Viết bài văn nghị luận về lòng trung thực lớp 11 — Không quảng cáo

Văn mẫu lớp 11 - Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức Tổng hợp 50 bài viết nghị luận xã hội về một tư tưởng,


Viết bài văn nghị luận về lòng trung thực lớp 11

1. Mở bài - Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề nghị luận: tính trung thực.

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

- Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề nghị luận: tính trung thực.

2. Thân bài

a. Giải thích: trung thực là sự chân thành, ngay thẳng, không gian dối, luôn tôn trọng lẽ phải. Trung thực còn có nghĩa là không hổ thẹn với chính mình, biết lên án điều gian dối.

b. Bàn luận, chứng minh:

- Biểu hiện của sự trung thực:

+ Sống thật với chính mình, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế

+ Biết thẳng thắn nhận lỗi, không làm những việc trái với lương tâm, pháp luật.

+ Ăn nói ngay thẳng trong giao tiếp, chân thành trong các mối quan hệ xã hội, không lợi dụng người khác.

+ Thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ trong công việc.

- Ý nghĩa, vai trò của trung thực:

+ Biết đánh giá mọi việc trong đời sống một cách khách quan, chân thật.

+ Giúp con người hoàn thiện bản thân, có can đảm để khắc phục khuyết điểm.

+ Bồi đắp cho ta nhiều đức tính tốt đẹp như sự kiên trì, chăm chỉ, lòng dũng cảm,...

+ Giúp tâm hồn con người thanh thản.

+ Những người trung thực sẽ nhận được sự tín nhiệm, tôn trọng từ cộng đồng, trở thành những công dân tốt cho xã hội. Từ đó, xã hội thêm văn minh, con người thêm đoàn kết.

+ Thiếu đi sự trung thực, xã hội sẽ không thể phát triển.

- Dẫn chứng: học sinh lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp.

c. Phê phán: những kẻ sống dối trá, giả tạo, đua đòi, lừa bịp người khác.

d. Phản đề: cần áp dụng tính trung thực một cách linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh.

3. Kết bài

- Khẳng định lại ý nghĩa của tính trung thực

- Rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Con người muốn thành công, trở thành một công dân tốt thì cần phải rèn luyện nhiều tính cách, phẩm chất tốt đẹp. Một trong số những tính cách tốt đẹp mà chúng ta cần có đó chính là trung thực.

Trung thực chính là thật thà, luôn tôn trọng sự thật, nói sự thật, làm theo sự thật, không gian dối người khác nhằm bất cứ mục đích gì, không làm những hành vi gian xảo. Người có đức tính trung thực luôn luôn tôn trọng sự thật, chân lí, lẽ phải, không làm sai lệch sự thật nhằm mưa cầu lợi lộc cho bản thân mình. Người có tính trung thực là người luôn tôn trọng sự thật, lẽ phải, luôn làm đúng và nói đúng những gì đã xảy ra mà không thêm bớt, không bao che, giấu giếm cho người có hành vi gian dối, sẵn sàng đứng lên tố cáo để bảo vệ lẽ phải. Người có tính trung thực sẽ giữ được chữ tín, được mọi người tin tưởng, tín nhiệm, yêu quý và sẽ rèn luyện được những đức tính quý báu khác như: cương trực, thẳng thắn,…

Nếu một xã hội con người ai cũng trung thực, thật thà, không gian dối nhau thi xã hội ấy sẽ vô cùng văn minh, đẹp đẽ. Bên cạnh đó vẫn còn có những người sống gian dối, sẵn sàng chối bỏ sự thật vì lợi ích cá nhân, lại có người nói dối hòng trục lợi về cho bản thân. Lại có những người sống trong dối trá, ảo tưởng về những gì bản thân mình có,… Những người này cần xem xét và điều chỉnh lại hành vi của bản thân mình. Là một học sinh, trước hết chúng ta cần cố gắng học tập, trau dồi bản thân, luôn trung thực.

Là một công dân, chúng ta cần phải biết cống hiến những điều tốt đẹp cho xã hội, cho cuộc sống, sống với những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Mỗi người thay đổi theo chiều hướng tích cực một chút sẽ khiến cho cuộc sống này thanh thản, đẹp đẽ và văn minh hơn. Hãy là một người trung thực, ham học hỏi, có ý chí, nhất định thành công sẽ đến với chúng ta.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Trung thực - một đức tính cao đẹp, một thước đo quan trọng đánh giá nhân cách của con người, là nhân tố cốt lõi trong việc hình thành, phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam. "Tính trung thực" được hiểu là sự thành thực, thật thà, ngay thẳng trong cả lời nói và hành động.

Biểu hiện của tính trung thực đó là không nói dối, không lừa gạt người khác, luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng quy định và luật pháp. Một số việc làm của tính trung thực đó là nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, khai báo y tế chính xác, nói đi đôi với làm, nói được làm được, có trách nhiệm với lời nói và hành động của mình. Tính trung thực mang lại rất nhiều ý nghĩa, không chỉ cho một người mà cho cả nhiều người.

Người có tính trung thực luôn nhận được sự tin cậy của mọi người, là cơ sở làm nên tính tự trọng, thẳng thắn của mỗi người, giữ vững nhân cách cá nhân. Từ đó góp phần tạo nên uy tín, sức mạnh của gia đình, tổ chức, tập thể. Ấy vậy mà hiện nay vẫn còn nhiều cá nhân sống không trung thực, dối trá lừa lọc, vì lợi ích cá nhân mà nói sai, làm sai, hậu quả dẫn đến sự tha hóa đạo đức, vô nhân cách, mất niềm tin, không được mọi người tín nhiệm giao công việc. Điển hình như vụ việc Công ty Việt Á câu kết cùng các cán bộ của các tỉnh nâng khống giá bộ sinh phẩm kit xét nghiệm.

Nhìn vào đó chúng ta phải biết cùng nhau gìn giữ đức tính trung thực để mỗi người đều là người trung thực, mỗi lời nói, việc làm đều là trung thực, không có lừa lọc dối giá, không có tham ô, tham nhũng, tiêu cực.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Trung thực - một đức tính cao đẹp, một thước đo quan trọng đánh giá nhân cách của con người, là nhân tố cốt lõi trong việc hình thành, phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người Việt Nam.

"Tính trung thực" được hiểu là sự thành thực, thật thà, ngay thẳng trong cả lời nói và hành động. Biểu hiện của tính trung thực đó là không nói dối, không lừa gạt người khác, luôn tôn trọng sự thật, tôn trọng quy định và luật pháp. Một số việc làm của tính trung thực đó là nhặt được của rơi trả lại người đánh mất, khai báo y tế chính xác, nói đi đôi với làm, nói được làm được, có trách nhiệm với lời nói và hành động của mình.

Tính trung thực mang lại rất nhiều ý nghĩa, không chỉ cho một người mà cho cả nhiều người. Người có tính trung thực luôn nhận được sự tin cậy của mọi người, là cơ sở làm nên tính tự trọng, thẳng thắn của mỗi người, giữ vững nhân cách cá nhân. Từ đó góp phần tạo nên uy tín, sức mạnh của gia đình, tổ chức, tập thể. Ấy vậy mà hiện nay vẫn còn nhiều cá nhân sống không trung thực, dối trá lừa lọc, vì lợi ích cá nhân mà nói sai, làm sai, hậu quả dẫn đến sự tha hóa đạo đức, vô nhân cách, mất niềm tin, không được mọi người tín nhiệm giao công việc. Điển hình như vụ việc Công ty Việt Á câu kết cùng các cán bộ của các tỉnh nâng khống giá bộ sinh phẩm kit xét nghiệm.

Nhìn vào đó chúng ta phải biết cùng nhau gìn giữ đức tính trung thực để mỗi người đều là người trung thực, mỗi lời nói, việc làm đều là trung thực, không có lừa lọc dối giá, không có tham ô, tham nhũng, tiêu cực.

Bài tham khảo Mẫu 1

Nhà văn William Shakespeare đã từng nói: “Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực”. Thật vậy, nếu con người không có lòng trung thực thì sẽ không được ai tin tưởng. Họ cũng không được mọi người yêu thương và kính trọng. Trung thực là vẻ đẹp đầu tiên trong kho tàng phẩm chất của con người

Trung thực là trung thành, tôn trọng sự thật. Trung thực là thành thực với chính mình, với mọi người, với công việc. Trung thực là luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức, chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất, tạo nên định hướng giá trị nhân cách chân chính.

