Bài 3. Sử học với các lĩnh vực khoa học SGK Lịch sử 10 Kết nối tri thức — Không quảng cáo

Soạn Lịch sử 10, giải Sử 10 Kết nối tri thức với cuộc sống Chủ đề 2. Vai trò của sử học


Bài 3. Sử học với các lĩnh vực khoa học SGK Lịch sử 10 Kết nối tri thức

Để có được thông tin trong các tư liệu 1, 2, 3 (tr.20 – 21) các nhà sử học đã sử dụng kiến thức hoặc phương pháp của những ngành khoa học nào? Các phương pháp đó có tác dụng thế nào khi nghiên cứu sự kiện, vấn đề lịch sử liên quan?

? mục 1 Câu 1

Trả lời câu hỏi mục 1 trang 21 SGK Lịch sử 10

1. Để có được thông tin trong các tư liệu 1, 2, 3 (tr.20 – 21) các nhà sử học đã sử dụng kiến thức hoặc phương pháp của những ngành khoa học nào? Các phương pháp đó có tác dụng thế nào khi nghiên cứu sự kiện, vấn đề lịch sử liên quan?

Phương pháp giải:

Dựa vào nội dung trang 20 SGK

Lời giải chi tiết:

Để có được thông tin trong các tư liệu 1,2,3 (tr20 – 21) các nhà sử học đã sử dụng:

- Tư liệu 1: Phương pháp bản đồ của môn Địa lí học (hình 1), phương pháp này sử dụng bản đồ địa lí nhằm mô tả dấu tích của người nguyên thủy tại Đông Nam Á từ đó giúp chúng ta có những hiểu biết cơ bản hơn về người nguyên thủy tại khu vực này.

- Tư liệu 2: Phương pháp đo đồng vị phóng xạ (ngành Hóa học), phương pháp này dựa vào lượng đồng vị phóng xạ để đoán định niên đại của các di vật lịch, từ đó tạo cơ cở để các nhà sử học nghiên cứu tính chính xác của các sự kiện của nền văn hóa Đông Sơn.

- Tư liệu 3: Phương pháp, kĩ năng của Toán học,... Phương pháp Toán học tính toán và thống kê tỉ lệ phân bố ruộng đất công và tư để từ đó cung cấp cái nhìn khái quát tình hình phát triển và phân bố nông nghiệp nhà Nguyễn.

Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu các nhà sử học cần phối hợp, sử dụng thông tin của nhiều ngành khoa học khác nhau để làm rõ một số nội dung lịch sử.

? mục 1 Câu 2

2. Tại sao khi nghiên cứu lịch sử phải kết hợp kiến thức và phương pháp liên ngành?

Phương pháp giải:

Dựa vào nội dung trang 20 SGK

Lời giải chi tiết:

Sử học là ngành khoa học nghiên cứu về toàn bộ đời sống của loài người trong quá khứ, trên tất cả các lĩnh vực, vì vậy khi nghiên cứu lịch sử phải kết hợp kiến thức và phương pháp liên ngành để tìm hiểu một cách toàn diện, sâu sắc, hiệu quả và khoa học về từng lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhờ vậy, nhà sử học mới có thể hiểu đúng và đầy đủ hơn về quá khứ của loài người.

? mục 2 Câu 1

Trả lời câu hỏi mục 2 trang 23 SGK Lịch sử 10

1. Tư liệu 4 (tr.22) giúp em biết đến những sự kiện lịch sử nào? Hãy chỉ ra một số sự kiện hoặc bối cảnh lịch sử được đề cập trong các hồi của tác phẩm

Phương pháp giải:

Đọc tư liệu 4 (tr22)

Lời giải chi tiết:

Tư liệu 4 (tr.22) đề cập đến bối cảnh lịch sử ở Đàng Ngoài cuối thế kỉ XVIII trong cục diện chiến tranh vua Lê-chúa Trịnh, Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc, tiến vào kinh đô Thăng Long, đánh tan quân xâm lược (Thanh) do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy.

Một số sự kiện hoặc bối cảnh được đề cập trong các hồi của tác phẩm:

- Đặng Thị Huệ được sủng ái, có quyền hành đứng đầu hậu cung.

- Tướng Tây Sơn là Vũ Văn Nhậm đưa quân ra Bắc.

- Quân Tây Sơn kéo vào thành, vua Lê Chiêu Thống nhiều lần cử sứ thần sang nhà Thanh cầu cứu. Tướng Nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị kéo quân đến ải Nam để uy hiếp.

- Quân Tây Sơn đánh đồn Ngọc Hà và giành thắng lợi; quân Thanh rút chạy khỏi Thăng Long. Lê Chiêu Thống bỏ trốn.

? mục 2 Câu 2

2. Giữa Sử học và các ngành khoa học xã hội nhân văn có mối quan hệ với nhau như thế nào? Hãy lấy ví dụ để chứng minh.

Phương pháp giải:

Dựa vào nội dung trang 23 SGK

Lời giải chi tiết:

Trong quá trình nghiên cứu lịch sử, các ngành khoa học xã hội và nhân văn lại hỗ trợ đắc lực cho việc tìm hiểu, phục dựng quá khứ.

Sử học sử dụng kiến thức các ngành khoa học xã hội nhân văn để mô tả , phục dựng đối tượng nghiên cứu, cũng như giải thích, chứng minh, khái quát,… trên cơ sở đó vạch ra những triết lí, rút ra bài học hoặc quy luật lịch sử. Nhờ đó, nhận thức lịch sử được chính xác, đầy đủ và sâu sắc hơn.

Ví dụ: Khai thác một số tác phẩm văn học viết về cuộc Cải cách ruộng đất năm 1954 như Ba người khác- Tô Hoài, Gia Đình – Phan Thúy Hà, Bến không chồng- Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma- Nguyễn Khắc Trường…. giúp chúng ta có cái nhìn chân thực về cuộc Cải cách ruộng đất năm 1954 tại nông thôn Việt Nam sau giải phóng.

? mục 3.a Câu 1

Trả lời câu hỏi mục 3.a trang 24 SGK Lịch sử 10

1. Khai thác Hình 4 (tr.23) và cho biết: Các tác phẩm như trong hình có được coi là tác phẩm lịch sử không? Vì sao? Hãy rút ra vai trò của Sử học đối với ngành Toán học, Hóa học thông qua các tác phẩm đó.

Phương pháp giải:

Dựa vào nội dung trang 23, 24 SGK

Lời giải chi tiết:

Các tác phẩm trong hình 4 (tr.23) được coi là tác phẩm lịch sử. Vì:

- Những tác phẩm đó trang bị cho người đọc những hiểu biết ở mức độ khác nhau về lịch sử phát triển ngành Toán học trên thế giới, gắn liền với những bối cảnh, điều kiện lịch sử, mốc thời gian, nhân vật lịch sử theo từng giai đoạn.

- Vai trò của ngành Toán học đối với sự phát triển của lịch sử xã hội

- Lịch sử, quá trình tìm ra các nguyên tố hóa học.

Vai trò của Sử học đối với ngành Toán học, Hóa học thông qua các tác phẩm là:

- Tái hiện đầy đủ lịch sử của ngành khoa học tự nhiên và công nghệ giúp cho các nhà khoa học thuộc lĩnh vực đó hiểu rõ vấn đề đã từng được các thế hệ nhà khoa học đi trước đặt ra và giải quyết như thế nào.

- Giúp các nhà khoa học đi sau không lặp lại sai lầm của người đi trước, lại có thể kế thừa tri thức, kinh nghiệm của người đi trước.

? mục 3.a Câu 2

2. Hãy lấy ví dụ về sự đóng góp của Sử học đối với một ngành khoa học tự nhiên và công nghệ

Phương pháp giải:

Lịch sử Toán học, Lịch sử vật lý

Lời giải chi tiết:

Sử học có những đóng góp quan trọng trong ngành Vật lý, kiến thức Sử học giúp hiểu quá trình phát triển các lý thuyết vật lý, những bước ngoặt khoa học và sự ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử đến các phát mình.
Một ví dụ cụ thể về sự kết hợp này là việc nghiên cứu sự phát triển của thuyết tương đối. Albert Einstein phát triển thuyết thuyết tương đối vào đầu thế kỷ 20 trong bối cảnh nhiều thách thức về cơ học cổ điển và sự phát hiện các hiện tượng mới như chuyển động của ánh sáng. Nghiên cứu lịch sử đã giúp các nhà khoa học hiểu quá trình Eisntein vượt qua rào cản về tư duy truyền thống, là bài học cho các nhà khoa học hiện đại.

