Bài 4. Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống — Không quảng cáo

Soạn Địa 11, giải bài tập Địa Lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống Phần 1. Một số vấn đề về kinh tế - Xã hội thế giới


Bài 4. Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống

Dựa vào thông tin mục I, hãy trình bày về một số tổ chức quốc tế hoặc khu vực (năm thành lập, số thành viên, mục tiêu hoạt động).

? mục I

Dựa vào thông tin mục I, hãy trình bày về một số tổ chức quốc tế hoặc khu vực (năm thành lập, số thành viên, mục tiêu hoạt động).

Phương pháp giải:

Đọc và nghiên cứu kỹ các thông tin, số liệu trong hình kết hợp với kiến thức đã được học trong bài.

Lời giải chi tiết:

1) Liên hợp quốc (The United Nations-UN)

Là tổ chức quốc tế liên chính phủ (liên quốc gia) được thành lập ngày 24/10/1945, đến nay đã có 193 thành viên. Năm 1977, Việt Nam là thành viên thứ 149 của Liên Hợp Quốc.

Trụ sở

Trụ sở Liên Hợp Quốc đặt tại New – York ( Hoa Kỳ ).

Liên Hợp Quốc ra đời nhằm mục đích:

  1. Duy trì hòa bình, an ninh quốc tế;
  2. Thực hiện sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội...;
  3. Phát triển quan hệ hữu nghị giữa các nước;
  4. Trở thành trung tâm phối hợp hành động giữa các nước để đạt được những mục đích trên đây.

Các cơ quan chính:

  1. Đại hội đồng,
  2. Hội đồng bảo an,
  3. Hội đồng kinh tế - xã hội,
  4. Hội đồng quản thác,
  5. Toà án quốc tế
  6. Ban thư kí.

2) Tổ chức Thương mại Thế giới (World Trade Organization – WTO)

Được thành lập và hoạt động từ 01/01/1995 với mục tiêu thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch.

Tính đến năm, tổ chức này có 164 thành viên. Thành viên của WTO là các quốc gia (ví dụ Hoa Kỳ, Việt Nam…) hoặc các vùng lãnh thổ tự trị về quan hệ ngoại thương. Việt Nam là thành viên thứ 150 của WTO từ ngày 11/1/2007.

Trụ sở

WTO có trụ sở đặt tại Giơ-ne-vơ ( Thuỵ Sỹ )

Nhiệm vụ của WTO

-  Thúc đẩy việc thực hiện các Hiệp định và cam kết đã đạt được trong khuôn khổ WTO (và cả những cam kết trong tương lai, nếu có);

-  Tạo diễn đàn để các thành viên tiếp tục đàm phán, ký kết những Hiệp định, cam kết mới về tự do hoá và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại;

-  Giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh giữa các thành viên WTO; và

-  Rà soát định kỳ các chính sách thương mại của các thành viên.

Cơ cấu tổ chức WTO

-  Hội nghị Bộ trưởng;

-  Đại hội đồng;

-  Các Hội đồng Thương mại Hàng hoá, Thương mại dịch vụ, Các vấn đề Sở hữu trí tuệ liên quan đến Thương mại; Các Uỷ ban, Nhóm công tác;

-  Ban Thư ký.

3) Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương ( APEC – Asia-Pacific Economic Cooperation)

Là một diễn đàn không chính thức thúc đẩy tự do thương mại và đầu tư chức không phải một tổ chức về kinh tế, thương mại.

APEC được thành lập vào tháng 11 – 1989. Tính đến năm 2020, APEC có 21 thành viên. Việt Nam là thành viên chính thức của APEC năm 1998.

Trụ sở

APEC có trụ sở tại Xin-ga-po

Mục tiêu hoạt động

-          Duy trì tăng trưởng và phát triển, vì lợi ích chung của nhân dân các nền kinh tế trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng và phát triển chung của kinh tế thế giới.

-      Phát huy những tác động tích cực của sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng đối với kinh tế khu vực và thế giới, bằng cách đẩy mạnh sự giao lưu hàng hoá, dịch vụ, vốn và công nghệ.

-      Xây dựng và tăng cường hệ thống thương mại đa biên, vì lợi ích của Châu Á -Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.

-      Giảm dần những rào cản đối với thương mại hàng hoá và dịch vụ giữa các nền kinh tế thành viên phù hợp với các nguyên tắc của WTO, và không có hại đối với các nền kinh tế khác.

? mục II 1

Dựa vào thông tin mục 1, hãy liên hệ và trình bày về một vấn đề an ninh toàn cầu mà em quan tâm

Lời giải chi tiết:

Em có thể tham khảo 1 số vấn đề sau:

1. An ninh lương thực

- An ninh lương thực là việc đảm bảo mọi người có quyền tiếp cận các nguồn lương thực một cách đầy đủ, an toàn để duy trì cuộc sống khoẻ mạnh.

- An ninh lương thực luôn là vấn đề trọng yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới trong nhiều thập kỉ qua.

- Nguyên nhân gây mất an ninh lương thực là do: xung đột vũ trang, chiến tranh, biến đổi khí hậu, dịch bệnh,… làm gián đoạn nguồn sản xuất và cung ứng lương thực, thực phẩm.

- An ninh lương thực quan trọng vì:

+ An ninh lương thực ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta – đặc biệt là trẻ em:

Nghiên cứu cho thấy rằng tình trạng mất an ninh lương thực có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe ngắn hạn và dài hạn đang diễn ra.

+ Hiện nay, có tới 811 triệu người trên thế giới phải đi ngủ với cái bụng đói mỗi đêm. Kể từ năm 2019, số người bị mất an ninh lương thực cấp tính đã tăng hơn gấp đôi từ 135 triệu lên 276 triệu người. Và có tổng cộng 48,9 triệu người đang phải đối mặt với nạn đói ở mức độ khẩn cấp.

+ An ninh lương thực gắn liền với biến đổi khí hậu:

  • Các hệ sinh thái trên thế giới đang trải qua sự thay đổi nhanh chóng và thường xuyên gây thiệt hại to lớn.
  • Khi các thảm họa thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt và sự phá hoại của côn trùng gia tăng về tần suất và mức độ nghiêm trọng, thì càng có nhiều người bị đói.
  • Biến đổi khí hậu thậm chí còn gây áp lực lớn hơn đối với các nguồn tài nguyên mà chúng ta phụ thuộc vào.

2. An ninh mạng

- An ninh mạng là sự đảm bảo hoạt động trên không gian mạng không gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và tính liên thông trong không gian mạng, an ninh mạng trở thành một thách thức lớn đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

- Các hoạt động gây mất an ninh mạng diễn biến ngày càng nhanh, tính chất ngày càng phức tạp, tác động đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, chính trị của mỗi quốc gia.

- Bảo vệ an ninh mạng là phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm trong lĩnh vực này.

- Các tình huống nguy hiểm về an ninh mạng:

+ Xuất hiện thông tin kích động trên không gian mạng có nguy cơ xảy ra bạo loạn, phá rối an ninh, khủng bố;

+ Tấn công vào hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia;

+ Tấn công nhiều hệ thống thông tin trên quy mô lớn, cường độ cao;

+ Tấn công mạng nhằm phá hủy công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia;

+ Tấn công mạng xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia; gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

? mục II 2

Dựa vào thông tin mục 2, hãy cho biết tại sao phải bảo vệ hòa bình toàn thế giới

Lời giải chi tiết:

Sự cần thiết phải bảo vệ hoà bình thế giới.

– Hòa bình mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình yên cho mỗi người, mỗi gia đình và xã hội.

– Chúng ta cần phải bảo vệ hòa bình để ngăn chặn chiến tranh. Tất cả mọi người không ai mong muốn sẽ có chiến tranh xảy ra. Việc chiến tranh diễn ra sẽ mất đoàn kết giữa các nước, phá hoại đất nước, hao tổn nền kinh tế, phá hỏng nhà cửa, của cải, vật chất.

Ngoài ra, khi đã có chiến tranh thì những người nông dân phải hy sinh vô tội bởi vì bất kể ai được sinh ra đều có quyền được sống và bảo vệ mạng sống của chính mình.

– Bảo vệ hòa bình chính là bảo vệ cuộc sống của không chỉ chúng ta mà còn của con cháu chúng ta đời đời về sau.

Giá trị của hòa bình không có gì có thể đánh đổi được, có hòa bình chúng ta mới có thể phát triển mọi mặt, mọi sự phát triển đều được đặt trên nền tảng của hòa bình.

