Viết bài văn kể lại sự việc liên quan đến nhân vật lịch sử Võ Thị Sáu lớp 7
1. Mở đoạn: - Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật Võ Thị Sáu. - Nêu lí do hay hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan.
Dàn ý chi tiết
1. Mở đoạn:
- Nêu được sự việc có thật liên quan đến nhân vật Võ Thị Sáu.
- Nêu lí do hay hoàn cảnh người viết thu thập tư liệu liên quan.
2. Thân đoạn:
Thuật lại quá trình diễn biến của sự việc theo trình tự (thời gian, không gian…).
Chỉ ra mối liên quan giữa sự việc với nhân vật lịch sử, kết hợp kể chuyện với miêu tả.
Ý nghĩa của sự việc được kể lại: Tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của người anh hùng Võ Thị Sáu.
3. Kết bài
Khẳng định ý nghĩa của sự việc hoặc nêu cảm nhận của người viết về sự việc.
Bài siêu ngắn Mẫu 1
Trong những năm tháng chiến tranh, rất nhiều người con của mảnh đất Việt Nam đã hy sinh để bảo vệ và đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc. Một trong số đó là Võ Thị Sáu - nữ anh hùng huyền thoại vùng Đất Đỏ.
Võ Thị Sáu sinh năm 1933, mất năm 1952. Ngay từ khi còn nhỏ, chị đã cùng với anh trai tham gia cách mạng. Chị tham gia vào đội công an xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế. Trong thời gian này, chị tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương. Không chỉ vậy, chị cũng nhiều lần phát hiện ra gian tế, tay sai Pháp, giúp đội công an thoát khỏi nguy hiểm, chủ động tấn công địch.
Một lần nọ, chị nhận nhiệm vụ mang lựu đạn phục kích giết tên cai Tòng - một tên Việt gian bán nước ngay tại xã nhà. Lựu đạn nổ, tên Tòng bị thương nặng nhưng không chết. Tuy nhiên, vụ tấn công khiến bọn lính đồn khiếp vía, không dám truy lùng Việt Minh ráo riết như trước. Sau này, trong một lần thực hiện nhiệm vụ, chị đã bị giặc bắt. Sau khi bị bắt, cô lần lượt bị đưa đi thẩm vấn và giam giữ tại các nhà tù Đất Đỏ, khám đường Bà Rịa và khám Chí Hòa. Thực dân Pháp đã cho mở phiên tòa, thời điểm này, chị vẫn chưa tròn mười tám tuổi. Luật sư biện hộ đã lấy đó làm căn cứ để giúp chị thoát khỏi án tử hình, nhưng tòa án vẫn tuyên án tử hình chị. Chúng chuyển chị cùng một số người tù cách mạng ra nhà tù Côn Đảo. Ở đây, thực dân Pháp đã lén lút đem chị đi tử hình.
Vào năm 1993, Nhà nước đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Chị Võ Thị Sáu chính là một biểu tượng về lòng dũng cảm, kiên cường.
Bài siêu ngắn Mẫu 2
Đất nước Việt Nam có rất nhiều vị anh hùng. Trong đó, Võ Thị Sáu chắc hẳn là nữ anh hùng vô cùng nổi tiếng, được mọi người biết đến với lòng dũng cảm, gan dạ.
Võ Thị Sáu sinh năm 1933, mất năm 1952. Về nguyên quán, trên bia mộ chỉ ghi tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Những câu chuyện kể về chị Võ Thị Sáu vẫn còn được lưu truyền.
Ngay từ khi còn nhỏ, Võ Thị Sáu đã theo anh gia nhập Việt Minh. Chị gia nhập vào đội công an xung phong, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc, tiếp tế. Trong khoảng thời gian này, chị Sáu tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, dùng lựu đạn tiêu diệt hai tên ác ôn và làm bị thương nhiều lính Pháp. Chị còn nhiều lần phát hiện gian tế, tay sai Pháp, giúp đội công an thoát khỏi nguy hiểm, chủ động tấn công địch.
Sau này, chị bị địch bắt, đày đến nhà tù ở Côn Đảo. Dù chị bị xử tử hình, nhưng vẫn giữ được khí tiết của người cách mạng. Chị Võ Thị Sáu được truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1993.
Bài siêu ngắn Mẫu 3
Trải qua những năm tháng chiến tranh, đất nước đã sinh ra biết bao anh hùng. Trong số đó phải kể đến chị Võ Thị Sáu - một nữ anh hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Vào tháng 7 năm 1948, Công an Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp. Dù nhiệm vụ gian nan, có phần nguy hiểm nhưng chị Sáu vẫn chủ động xin được trực tiếp đánh trận này. Chị nhận lựu đạn, giấu vào góc chợ gần khán đài từ nửa đêm. Sáng hôm đó, địch lùa người dân vào sân. Xe tỉnh tới, chị tung lựu đạn về phía khán đài, uy hiếp giải tán mít tinh. Hai tổ công an xung phong đồng loạt nổ súng yểm trợ tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh, đồng thời hỗ trợ cho chị Sáu rút an toàn. Người của Việt Minh được bố trí trong đám đông hô to “Việt Minh tiến công” và hướng dẫn người dân giải tán. Sau nhiệm vụ này, chị Sáu được tuyên dương khen ngợi và giao nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.
Có thể khẳng định rằng, chị Võ Thị Sáu là một tấm gương về lòng dũng cảm, sự gan dạ, đáng để chúng ta học tập và noi theo.
Bài tham khảo Mẫu 1
Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu nước nồng nàn. Từ quá khứ đến hiện tại, rất nhiều vị anh hùng đã hy sinh để đấu tranh bảo vệ đất nước. Và chị Võ Thị Sáu là một trong những nữ anh hùng mà tôi vô cùng cảm phục.
Võ Thị Sáu sinh năm 1933, mất năm 1952. Về nguyên quán, trên bia mộ chỉ ghi tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng có nhiều tài liệu ghi nguyên quán của chị tại xã Phước Thọ (thuộc tổng Phước Hưng Hạ), tỉnh Bà Rịa, nay thuộc thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Một số tài liệu khác lại ghi nguyên quán của cô tại xã Long Mỹ (thuộc tổng Phước Hưng Thượng), tỉnh Bà Rịa, nay thuộc Long Mỹ, Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ, chị được biết đến với tinh thần dũng cảm, kiên cường. Rất nhiều câu chuyện về chị Võ Thị Sáu đã được kể lại.
Ngày từ khi còn nhỏ, chị Võ Thị Sáu đã theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng. Mỗi khi được giao nhiệm vụ, chị đều hoàn thành tốt. Trong một lần nhận nhiệm vụ mang lựu đạn phục kích kẻ thù, chị bị bắt giam. Sau nhiều năm bị giam cầm và tra tấn, giặc Pháp quyết định đày chị ra Côn Đảo.
Dù sống trong hoàn cảnh ngục tù, hết sức thiếu thốn hay phải chịu tra tấn, chị vẫn hồn nhiên, vui tươi và tin tưởng vào ngày chiến thắng của đất nước. Vì sợ các chiến sĩ cách mạng trong tù phản đối, thực dân Pháp đã lén lút đem chị đi thủ tiêu. Trên đường ra pháp trường, chị đã ngắt một bông hoa còn ướt đẫm sương đêm cài lên tóc. Bọn giặc kinh ngạc vì thấy một người trước lúc hy sinh lại bình tĩnh đến thế. Tới bãi đất, chị gỡ bông hoa từ mái tóc của mình tặng cho người lính Âu Phi. Chị đi tới cột trói: mỉm cười, chị nhìn trời xanh bao la và chị cất cao giọng hát.
Khi một tên lính bắt chị quỳ xuống, chị Võ Thị Sáu đã quát vào mặt lũ giặc: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ”. Thế rồi tiếng hô vang lên: “Bắn”. Một tràng súng nổ, chị Sáu ngã xuống. Máu chị thấm ướt bãi cát.
Năm 1993, Nhà nước đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Có thể khẳng định rằng, chị Võ Thị Sáu chính là tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm cùng ý chí kiên cường để thế hệ ngày nay học tập.
Bài tham khảo Mẫu 2
Một trong những vị anh hùng của dân tộc Việt Nam là Võ Thị Sáu. Chị chính là một trong những biểu tượng cho lòng dũng cảm, sự gan dạ của người phụ nữ Việt Nam.
Võ Thị Sáu sinh năm 1933, mất năm 1952. Về nguyên quán, trên bia mộ chỉ ghi tại huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ, đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Chị đã tham gia nhiều trận chiến đấu để bảo vệ quê hương, dùng lựu đạn tiêu diệt hai tên ác ôn và làm bị thương nhiều lính Pháp. Chị còn nhiều lần phát hiện gian tế, tay sai Pháp, giúp đội công an thoát khỏi nguy hiểm, chủ động trong việc tấn công địch…
Vào tháng 7 năm 1948, Công an Đất Đỏ được giao nhiệm vụ phá cuộc mít tinh kỷ niệm Quốc khánh Pháp. Dù nguy hiểm, nhưng chị Sáu vẫn chủ động xin được trực tiếp đánh trận này. Chị đã nhận lựu đạn, giấu vào góc chợ gần khán đài từ nửa đêm. Sáng hôm đó, địch lùa người dân vào sân. Khi xe của tỉnh trưởng tới, chị tung lựu đạn về phía khán đài, uy hiếp giải tán mít tinh.
Hai tổ công an xung phong ở gần đấy đồng loạt nổ súng yểm trợ tạo áp lực giải tán cuộc mít tinh, đồng thời hỗ trợ cho chị Sáu rút an toàn. Người của Việt Minh được bố trí trong đám đông hô to “Việt Minh tiến công” và hướng dẫn người dân giải tán. Sau chiến công này, chị Sáu được tổ chức tuyên dương khen ngợi và được giao nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Khi bị giặc bắt giam tại nhà tù Côn Đảo, chuẩn bị xử tử hình, chị vẫn giữ được tinh thần của người chiến sĩ cách mạng.
Năm 1993, Nhà nước đã trân trọng truy tặng chị Huân chương chiến công hạng Nhất và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Có thể khẳng định rằng, chị Võ Thị Sáu là một tấm gương về lòng dũng cảm, sự gan dạ, đáng để chúng ta học tập và noi theo.
Bài tham khảo Mẫu 3
Một trong những nữ anh hùng vĩ đại của dân tộc Việt Nam là Võ Thị Sáu. Cuộc đời của chị chính là biểu tượng cho tinh thần dũng cảm, ý chí kiên định và tình yêu nước sâu sắc.
Võ Thị Sáu sinh năm 1933, mất năm 1952. Nguyên quán được ghi trên bia mộ là ở huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhưng có nhiều tài liệu ghi nguyên quán của chị tại xã Phước Thọ (thuộc tổng Phước Hưng Hạ), tỉnh Bà Rịa, nay thuộc thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Một số tài liệu khác lại ghi nguyên quán của cô tại xã Long Mỹ (thuộc tổng Phước Hưng Thượng), tỉnh Bà Rịa, nay thuộc Long Mỹ, Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Chị Võ Thị Sáu tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, lập được nhiều chiến công đáng nể phục. Nhiều câu chuyện kể về Võ Thị Sáu đã để lại cho chúng ta bài học sâu sắc. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện kể về sự việc những giây phút cuối đời của chị.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 23 tháng 1 năm 1952, tại nhà tù Côn Đảo vọng lại tiếng của những tù nhân: “Phản đối xử bắn Võ Thị Sáu. Phản đối! Phản đối! Đả đảo thực dân Pháp”. Tên chúa đảo và thuộc hạ hoảng hốt liền ra lệnh khóa chặt cửa các chuồng giam.
Giặc Pháp trói chị Sáu vào gốc bàng, hướng về nghĩa địa Hàng Dương. Chúng lấy khăn bịt mắt nhưng chị Sáu phản đối không cho bịt. Chị vẫn tự nhiên, hiên ngang ca hát, mắt sáng rực, nhìn thẳng vào bọn lính và hát bài Chiến sĩ Việt Nam, Lên Đàng,… Khi một tên lính bắt chị quỳ xuống, chị Võ Thị Sáu đã quát vào mặt lũ giặc: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ”. Thế rồi tiếng hô vang lên: “Bắn”. Một tràng súng nổ, chị Sáu ngã xuống. Máu chị thấm ướt bãi cát.
Cuộc đời của chị Võ Thị Sáu đã trở thành một huyền thoại, để thế hệ sau phải ngưỡng mộ và nói theo.