Viết một đoạn văn chia sẻ cảm xúc của em sau khi đọc bài thơ Mẹ của Đỗ Trung Lai
Mẹ – chỉ một tiếng gọi mẹ thôi mà sao thân thương quá đỗi. Đã từ bao đời nay, hình ảnh người mẹ thường hiện hữu trong thơ ca như một kì quan vĩ đại
Dàn ý
1. Mở đoạn
- Dẫn dắt, giới thiệu tác giả Đỗ Trung Lai và bài thơ Mẹ
- Ấn tượng, cảm xúc khái quát về bài thơ. (Lí do em muốn chia sẻ cảm xúc về bài thơ)
2. Thân đoạn
- Chia sẻ cảm xúc của em về ý nghĩa đề tài tình mẫu tử thiêng liêng mà nội dung bài thơ đề cập
- Chia sẻ tình cảm, cảm xúc về tác dụng nghệ thuật đặc sắc của bài thơ mà tác giả đã thể hiện:
+ Thể thơ bốn chữ nhẹ nhàng, dung dị
+ Nghệ thuật đối lập xuyên suốt bài thơ; nghệ thuật hoán dụ: lưng còng, đầu bạc ; câu hỏi tu từ,… đã thể hiện được nội dung thông điệp của tác phẩm
+ Cảm xúc của em về bài thơ: Cảm ơn tác giả đã dành cho mẹ những ngôn từ tuyệt vời. Trân quý những sản phẩm văn chương đã lưu lại và lan tỏa tình cảm mẫu tử thiêng liêng cao quý
3. Kết đoạn
- Khẳng định lại giá trị của bài thơ và rút ra bài học cho bản thân: Bài thơ vẫn còn nguyên giá trị. Yêu quý mẹ, thương mẹ, tự hào về mẹ, luôn sẻ chia cùng mẹ trong cuộc sống
Bài mẫu
Mẹ – chỉ một tiếng gọi mẹ thôi mà sao thân thương quá đỗi. Đã từ bao đời nay, hình ảnh người mẹ thường hiện hữu trong thơ ca như một kì quan vĩ đại. Có lẽ vì thế mà mỗi nhà thơ khi viết về mẹ đều mang đến những nét riêng đầy xúc động. Ta đã từng biết đến Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm, Nguồn buồn nhớ mẹ ta xưa của Nguyễn Duy… và trong những bài thơ hay viết về mẹ không thể không nhắc đến bài Mẹ của nhà thơ Đỗ Trung Lai. Bài thơ Mẹ triển khai qua hai hình tượng sóng đôi: cau và mẹ, nhà thơ chọn một thứ cây rất gần gũi trong đời sống ở mỗi làng, quê để gửi gắm thông điệp tình mẫu tử thiêng liêng. Xuyên suốt bài thơ, nhà thơ Đỗ Trung Lai đã khai thác thủ pháp nghệ thuật đối lập qua từng khổ thơ để đem đến cho người đọc những cảm nhận sự gần gũi giữa cau và mẹ . Lời thơ ngỡ như lời nhận xét thông thường nhưng đằng sau mỗi con chữ là bao đắng xót, xót xa khi nhận ra thời gian, nỗi vất vả cuộc đời đã hằn lên lưng còng, trên mái đầu bạc trắng của mẹ. Không cần nhiều lời, chỉ qua hai hình ảnh lưng còng và mái đầu bạc trắng của mẹ mà gợi ra bao cảm nhận về công lao của mẹ, sự nhọc nhằn, đắng cay trong cuộc đời mẹ cho con khôn lớn, trưởng thành. Cùng với thời gian, cau ngày càng cao, mẹ ngày gần đất , dân gian có câu: “Gần đất xa trời” nhằm nói lên sự già nua, cái chết đang đến gần. Sự gần đất của mẹ theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng nghe bao nuối tiếc khi quỹ thời gian của mẹ không còn nhiều. Mẹ như ngọn đèn trước gió, như chuối chín cây, thời khắc con không còn mẹ đang đến ngày một gần: Cau ngày càng cao/ Mẹ ngày một thấp/ Cau gần với giời/ Mẹ thì gần đất! Hình ảnh người mẹ được ví như miếng cau khô gầy, thời gian đã bào mòn tất cả, chỉ nay mai mẹ không còn trên thế gian nữa, nhà thơ không khỏi ứa nước mắt trước hình hài mẹ. Khổ kết với câu hỏi tu từ – câu hỏi nhưng không có câu trả lời, chỉ có mây bay về xa như những nỗi niềm rưng rưng, dâng trào cảm xúc: Ngẩng hỏi giời vậy/ Sao mẹ ta già? Không một lời đáp/ Mây bay về xa. Bài thơ rất kiệm lời mà hàm chứa bao tình ý sâu xa, lời thơ dung dị, tự nhiên, không nhiều dụng công nghệ thuật nhưng vẫn gây xúc động người đọc bởi cảm xúc chân thành, chạm đến những gì thiêng liêng nhất của mỗi người, đó là tình mẫu tử. Càng đọc và suy ngẫm những vần thơ viết về tình mẫu tử thiêng liêng, em càng yêu quý mẹ hơn. Em sẽ cố gắng chia sẻ niềm vui nỗi buồn với mẹ mỗi ngày để mẹ được hạnh phúc hơn.