Trình bày ý kiến về vấn đề mỗi thành viên trong gia đình cần làm gì để xây dựng tổ ấm lớp 6 — Không quảng cáo

Văn mẫu lớp 6 - Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 6 Kết nối tri thức Tổng hợp 50 bài văn trình bày ý kiến về một vấn đề tron


Trình bày ý kiến về vấn đề mỗi thành viên trong gia đình cần làm gì để xây dựng tổ ấm lớp 6

Gia đình có vai trò thật quan trọng đối với con người. Vậy đây là những việc cần làm để gia đình trở thành một tổ ấm yêu thương?

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Gia đình có vai trò thật quan trọng đối với con người. Vậy đây là những việc cần làm để gia đình trở thành một tổ ấm yêu thương?

Trước hết, chúng ta cần phải hiểu được rằng một gia đình luôn yêu thương, đầm ấm thì sẽ tạo ra những thành viên tích cực. Họ sẽ biết chia sẻ buồn vui cùng nhau, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn và bảo vệ nhau trong cuộc sống. Đặc biệt, khi con người trưởng thành sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, chông gai. Nhưng nếu có gia đình luôn đứng phía sau động viên, khích lệ thì sẽ có được nguồn động lực to lớn để vượt qua.

Tình cảm gia đình là thứ thiêng liêng nhất không gì có thể sánh được. Của cải, vật chất là những thứ có thể mua được, nhưng những tình cảm gia đình thì thật sự là vô giá. Nhưng để có một gia đình bình yên, hạnh phúc phải đến từ sự cố gắng của các thành viên trong gia đình. Không chỉ ở cha mẹ mà còn cả con cái.

Cha mẹ không chỉ là tấm gương để con học tập theo, mà cần trở thành một người bạn của con. Có nghĩa là cha mẹ sẽ cùng chia sẻ với con những vấn đề trong cuộc sống, đưa ra những lời khuyên hay lời động viên đúng lúc. Còn con cái thì cần biết vâng lời, lễ phép và học tập những đức tính tốt đẹp của cha mẹ. Khi gặp phải vấn đề khó khăn trong cuộc sống, con cái nên chia sẻ với cha mẹ để có thể nhận được sự thấu hiểu, hay lời khuyên đúng đắn. Đối với anh chị em trong một gia đình cần sống hòa thiện, nhường nhịn, chia sẻ và giúp đỡ nhau. Có đôi khi, tình yêu thương lại xuất phát từ những hành động vô cùng nhỏ bé. Đó có thể là cả gia đình cùng nhau ăn một bữa cơm, lời nhắc nhở người cha người mẹ mặc ấm, cùng chụp chung một tấm ảnh vào năm mới… Tuy nhỏ bé nhưng lại đem đến sự ấm áp vô cùng.

Xã hội càng hiện đại, con người càng trở nên vô tâm. Duy chỉ có gia đình là đem đến cho con người tình yêu thương chân thành nhất. Bởi vậy chúng ta cần phải biết quý trọng những người thân yêu. Mỗi thành viên trong gia đình hãy cùng nhau xây dựng một tổ ấm hạnh phúc.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đôi khi thường xảy ra các xung đột. Điều đó đòi hỏi mỗi thành viên cần có những giải pháp để giải quyết các xung đột, xây dựng một gia đình hòa thuận và hạnh phúc.

Đầu tiên, nguyên nhân của xung đột trong gia đình đến từ sự khác biệt trong về nhận thức, quan điểm hay suy nghĩ giữa cha mẹ và con cái. Từ đó đã tạo nên những xung đột về tâm lý là đặc điểm nổi bật mang tính quy luật. Điều đó là do hoàn cảnh sống, thời gian sống và sự khác nhau về thế hệ, sự chênh lệch về kinh nghiệm sống đã tạo nên khoảng cách dẫn đến xung đột.

Cha mẹ luôn mong muốn con cái phải nghe theo những quy định mình đặt ra từ khi con còn bé. Trong suy nghĩ, cha mẹ luôn cho rằng con cái là còn bé bỏng nên cha mẹ cần phải kiểm soát mọi hoạt động, con cái phải phụ thuộc vào mọi quyết định của mình. Đồng thời, nhiều cha mẹ chưa có sự hiểu biết cần thiết về những thay đổi về tâm sinh lí của con. Cha mẹ muốn duy trì sự phụ thuộc của con cái vào cha mẹ trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày…

Về phía con cái, trong độ tuổi dậy thì, tâm sinh lý sẽ có sự thay đổi, nhiều bạn cho đã suy nghĩ “về sự trưởng thành” và có cảm giác “mình là người lớn”. Ở độ tuổi này, nhận thức về “cái tôi cá nhân” và “quyền riêng tư” với những nhu cầu độc lập của bản thân cũng tăng lên rõ rệt. Từ sự thay đổi trên dẫn đến con cái muốn vượt qua sự kiểm soát, quản lý của bố mẹ.

Điều này sẽ khiến cho mối quan hệ của các thành viên trong gia đình không được tốt đẹp. Bởi vậy mà cần phải có những biện pháp phù hợp, tích cực. Đầy tiên, cha mẹ phải là người chủ động thay đổi. Cha mẹ vẫn duy trì những nề nếp quy định của gia đình nhưng phải phù hợp với cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó. cha mẹ cần trở thành những người bạn của con - thấu hiểu và chia sẻ với con mọi vấn đề trong cuộc sống. Từ đó, cha mẹ mới có thể đưa ra những đánh giá, lời khuyên cho con cái. Bản thân chúng ta cũng cần phải hiểu được những mong muốn tốt đẹp của cha mẹ. Hãy chia sẻ cởi mở, suy nghĩ về những lời khuyên và tránh những hành vi tiêu cực: giận dỗi, cãi lời… cha mẹ.

Một gia đình hạnh phúc là một gia đình luôn có sự thấu hiểu, chia sẻ. Mỗi người hãy biết cách xây dựng và bảo vệ gia đình của mình trở nên tốt đẹp hơn.

Bài tham khảo Mẫu 1

Gia đình - hai từ nghe sao thân thương quen thuộc đến vậy. Gia đình là nơi chứng kiến mỗi con người lớn lên, trưởng thành, chập chững từ những bước đi đầu đời đến lúc lớn khôn rồi đến khi về già, đó là nơi tạo nên những người con ưu tú cho xã hội. Vì vậy, tình cảm gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng, ý nghĩa đặc biệt to lớn đối với đời sống của mỗi cá nhân con người.

Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình đôi khi thường xảy ra các xung đột. Điều đó đòi hỏi mỗi thành viên cần có những giải pháp để giải quyết các xung đột, xây dựng một gia đình hòa thuận và hạnh phúc. Nguyên nhân của xung đột trong gia đình đến từ sự khác biệt trong về nhận thức, quan điểm hay suy nghĩ giữa cha mẹ và con cái. Từ đó đã tạo nên những xung đột về tâm lý là đặc điểm nổi bật mang tính quy luật. Điều đó là do hoàn cảnh sống, thời gian sống và sự khác nhau về thế hệ, sự chênh lệch về kinh nghiệm sống đã tạo nên khoảng cách dẫn đến xung đột. Các bậc phụ huynh sẽ thường đặt con họ vào những luật lệ của riêng mình.Trong suy nghĩ, cha mẹ luôn cho rằng con cái là còn bé bỏng nên cha mẹ cần phải kiểm soát mọi hoạt động, con cái phải phụ thuộc vào mọi quyết định của mình. Cha mẹ muốn duy trì sự phụ thuộc của con cái vào cha mẹ trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày. Như vậy những đứa con ở tuổi mới lớn hay đang phát triển sẽ cảm thấy như bị ràng buộc , khó chịu và có thể bốc đồng gây ra xung đọt giữ cha mẹ và con cái .Điều này sẽ khiến cho mối quan hệ của các thành viên trong gia đình không được tốt đẹp. Bởi vậy mà cần phải có những biện pháp phù hợp, tích cực.Cha mẹ vẫn duy trì những nề nếp quy định của gia đình nhưng phải phù hợp với cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó. cha mẹ cần trở thành những người bạn của con - thấu hiểu và chia sẻ với con mọi vấn đề trong cuộc sống. Từ đó, cha mẹ mới có thể đưa ra những đánh giá, lời khuyên cho con cái. Và bên cạnh đó bản thân chúng ta cũng cần phải hiểu được những mong muốn tốt đẹp của cha mẹ dành cho con .Gia đình nên dành nhiều thời gian bên nhau nếu có thể, chúng ta hãy thường xuyên ngồi bên cạnh nhau bên những mâm cơm trong những ngày đặc biệt như ngày lễ, tết, dành nhiều thời gian để chia sẻ, trò chuyện và thấu hiểu nhau.

Chúng ta hãy biết trân trọng tình cảm gia đình và yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh. Gia đình là tổ ấm không gì có thể thay thế được. Hãy làm tất cả những gì có thể để cho cha mẹ mãi nở nụ cười trên môi, khi đó ta sẽ cảm thấy cuộc sống này hạnh phúc và ấm áp biết nhường nào. Và vai trò của gia đình thật sự là quá cao cả và thiêng liêng.

