Văn bản Cha con nghĩa nặng
Xuống tới cầu Mê Tức, phần thì mệt, phần thì mỏi cẳng, nên Trần Văn Sửu ngồi dựa cầu mà nghỉ. Trên trời trăng thanh vằng vặc ; dưới sông dòng bích nao nao.
Cha con nghĩa nặng
Hồ Biểu Chánh
Xuống tới cầu Mê Tức, phần thì mệt, phần thì mỏi cẳng, nên Trần Văn Sửu ngồi
dựa cầu mà nghỉ. Trên trời trăng thanh vằng vặc ; dưới sông dòng bích nao nao. Cảnh im lìm, mà lòng lại bồi hồi ; con vui sướng, còn cha thì sầu não. Trần Văn Sửu ngồi khoanh tay ngó dòng nước chảy một hồi rồi nói trong trí rằng : “Bây giờ mình còn sống nữa làm gì ! Bấy lâu nay mình lăn lóc chịu cực khổ mà sống, ấy là vì mình thương con, mình sợ nó không hiểu việc xưa rồi nó trở oán mình, mình sợ nó bơ vơ đói rách, mà tội nghiệp thân nó. Bây giờ mình biết rõ nó thương mình, nó còn kính trọng mình, mà nó lại gần được giàu có sung sướng hết thảy nữa, vậy thì nên chết rồi, chết mới quên hết việc cũ được, chết đặng hết buồn rầu cực khổ nữa”.
Anh ta nghĩ vậy rồi nhắm mắt lại. Anh ta thấy thị Lựu nằm ngay đơ trên bộ ván, miệng nhểu mấy giọt máu đỏ lòm, mắt hết thần mà còn mở trao tráo. Anh ta lại thấy buổi chiều anh ta ở ngoài ruộng đi về, con Quyên thằng Tí chạy ra, đứa níu áo, đứa nắm tay mà nói dỏ dẻ. Anh ta thấy cái cảnh gia đình ngày trước rõ ràng trước mắt, thì anh ta đau đớn trong lòng quá, chịu không được, nên vùng đứng dậy và nói lớn lên rằng : “Mấy con ơi ! Cha chết nhé. Mấy con ở lại mạnh giỏi, để cha theo mẹ con cho rồi”. Anh ta vừa nói vừa chui qua lan can cầu. Anh ta vừa mới đút đầu, bỗng có người chạy lên cầu và hỏi rằng : “Ai đó ? Phải cha đó không cha ?”.
Trần Văn Sửu giật mình, tháo đầu trở vô, rồi day mà ngó. Thằng Tí chạy riết lại nắm tay cha nó, dòm sát trong mặt mà nhìn, rồi ôm cứng trong lòng mà nói :
“Cha ôi ! Cha ! Cha chạy đi đâu dữ vậy”. Lúc ấy Trần Văn Sửu mất trí khôn, hết nghị lực, máu trong tim chảy thình thịch, nước trong mắt tuôn ròng ròng, đứng xui xị xui lo, không nói được một tiếng chi hết. Cha con ôm nhau mà khóc một hồi rồi buông ra. Trần Văn Sửu ngồi trên dọc dựa lan can cầu, rồi nói rằng : “Thôi con về đi”. Thằng Tí lắc đầu nói rằng :
– Con về không được. Bấy lâu nay con tưởng cha đã chết rồi, té ra cha còn sống. Vậy thì bây giờ cha đi đâu con theo đó.
– Con đừng có cãi cha. Con phải về đặng lo cưới vợ.
– Cưới vợ làm gì ? Cưới vợ đặng báo hại như má báo hại cha hồi trước đó sao ?
– Con không nên phiền trách7 má con. Má con có quấy là quấy với cha, chứ không quấy với con. Mà cha đã quên cái lỗi của má con rồi, sao con còn nhớ làm chi?
− Quên sao cho được !
- Phải quên đi, đừng có nhớ nữa. Tại mạng số của cha vậy, chớ không phải tại má con đâu. Mà má con làm quấy, thì sự chết đó đã chuộc cái quấy hết rồi ; bây giờ quấy về phần cha, chớ má con hết quấy nữa.
– Cha nói vậy thì con xin nghe lời cha. Thôi, cha trở về nhà với con.
– Huý ! Về sao được ?
– Sao vậy ?
- Về rồi làng tổng họ đến bắt còn gì?
Thằng Tí nghe nói như vậy thì nó tỉnh ngộ, nên ngồi lặng thinh mà suy nghĩ.
Cách một hồi nó mới nói rằng :
– Bây giờ làm sao ?