– Hiện nay chiến tranh và xung đột vũ trang vẫn đang xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Nếu không cảnh giác và kiên quyết ngăn chặn thì nhiều quốc gia, dân tộc trong đó có nước ta sẽ rơi vào vòng xoáy của chiến tranh.

=> Chính vì vậy phải cần thiết bảo vệ nền hoà bình trên thế giới

Luyện tập 1

Hoàn thành bảng theo mẫu sau về các tổ chức UN, WTO, IMF, APEC

Lời giải chi tiết:

Tên

tổ chức

UN

WTO

IMF

APEC

Năm thành lập

1945

1995

1944

1989

Số thành viên

193

164

190

21

Mục tiêu hoạt động

- Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

- Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia.

- Thực hiện hợp tác quốc tế.

- Xây dựng UN là trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.

- Thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ trên thế giới.

- Thúc đẩy sự phát triển các thể chế thị trường, giải quyết các bất đồng và tranh chấp thương mại.

- Nâng cao mức sống, tạo việc làm cho người dân các nước thành viên...

- Thúc đẩy hợp tác tiền tệ quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ tài chính tạm thời cho các nước thành viên.

- Bảo đảm sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế.

- Giữ vững sự tăng trưởng và phát triển trong khu vực.

- Tăng cường hệ thống đa phương mở.

- Đẩy mạnh sự giao lưu hàng hóa - dịch vụ, vốn và công nghệ.

Năm Việt Nam gia nhập

1977

2007

1976

1998

Luyện tập 2

Phân tích mối liên hệ giữa một vấn đề an ninh toàn cầu với việc cần phải bảo vệ hòa bình thế giới.

Lời giải chi tiết:

Mối liên hệ giữa an ninh mạng với việc cần phải bảo vệ hòa bình thế giới

- Bên cạnh những lợi ích to lớn, không thể phủ nhận, cách mạng số, không gian mạng kết nối toàn cầu với đặc tính không biên giới cũng đặt ra nhiều thách thức, trở thành mối đe dọa đối với an ninh của các quốc gia.

- Các đối tượng tội phạm lợi dụng sơ hở trong không gian mạng để tấn công, nhằm phá hủy thông tin nội bộ, tuyên truyền thông tin sai lệch với chủ trương chính trị của các quốc gia… Ví dụ: tại Việt Nam, các tổ chức chống phá đảng và nhà nước liên tục có những bài viết xuyên tạc đường lối chính trị của Đảng trên các trang mạng xã hội như: Việt Nam canh tân cách mạng đảng, Triều Đại Việt…đe dọa đến an ninh quốc gia

Vận dụng

Sưu tầm thông tin tìm hiểu các hoạt động của một tổ chức quốc tế hoặc khu vực mà em quan tâm

Lời giải chi tiết:

Một số thông tin về Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)

- Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8/8/1967 với 5 thành viên ban đầu, phát triển dần thành một tổ chức khu vực hợp tác toàn diện, chặt chẽ với 10 thành viên.

- Chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới, ngày 31/12/2015, ASEAN chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN nhằm xây dựng một Cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, trên nền tảng pháp lý là Hiến chương ASEAN và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025.

- Trong giai đoạn thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025, ASEAN tập trung triển khai các kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột gồm: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, đồng thời tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.

- Trải qua hơn nửa thế kỷ, ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực đoàn kết, thống nhất, vững mạnh và năng động, đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế, tiến trình hợp tác ở khu vực, đóng góp duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.


Cùng chủ đề:

Bài 1. Sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế - Xã hội của các nhóm nước - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 2. Toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 3. Thực hành: Tìm hiểu về cơ hội và thách thức của toàn cầu hóa và khu vực hóa kinh tế - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 4. Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 5. Thực hành: Viết báo cáo về đặc điểm và biểu hiện của nền kinh tế tri thức - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 6. Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Mỹ La tinh - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 7. Kinh tế khu vực Mỹ La tinh - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 8. Thực hành: Viết báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - Xã hội ở Cộng hòa Liên bang Bra - Xin - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống
Bài 9. Liên minh châu Âu - Một liên kết kinh tế khu vực lớn - SGK Địa lí 11 Kết nối tri thức với cuộc sống