Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ Đợi mẹ lớp 8 — Không quảng cáo

Tổng hợp 50 bài văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ sáu


Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ Đợi mẹ lớp 8

1. Mở đoạn: - Giới thiệu khái quát về tác giả Vũ Quần Phương và bài thơ Đợi mẹ.

Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu khái quát về tác giả Vũ Quần Phương và bài thơ Đợi mẹ

- Cảm nhận chung của em về bài thơ.

2. Thân đoạn:

a) Em bé ngồi đợi mẹ đến tối

- Bối cảnh: Trời tối

- Hành động của em bé: “nhìn ra ruộng lúa”, nhìn “vầng trăng”

- Nghệ thuật: Điệp ngữ (“nhìn ra ruộng lúa”, “nhìn vầng trăng”), hình ảnh “vầng trăng” gắn với nỗi nhớ, mong ngóng, chời đợi.

- Mẹ vẫn chưa về:

+ Em “chưa nhìn thấy mẹ”

+ Đồng lúa thì “lẫn vào đêm”

+ Ngọn lửa “chưa nhen”

+ Căn nhà “trống trải”

=> Cảnh vật buồn hiu hắt như đang ngóng đợi mẹ về cùng em bé

=> Em bé yêu mẹ rất nhiều, em biết mẹ đang phải lao động cực khổ, kiếm từng đồng tiền nuôi em, em mong ngóng mẹ về mà không chịu đi ngủ, em cứ thức chờ mẹ mãi… Nhà thơ Vũ Quần Phương xa mẹ từ khi còn nhỏ. Có lẽ vì vậy mà khi viết về mẹ, mỗi vần thơ của ông đều như chạm đến những cảm xúc sâu lắng nhất trong lòng người đọc. Đó là biểu hiện của tình mẫu tử thiêng liêng.

b) Em bé đợi mẹ đến khuya, mẹ mới về

- Bối cảnh: “Trời về khuya”

- Cảnh vật: Đom đóm bay ngoài ao, đom đóm đã vào nhà, “Trời về khuya lung linh trắng”, “vườn hoa mận trắng”

=> Cảnh vật có phần tươi hơn dù đêm đã muộn, vui theo nỗi vui của em bé khi mẹ đã về nhà.

- Mẹ đã về:

+ Sau một ngày làm lụng cần mẫn, “bàn chân mẹ lội bùn ì oạp phía đồng xa”

+ Mẹ đã về nhưng trong em bé, “nỗi đợi vẫn nằm mơ”

=> Sau một ngày làm việc vất vả, mẹ trở về nhà, âu yếm yêu thương bế em bé đi ngủ. Em rất thương mẹ, nhưng dường như ngày nào mẹ cũng đi làm về muộn, em ngày nào cũng đợi ngóng mẹ về, giờ hành động đó đã quen đến nỗi trong mơ em vẫn mơ là mình đang đợi mẹ về.

=> Những bài thơ viết về mẹ luôn có sức lay động, truyền cảm đặc biệt, bởi tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người. Ai trong thẳm sâu tâm hồn, trái tim mình đều có hình bóng người mẹ kính yêu.

c) Cảm nhận của em về nội dung, nghệ thuật của bài thơ

- Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ

- Nêu lý do khiến em yêu thích chi tiết, hình ảnh, khía cạnh nội dung hay nghệ thuật của bài thơ

3. Kết đoạn:

- Khái quát lại cảm nghĩ của bản thân về bài thơ Đợi mẹ.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Đợi mẹ, có lẽ là hình ảnh rất quen thuộc đối với nhiều trẻ em Việt Nam. Và trong bài thơ Đợi mẹ của nhà thơ Vũ Quần Phương, ta thấy hình ảnh em bé ngồi đợi mẹ từ sáng đến khi trời tối. Em ngồi đợi mẹ đi làm về trong căn nhà trống trải. Đây là một hình ảnh rất xúc động. Tuy còn nhỏ nhưng em bé trong bài thơ đã hiểu rất nhiều, mẹ còn phải đi làm vất vả nên bé chỉ lặng lẽ ngồi đợi mẹ đi làm về mà không làm nũng hay mè nheo. Đợi mẹ cho đến lúc trăng lên, mẹ vẫn chưa về, bé đợi mẹ lâu quá nên đã thiếp ngủ quên. Bài thơ Đợi mẹ của nhà thơ Vũ Quần Phương thực sự đã làm rung động trái tim người đọc bởi tình cảm yêu thương mẹ thiết thiết và rất hồn nhiên của trẻ nhỏ. Có lẽ “đợi mẹ” đã, đang và sẽ tiếp tục truyền được ngọn lửa thiêng liêng của tình mẫu tử đến với vô vàn bạn đọc.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Có thể nói tình mẫu tử là thứ tình cảm thiêng liêng đủ sức lay động trái tim của mỗi con người. Sâu thẳm bên trong trái tim của mỗi người, hình ảnh người mẹ kính yêu luôn luôn hiện hữu và khắc ghi dấu ấn. Và thứ tình cảm sâu lắng ấy đã được nhà thơ Vũ Quần Phương khắc họa chân thực và rõ nét trong bài thơ “Đợi mẹ” của mình. Hình ảnh người mẹ tần tảo trên cánh đồng trong trời đêm gợi lên trong tâm trí người đọc bao nỗi niềm day dứt. Người mẹ nào cũng thương con, người mẹ nào cũng muốn được trở về nhà với đứa con của mình. Thế nhưng bởi cuộc sống mưu sinh ngoài kia, vì con vì cái, mẹ phải cặm cụi sớm hôm, vất vả lo lắng cuộc sống cho đứa con thơ của mình. Thông qua sự mong ngóng đợi mẹ của em bé, nhà thơ muốn người đọc cảm nhận được tình yêu thương của người con đối với đấng sinh thành đồng thời là tình mẫu tử thiêng liêng ngút trời. Thêm vào đó, nhà thơ còn khắc họa thành công, đầy cảm động hình ảnh lam lũ, chịu thương chịu khó của những bà mẹ Việt Nam.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Bài thơ "Đợi mẹ" của tác giả Vũ Quần Phương được viết lên từ những rung cảm chân thành, xúc động của một tâm hồn luôn khát khao tình yêu thương của mẹ. Nhà thơ Vũ Quần Phương xa mẹ từ khi còn nhỏ. Có lẽ vì vậy mà khi viết về mẹ, mỗi vần thơ của ông đều như chạm đến những cảm xúc sâu lắng nhất trong lòng người đọc. Bài thơ kể cho chúng ta nghe về câu chuyện muôn thuở của trẻ thơ: Đợi mẹ. Bài thơ có số câu chữ không nhiều, lời thơ giản dị, tự nhiên, ngôn từ giàu sức gợi.. đã mang đến thật nhiều xúc cảm sâu lắng trong lòng người đọc. Qua "nỗi đợi" của em bé về mẹ, bài thơ giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của em dành cho mẹ, vị trí đặc biệt của mẹ trong tâm hồn em. Đồng thời, bài thơ còn khắc họa một cách chân thực, cảm động hình ảnh người mẹ tần tảo, lam lũ vì mưu sinh, và vì con.