– Để cha đi. Cha đi cho biệt tích, đặng con lấy vợ và con Quyên cưới chồng mới
tử tế được.
– Cha đi đâu ?
– Đi đâu cũng được.
– Hễ cha đi thì con đi theo.
– Để làm gì ?
– Đi theo đặng làm mà nuôi cha ; chừng nào cha chết rồi con sẽ về.
– Con đừng có tính bậy. Con phải ở nhà làm mà nuôi ông ngoại.
– Có trâu, có lúa sẵn đó, ông ngoại làm mà ăn, cần gì con nuôi nữa. Lại có con
Quyên ở nhà đó. Cậu Ba Giai cưới nó đấy, nó giàu có, thiếu gì tiền bạc, nó giúp đỡ ông ngoại được rồi. Bây giờ có một mình cha nghèo khổ, vậy con phải làm mà nuôi cha chứ.
Trần Văn Sửu nghe con nói mấy điều hiếu nghĩa ấy thì anh ta cảm xúc quá, nên
ngồi khóc nữa. Lúc ấy anh ta lấy làm bối rối, không biết liệu lẽ nào cho xuôi. Thấy con bịn rịn, muốn ở lại đặng cha con sum hiệp, thì sợ làng tổng bắt ; nghĩ đến con nên trốn ra đi đặng biệt tích cho rồi, thì đau đớn đi không đành. Hai cha con ngồi khít một bên nhau, cha thì lo, con thì tính, cả hai đều lặng thinh ; song một lát thằng Tí đụng cánh tay nó vào cánh tay cha nó một cái, dường như nó thăm chừng coi cha nó còn ngồi đó không.
Cha con dan díu bịn rịn cho đến sao Mai mọc, Trần Văn Sửu mới nói rằng:
– Cha tính như vầy, để cha nói cho con nghe thử coi được hay không. Cha lấy giấy thuế thân theo dân Thổ, tên cha là Sơn Rùm, bây giờ cha nói tiếng Thổ giỏi lắm.
Cha tính thôi để cha xuống Láng Thó hoặc Ba Si, cha vô sóc kiếm chỗ ở đậu mà làm mướn. Có như vậy mới khỏi lo ai bắt được, mà lâu lâu con lẻn đến thăm cha.
– Theo lời cha tính đó thì cha còn sống mà cũng như cha chết. Phải giấu tên giấu họ hoài, con đến thăm cũng phải núp lén, không dám đến chán chường.
– Phải vậy mới yên được.
– Tính sao cũng được, miễn là con còn có thể gần cha được thôi. Mà cha ở với
Thổ, thì cực khổ tội nghiệp cho cha lắm.
– Có sao đâu mà tội nghiệp. Hơn mười năm nay cha đau lòng cực xác không
biết chừng nào mà kể cho xiết. Bây giờ cha được vui lòng rồi, dầu lao khổ tấm thân lại nệ gì. Cha tính phải làm như vậy mới xong, con phải nghe lời cha mà trở về đi.
Thằng Tí ngồi ngẫm nghĩ mà nói rằng:
– Con không đành để cha đi một mình. Con muốn theo cha mà kiếm chỗ cho
cha ăn ở yên nơi rồi con sẽ về.
– Con đi như vậy, ông ngoại không biết con đi đâu, ông ngoại lo sợ, thêm cực
lòng cho ông ngoại nữa.
– Thôi, cha trở về nhà với con một chút đặng con thưa với ông ngoại hay, rồi
con đi với cha.
– Trở về rồi con Quyên nó thấy nó càng khó lòng nữa.
– Nó ở dưới nhà bà hương quản, chớ có ở nhà đâu mà thấy.
— Trời gần sáng rồi, trở về Giồng Ké, họ gặp cha rồi làm sao ? Không được đâu.
Con trở về, để cha đi một mình, trong ít bữa cha kiếm chỗ ăn ở xong rồi cha sẽ lớn về mà cho con hay.
– Con không muốn để cha đi một mình. Như cha sợ họ gặp thôi thì cha lên chòi
ruộng của con ở trong làng Phú Tiên, cha nằm đó mà chờ con. Con chạy về
Giồng Ké thưa với ông ngoại một chút xíu rồi con trở lại liền. Trần Văn Sửu ban đầu còn dục dặc, mà bị con thôi thúc quá, anh ta không thể không làm vừa lòng nó được, nên phải đứng dậy mà đi với nó trở lên Phú Tiên.
(HỒ BIỂU CHÁNH, Cha con nghĩa nặng, NXB Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1938)