Bài 11. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Đông Nam Á - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống — Không quảng cáo

Soạn Địa 11, giải bài tập Địa Lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống Phần 2. Địa lí khu vực và quốc gia


Bài 11. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Đông Nam Á - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống

Nêu đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ khu vực Đông Nam Á. Phân tích những thuận lợi và khó khăn của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

? mục I

Dựa vào thông tin mục I và hình 11.1, hãy:

- Nêu đặc điểm vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ khu vực Đông Nam Á.

- Phân tích những thuận lợi và khó khăn của vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Phương pháp giải:

Đọc và nghiên cứu kỹ số liệu, thông tin trong hình và kiến thức được học trong bài

Lời giải chi tiết:

1. Phạm vi lãnh thổ

- Kéo dài từ 10º Nam đến 28º Bắc và 92º Đông đến 152º Đông;

- Bao gồm 11 quốc gia: hệ thống bán đảo, đảo và quần đảo đan xen biển và vịnh phức tạp;

- Diện tích: 4,5 triệu km2

- Đông Nam Á được chia thành 2 khu vực địa lý:

Đông Nam Á lục địa

Đông Nam Á hải đảo

2. Vị trí địa lý

- Nằm ở phía đông nam châu Á.

- Nằm ở khu vực nội chí tuyến.

- Là nơi tiếp giáp giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương

- Có vị trí cầu nối giữa lục địa Á-Âu với lục địa Ô-xtrây-li-a.

3. Ảnh hưởng của vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực là:

Tích cực

-Tạo nên sự đa dạng về địa hình, khí hậu, hệ động - thực vật, khoáng sản,…

-Thuận lợi phát triển các ngành kinh tế biển

-Nơi giao thoa của các nền văn hoá, tạo nên sự đa dạng về văn hoá, xã hội của khu vực

-Phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới do nằm trong khu vực nội chí tuyến

-…

Tiêu cực

-Vị trí địa – chính trị quan trọng nên thường xuyên bị sự nhòm ngó của các nước đế quốc

-Chịu nhiều thiên tai, bão lũ,…

-…

? mục II

Dựa vào thông tin mục II, hình 11.1, hãy:

- Trình bày đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên Đông Nam Á.

- Phân tích ảnh hưởng của một trong các điều kiện tự nhiên và tài ngueyen thiên nhiên đến phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Phương pháp giải:

Đọc và nghiên cứu kỹ số liệu, thông tin trong hình và kiến thức được học trong bài

Lời giải chi tiết:

1. Đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của Đông Nam á

a. Địa hình

Đông Nam Á lục địa

- Địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam hoặc Bắc – Nam, xen giữa núi là các thung lũng rộng, ven biển có đồng bằng phù sa màu mỡ.

- Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa.

- Khoáng sản nhiều than đá, dầu mỏ, sắt, thiếc…

Đông Nam Á biển đảo

- Nhiều đảo với nhiều núi lửa, ít sông lớn nên ít đồng bằng lớn.

- Khí hậu xích đạo và nhiệt đới ẩm.

- Khoáng sản nhiều than đá, dầu mỏ, sắt, thiếc, đồng...

b. Khí hậu, sông ngòi và cảnh quan

- Khí hậu: mang tính chất gió mùa.

+ Mùa hạ: gió tây nam nóng ẩm, mang mưa nhiều cho khu vực.

+ Mùa đông: gió có tính chất lạnh, khô.

- Vùng chịu ảnh hưởng lớn của bão nhiệt đới, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

c. Sông ngòi

+ Phần đất liền: có một số sông lớn như sông Mê Công, sông Hồng, sông Mê Nam, Xa-lu-en, I-ra-oa-đi,...

+ Phần hải đảo có sông nhỏ, ngắn, dốc.

d. Sinh vật

- Rừng nhiệt đới ẩm thường xanh, rừng rụng lá theo mùa, rừng thưa và xa van cây bụi.

- Đa dạng về hệ sinh thái, như hệ sinh thái rừng nguyên sinh, hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô,…

e. Khoáng sản

- Nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú như: thiếc, đồng, than, dầu mỏ, khí tự nhiên,… Trong đó, trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên lớn, có giá trị kinh tế cao, phân bố ở các thềm lục địa.

f. Biển

- Có vùng biển rộng lớn, thông qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

- Các biển nằm trong khu vực nội chí tuyến; đường bờ biển nhiều vũng, vịnh, đầm phá, tài nguyên khoáng sản và sinh vật phong phú,…

2. Ảnh hưởng của sông, hồ đến phát triển kinh tế - xã hội

- Do ảnh hưởng của kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa => Mưa nhiều => Mạng lưới sông dày và có nhiều sông lớn.

- Do ảnh hưởng của chế độ mưa gió mùa => Các sông có lượng nước lớn nhất vào cuối hạ đầu thu và thời kì cạn nhất vào cuối đông đầu xuân.

- Các sông có vai trò cung cấp nước, sinh hoạt, sản xuất tạo điều kiện thuận lợi để đánh bắt, nuôi trồng thuỷ sản.

- Một số sông có tiềm năng lớn về thuỷ điện, thuận lợi phát triển giao thông đường thuỷ,…

- Ở Đông Nam Á có nhiều hồ, có vai trò điều tiết nguồn nước, là nơi dự trữ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất, nuôi trông và đánh bắt thuỷ sản. Ngoài ra, xung quanh hồ có nhiều cảnh đẹp thuận lợi để phát triển du lịch,…

? mục III 1

Dựa vào thông tin mục 1 và hình 11.4, hãy:

- Nêu đặc điểm dân cư nổi bật khu vực Đông Nam Á.

- Phân tích tác động của đặc điểm dân cư tới phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Phương pháp giải:

Đọc và nghiên cứu kỹ số liệu, thông tin trong hình và kiến thức được học trong bài

Lời giải chi tiết:

Đặc điểm dân cư

– Đông Nam Á là khu vực đông dân trên thế giới, mật độ dân số cao, trung bình 148 người/km2, chiếm khoảng 8% dân số thế giới (Năm 2020).

– Tỉ lệ tăng tự nhiên dân số của khu vực có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao.

– Cơ cấu giới tính tương đối cân bằng. Năm 2020, tỉ lệ nam chiếm 49,98%, tỉ lệ nữ chiếm 50,02%.

– Ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh, Hoa và Mã Lai.

– Nhiều dân tộc thuộc chủng tộc Môn-gô-lô-it và Ô-xtra-lô-it cùng chung sống.

– Dân cư tập trung đông ở đồng bằng châu thổ và vùng ven biển.

+ Quốc gia có dân sô đông nhất, diện tích lớn là In-đô-nê-xi-a.

+ Quốc gia có diện tích nhỏ nhất là Đông Nam Á là Xin-ga-po.

– Cơ cấu dân số trẻ.

– Thành phần dân tộc đa dạng.

– Tỉ lệ dân thành thị của khu vực chưa cao, có sự phân hoá giữa các quốc gia và có xu hướng tăng nhanh ở nhiều quốc gia như: Phi-lip-pin, In-đô-nê-xi-a,…

Tác động của đặc điểm dân cư đến phát triển kinh tế - xã hội

Thuận lợi

- Nguồn lao động dồi dào

- Thị trường lao động rộng lớn

- Thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài

- Sự đa dạng về dân tộc góp phần tạo nên sự đa dạng về văn hoá, truyền thống

-…

Khó khăn

- Nguồn lao động đông nhưng trình độ còn thấp, một phần kinh tế chậm phát triển dẫn đến thiếu việc làm và chất lượng cuộc sống thấp

- Vấn đề an sinh xã hội, chắm sóc y tế chưa được giải quyết triệt để

- Sự phân bố dân cư chưa hợp lý gây ảnh hưởng đến việc sử dụng lao động và khai thác tài nguyên

? mục III 2

Dựa vào thông tin mục 2, hãy:

- Nêu một số đặc điểm xã hội của khu vực Đông Nam Á.

- Cho biết ảnh hưởng của đặc điểm xã hội tới phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Phương pháp giải:

Đọc và nghiên cứu kỹ số liệu, thông tin trong hình và kiến thức được học trong bài

Lời giải chi tiết:

Đặc điểm xã hội

– Các vịnh biển ăn sâu vào đất liền thuận lợi cho các luồng di dân, nằm trên đường di lưu, di cư của các dòng người cổ trong quá khứ.

– Các nước có nhiều nét tương đồng:

+ Trong sinh hoạt, sản xuất: trồng lúa nước, dùng trâu bò làm sức kéo, dùng gạo làm lương thực chính….

+ Có cùng lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc: đều là các nước bị thuộc địa, bị chiếm đóng trong chiến tranh thế giới thứ II.

– Đa dạng trong văn hóa từng dân tộc: về tôn giáo và các tín ngưỡng địa phương. Có sự xuất hiện của hầu hết các tôn giáo lớn trên thế giới: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Đạo giáo,…

=> Tất cả các nét tương đồng là những điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác toàn diện cùng phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

– Văn hóa đa dạng, mỗi dân tộc phong tục, tập quán riêng, tuy nhiên người dân Đông Nam Á có những nét tương đồng trong sinh hoạt và sản xuất.

– Trước chiến tranh thế giới thứ 2, hầu hết các nước là thuộc địa của các nước đế quốc.

– Thể chế chính trị: chế độ cộng hòa và quân chủ lập hiến.

– Các nước Đông Nam Á có tình hình chính trị tương đối ổn định.