Bài tham khảo Mẫu 2

Gia đình là hai tiếng thiêng liêng và ấm áp. Đó là nơi nuôi dưỡng, vun vén cho hạnh phúc của mỗi người. Tuy nhiên, theo một cách nào đó, mà không phải gia đình nào cũng tồn tại đúng với ý nghĩa của nó.

Những gia đình mà tôi muốn nói đến, chính là những gia đình đã và đang đè nặng áp lực tinh thần lên vai con cái của mình. Bố mẹ luôn là người yêu thương, quan tâm, hi sinh cho con của mình vô điều kiện. Bao nhiêu vất vả, khó khăn, họ đều gồng gánh, chỉ mong con cái mình được hạnh phúc, đủ đầy. Chỉ vậy thôi là đã vui lắm rồi. Tuy nhiên, tấm lòng ấy nhiều khi lại không được thể hiện đúng cách, đúng trường hợp, vô tình tạo nên khối áp lực nặng nề đè lên vai những đứa trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh gò ép, bắt buộc con mình phải học tập thật nhiều, suốt cả ngày đến không có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Những đứa trẻ ấy cả ngày ngồi bên sách vở, với những giờ học mãi chẳng kết thúc. Từ học văn hóa, đến các môn năng khiếu, thể thao… Các em cứ phải học mãi. Không chỉ thế, những phụ huynh ấy, còn tìm cách “triệt tiêu” những thứ có nguy cơ ảnh hưởng đến thành tích học tập của con em mình. Như cấm không cho đọc truyện, chơi game, không được đi chơi với bạn bè… Họ buộc con mình vào một không gian nhỏ bé, chật chội. Hơn thế nữa, các phụ huynh còn thường xuyên đè nặng thành tích lên người các con. Thành tích cao thì được thưởng, nhưng nếu có điểm thấp, không có giấy khen… thì sẽ bị mắng, bị đánh. Điều đó, khiến tâm lý các em luôn trong trạng thái bị đè nén bởi sự sợ hãi, lo lắng, áp lực.

Chúng ta đều biết rằng cha mẹ làm những điều đó đều vì yêu thương con cái. Những đứa con đau khổ, thì họ cũng mệt mỏi, buồn bã lắm chứ. Tuy nhiên, chính cái cách thức hành động sai lầm, đã khiến những người bố, người mẹ ngày càng xa rời con cái mình hơn. Vậy nên, để gắn chặt tình cảm gia đình, chúng ta cần nhiều hơn những giây phút chia sẻ, đồng điệu với nhau. Con cái tâm sự với bố mẹ những mong mỏi, nguyện vọng của mình. Bố mẹ gửi gắm đến con những kì vọng, và yêu thương. Cả hai phía sẵn sàng thấu hiểu nhau, có như thế, tình cảm gia đình mới ấm êm và thuần túy nhất.

Trên đây là một vấn đề không hề mới, nhưng vẫn đã và đang rất nhức nhối trong xã hội. Nó là mang tính tiêu cực, dù xuất phát điểm lại từ thứ tình cảm tích cực. Mong sao, mọi thành viên trong gia đình sẽ luôn yêu thương, chia sẻ cho nhau, để tổ ấm luôn là nơi hạnh phúc khi trở về.


Cùng chủ đề:

Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình: Mẹ em, người giữ lửa cho mái ấm gia đình lớp 6
Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình: Ngôi nhà của em luôn ấm áp tình yêu thương lớp 6
Trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống gia đình: Ông em, người giữ nếp sinh hoạt khoa học và chuẩn mực lớp 6
Trình bày ý kiến về vấn đề chơi game lớp 6
Trình bày ý kiến về vấn đề không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông của một bộ phận học sinh lớp 6
Trình bày ý kiến về vấn đề mỗi thành viên trong gia đình cần làm gì để xây dựng tổ ấm lớp 6
Trình bày ý kiến về vấn đề nuôi thú cưng trong nhà lớp 6
Trình bày ý kiến về vấn đề tầm quan trọng của tình cảm gia đình lớp 6
Tưởng tượng ra một kết thúc khác cho chuyện Cây khế. Viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) kể về kết thúc đó
Tưởng tượng và viết đoạn văn (khoảng 5 - 7 câu) miêu tả cảm xúc của nhân vật cáo sau khi từ biệt hoàng tử bé
Từ bài thơ “Bắt nạt”, em hãy viết đoạn văn nêu suy nghĩ về nạn bạo lực học đường