Người có lòng trung thực là người thật thà, ngay thẳng chân thành trong cách đối xử với mọi người. Họ luôn nhìn nhận khách quan về các sự việc trong cuộc sống, luôn tôn trọng và bảo vệ chân lí. Họ không gian dối, không ích kỉ hay vụ lợi cá nhân. Người trung thực luôn hướng đến lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng. Người trung thực có thể sẵn sàng hi sinh lợi ích của bản thân để bảo vệ lẽ phải.

Có biết bao câu chuyện ngợi ca lòng trung thực ở con người đáng để chúng ta tôn kính và học tập. Thời cổ đại Trung Quốc, Chử Toại Lương là quan chép sử của vua Đường Thái Tông, sẵn sàng chịu tội chết chứ không chịu chép sai lịch sử các triều đại. Ông từng nói: “Tiền bạc không là gì so với danh dự, trung thực là cái mà chúng ta không thể đánh mất”. Đến đời sau, sử gia Tư Mã Thiên cũng đã học hỏi cổ nhân. Ông nêu cao danh tiết, trung thành với sự thật, ghi chép đúng lịch sử dẫu có bị cung hình. Ông đã để lại bộ “Sử kí” vĩ đại đến muôn đời.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu là một tấm gương sáng sáng ngời về lòng trung thực. Bác luôn sống có trách nhiệm với mình, với người, với việc. lòng trung thực thể hiện sâu sắc trong tư tưởng và lẽ sống của Người. Người dạy phải luôn kết hợp chặt chẽ giữa nói và làm, không được hứa suông. Nói là làm ngay không được chần chừ hay hứa hẹn. Tấm gương của Người mãi mãi là bài học quý để chúng ta học tập và rèn luyện.

Lòng trung thực là một đức tính tốt đẹp, thể hiện nhân, cách nhân phẩm cao quý của con người. Nhất là đối với lứa tuổi học sinh. Trong học tập, mỗi học sinh cần có lòng trung thực để đạt hiệu quả học tập tốt nhất. Bằng chính lực học của mình đạt lấy thành tích. Sống trung thực góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp trở thành người tốt.

Tính trung thực giúp con người được tin cậy. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kì việc gì. Trung thực làm nên tính cách tự trọng, thẳng thắng của cá nhân; tạo nên uy tín, sức mạnh cho tập thể. Sống trung thực đòi hỏi phải dũng cảm và nghiêm khắc với chính bản thân.

Người thiếu trung thực thì không thể duy trì mối quan hệ chặt chẽ, lâu dài với những người xung quanh. Từ đó, không thể thắt chặt tinh thần đoàn kết, quan hệ bền chặt, đánh mất niềm tin tưởng. Một lần mất tín vạn lần mất tin. Không có lòng trung thực không thể thành công trong cuộc sống.

Tính trung thực cần được chú trọng giáo dục, rèn luyện ngay từ những ngày còn cắp sách tới trường mà điểm đầu rèn luyện là thành thực với chính bản thân mình. Bởi vì, “Phải thành thật với mình, có thể mới không dối trá với người khác”. Hành động trung thực phải xuất phát từ sự chân thành, từ mong muốn bảo vệ công bằng và lẽ phải.

Kiên quyết bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái tích cực; dũng cảm đấu tranh với những cái sai, khuyết điểm, cái tiêu cực; nghiêm khắc tự phê bình, phê bình, thẳng thắn nhìn nhận khuyết điểm của cá nhân và tổ chức mình, cầu thị, tích cực sửa chữa hạn chế, khuyết điểm để hoàn thiện bản thân.

Trung thực là giá trị cốt lõi làm nên phẩm giá con người. Xoay quanh nó còn nhiều đức tính khác mà quan trọng nhất là thái độ thẳng thắn, tinh thần, hành động dũng cảm. Không có đức tính này, trung thực chỉ như của quý bị dấu kín. Rèn luyện tu dưỡng các tính tốt là rất cần nhưng thể hiện nó trong xử thế còn quan trọng hơn.

Tuy nhiên, có nhiều người trong xã hội sống và làm việc thiếu trung thực. Không trung thực chính là nguyên nhân, mầm mống của các tiêu cực xã hội, gây băng hoại đạo đức, làm mất lòng tin, xói mòn đời sống tốt đẹp mọi người đang chung tay xây đắp.

