Bài 4: Công chúa và người dẫn chuyện trang 20 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống — Không quảng cáo

Tiếng Việt lớp 4, giải bài tập Tiếng Việt lớp 4 kết nối tri thức, tập đọc lớp 4 Tuần 2: Mỗi người một vẻ


Bài 4: Công chúa và người dẫn chuyện trang 20 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống

Sắm vai một loài hoa, em hãy giới thiệu về mình với các bạn. Tìm các câu văn thể hiện thái độ của Giét-xi đối với mỗi vai diễn được giao. Vì sao Giét-xi buồn khi phải đổi sang vai người dẫn chuyện. Theo em, mẹ rủ Giét-xi cùng nhổ có vườn để làm gì. Đoán xem Giét-xi cảm thấy thế nào khi trò chuyện cùng mẹ. Em học được điều gì từ câu chuyện trên. Tìm các danh từ chỉ người trong bài đọc Công chúa và người dẫn chuyện. Viết 2 – 3 câu nêu nhận xét về một nhân vật em yêu thích trong câu chuyện trên.

Khởi động

Sắm vai một loài hoa, em hãy giới thiệu về mình với các bạn.

Phương pháp giải:

Em tiến hành sắm vai và giới thiệu về mình.

Gợi ý:

- Tên

- Đặc điểm

- Sở thích

Lời giải chi tiết:

Tôi là cây hoa hồng được trồng trước hiên nhà. Ban đầu tôi được trồng bên hàng rào ở đầu làng, không có ai chăm sóc cả. Nhờ bà chủ đi qua và mang tôi về trồng mà nay tôi mới có thể nở rộ những bông hoa xinh đẹp này. Tôi rất thích mỗi ngày được đón những ánh nắng ban mai đầu tiên. Nhờ những tia nắng ấy mà màu hoa của tôi lại càng đằm thắm. Tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được bà chủ trồng bên hiên nhà.

Đọc bài

CÔNG CHÚA VÀ NGƯỜI DẪN CHUYỆN

Sau bữa ăn trưa, cô giáo thông báo Giét-xi được chọn đóng vai công chúa trong vở kịch sắp tới. Cảm nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bė, Giét-xi vui lắm.

Về nhà, Giét-xi hào hứng kể cho mẹ nghe. Cả tuần ấy, tối nào mẹ cũng tập lời thoại cùng Giét-xi. Giét-xi siêng năng luyện tập và nhớ lời thoại rất nhanh. Nhưng khi lên sân khấu diễn thử, mọi lời thoại trong đầu Giét-xi đều bay đi đâu hết. Cuối cùng, cô giáo đành nói:

- Giét-xi à, cô đã bổ sung vai dẫn chuyện cho vở kịch. Cô nghĩ vai đó hợp với em hơn. Em có đồng ý đổi vai không?

Lời cô rất dịu dàng nhưng Giét-xi thấy buồn lắm. Sao không buồn khi phải nhường vai chính cho bạn!

Thấy Giét-xi buồn, mẹ thủ thỉ:

- Hôm nay, mẹ con mình cùng nhau nhổ cỏ vườn nhà nhé.

Khu vườn vào xuân, những cây hồng leo khoác tấm áo xanh mới.

– Mẹ con mình sẽ nhổ hết cỏ và hoa dại ở đây. Từ giờ, vườn nhà ta chỉ có hoa hồng thôi. – Vừa nói, mẹ vừa chạm tay vào khóm bồ công anh.

– Đừng, mẹ! Con thích hoa bồ công anh. Loài hoa nào cũng đẹp, kể cả bồ công anh. – Giét-xi nói.

Mẹ mỉm cười:

– Đúng rồi, mỗi loài hoa có một vẻ đẹp riêng con ạ. Con người cũng vậy. Không phải ai cũng thành công chúa, nhưng điều đó không có gì đáng xấu hổ.

Giét-xi đoán mẹ đã biết chuyện thay vai diễn của mình. Mẹ dịu dàng nói:

– Con gái bé nhỏ của mẹ, con có giọng đọc truyền cảm, rất hợp với vai người dẫn chuyện. Nếu thiếu người dẫn chuyện, vở kịch cũng khó mà thành công được con ạ.

(Du-nan biên soạn , Hòa Vân dịch )

Câu 1

1. Tìm các câu văn thể hiện thái độ của Giét-xi đối với mỗi vai diễn được giao.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ 2 đoạn đầu của bài đọc để tìm ra các câu văn thể hiện thái độ của Giét-xi đối với mỗi vai diễn được giao.

Lời giải chi tiết:

- Các câu văn thể hiện thái độ của Giét-xi đối với vai diễn công chúa:

+ "Cảm nhận được ánh mắt ngưỡng mộ của bạn bè, Giét - xi vui lắm."

