Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về 7 câu thơ đầu bài thơ "Đồng chí" - Chính Hữu — Không quảng cáo

Văn mẫu 9 - Phân tích, cảm nhận, dàn ý, thuyết minh, tự sự và nghị luận lớp 9 hay nhất Tổng hợp các đoạn văn nghị luận về tác phẩm Đồng chí


Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về 7 câu thơ đầu bài thơ "Đồng chí" - Chính Hữu

Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về 7 câu thơ đầu bài thơ "Đồng chí" - Chính Hữu hay nhất

Ngay từ những câu thơ mở đầu bài thơ “ Đồng chí ”, Chính Hữu đã lí giải những cơ sở hình thành tình đồng chí thắm thiết, sâu nặng của “anh” và “tôi” – của những người lính cách mạng.

Quê hương anh nước mặn, đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Anh với tôi đôi người xa lạ

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,

Súng bên súng, đầu sát bên đầu,

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.

Đồng chí!

Thành ngữ “nước mặn đồng chua” và hình ảnh “đất cày lên sỏi đá”, giọng điệu thủ thỉ tâm tình như lời kể chuyện, cùng nghệ thuật sóng đôi, tác giả cho thấy tình đồng chí, đồng đội bắt nguồn sâu xa từ sự tương đồng cùng cảnh ngộ. Họ là những người nông dân áo vải, ra đi từ những miền quê nghèo khó – miền biển nước mặn, vùng đồi núi trung du. Không hẹn mà nên, những người nông dân ấy gặp nhau tại một điểm: lòng yêu nước. Tình yêu quê hương, gia đình, nghĩa vụ công dân thúc giục họ lên đường chiến đấu. Bởi thế nên từ những phương trời xa lạ, mọi người “chẳng hẹn mà quen nhau”. Giống như những anh lính trong bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên: Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ - Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ - Quen nhau từ buổi “một, hai” – Súng bắn chưa quen – Quân sự mươi bài – Lòng vẫn cười vui kháng chiến”. Trong môi trường quân đội, đơn vị thay cho mái ấm gia đình, tình đồng đội thay cho tình máu thịt. Cái xa lạ ban đầu nhanh chóng bị xóa đi. Sát cánh bên nhau chiến đấu, càng ngày họ càng cảm nhận sâu sắc về sự hòa hợp, gắn bó giữa đồng đội cùng chung nhiệm vụ và lí tưởng cao đẹp: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Hình ảnh sóng đôi, các điệp từ “súng”, đầu”, giọng điệu thơ trở nên tha thiết, trầm lắng như nhấn mạnh tình cảm gắn bó của người lính trong chiến đấu. Họ đồng tâm, đồng lòng, cùng nhau ra trận đánh giặc để bảo vệ đất nước, quê hương, giữ gìn nền độc lập, tự do, sự sống còn của dân tộc – “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và chính sự đồng cảnh, đồng cảm và hiểu nhau đã giúp các anh gắn bó với nhau, cùng sẻ chia mọi gian lao thiếu thốn của cuộc đời người lính: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Từ gian khó, hiểm nguy, tình cảm trong họ đã nảy nở và họ đã trở thành những người bạn tâm giao, tri kỉ, hiểu nhau sâu sắc, gắn bó thành đồng chí. Hai tiếng “Đồng chí” kết thúc khổ thơ thật đặc biệt, sâu lắng! Nó như một nốt nhạc làm bừng sáng cả đoạn thơ, là điểm hội tụ, nơi kết tinh của bao tình cảm đẹp mà chỉ có ở thời đại mới: tình giai cấp, tình đồng đội, tình bạn bè trong chiến tranh.

(Nguồn: Facebook)


Cùng chủ đề:

Viết đoạn văn khoảng 10 câu phân tích hình ảnh Lục Vân Tiên trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Viết đoạn văn khoảng 12 câu nêu cảm nhận của em về khổ 2 trong bài Viếng lăng Bác. Trong đoạn văn có sử dụng câu bị động và thành phần tình thái (gạch chân)
Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ của em về nhân vật Trương Sinh trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam xương của Nguyễn Dữ
Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về tình bà cháu trong bài thơ Bếp lửa
Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về tình đồng chí
Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về 7 câu thơ đầu bài thơ "Đồng chí" - Chính Hữu
Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về 8 câu thơ giữa văn bản "Kiều ở lầu Ngưng Bích"
Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhan đề "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"
Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhan đề Bến quê trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu?
Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải
Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về sắc đẹp của nhân vật Thuý Kiều trong những câu thơ dưới đây: Kiều càng sắc sảo mặn mà…. Liễu hờn kém xanh ( Truyện Kiều – Nguyễn Du)