Viết bài văn thuyết minh về hạt dẻ Trùng Khánh
Những ai đã từng là học sinh ở thành phố, chắc không thể quên những kỉ niệm ngọt ngào của cái thời trẻ con
Những ai đã từng là học sinh ở thành phố, chắc không thể quên những kỉ niệm ngọt ngào của cái thời trẻ con, chia nhau những phần quà nho nhỏ mua vội trước cổng trường, dấm dúi cùng nhau ăn trong lớp, trong bụng cứ hí hửng tưởng rằng thầy cô không biết nên cảm giác ngon lành tăng lên gấp bội... Hạt dẻ là một trong những món quà thú vị đó.
Khi đã lớn, khoác tay nhau đi trong buối tối chớm rét đầu đông, cùng nhấm nháp những hạt dẻ mới rang ấm nóng, có thể đôi bạn trẻ cùng mường tượng rằng tình yêu đôi lứa cũng thơm bùi như vị hạt dẻ.
Những hạt dẻ gợi nhớ những kỉ niệm đáng yêu đó là loại hạt dẻ thường, tròn nhỏ cỡ một cái cúc áo. Hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng) ít có mặt trong những dịp như vậy – chỉ vì một lẽ đơn giản là nó hiếm hoi hơn loại hạt dẻ “ ta" kia nên không thể mua một cách dễ dàng để nằm trong túi, cùng vào lớp học với những cô cậu học sinh.
Những cây dẻ ở Trùng Khánh là giống dẻ ở xứ ôn đới. Cây dẻ sống ở những vùng đất khô cằn. Bộ rễ cây khỏe mạnh, bám vững chãi vào đất trên những triền dốc. Tán cây vươn cao hứng đón sương rừng, gió núi.
Chẳng ai biết những cây dẻ đã đến bắt rễ và phát triển ở Trùng Khánh từ khi nào. Chưa ai tìm hiểu kĩ xem đất rừng Trùng Khánh ẩn chứa những tố chất đặc biệt gì thích hợp với cây dẻ này để hôm nay Trùng Khánh có một sản vật quý. Cũng có người vì quý giống dẻ này đã mang đi trồng thử tại những nơi khác có các điều kiện địa hình và khí hậu tương tự Trùng Khánh - như ở Lạng Sơn, ở một số nơi khác trong tỉnh Cao Bằng... - nhưng kết quả không được như ý muốn.
Hạt dẻ Trùng Khánh rất to, một cân chỉ chừng trăm hạt. Mỗi quả dẻ chứa ba, bốn hạt, vỏ hạt dẻ Trùng Khánh dày và rất cứng nên muốn hạt dẻ chín phải luộc kỹ. Có người cẩn thận còn khía sẵn vài đường trên vỏ hạt để khi chín dễ bóc. Sau khi luộc chín, nếu đem hạt dẻ rang lại một lượt đến khi hơi xém vỏ thì mùi thơm dậy lên thật hấp dẫn. Bà con ở Trùng Khánh thường hay ninh hạt dẻ với chân giò lợn làm món đãi khách có hương vị rất đặc biệt mà không phải ai cũng dễ có cơ hội được thưởng thức.
Cứ đến khoảng cuối Thu, đầu Đông là mùa quả dẻ chín rụng đầy mặt đất. Hạt dẻ được người Trùng Khánh thu nhặt, rồi nó bắt đầu vào cuộc hành trình mới. Hạt dẻ Trùng Khánh theo chân con người lên đường về xuôi như một thứ quà độc đáo của miền núi rừng Đông Bắc Tổ quốc. Nó không bảo quản được lâu, chỉ để được khoảng chừng một tháng nên mùa hạt dẻ cũng qua nhanh với những ai không kịp để ý. Đã bao nhiêu năm nay, hạt dẻ Trùng Khánh vẫn tự nhiên như nó vốn thế. Nó vẫn xa lạ với nền văn minh công nghiệp. Nó thấm đậm hương vị của thiên nhiên và ít gần con người... Nhưng con người biết nó và quý nó...
(Nguồn: sưu tầm)