Bài tham khảo Mẫu 1

Bài thơ Đợi mẹ của nhà thơ Vũ Quần Phương là bài thơ viết theo thể thơ tự do mà em ấn tượng nhất. Bài thơ với các câu thơ dài ngắn bất đồng, không theo một quy luật cố định nào. Đặc biệt, có những câu thơ còn được tạo nên từ hai câu ngắn. Đặc điểm thú vị đó đã khiến bài thơ đồng nhất với mạch cảm xúc phập phồng của người con khi đang chờ mẹ về. Sự gắn kết giữa những dòng thơ với thủ pháp gieo vần lưng, đã nối các cung bậc cảm xúc ấy lại, tạo thành một dải nối liền. Nhân vật trữ tình là một em bé, đang chờ mẹ đi làm đồng chưa về. Điệp ngữ “em bé nhìn” xuất hiện ba lần đã khắc họa rõ hành động của em. Em đang chờ mẹ, chờ sự xuất hiện của mẹ từ các hướng xung quanh mình. Đầu tiên em nhìn lên cao, nhìn vầng trăng nhưng không thấy mẹ. Rồi em nhìn ra ra trước mặt, xa xăm - đó là cánh đồng lúa, nhưng nó đã lẫn vào bóng tối rồi nên em chẳng thấy mẹ. Cuối cùng em nhìn vào trong nhà, nơi vốn phải ấm áp nay lại lạnh lẽo trống trải, bởi mẹ vẫn chưa về, nên bếp lửa còn chưa nhen. Dường như, cả trăng, cả cánh đồng, cả bếp lửa và cả đom đóm đều cùng em bé nhớ mẹ. Tất cả nằm im, không làm gì cả, chỉ ngồi đó và khắc khoải chờ mẹ mà thôi. Cuối cùng, nỗi nhớ ấy đã được bộc bạch trực tiếp qua hình ảnh “chờ tiếng bàn chân mẹ”. Trời đã tối quá rồi, em không thể nhìn thấy dáng mẹ bằng mắt trong đêm đen, nên chuyển sang ngóng đợi tiếng bàn chân của mẹ. Đó là âm thanh mẹ đang lội bùn ì oạp ở đồng xa. Cuối bài thơ, người mẹ đã trở về nhà nhưng con đã ngủ quên mất. Người con ngủ say rồi nhưng vẫn còn chờ mẹ. Sự chờ đợi ấy đi theo em cả vào giấc mơ, ngự trị trong tâm trí non nớt của em. Chính vì vậy, mà tác giả đã hoán dụ hình ảnh người con trong “nỗi đợi vẫn nằm mơ”. Qua bài thơ Đợi mẹ, em cảm nhận được tình yêu thương thuần khiết và sâu sắc của người con dành cho mẹ của mình. Dù trời đã tối, dù xung quanh có những sự vật tươi đẹp như trăng non, đom đóm, hoa mận… thì em vẫn chỉ chăm chú đợi mẹ về. Mẹ là tất cả yêu thương, là tất cả nỗi mong chờ, là cả thế giới của em. Tình mẫu tử đã hiện lên qua bài thơ thiêng liêng như thế đó.

Bài tham khảo Mẫu 2

Đợi mẹ là một bài thơ đậm chất trữ tình của nhà thơ Vũ Quần Phương. Lời bài thơ cũng là mạch suy nghĩ, cảm xúc của người con khi chờ mẹ của mình đi làm về. Đó là nỗi nhớ, là sự mong chờ, là tình yêu thương nồng ấm dành cho mẹ. Tình cảm ấy đong đầy, không gì có thể đong đếm được, nên nhà thơ đã khéo léo chọn thể thơ tự do không có bất kì quy luật nào để khắc họa. Trong bài thơ, sự ngóng chờ tha thiết của bạn nhỏ được thể hiện qua điệp ngữ “em bé nhìn”. Hành động ấy lặp đi lặp lại nhiều lần, cho thấy bạn nhỏ rất mong được gặp mẹ. Bạn nhỏ chờ mẹ từ khi trời còn sáng, cho đến khi trăng đã lên cao, đến khi lúa đã lẫn vào trong bóng tối. Thiếu bóng mẹ, ngôi nhà lạnh lẽo, im lắng lạ kì. Sự trống vắng của ngôi nhà chính là hiện thân của sự cô đơn, lạnh lẽo trong lòng người con. Mặc kệ mọi thứ diễn ra xung quanh, bạn nhỏ đã chờ mẹ đến khi ngủ thiếp đi, và cả trong giấc mơ, bạn nhỏ vẫn tiếp tục chờ mẹ của mình. Không một câu thơ nào nói rằng bạn nhỏ yêu mẹ. Nhưng chính hình ảnh bạn nhỏ ấy tha thiết mong chờ mẹ trở về ấy đã gián tiếp nói lên tình cảm thiêng liêng, chân thành mà đứa trẻ dành cho mẹ của mình. Tình cảm ấy hóa thân thành hành động, đi cả vào trong tiềm thức của cậu. Có thể nói, bài thơ Đợi mẹ thực sự đã chạm đến trái tim người đọc một cách sâu sắc bằng những hình ảnh bình dị nhất.

Bài tham khảo Mẫu 3

Khi còn thơ bé, mỗi người đều đã từng chờ đợi, mong ngóng mẹ trở về. Cảm giác thấp thỏm, ngóng chờ có lẽ đã quá quen thuộc. Và em bé trong bài thơ cũng vậy, em đang chờ mẹ đi làm về. Khi trời tối, màn đêm bao trùm lấy vạn vật. Vầng trăng non” đã lên tới đỉnh đầu, “đom đóm” bay từ ngoài ao bay vào tới trong nhà. Nhưng mẹ vẫn chưa đi làm về. Em bé chỉ biết ngồi nhìn ra cánh đồng phía xa.

Hình dáng của mẹ như lẫn dần vào cánh đồng. Mẹ vẫn đang vất vả lao động trên cánh đồng vì cuộc sống mưu sinh. Bóng tối dần ùa về kéo theo nỗi sợ hãi quẩn quanh tâm hồn đứa trẻ. Mẹ chưa về nên bếp chưa lên lửa, căn nhà cũng thật trống trải.

Em bé ngóng chờ tiếng bước chân quen thuộc vang lên. Nhưng bước chân đó vẫn đang “ì oạp” nơi đồng xa. Từ “ì oạch” gợi ra sự nặng nhọc, vất vả của mẹ. Đôi chân của mẹ đang phải lội trên cánh đồng mênh mông là nước. Đọc đến đây, có lẽ, mỗi người đều cảm thấy xúc động nghẹn ngào và thương mẹ biết bao.

Dường như, việc chờ đợi mẹ về đã trở thành một thói quen, bởi vậy mà nó đã đi sâu vào tâm thức hay thậm chí là đi cả vào trong những giấc mơ. Trong cả cơn mơ, em cũng vẫn thấp thỏm mong mẹ về.

Bài thơ “Đợi mẹ” với dung lượng ngắn gọn, ngôn ngữ giản dị và giọng thơ tự nhiên nhưng đã thể hiện được tình cảm mẫu tử đẹp đẽ. Cùng với đó, nhà thơ còn khắc họa thành công, đầy cảm động hình ảnh lam lũ, chịu thương chịu khó của những bà mẹ Việt Nam.

Như vậy, Đợi mẹ của Vũ Quần Phương là một trong những tác phẩm hay viết về tình mẫu tử. Bài thơ đã gợi cho người đọc thật nhiều cảm xúc đẹp đẽ.


Cùng chủ đề:

Viết đoạn văn (khoảng 10 dòng) phát biểu cảm nhận về lòng yêu nước của Trần Quốc Tuấn được thể hiện qua văn bản Hịch tướng sĩ
Viết đoạn văn cảm nhận về hình ảnh người bà trong bài thơ "Bếp lửa" hay nhất
Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật Giuốc Đanh trong đoạn trích kịch Trưởng giả học làm sang
Viết đoạn văn cảm nhận về vấn đề được đặt ra trong văn bản Diễn từ ứng khẩu của thủ lĩnh da đỏ Xi - Át - Tơn
Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ Lời con lớp 8
Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ Đợi mẹ lớp 8
Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ sáu chữ, bảy chữ, tự do lớp 8
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lá đỏ lớp 8
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Nắng mới lớp 8
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Nhớ đồng lớp 8
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Đồng chí lớp 8