– Các quốc gia trong khu vực đã và đang hợp tác để cùng phát triển.

Ảnh hưởng của đặc điểm xã hội đến sự hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực.

- Các quốc gia đều có nhiều dân tộc ( ví dụ: Chăm, Dao, Thái….). Một số dân tộc phân bố rộng, không theo biên giới quốc gia, điều này gây không ít khó khăn trong quản lí, ổn định chính trị, xã hội ở mỗi nước.

- Là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá lớn trên thế giới, Đông Nam Á tiếp nhận nhiều giá trị văn hoá, tôn giáo xuất hiện trong lịch sử nhân loại => tạo điều kiện cho sự hội nhập, phát triển các nền văn hoá.

- Có cùng lịch sử đấu tranh giành giải phóng dân tộc, họ đều là các nước bị xâm chiếm, bị thuộc địa trong chiến tranh. Sau chiến tranh các nước ở khu vực này đã vươn lên cùng hợp tác phát tiển.

- Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong việc quản ly, ổn đinh chính trị ở các nước

Luyện tập 1

Thiên nhiên nhiệt đới có ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất nông nghiệp khu vực Đông Nam Á.

Lời giải chi tiết:

- Tác động tích cực:

+ Khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của nhiều loài động - thực vật, đặc biệt là cây lúa nước

+ Sự phân mùa khí hậu làm cho sản phẩm nông nghiệp đa dạng.

- Tác động tiêu cực:

+ Nền nhiệt và độ ẩm dồi dào nên có nhiều dịch bệnh phá hoại mùa màng và vật nuôi.

+ Lượng mưa tập trung vào một mùa dẫn đến lũ lụt, một mùa ít mưa dẫn đến khô hạn, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

Luyện tập 2

Dựa vào bảng 11.2, hãy so sánh và rút ra nhận xét về số năm đi học trung bình của người từ 25 tuổi trở lên của một số nước Đông Nam Á.

Lời giải chi tiết:

- Trong giai đoạn 2000 - 2020, số năm đi học trung bình của người từ 25 tuổi trở lên ở các nước Đông Nam Á còn thấp hơn so với các nước phát triển, tuy nhiên, tình trạng này đang dần được cải thiện. Ví dụ như: ở Lào: từ 3,9 năm (2000) đã tăng lên 5,4 năm vào năm 2020; ở Việt Nam từ 5,6 năm (200)) tăng lên 8,4 năm vào năm 2020,…

- Số năm đi học trung bình của người từ 25 tuổi trở lên có sự chênh lệch giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó: Xin-ga-po và Bru-nây là 2 quốc gia có số năm đi học trung bình của người từ 25 tuổi trở lên cao nhất; thấp nhất là Lào và Mi-an-ma.

Vận dụng

Sưu tầm thông tin về điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội của một nước ở khu vực Đông Nam Á

Lời giải chi tiết:

Thông tin về điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội của Việt Nam

1. Vị trí địa lí và phạm vi lãnh thổ

- Vị trí địa lí:

+ Việt Nam nằm ở rìa đông bán đảo Đông Dương, gần trung tâm khu vực Đông Nam Á. Trên đất liền, nước ta có chung đường biên giới với ba quốc gia (Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia) và có chung Biển Đông với nhiều nước.

+ Hệ tọa độ trên đất liền: theo chiều bắc - nam từ 23°23′B đến 8°34′B, theo chiều đông - tây từ 109°24′Đ đến 102°09′Đ.

+ Tọa độ địa lí trên biển: Phía Đông 117°20’Đ, phía Nam 6°50'B và phía Tây 101°Đ.

+ Nước ta nằm ở vị trí nội chí tuyến bán cầu Bắc; trong khu vực châu Á gió mùa; nơi tiếp giáp giữa đất liền và đại dương, liền kề với vành đai sinh khoáng Thái Bình Dương và vành đai sinh khoáng Địa Trung Hải.

- Phạm vi lãnh thổ: Lãnh thổ Việt Nam là một khối thống nhất và toàn vẹn, bao gồm: vùng đất, vùng trời và vùng biển.

+ Vùng đất liền: gồm toàn bộ phần đất liền và các đảo, quần đảo đảo trên Biển Đông. Tổng diện tích lãnh thổ là 331.212 km².Biên giới trên đất liền dài hơn 4600km, phần lớn nằm ở khu vực miền núi.

+ Vùng biển:Vùng biển Việt Nam có hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ, trong đó có quần đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa) thuộc chủ quyền của Việt Nam.Diện tích vùng biển của Việt Nam là khoảng 1 triệu Km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông.Đường bờ biển dài 3260 km chạy theo hình chữ S từ thị xã Móng Cái (Quảng Ninh) đến thị xã Hà Tiên (Kiên Giang). Tính đến năm 2023, Việt Nam có 28/63 tỉnh và thành phố giáp với biển.

+ Vùng trời:là khoảng không gian bao trùm trên lãnh thổ nước ta.Trên đất liền được xác định bằng các đường biên giới, trên biển là ranh giới bên ngoài của lãnh hải và không gian trên các hải đảo.

2. Điều kiện tự nhiên

- Địa hình

+ Địa hình phần lớn là đồi núi (chiếm 3/4 diện tích lãnh thổ), chủ yếu là đồi núi thấp, đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích; địa hình núi cao (trên 2.000 m) chỉ chiếm 1% diện tích cả nước.

+ Cấu trúc địa hình khá đa dạng, có sự phân bậc rõ rệt theo độ cao, thấp dần từ tây bắc xuống đông nam.

- Tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam bao gồm đa dạng các loại đất, nước, rừng, hệ thực vật, động vật, khoáng sản,..

+ Tài nguyên đất: Việt Nam có hơn 39 triệu ha đất tự nhiên. Vị trí và địa hình làm cho thổ nhưỡng có tính chất đặc trưng của vùng nhiệt đới ẩm. Đồng thời, cũng rất đa dạng và phân hóa rõ rệt từ vùng đồng bằng lên núi cao, từ Bắc chí Nam và cả từ Ðông sang Tây.

+ Tài nguyên nước: Tài nguyên nước mặt của Việt Nam tương đối phong phú, chiếm khoảng 2% tổng dòng chảy của các sông trên toàn thế giới. Việt Nam nổi tiếng với mạng lưới sông ngòi dày đặc với 2.345 con sông có chiều dài trên 10 km. Cứ đi dọc bờ biển 20 km lại gặp một cửa sông. Nước ta có trữ lượng nước ngầm cũng vô cùng phong phú, khoảng 130 triệu m3/ngày, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu nước ngọt của toàn quốc gia.

+ Tài nguyên biển: Biển Việt Nam còn có 2.028 loài cá biển, trong đó có 102 loài giá trị kinh tế cao…. Bờ biển có nhiều vũng, vịnh kín gió, bãi tắm đẹp thuận lợi cho phát triển hoạt động vận tải và du lịch biển.

+ Tài nguyên rừng: Việt Nam có tới 3/4 diện tích quốc gia là đồi núi và rừng che phủ hơn 30% diện tích. Độ che phủ của rừng Việt Nam rất cao giúp giảm dòng chảy ngay sau mưa, làm chậm lũ lụt, điều hoà dòng chảy cho mùa mưa và mùa khô.

+ Tài nguyên sinh vật: hệ thực vật: có nhiều loài thực vật vô cùng quý hiếm như gỗ đỏ, gụ mật, Hoàng Liên chân gà, hoàng đàn, cẩm lai, pơ mu…; hệ động vật: có mức độ đặc hữu rất cao, 80 loài thú và phân loài thú, 100 loài và phụ loài chim, 7 loài linh trưởng. Một số loài quý hiếm được phát hiện tại Việt Nam như tê giác, bò rừng, bò tót, trâu rừng, sao la, mang lớn, culy, voọc vá, voọc mũi hếch, vọc đầu trắng, sếu cổ trụi, cò quắm cánh xanh, mang Trường Sơn, bò sừng xoắn, gà Lam đuôi trắng…

+ Tài nguyên khoáng sản: ở Việt Nam đã phát hiện được hơn 5000 mỏ và điểm quặng, có tới hơn 60 loại khoáng sản khác nhau như: than, sắt, apatit, dầu mỏ,…

3. Đặc điểm dân cư xã hội

- Quy mô dân số: khoảng 99,4 triệu người (2023)

- Thành phần dân tộc: Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó, người Kinh chiếm đa số (khoảng 86% dân số cả nước).

- Dân cư Việt Nam phân bố không đồng đều: tập trung đông đúc ở đồng bằng và ven biển nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; dân cư thưa thớt ở vùng miền núi.

- Việt Nam có cơ cấu dân số trẻ, nhưng đang trong quá trình già hoá dân số.


Cùng chủ đề:

Bài 6. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Mỹ La tinh - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 7. Kinh tế khu vực Mỹ La tinh - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 8. Thực hành: Viết báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - Xã hội ở Cộng hòa Liên bang Bra - Xin - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 9. Liên minh châu Âu - Một liên kết kinh tế khu vực lớn - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 10. Thực hành: Viết báo cáo về sự phát triển công nghiệp của Cộng hòa Liên bang Đức - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức
Bài 11. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Đông Nam Á - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 12. Kinh tế khu vực Đông Nam Á - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 13. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 14. Thực hành: Tìm hiểu hoạt động kinh tế đối ngoại của khu vực Đông Nam Á - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 15: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Tây Nam Á - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 16. Kinh tế khu vực Tây Nam Á - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống