Bài 2. Tri thức lịch sử và cuộc sống SGK Lịch sử 10 Kết nối tri thức
Thảo luận về các ý kiến được trích dẫn ở Tư liệu(tr 16) để làm rõ vai trò và ý nghĩa lịch sử ?
? mục 1 Câu 1
Trả lời câu hỏi mục 1 trang 17 SGK Lịch sử 10
1. Thảo luận về các ý kiến được trích dẫn ở Tư liệu(tr 16) để làm rõ vai trò và ý nghĩa lịch sử?
Phương pháp giải:
Xem lại nội dung vai trò, ý nghĩa của tri thức lịch sử
Lời giải chi tiết:
Hai đoạn trích trong tư liệu có điểm chung là đều nói về vai trò, ý nghĩa của quá khứ lịch sử:
- Biết được nguồn gốc bản thân, gia đình, dòng họ, dân tộc và toàn nhân loại.
- Truyền lại tri thức, kinh nghiệm, truyền thống văn hóa của thế hệ trước cho thế hệ sau, tạo nên mối liên kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai, trở thành yếu tố cốt lõi tạo nên ý thức cộng đồng, ý thức dân tộc và bản sắc văn hóa cộng đồng, dân tộc.
? mục 1 Câu 2
2. Hãy tìm hiểu về truyền thống ngôi trường mà em đang theo học. Chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ của em khi biết được những thông tin đó.
Phương pháp giải:
Liên hệ với ngôi trường em theo học
- Lịch sử ra đời ngôi trường.
- Những thành tích mà trường đạt được.
- Cảm xúc của em khi biết về lịch sử trường.
Lời giải chi tiết:
Trường THPT Chu Văn An tiền thân là Trường Thành Chung Bảo hộ do chính quyền Pháp xây dựng năm 1908. Do trường được xây dựng ở vùng Kẻ Bưởi, trên đất làng Thụy Khuê nên người dân vẫn thường gọi là Trường Bưởi. . Qua một số lần đổi tên khác, đến năm 1985, trường được mang tên là Trường THPT Chu Văn An.
Trường THPT Chu Văn An đã trở thành một trong những trường phổ thông lâu đời của nền giáo dục Việt Nam. Kể từ ngày thành lập, Trường THPT Chu Văn An luôn đạt kết quả cao trong giáo dục và đào tạo. Nhà trường đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1992), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1998); Anh hùng Lao động (năm 2010); Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2018). Ngôi trường đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (năm 2004).
Em cảm thấy vô cùng tự hào khi được trở thành học sinh của ngôi trường Chu Văn An, ngôi trường được mang tên của người thầy giáo nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Kì thi lớp 10 ở Hà Nội cũng khốc liệt không kém kì thi THPT QG và Chu Văn An luôn là trường có điểm cao nhất mà không chỉ học sinh và phụ huynh đều muốn con em mình được học ở đây. Và em cảm thấy thật hạnh phúc khi có một phần thanh xuân ở trong này.
? mục 2 Câu 1
1. Vì sao đặt ra vấn đề học tập, khám phá lịch sử suốt đời?
Phương pháp giải:
Xem lại sự cần thiết của việc học tập, khám phá lịch sử suốt đời
Lời giải chi tiết:
Cần học tập lịch sử suốt đời vì:
- Trong cuộc sống hằng ngày luôn cần phải biết vận dụng những tri thức, kinh nghiệm từ quá khứ vào cuộc sống hiện tại, cũng như định hướng cho tương lai.
- Cho đến nay, nhiều sự kiện, quá trình lịch sử vẫn còn là bí ẩn, đó là cơ hội thôi thúc những người đi sau tham gia tìm tòi, khám phá nhằm hoàn chỉnh hơn nhận thức chung, làm giàu tri thức lịch sử.
- Giúp cho chúng ta hội nhập với thế giới, tôn trọng sự khác biệt, đa dạng về truyền thống văn hóa của nhân loại, biết cách tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp và bản sắc văn hóa Việt Nam.
- Tạo nguồn cảm hứng và tạo ý tưởng trong các ngành công nghiệp văn hóa, phát triển du lịch,...đưa chúng ta đến nhiều cơ hội nghề nghiệp mới.
? mục 2 Câu 2
2. Hãy kể tên một bộ phim, một chương trình truyền hình,… ở Việt Nam sử dụng chất liệu là tri thức lịch sử và văn hóa mà em biết.
Phương pháp giải:
Liên hệ thực tế và hiểu biết của bản thân: Các bộ phim lịch sử như: Mùi cỏ cháy, Đêm hội long trì, Nhà tiên tri, Đừng đốt,...
Lời giải chi tiết:
"Mùi cỏ cháy" là một bộ phim xúc động nói về sự hy sinh của những người lính xuất thân từ giảng đường Hà Nội lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Mùi cỏ cháy xoay quanh câu chuyện về 4 người con của Hà Nội là một hội bạn chơi thân với nhau bao gồm Hoàng, Thành, Thăng, Long. 4 chàng trai sinh viên khoa Văn đại học Tổng Hợp Hà Nội là 4 tính cách tuy khác nhau nhưng chia sẻ nhiều điểm chung và cùng có niềm đam mê với nghệ thuật. Dù từ bỏ giảng đường và những trang giấy trắng để lên đường làm nhiệm vụ, họ vẫn mang những nét đặc trưng của quê nhà vào cuộc đời lính, trở thành một chất lính.
? mục 2 Câu 3
3. Có thể học tập và tìm hiểu lịch sử qua các hình thức nào? Hình thức nào giúp em có hứng thú và đạt hiệu quả cao nhất.
Phương pháp giải:
Liên hệ thực tế với bản thân: tham quan bảo tàng, xem phim lịch sử, ....
Lời giải chi tiết:
Chúng ta có thể học tập lịch sử qua rất nhiều hình thức như: Tham quan các bảo tàng, các khu tưởng niệm, di tích hay đơn giản là đọc sách, truyện, xem phim, nghe các bài hát “đi cùng năm tháng”,… cũng cách để tìm hiểu, học tập lịch sử.
Việc tìm hiểu lịch sử như thế rất gần gũi, thú vị mà lại hữu ích và không quá khó khăn đúng không nào?
Luyện tập
Trả lời câu hỏi mục Luyện tập trang 18 SGK Lịch sử 10
Tri thức lịch sử có vai trò, ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân và xã hội?
Phương pháp giải:
B1. Xem lại nội dung vai trò, ý nghĩa của tri thức lịch sử
B2. Liên hệ bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.
Lời giải chi tiết:
- Khái niệm: Tri thức lịch sử là những hiểu biết của con người về các lĩnh vực liên quan đến lịch sử, thông qua quá trình học tập và khám phá, nghiên cứu và trải nghiệm. Tri thức lịch sử có vai trò quan trọng đối với cá nhân và xã hội.
- Vai trò:
+ Trang bị những hiểu biểt về quá khứ.
+ Góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa.
+ Là cơ sở để các cộng đồng cùng chung sống và phát triển bền vững.
- Ý nghĩa:
+ Giúp con người nhận thức sâu sắc về cội nguồn, bản sắc của cá nhân và cộng đồng trong mọi thời đại.
+ Giúp con người hiểu về chính mình và thế giới.
+ Nền tảng để tồn tại, giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa cộng đồng và chung sống một thế giới đa dạng.
Vận dụng
Trả lời câu hỏi mục Vận dụng trang 18 SGK Lịch sử 10
Có quan điểm cho rằng: Học tập lịch sử chỉ diễn ra ở trong các lớp học và khi chúng ta còn là học sinh, sinh viên. Theo em, quan điểm đó đúng hay sai? Vì sao?
Phương pháp giải:
Vận dụng kiến thức bài học, liên hệ thực tế
Lời giải chi tiết:
Quan điểm cho rằng: Học tập lịch sử chỉ diễn ra ở trong các lớp học và khi chúng ta còn là học sinh, sinh viên. Theo em, quan điểm đó chưa đúng. Lênin đã nói: Học, học nữa, học mãi, tức là chúng ta học suốt đời, không chỉ lúc đi học mà ngay từ bé chúng ta đã được học lịch sử qua những câu chuyện của ông bà cha, mẹ hay ngay trong những chuyến đi tham quan dã ngoại sẽ được các cô hướng dẫn viên lí giải hoặc kể lại những câu chuyện lịch sử.
Sau này khi kết thúc việc ngồi học trên ghế nhà trường thì việc học tập lịch sử vẫn tiếp tục diễn ra hàng ngày qua báo chí, phim ảnh và âm nhạc.
Từ đó có thể khẳng định quan điểm cho rằng chỉ học sử trên ghế nhà trường là chưa đúng.