Bài 4: Quả ngọt cuối mùa trang 20 SGK Tiếng Việt lớp 4 tập 2 Kết nối tri thức với cuộc sống
Đọc một số câu thơ về tình cảm gia đình. Tìm những chi tiết thể hiện tình yêu thương của bà dành cho con cháu. Tìm nghĩa của mỗi cụm từ sau. Người cháu thương bà vì điều gì. Theo em, tác giả muốn nói điều gì qua bài thơ. Tìm thêm từ có nghĩa giống với từ trông và đặt một câu với từ vừa tìm được.
Khởi động
Đọc một số câu thơ về tình cảm gia đình.
Phương pháp giải:
Em đọc một số câu thơ về tình cảm gia đình. Có thể tham khảo qua sách báo, internet,....
Lời giải chi tiết:
Bài tham khảo 1:
Bài thơ Gia đình
Tác giả: Minh Loan
Nên một gia đình do trời định
Gặp nhau duyên số bà nguyệt se
Tình yêu vun đắp nén thành quả
Hạnh phúc vun vầy ta có ta.
Giữ gìn hạnh phúc là do ta
Hãy cố cùng nhau sống hiền hòa
Tấm lòng nhân đức sẽ được hưởng
Gia đình sum vầy lại hòa ca.
Bài tham khảo 2:
Bài thơ Gia đình
Tác giả: Thái Bá Anh
Gia đình chỉ ước chữ bình an
Vợ đảm, con ngoan hạnh phúc tràn
Chẳng phải buồn tâm lo vẩn nạn
Không vì chút lợi cúi, xin, than
Người thương kẻ mến lòng nhân bản
Bạn hữu xa gần sống chứa chan
Dẫu biết đường đời không giới hạn
Đồng lòng chẳng ngại những gian nan.
Bài đọc
QUẢ NGỌT CUỐI MÙA
Trong vòm lá mới chồi non
Chùm cam bà giữ vẫn còn đung đưa
Quả ngon dành tận cuối mùa
Chờ con, phần cháu bà chưa trảy vào.
Giêng, Hai rét cửa như dao,
Nghe tiếng chào mào chống gậy ra trông
Nom Đoài rồi lại ngắm Đông
Bề lo sương táp, bề phòng chim ăn
Quả vàng nằm giữa cành xuân
Mải mê góp mặt, chuyên cần toả hương.
Bà ơi, thương mấy là thương
Vắng con xa cháu tóc sương da mồi
Bà như quả ngọt chín rồi
Càng thêm tuổi tác càng tươi lòng vàng.
(Võ Thanh An)
Từ ngữ
- Trảy (trẩy): hái, ngắt (quả).
- ( Tháng) Giêng : tháng đầu tiên của một năm theo âm lịch.
- Đoài : phía tây.
Câu 1
1. Tìm những chi tiết thể hiện tình yêu thương của bà dành cho con cháu.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ bài thơ để tìm câu trả lời.
Lời giải chi tiết:
Những chi tiết thể hiện tình yêu thương của bà dành cho con cháu:
- Chờ con, phần cháu bà chưa trảy vào.
- Vắng con xa cháu tóc sương da mồi
Câu 2
2. Tìm nghĩa của mỗi cụm từ sau:
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ các cụm từ và giải nghĩa thích hợp.
Lời giải chi tiết:
Câu 3
3. Người cháu thương bà vì điều gì?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ đoạn thơ thứ hai của bài đọc để tìm câu trả lời:
“Bà ơi, thương mấy là thương
Vắng con xa cháu tóc sương da mồi
Bà như quả ngọt chín rồi
Càng thêm tuổi tác càng tươi lòng vàng.”
Lời giải chi tiết:
Người cháu thương bà vì xa con, bà nay đã già đi, tóc đã bạc, da đã xuất hiện những chấm đồi mồi nhưng bà vẫn luôn yêu thương và nghĩ cho con cháu, có gì ngon bà vẫn phần các con.
Câu 4
4. Hai câu thơ “Bà như quả ngọt chín rồi/ Càng thêm tuổi tác càng tươi lòng vàng" ý nói gì? Chọn câu trả lời dưới đây hoặc nêu ý kiến của em.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ hai câu thơ, suy nghĩ về ý nghĩa và chọn đáp án đúng.
Lời giải chi tiết:
Hai câu thơ “Bà như quả ngọt chín rồi/ Càng thêm tuổi tác càng tươi lòng vàng" ý nói tình cảm của bà giống như trái chín, càng thêm thời gian thì càng ngọt ngào.
Chọn B.
Câu 5
5. Theo em, tác giả muốn nói điều gì qua bài thơ?
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ bài thơ, suy nghĩ về nội dung câu chuyện qua đó thấy được điều tác giả muốn nói qua bài thơ.
Lời giải chi tiết:
Theo em, tác giả muốn nói về tình yêu, sự hy sinh của bà đối với con cháu. Vì vậy người cháu cũng rất yêu và biết ơn bà. Qua đó nhắn nhủ người đọc cần biết yêu thương, trân trọng và biết ơn bà của mình.
* Học thuộc lòng bài thơ.
Luyện tập
Câu 1:
1. Tìm các từ có nghĩa giống với từ trông trong những câu thơ sau:
Giêng, Hai rét cứa như dao,
Nghe tiếng chào mào chống gậy ra trông
Nom Đoài rồi lại ngắm Đông
Bề lo sương táp, bề phòng chim ăn.
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ các câu thơ và tìm các từ có nghĩa giống với từ trông .
Lời giải chi tiết:
Các từ có nghĩa giống với từ trông trong những câu thơ: nom, ngắm
Câu 2
2. Tìm thêm từ có nghĩa giống với từ trông và đặt một câu với từ vừa tìm được.
Phương pháp giải:
Em tiến hành tìm các từ có nghĩa giống với từ trông và đặt câu với từ thích hợp.
Lời giải chi tiết:
- Từ có nghĩa giống với từ trông : Nhìn, ngắm, xem,...
- Đặt câu:
+ Các du khách đang chăm chú ngắm cảnh.
+ Cả nhà cùng xem phim.
+ Chị An đang nhìn những bông hoa mới nở.