? mục 3.b Câu 1

Trả lời câu hỏi mục 3.b trang 25 SGK Lịch sử 10

1. Dựa vào thông tin về Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (tr.19), hãy cho biết: Để xác định giá trị của danh thắng này, các nhà khoa học đã dựa vào phương pháp, kết quả nghiên cứu của những ngành khoa học nào?

Phương pháp giải:

Đọc nội dung về Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An (tr.19)

Lời giải chi tiết:

Để xác định giá trị của danh thắng này, các nhà khoa học đã dựa vào phương pháp, kết quả nghiên cứu của những ngành khoa học như địa chất, lịch sử- văn hóa, môi trường sinh thái, toán học, cổ sinh học, hóa học v.v….

? mục 3.b Câu 2

2. Hãy cho biết vai trò của các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ đối với Sử học.

Phương pháp giải:

Dựa vào nội dung trang 24 SGK

Lời giải chi tiết:

Vai trò của các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ đối với Sử học:

- Thống kê, phân tích trình bày các thành tựu kinh tế- xã hội, tính toán, đo đạc một số công trình trong quá khứ

- Giám định Sử liệu, trình bày các thành tựu về khoa học- kĩ thuật,…

- Đoán định niên đại của các di vật lịch sử

- Hỗ trợ tìm kiếm dấu vết lịch sử, thu thập, xử lí sử liệu, đo đạc và xây dựng bản đồ về sự kiện, không gian lịch sử, cũng như trình bày và tái hiện quá khứ lịch sử một cách sinh động, hấp dẫn và hiệu quả,

Luyện tập Câu 1

Trả lời câu hỏi Luyện tập trang 25 SGK Lịch sử 10

1. Nêu và phân tích và một số ví dụ để làm rõ về việc sử dụng tri thức, phương pháp liên ngành trong nghiên cứu lịch sử.

Phương pháp giải:

Tìm hiểu thông tin qua internet

Lời giải chi tiết:

Nghiên cứu liên ngành trong nghiên cứu lịch sử có thể kể đến nghiên cứu về Đường Lâm, Cổ Loa, Bách Cốc.

Cụ thể trong dự án Bách Cốc, Bách Cốc là một làng cổ thuộc huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Hợp tác nghiên cứu Bách Cốc đã kéo dài hơn 10 năm liền, với sự tham gia của rất nhiều học giả đa lĩnh vực của cả Nhật Bản và Việt Nam. Chỉ tính trong vòng 10 năm đầu, từ 1993 đến 2002, riêng phía Nhật Bản đã có 176 người từ 17 trường đại học với nhiều lĩnh vực như sử học, xã hội học, nhân loại học, địa lý, khảo cổ học, kinh tế học, môi trường học... tham gia. Trong quá trình khảo sát, nghiên cứu, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều tài liệu, dấu vết của các giai đoạn lịch sử từ thời Hùng Vương đến các Triều đại phong kiến Việt Nam. Thông qua chương trình nghiên cứu làng cổ Bách Cốc, các nhà khoa học đưa ra một cách nhìn chính xác về cấu trúc mô hình làng, đơn vị hành chính nhỏ nhất nhưng lại có vai trò quan trọng nhất trong đời sống xã hội của người Việt trên các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, xã hội học, khảo cổ học, dân tộc học.

Luyện tập Câu 2

2. Thông qua ví dụ cụ thể, hãy phân tích mối liên hệ giữa Sử học với một lĩnh vực/ ngành khoa học xã hội  và nhân văn hoặc khoa học tự nhiên mà em thích.

Phương pháp giải:

Liên hệ thực tế

Lời giải chi tiết:

Ví dụ đó là mối liên hệ giữa Sử học và Toán học.

