Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Nhớ đồng lớp 8 — Không quảng cáo

Tổng hợp 50 bài văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ sáu


Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Nhớ đồng lớp 8

1. Mở đoạn: - Giới thiệu tác giả Tố Hữu và bài thơ Nhớ đồng.

Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu tác giả Tố Hữu và bài thơ Nhớ đồng.

2. Thân đoạn:

- Cảm hứng của bài thơ được gợi lên từ tiếng hò:

+ Tiếng hò được lặp lại nhiều lần. Tiếng hò lẻ loi đơn độc giữa trời trưa, nhân vật trữ tình cảm nhận được sự hiu quạnh.

+ Lòng người đang bị giam cầm trong tù ngục cách biệt với cuộc sống bên ngoài.

+ Tiếng hò đã đồng cảm, hòa điệu của nhiều nỗi hiu quạnh. Người chiến sĩ cách mạng thấy nhớ nhung da diết đồng quê, cuộc sống bên ngoài nhà tù.

- Đồng quê thể hiện lên đậm đà nỗi nhớ của tác giả:

+ Cồn thơm, ruồng tre mát, ô mạ xanh mơn mởn, nương khoai ngọt sắn bùi, chiều sương phủ bãi đồng, xóm làng và con đường thân thuộc, xóm nhà tranh thấp, con đường quen. Tất cả đều đơn sơ gần gũi quen thuộc, thân thương bị ngăn cách.

+ Con người gần gũi thân thuộc thân thương.

+ Nỗi nhớ chân thật đậm tình thương mến.

- Nhớ đến bản thân mình:

+ Nhớ tới những ngày tháng tự do hoạt động cách mạng.

+ Say mê lý tưởng, khao khát tự do sôi nổi, càng cảm thấy cô đơn với thực tại cuộc sống bị giam cầm.

- Nỗi nhớ biểu hiện tâm trạng nhà thơ:

+ Từ tiếng hò gợi nỗi nhớ đồng quê tha thiết: Hình ảnh đồng quê hiện lên đậm đà với: cồn thơm, ruộng tre mát, mạ xanh mơn mởn, khoai ngọt sắn bùi, chiều sương phủ bãi đồng, xóm làng, con đường thân thuộc, những hình ảnh gần gũi, quen thuộc, thân thương nay đã trở nên xa cách.

+ Nỗi nhớ bao con người thân thuộc: từ cảnh sắc bóng dáng con người, người mẹ già nua, nhớ chính mình.

+ Nỗi nhớ trải dài từ hiện tại trở về quá khứ đến hiện tại.

3. Kết đoạn:

- Đây là bài thơ hay, giàu cảm xúc và tâm trạng của một người chiến sĩ khao khát tự do và hành động. Nỗi nhớ đồng quê, con người, chính mình biểu hiện tình yêu da diết với cuộc sống bên ngoài nhà tù và bao trùm hơn hết là tình yêu Tổ quốc, khát vọng tự do.

Bài siêu ngắn Mẫu 1

Nhớ đồng là một áng thơ hay chứa đựng những cảm xúc chân thật và da diết nhất của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ là những cảm xúc của một người lính cách mạng đang bị giam cầm trong nhà lao. Khi bị nhốt trong không gian bí bách ấy, một âm thanh vang lên từ thế giới bên ngoài đã đánh thức những hồi ức đẹp đẽ nhất của anh. Những hồi ức ấy là một miền quê yên bình, hạnh phúc. Nơi đó có cánh đồng lúa rộng lớn, có những mái nhà tranh. Và hơn cả, có người mẹ già của anh đang ngày ngày chờ đợi con về. Khung cảnh trong quá khứ càng tươi đẹp bao nhiêu, thì thực tại càng bi đát, ngột ngạt bấy nhiêu. Từng suy nghĩ, cung bậc cảm xúc ấy được nhà thơ bộc lộ một cách trực tiếp, không chút hoa mĩ, ẩn dụ. Nhờ vậy đã tạo nên một tác phẩm thơ mang đậm đặc trưng của Tố Hữu.

Bài siêu ngắn Mẫu 2

Nhớ đồng là bài thơ bộc bạch những tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình - cũng chính là nhà thơ Tố Hữu khi bị giam cầm trong lao ngục. Vốn là một người tự do về thể xác lẫn tâm hồn, được nhiệt thành hoạt động cho cách mạng. Vậy mà bỗng nhiên, anh lại bị giam cầm trong bốn bức tường. Một âm thanh vang lên từ thế giới bên ngoài thôi cũng đủ để đánh thức những kỉ niệm vốn ngủ sâu trong kí ức của anh. Đó là những hồi ức về một miền quê thanh bình có cánh đồng lúa mênh mông, có mái nhà tranh mờ khói, có người mẹ già tần tảo cô đơn. Những hình ảnh ấy khiến cho ngục tù càng thêm bí bách, chật chội và ngột ngạt đến khó thở. Tác giả đã thể hiện những cảm xúc, suy tư của mình một cách trực tiếp qua các cụm từ “gì đâu bằng”, “đâu những”. Từ đó, giúp người đọc cảm nhận được nỗi khát vọng được tự do, được trở về quê hương yêu dấu của tác giả.

Bài siêu ngắn Mẫu 3

Nhớ đồng là một trong những bài thơ hay của Tố Hữu. Nhân vật “tôi” là một người chiến sĩ cách mạng đang bị nhốt giam trong nhà tù. Bỗng nhiên, một tiếng hò vang lên, đánh thức kỉ niệm cùng với nỗi nhớ về hình ảnh cánh đồng, hay chính là về quê hương. Cụm từ “gì sâu bằng…” cùng với “đâu những… ” được điệp lại nhiều lần, gợi ra nỗi day dứt tìm kiếm trở về với cuộc sống khi xưa, tìm kiếm sự yên bình nơi quê hương. Bức tranh đồng quê lần lượt hiện ra với cảnh đồng lúa, khóm tre, nương rẫy hay những mái nhà tranh hay cả hình ảnh con người với những người nông dân quanh năm cơ cực, chất phác và bóng dáng người mẹ già đơn chiếc. Tất cả khiến cho “tôi” càng thêm cô đơn, trống trải và xót xa trước hoàn cảnh ngục tù. Nỗi nhớ được bộc lộ một cách trực tiếp, giúp người đọc cảm nhận rõ ràng hơn. Có thể thấy rằng, “Nhớ đồng” là một tác phẩm giàu cảm xúc, vẫn mang đậm dấu ấn phong cách Tố Hữu.

Bài tham khảo Mẫu 1

Tố Hữu là nhà thơ lớn của nền thơ hiện đại Việt Nam. Với bảy tập thơ lớn, thơ ông được xem là biên niên sử bằng thơ của cách mạng Việt Nam. Đối với Tố Hữu, con đường thơ ca cũng là con đường cách mạng. Thơ ông song hành với con đường cách mạng và phản ánh những chặng đường cách mạng quan trọng của dân tộc. Bài thơ Nhớ đồng là nỗi niềm thương nhớ đồng quê, cảnh vật con người, đồng bào đồng chí của người tù cộng sản trẻ tuổi trong những ngày tháng bị giam ở nhà lao Thừa Thiên Huế. Tháng 7 năm 1939 Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt và giam tại nhà tù Thừa Thiên Huế. Tuy bị giam cầm trong tù ngục nhưng ông vẫn làm thơ. Bài thơ Nhớ đồng được sáng tác trong hoàn cảnh đó và được trích trong tập thơ: Từ ấy trong phần xiềng xích. Đây là một bài thơ tiêu biểu của tập thơ Từ ấy. Đồng quê hiện lên rất đậm nét qua nỗi nhớ của tác giả. Đó là những cảnh sắc như đồng ruộng với những cồn thơm, ô mạ xanh mơn mởn, nương khoai sắn ngọt bùi; xóm nhà chìm lặng, con đường mòn mỏi theo năm tháng. Tất cả đều là những cảnh sắc đơn sơ quen thuộc mà rất đỗi thân thương. Là những bóng dáng người lao động lam lũ, nhọc nhằn, và nhất là bóng dáng người mẹ già đơn chiếc - những kiếp người muôn đời gắn bó với đất đai. Họ chất phác và bền bỉ như đất đai. Những vần thơ như vậy trong Nhớ đồng nói riêng và tập thơ Từ ấy nói chung giúp ta thêm hiểu và trân trọng thế hệ cha anh, sẽ mãi còn vang ngân trong lòng các thế hệ tương lai.

Bài tham khảo Mẫu 2

Nhớ đồng của Tố Hữu là một trong số những bài thơ tiêu biểu phản ánh tâm trạng cô đơn, buồn nhớ của người tù trẻ tuổi bị tách biệt khỏi môi trường hoạt động sôi nổi, phải xa đồng bào, đồng chí Những tâm tư ấy được thể hiện trong bài thơ Nhớ đồng một cách thâm trầm, da diết. Qua bài thơ Nhớ đồng đã góp phần cụ thể hóa thành nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân, nhớ những ngày được sống trong tình cảm yêu thương, nồng ấm. Tiếng thơ cất lên trong ngục tù, vọng nỗi niềm khắc khoải thiết tha của chàng thanh niên 19 tuổi Tố Hữu hướng về cuộc sống tự do, tất cả những hình ảnh, cảm xúc hòa quyện làm thành một nỗi nhớ gắn kết nhà thơ với thế giới bên ngoài. Nhớ đồng viết trong phần “Xiềng xích” của tập thơ “Từ ấy”, trong cái im ắng không gian trưa để tác giả nghe tiếng vọng lòng mình rõ nhất. Nỗi nhớ mênh mang được ví với hình ảnh so sánh: Như cánh chim buồn nhớ gió mây đã thể hiện thần tình nỗi nhớ đồng, thực chất là nỗi nhớ quê hương, đồng bào, đồng chí, đồng thời là khao khát tự do mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng đang chịu cảnh tù đày. Cánh chim đó, cánh chim của tự do,của tình yêu quê hương,cánh chim bay vút lên để đón nhận lí tưởng cao đẹp.

Bài tham khảo Mẫu 3

Nhớ đồng là bài thơ góp phần diễn tả thành công tâm trạng của người tù cộng sản, đó là những cảm xúc hết sức chân thực, những nỗi nhớ thương cứ lặp đi lặp lại thể hiện khao khát tự do cháy bỏng cùng với đó là tình yêu quê hương sâu sắc của người thanh niên yêu nước đang sục sôi nhiệt huyết. Từ chính những cảm xúc đó càng thôi thúc tác giả quyết tâm nung nấu ý chí để vượt lên khó khăn thách thức. Nhà thơ bộc bạch trọn vẹn nhất cái tôi của mình. Không phải là một cái tôi buồn, cô đơn và yếu đuối như các thi sĩ lãng mạn đồng trang lứa mà là cái tôi tràn đầy tình yêu và niềm tin với cuộc đời. Hình ảnh thơ tái hiện lại khoảnh khắc xúc động và thiêng liêng khi nhà thơ đứng vào đội ngũ chiến đấu: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ - Mặt trời chân lí chói qua tim…”. Không còn những do dự, “vẩn vơ”, “quanh quẩn” của thuở “Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” mà thực sự nhà thơ đã trưởng thành, vững vàng một niềm tin, sẵn sàng chiến đấu cho lí tưởng. Dẫu cho thực tại, nhà thơ phải chịu cảnh tù đày, nhưng vẫn “mơ qua cửa khám bao ngày”, hướng lòng mình về cuộc sống tự do, dẫu có chút ngậm ngùi “như cánh chim buồn nhớ gió mây” nhưng vẫn ánh lên một khát vọng được tung cánh, được bay nhảy trong vùng trời tự do.

Tố Hữu thông qua nỗi nhớ, xác lập các mối liên hệ với thế giới bên ngoài, thấm thía cả vẻ đẹp và nỗi buồn cuộc đời, gửi gắm tình yêu cuộc sống và cũng là nhận thức của người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, vừa da diết bâng khuâng vừa hăm hở sôi nổi. Có một cái Tôi - chiến sĩ và thi sĩ - càng lúc càng đằm thắm, đầy tinh thần lạc quan tin tưởng vào lý tưởng, trên tinh thần “dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa”!


Cùng chủ đề:

Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ Lời con lớp 8
Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ Đợi mẹ lớp 8
Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ sáu chữ, bảy chữ, tự do lớp 8
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Lá đỏ lớp 8
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Nắng mới lớp 8
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Nhớ đồng lớp 8
Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ Đồng chí lớp 8
Viết đoạn văn giới thiệu văn bản Những ngôi sao xa xôi
Viết đoạn văn khái quát nội dung, nghệ thuật chính của truyện Lợn cưới áo mới
Viết đoạn văn mẫu lớp 8 Kết nối tri thức
Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về hình ảnh bếp lửa trong bài thơ Bếp lửa