+ "Về nhà, Giét - xi hào hứng kể cho mẹ nghe."

+ "Giét - xi siêng năng luyện tập và nhớ lời thoại rất nhanh".

- Các câu văn thể hiện thái độ của Giét-xi đối với vai diễn người dẫn chuyện:

+ “Lời cô rất dịu dàng nhưng Giét-xi thấy buồn lắm.”

Câu 2

2. Vì sao Giét-xi buồn khi phải đổi sang vai người dẫn chuyện?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn 2 của bài đọc để tìm đáp án đúng.

“Lời cô rất dịu dàng nhưng Giét-xi thấy buồn lắm. Sao không buồn khi phải nhường vai chính cho bạn!”

Lời giải chi tiết:

Giét-xi buồn khi phải đổi sang vai người dẫn chuyện vì phải nhường vai chính cho bạn.

Câu 3

3. Theo em, mẹ rủ Giét-xi cùng nhổ có vườn để làm gì? Tìm câu trả lời đúng.

A. Mẹ muốn dạy cho Giét-xi biết cách làm cỏ vườn.

B. Mẹ muốn Giét xi biết tên các loại hoa cỏ trong vườn.

C. Mẹ muốn Giét-xi hiểu: Cũng như các loài hoa, mỗi người có vẻ đẹp và giá trị riêng.

D. Mẹ muốn Giét-xi quên đi chuyện đóng kịch.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài đọc, suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Mẹ rủ Giét-xi cùng nhổ có vườn để muốn Giét-xi hiểu: Cũng như các loài hoa, mỗi người có vẻ đẹp và giá trị riêng.

Chọn C.

Câu 4

4. Đoán xem Giét-xi cảm thấy thế nào khi trò chuyện cùng mẹ.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ đoạn văn, suy nghĩ và trả lời câu hỏi.

Lời giải chi tiết:

Khi trò chuyện với mẹ, Giét - xi mới đầu vẫn cảm thấy rất buồn vì bị thay vai diễn, không dám nói với mẹ. Tuy nhiên sau khi nghe được lời mẹ nói, cô bé đã hiểu ra mỗi loài hoa lại có một vẻ đẹp riêng cũng như con người vậy. Vì thế, cô không còn buồn nữa và cảm nhận được giá trị của mình cũng đã được công nhận.

Câu 5

5. Em học được điều gì từ câu chuyện trên?

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ câu chuyện, suy nghĩ và rút ra bài học từ câu chuyện.

Lời giải chi tiết:

Câu chuyện để lại cho chúng ta thông điệp về vẻ đẹp và giá trị riêng của mỗi người trong cuộc sống. Không có ai là vô giá trị, tầm thường, thấp kém. Chỉ cần chúng ta biết phát huy nó đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ thì chúng vẫn luôn tỏa sáng.

Luyện tập

Câu 1:

1. Tìm các danh từ chỉ người trong bài đọc Công chúa và người dẫn chuyện.

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài đọc Công chúa và người dẫn chuyện để tìm ra các danh từ chỉ người.

Lời giải chi tiết:

Danh từ chỉ người: Giét-xi, mẹ, cô giáo, công chúa, bạn bè, em, con, con người, con gái, người dẫn chuyện.

Câu 1

2. Viết 2 – 3 câu nêu nhận xét về một nhân vật em yêu thích trong câu chuyện trên.

Phương pháp giải:

Em suy nghĩ về nhân vật em yêu thích trong câu chuyện và đặt câu nêu nhận nét về nhân vật đó.

Lời giải chi tiết:

Trong câu chuyện Công chúa và người dẫn chuyện , em thích nhất là nhân vật mẹ của Giét-xi. Mẹ của cô bé là một người rất điềm đạm, nhân hậu và luôn quan tâm chăm sóc con gái. Khi con gái gặp khó khăn, mẹ vẫn luôn ở bên chia sẻ cùng cô bé.


Cùng chủ đề:

Bài 3: Danh từ chung, danh từ riêng trang 18 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 3: Hai thành phần chính của câu trang 18 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 3: Ông Bụt đã đến trang 16 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 3: Tìm ý cho đoạn văn nêu ý kiến trang 19 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 3: Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một người gần gũi, thân thiết trang 19 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 4: Công chúa và người dẫn chuyện trang 20 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 4: Quả ngọt cuối mùa trang 20 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 4: Tìm ý cho đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một nhân vật trong văn học trang 22 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 4: Viết đoạn văn nêu ý kiến trang 21 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 4: Đọc mở rộng trang 22 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 4: Đọc mở rộng trang 23 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống