Bài 10. Thực hành: Tìm hiểu về địa lí dân cư Việt Nam - SGK Địa lí 12 Chân trời sáng tạo
Dựa vào kiến thức đã học và các nguồn tài liệu thu thập được, hãy viết báo cáo giới thiệu về một trong các chủ đề: Chủ đề 1. Cơ cấu dân số: theo tuổi, giới tính, dân tộc. Chủ đề 2. Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động; sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế. Chủ đề 3. Đô thị thông minh, vùng đô thị.
Đề bài
Dựa vào kiến thức đã học và các nguồn tài liệu thu thập được, hãy viết báo cáo giới thiệu về một trong các chủ đề:
Chủ đề 1. Cơ cấu dân số: theo tuổi, giới tính, dân tộc.
Chủ đề 2. Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động; sự chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế.
Chủ đề 3. Đô thị thông minh, vùng đô thị.
Phương pháp giải - Xem chi tiết
Thu thập thông tin qua sách, tivi, internet,…
Lời giải chi tiết
Cơ cấu dân số theo giới tính ở Việt Nam
Hiện tại, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam đang ở mức 112,1 bé trai/100 bé gái, dù tỷ số này có sự thay đổi qua các năm nhưng hiện vẫn đang ở mức cao hơn so với mức cân bằng tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái.
Số liệu của Cục Dân số - Bộ Y tế cho thấy, mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn hơn một số nước nhưng tăng rất nhanh, xảy ra ở cả thành thị và nông thôn. Tại nhiều tỉnh miền Tây Nam Bộ có tỷ số dưới 108, trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại một số tỉnh miền núi phía Bắc còn cao.
Nếu Việt Nam không thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi tỷ số giới tính khi sinh giữa bé trai và bé gái, sự dư thừa nam giới sẽ tăng từ 563,5 nghìn người nam năm 2019 lên 1,4 triệu người nam năm 2059, tương ứng sẽ dư từ 3,5% lên 9,7% tổng số nam giới của Việt Nam.
Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của cá nhân, gia đình, dòng tộc mà còn để lại những hệ lụy không tốt, tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước cả trong hiện tại và tương lai.
Trên phương diện xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ tuổi sẽ bị dư thừa so với nữ do tỷ lệ nữ giới đang giảm dần trong cùng một thế hệ và kết quả là họ có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi kết hôn.
Để hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới, cần thực hiện mạnh mẽ các chính sách kinh tế – xã hội nhằm cải thiện vấn đề bình đẳng giới, cần nâng cao địa vị của phụ nữ trong xã hội khắc phục tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế có chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái.