trở thành điều bình thường, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Với các bạn nữ đến độ tuổi dậy thì, các bạn có xu hướng chăm chút cho vẻ ngoài của mình nhiều hơn, chi phí quần áo, son phấn cũng từ đó mà tăng lên chóng mặt. Đáng nói là ngay cả khi đến môi trường giảng đường, các bạn cũng sẵn sàng mang những kiểu tóc màu sắc lạ lùng, trang điểm kẻ mắt, đánh son dày cộp không hề phù hợp. Mặc trên mình bộ đồng phục, biểu tượng của sự hồn nhiên, trong sáng, ngây thơ, nhưng bản thân các bạn lại cố làm cho mình trở nên già dặn, đứng tuổi cho ra dáng người sành điệu. Một xu hướng đáng lên án của những bạn học sinh hiện nay là hiện tượng đi bar, lên sàn nhảy khi chưa đủ tuổi quy định. Các bạn tìm cách để lẻn được vào những vũ trường không dành cho trẻ dưới 18 tuổi để "check - in", chụp ảnh thể hiện sự sành sỏi, trưởng thành so với bạn đồng trang lứa...

Nguyên nhân của thói ăn chơi, đua đòi quá sớm này bắt nguồn từ tâm tính nhạy cảm, tò mò, thích thể hiện của lứa tuổi vị thành niên, khát khao được trở nên nổi bật, được là một người nổi tiếng, sành sỏi, dẫn đầu xu hướng,... Các bạn luôn có xu hướng xây dựng một hình tượng hoàn mỹ cho bản thân trên mạng xã hội khi dát lên mình những tính từ "giàu có", "biết tiêu tiền",... Nhận được sự tán dương và nể phục từ mọi người, các bạn càng lún sâu vào con đường ăn chơi sa đọa, tiêu tiền không tiếc tay. Ngoài ra, khi sống trong một môi trường xung quanh toàn những thành phần bất hảo, chơi bời có tiếng, chắc chắn học sinh cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Sẽ không có gì đáng nói nếu gia cảnh nhà các bạn đủ điều kiện đáp ứng việc ăn chơi, nhưng một số cá nhân tuy tài chính hạn hẹp nhưng lại chạy theo thói ăn chơi, đua đòi. Các bạn trẻ này không ý thức được hoàn cảnh của bản thân, không có tư tưởng cố gắng học tập, lao động, tối ngày chỉ nghĩ đến việc quần này áo nọ, đi chơi đâu cho hợp thời, trang điểm thế nào cho hấp dẫn,... Tuổi học sinh là lứa tuổi tươi đẹp nhất bởi nét đẹp giản dị, trong trẻo và giàu sức sống, thử hỏi xem vài năm nữa nhìn lại, các bạn còn yêu thích hình ảnh mắt xanh môi đỏ, tóc tai lòe loẹt khi còn ngồi trên ghế nhà trường hay không? Việc ăn chơi đua đòi từ lối sống, ngoại hình dễ dẫn đến việc thích trải nghiệm cảm giác yêu đương, sống thử, vượt rào trước tuổi. Chưa kể đến việc, để chạy đua theo thói ăn chơi đàn đúm, các bạn học sinh sẵn sàng tìm đến những cách tiêu cực, tệ nạn nhằm có tiền trang trải cho lối sống tha hóa của mình. Ăn chơi đua đòi dẫn tới cờ bạc, chích hút nghiện ngập, từ đó, học sinh dám thực hiện những hành động như trộm cắp, lừa đảo, mại dâm, bán rẻ cả tính mạng miễn là có tiền.

Thói ăn chơi đua đòi là một hiện tượng hoàn toàn sai trái, ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức và hành vi của lớp trẻ, mang đến tư tưởng sống bất chấp, sống hưởng thụ, lười lao động, lười học tập rèn luyện, sống ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân,... Đương nhiên, không ai có quyền cấm các bạn trang hoàng cho bản thân nếu bạn có điều kiện, nhưng chỉ vì cái mẽ bên ngoài mà sẵn sàng vi phạm pháp luật thì đó lại trở thành một loại tội phạm. Xã hội không cấm bạn ăn ngon mặc đẹp, nhưng hãy ăn ngon mặc đẹp bằng chính đồng tiền mà các bạn làm ra, khi ấy, các bạn sẽ biết quý trọng đồng tiền, hiểu được mồ hôi công sức của bậc phụ huynh không phải để chơi bời phung phí.

Không thể đánh giá một con người qua việc họ mặc gì, ăn gì, chơi gì. Thói ăn chơi, đua đòi không những không khiến các bạn học sinh trở nên hoàn hảo, sành điệu hơn mà chỉ khiến hình ảnh cá nhân vừa vấp phải sự phản đối của dư luận, vừa là "con sâu bỏ rầu nồi canh" cho những bạn trẻ sống, lao động và làm việc chân chính. Nhà trường và gia đình cần có định hướng uốn nắn tư tưởng và hành vi của các bạn học sinh thật sớm, ngăn chặn mầm mống thói ăn chơi sa đọa. Quan trọng nhất vẫn là bản thân các bạn muốn lựa chọn mình sẽ trở thành người thế nào.

Chúng ta không được lựa chọn gia đình giàu có hay nghèo hèn, nhưng chúng ta có quyền chọn trở thành một người "đói cho sạch, rách cho thơm" hay là một kẻ ăn chơi, đua đòi, chỉ được vẻ bên ngoài mà tâm hồn rỗng tuếch, hư hỏng.


Cùng chủ đề:

Trình bày suy nghĩ của em về tầm quan trọng của việc tham gia vào các hoạt động cộng đồng và đất nước lớp 7
Trình bày ý kiến của em về 2 câu nói Không thầy đố mày làm nên và Học thầy không tày học bạn câu nào là chân lý (ý kiến đồng tình) lớp 7
Trình bày ý kiến của em về câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng" lớp 7
Trình bày ý kiến của em về mặt lợi và hại của điện thoại thông minh lớp 7
Trình bày ý kiến của em về miệt thị ngoại hình lớp 7
Trình bày ý kiến của em về thói ăn chơi đua đòi lớp 7
Trình bày ý kiến của em về thói kiêu ngạo lớp 7
Trình bày ý kiến của em về tình cảm cha con qua câu chuyện Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Trình bày ý kiến của em về vấn đề Thành công và thất bại, mặt nào mới là trải nghiệm bổ ích giúp con người tiến bộ (ý kiến đồng tình) lớp 7
Trình bày ý kiến của em về vấn đề bạo lực học đường lớp 7
Trình bày ý kiến của em về vấn đề lợi ích và tác hại của mạng xã hội lớp 7