Bởi vậy, sống rất cần phải có lòng trung thực. Không vì cái lợi trước mắt mà bán rẻ lương tâm, đạo đức giả. Nhất là những người cầm quyền phải là người chí công vô tư, cương trực, thẳng thắn thì mới đưa đất nước vững mạnh đi lên, tiến tới công bằng, dân chủ, văn minh. Rồi trong các mối quan hệ hợp tác sản xuất kinh doanh cũng thế. Tính trung thực sẽ giúp có được lòng tin ở mọi người, từ đó có uy tín trong sản phẩm. Thiếu trung thực sẽ gây ra hậu quả không thể lường trước được.

Trung thực là đức tính cần thiết trong mọi hoàn cảnh và trong mọi thời đại. Là học sinh phải luôn trung thực trong thi cử và cuộc sống, trung thực trong mọi hành động, rèn luyện nhân cách, nhân phẩm trở thành người hữu ích sau này đem sức mình xây dựng quê hương đất nước.

Một cái đầu tỉnh táo, một trái tim trung thực và một linh hồn khiêm nhường, đó là ba người dẫn đường tốt nhất qua thời gian và cõi vĩnh hằng (Walter Scott). Hãy luôn sống một cách trung thực cho du thế giới xung quanh không phải lúc nào cũng trung thực với bạn. Hãy rèn luyện và bồi đắp lòng trung thực, hoàn thiện bản thân trở thành một người hữu ích mai này đem sức mình xây dựng quê hương đất nước. Quan trọng hơn hết, hãy xây dựng một lối sống trung thực, giàu tình yêu thương.

Bài tham khảo Mẫu 2

Trung thực là phẩm chất đầu tiên mà con người cần có khi bước vào đời sống xã hội; là yếu tố quan trọng nhất để xây dựng niềm tin, sự hợp tác, tiến bộ và thành công của con người.

Trung là tôn trọng, trung thành, không thiên vị. Thực là sự thật. Trung thực có thể hiểu là ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật. Người có đức tính trung thực là luôn luôn tôn trọng sự thật, chân lí, lẽ phải, không làm sai lệch sự thật.

Đức tính trung thực của con người được thể hiện qua cách sống ngay thẳng, thật thà, dám nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Trong cuộc sống, đức tính trung thực được thể hiện rõ ràng nhất đó là thật thà, thẳng thắn nhận lỗi khi mình mắc lỗi, không báo cáo sai sự thật, không tham lam, gian dối lấy của người khác làm của mình.

Trong học tập, thi cử, những biểu hiện của tính trung thực của mỗi học sinh huy cần được phát huy như không quay cóp, chép bài của bạn, không mang theo tài liệu và lật tài liệu trong lúc thi hoặc kiểm tra, không chạy điểm, không dùng bằng giả,…

Trung thực là đức tính cần thiết, quý báu của mỗi người. Nếu có tính trung thực, nhân cách của mỗi người sẽ dần được hoàn thiện. Bản thân mỗi người sẽ được người khác kính trọng, yêu mến. Điều quan trọng hơn cả là bản thân người có tính trung thực sẽ tự gây dựng cho mình một hình ảnh, một chữ “tín” trong lòng mỗi người bạn và mọi người trong xã hội.

Nhờ có tính trung thực trong học tập, chúng ta sẽ có được những kiến thức thực do chính ta học tập chứ không do học vẹt, học máy móc hoặc qua loa, đối phó. Tính trung thực còn giúp cho chúng ta có cái nhìn, đánh giá đúng năng lực của mỗi người. Học sinh có tính trung thực thì thầy cô giáo mới đánh giá đúng năng lực của mỗi học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, và nâng cao kiến thức. Nếu học sinh có những việc làm không thể hiện tính trung thực của mình, đừng vội nản lòng, các bạn vẫn có thể sửa những lỗi sai của mình để trở thành người tốt, góp phần làm cho xã hội trong sạch, văn minh và ngày càng phát triển.

Không chỉ trong học tập, mà trong kinh doanh, nếu có tính trung thực, doanh nghiệp sẽ có được uy tín và lòng tin ở khách hàng, kinh doanh đạt hiệu quả cao. phần làm cho xã hội trong sạch, văn minh và ngày càng phát triển.