Trong quá trình nghiên cứu sử học, ta bắt gặp các số liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu. Ta cần áp dụng Toán học vào phương pháp tính định lượng để xử lí dữ liệu, phân tích dữ liệu, từ đó đi đến kết luận chính xác nhất.

Vận dụng Câu 1

Trả lời câu hỏi Vận dụng trang 25 SGK Lịch sử 10

1. Hãy xây dựng một bài giới thiệu về trường học/ gia đình của em…. Trong những năm gần đây (lưu ý: trong bài viết thể hiện việc vận dụng những thông tin, kiến thức, kĩ năng, phương pháp liên ngành).

Phương pháp giải:

Lập dàn ý:

- Trường được thành lập từ bao giờ, địa điểm ở đâu?

- Trong 5 năm gần đây, nhà trường đạt được một số thành tích tiêu biểu nào?

- Về đào tạo

- Về thể thao, phong trào…

- Một số tấm gương tiêu biểu…

Lời giải chi tiết:

Trường học của em là trường THPT Ngô Quyền- Ba Vì. Trường được thành lập ngày năm 1982. Năm đầu thành lập, nhà trường có 24 lớp, với 1.200 học sinh. Đến nay, trường THPT Ngô Quyền có 45 lớp, với khoảng 2000 học sinh. Trải qua gần 40 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ thầy cô giáo nhà trường đã vượt qua những năm tháng khó khăn của thời kỳ bao cấp và những năm đầu đổi mới, đoàn kết, nhất trí một lòng gắn bó với mái trường, tất cả vì học sinh thân yêu. Những ngôi nhà cấp bốn đơn sơ trước đây, nay đã được thay thế bằng những dãy nhà cao tầng khang trang, sạch đẹp, tiện nghi… Hiện nay, đội ngũ giáo viên của nhà trường đã được trẻ hóa, chất lượng và điều kiện dạy và học được nâng lên, trong đó có nhiều thầy cô có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ… Trong những năm qua, nhà trường có hàng ngàn học sinh đỗ đại học, rất nhiều cựu học sinh có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Hàng năm tỷ lệ học sinh tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, thành phố luôn đạt giải cao. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp luôn đạt từ 98%-100%. Các thế hệ học sinh của trường hiện đang học tập, nghiên cứu và làm việc khắp các nước trên thế giới.

Vận dụng Câu 2

2. Ở trường, em đã được trải nghiệm ứng dụng công nghệ nào trong giờ học lịch sử, nêu tác dụng của nó.

Phương pháp giải:

Liên hệ thực tế

Lời giải chi tiết:

Ở trường, em đã được trải nghiệm ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong giờ học lịch sử.

Tác dụng của công nghệ thực tế ảo này:

+ Giúp những con người hiện đại có thể chiêm ngắm hình ảnh cổ xưa của di tích, và có thể bước vào không gian di sản kiến trúc cách nay hàng thế kỉ.

+Phục vụ việc lưu trữ dữ liệu, bảo tồn văn hóa, tái lập phế tích, quảng bá di sản văn hóa thời

+ Ứng dụng trong công tác trưng bày bảo tàng, giáo dục di sản, quảng bá văn hóa truyền thống, điện ảnh, du lịch...


Cùng chủ đề:

Bài 1. Lịch sử hiện thực và nhận thức lịch sử SGK Lịch sử 10 Kết nối tri thức
Bài 2. Tri thức lịch sử và cuộc sống SGK Lịch sử 10 Kết nối tri thức
Bài 3. Sử học với các lĩnh vực khoa học SGK Lịch sử 10 Kết nối tri thức
Bài 4. Sử học với một số lĩnh vực, ngành nghề hiện đại SGK Lịch sử 10 Kết nối tri thức
Bài 5. Khái niệm Văn minh. Một số nền văn minh phương Đông thời kì cổ - Trung đại SGK Lịch sử 10 Kết nối tri thức
Bài 6. Một số nền văn minh phương Tây thời kì cổ trung đại SGK Lịch sử 10 Kết nối tri thức
Bài 7. Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại SGK Lịch sử 10 Kết nối tri thức
Bài 8. Các cuộc cách mạng công nghiệp thời kì cận đại SGK Lịch sử 10 Kết nối tri thức