Có nhiều người sẽ cho rằng: Trung thực là đức tính tốt nhưng có làm được hay không thì tuỳ và cũng chẳng có hậu quả gì đáng kể. Nhưng thật ra sự thiếu trung thực sẽ gây ra những hậu quả xấu. Bởi trong cuộc sống, điều quan trọng nhất của mỗi người là chữ “tín”. Nếu đánh mất nó đồng nghĩa với đánh mất niềm tin và sự tôn trọng của mọi người đối với mình. Nếu trong kinh doanh làm ăn sẽ mất đi những người đối tác làm ăn. Nếu trong học tập mà không trung thực thì thầy cô, bạn bè không còn tin ở mình nữa. Trong làm việc, nếu số liệu báo cáo thiếu trung thực sẽ gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế đất nước.

Trong kinh doanh, chất lượng sản phẩm không trung thực sẽ ảnh hưởng không tốt đến người tiêu dùng, thậm chí gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đe dọa tính mạng con người. Trong học tập, đặc biệt là trong các kì thi sự thiếu trung thực luôn xảy ra. Sự gian lận trong thi cử vẫn còn phổ biến. Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thực chất của dạy của thầy cô giáo và học của học sinh, gây dư luận xấu trong xã hội. Do đó, thiếu trung thực trở thành căn bệnh lây lan nhanh, làm xuống cấp đạo đức xã hội.

Mỗi người cần phải có những hành động, việc làm cụ thể của riêng mình nhằm giúp đất nước ta không còn những hành vi thể hiện sự thiếu trung thực nữa. Đối với mỗi người, cần xây dựng ý thức trung thực trong từng việc nhỏ, việc lớn. Đặc biệt, đối với mỗi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường việc tu dưỡng, rèn luyện đức tính thật thà là rất cần thiết. Để động viên những tấm gương người tốt, việc tốt nhà trường cần biểu dương một số tấm gương tiêu biểu về đức tính trung thực để học sinh noi theo đồng thời khuyến khích, động viên học sinh tham gia vào gìn giữ và phát huy những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam.

Cùng với việc biểu dương những tấm gương tốt về tính trung thực chúng ta cũng cần lên án sự thiếu trung thực và từng bước đẩy lùi những tiêu cực do thiếu trung thực gây nên tùy theo khả năng của mỗi người.

Trung thực là đức tính rất cần thiết trong cuộc sống. Trong thời đại hiện nay, nhất là khi chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập với nền kinh tế tri thức toàn cầu thì đức tính trung thực lại càng cần thiết hơn bao giờ hết vì sống trung thực giúp chúng ta nâng cao phẩm giá, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội và sẽ được mọi người tin yêu, kính trọng. Vì vậy, mỗi người cần xác định đúng tư tưởng để có một tương lai tốt đẹp.

Là một học sinh, các em hãy cố gắng phát huy đức tính trung thực của học sinh để góp phần hoàn thiện nhân cách bản thân và nhận được sự tin yêu của thầy cô, bạn bè. Không ngừng học tập tốt 5 điều Bác Hồ Dạy “…Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.

Bài tham khảo Mẫu 3

Trên khắp mọi nơi ở đất nước ta, từ xưa đến nay bất kể thời đại nào thì nhân dân ta vẫn luôn đặt đạo đức là chuẩn mực hàng đầu đối với con người. Điều đó lại càng đặc biệt cần thiết trong xã hội hiện đại ngày nay. Mà trong số đó, trung thực là đức tính đầu tiên con người cần phải có.

Đức tính trung thực tuy nghe có vẻ đơn giản nhưng những biểu hiện của nó lại vô cùng đa dạng. Riêng đối với người học sinh thì trung thực được thể hiện trong nhà trường, trong gia đình. Một học sinh có đức tính trung thực thì không bao giờ chép bài, hỏi bài bạn trong giờ kiểm tra, làm bài với đúng khả năng của mình. Khi bị điểm kém, hay lỡ làm điều gì không phải thì thẳng thắn nói ra, nhận lỗi với thầy cô, cha mẹ. Hay như đơn giản hơn là ở ngoài chợ, người bán trả lại thừa tiền cho ta thì với người trung thực ta luôn trả lại số tiền thừa ra đó. Ra ngoài đường, thấy người khác đánh rơi đồ thì luôn tìm cách trả lại. Còn trong kinh doanh thì trung thực lại được thể hiện ra ở chỗ người làm kinh doanh đem lại cho khách hàng của mình những sản phẩm có chất lượng, đúng giá, không làm giả, nâng giá lên một cách bất hợp pháp.

Trung thực vốn là một đức tính truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Vậy nên trong xã hội ngày nay thì những cái lợi mà trung thực đem lại không phải là nhỏ. Với người học sinh thì trung thực sẽ giúp hoàn thiện nhân cách, không những vậy còn nâng cao được vốn kiến thức. Bởi đã là học sinh thì bất cứ ai cũng có những điểm kém, điểm xấu, bị phê bình. Nhưng trung thực, thẳng thắn nhận ra những khuyết điểm đó thì sẽ giúp thầy cô, bạn bè, cha mẹ có thể giúp đỡ ta vươn lên, học tốt hơn, kiến thức dần đầy đủ. Trung thực trong kinh doanh thì sẽ đem lại uy tín, sự tín nhiệm của khách hàng, việc làm ăn sẽ ngày càng thuận lợi. Hay bất cứ ở đâu, có đức tính trung thực thì con người ta sẽ được mọi người nhìn lại với con mắt thiện cảm, kính trọng. Nói tóm lại, một xã hội mà mỗi con người đều có đức tính trung thực thì xã hội sẽ trở nên trong sạch, văn minh, ngày càng phát triển.

Chỉ đáng tiếc rằng, trong cuộc sống, đức tính trung thực ta lại không thể thấy ở một số con người. Gian lận trong học tập, trong các kì thi, nạn học giả, bằng thật vẫn còn phổ biến trong xã hội. Không thể tưởng tượng ra được những con người như vậy sẽ làm việc, xây dựng đất nước ra sao, sẽ đưa đất nước phát triển đến thế nào? Sự thiếu trung thực ở một số cán bộ lãnh đạo các cơ quan đã rút ruột các công trình, tham ô, tham nhũng làm thiệt hại của nhà nước hàng trăm tỉ đồng trong suốt những năm gần đây đã trở thành một vấn đề nổi cộm. Không thể kể hết những hậu quả, ảnh hưởng từ nhỏ tới lớn của sự thiếu trung thực trong đời sống.

Cũng may mắn rằng đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh, chỉ là một bộ phận nhỏ trong xã hội. Đức tính trung thực còn có ở ngày nay chính là do bề dày truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Rồi nhờ có sự tuyên truyền, giáo dục sâu sắc trong nhà trường mà đức tính trung thực vẫn còn được gìn giữ. Có đức tính trung thực trong mỗi một con người thì xã hội ngày càng trở nên văn minh, con người càng phát triển; còn thiếu sự trung thực sẽ chỉ làm cho xã hội thụt lùi đi so với sự phát triển của nhân loại cùng với những hậu quả khôn lường.

Có lẽ cũng chính vì vậy mà từ lâu, nhân dân ta đã đặt đức tính trung thực là một trong những đức tính cơ bản, hàng đầu. Chúng ta cần ngày càng phát huy đức tính truyền thống này ở mọi lúc, mọi nơi. Đồng thời phải đẩy lùi, ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực của việc thiếu trung thực trong đời sống.

Gìn giữ, phát huy truyền thống vốn có của dân tộc là trách nhiệm của mỗi người, mỗi học sinh trong chúng ta và đặc biệt là đức tính trung thực. Đó là điều vô cùng quan trọng. Tôi tin rằng nếu làm được như vậy thì chúng ta sẽ nhận lại được những kết quả đáng mừng cho bản thân chúng ta và cả xã hội.


Cùng chủ đề:

Viết bài văn Nghị luận về vấn đề thi cử đối phó thông qua tác phẩm Tiến sĩ giấy lớp 11
Viết bài văn Nghị luận về vấn đề tình yêu tổ quốc thông qua tác phẩm Hịch tướng sĩ lớp 11
Viết bài văn Nghị luận về vấn đề: Sự ảnh hưởng của bùng nổ dân số lớp 11
Viết bài văn Nghị luận về văn hóa hội nhập lớp 11
Viết bài văn nghị luận về bản lĩnh lớp 11
Viết bài văn nghị luận về lòng trung thực lớp 11
Viết bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội (con người với cuộc sống xung quanh) (hình thành lối sống tích cực trong xã hội hiện đại) - Văn mẫu lớp 11
Viết bài văn nghị luận về vở kịch Bệnh sĩ lớp 11
Viết bài văn nghị luận về vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt lớp 11
Viết bài văn nghị luận về vở kịch Romeo và Juliet lớp11
Viết bài văn nghị luận về vở kịch Trưởng giả học làm sang lớp 11