Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử - Ngữ Văn 12
Đây thôn Vĩ Dạ chính là một tình yêu tuyệt vọng đối với cuộc sống. Điều này đã trở thành ngọn nguồn cảm xúc làm nên bài thơ.
Đề bài
Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử - Ngữ Văn 12
Lời giải chi tiết
1. Mở bài
Có một thi sĩ Việt mà đến hai thành phố lấy tên ông đặt cho những con đường, đó là Hàn Mặc Tử. Ông là một hiện tượng kì lạ bậc nhất của phong trào thơ mới, được Chế Lan Viên nhận xét: “Trước không có ai, sau không có ai Hàn Mặc Tử như ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”. Nhắc đến Hàn Mặc Tử người ta không quên hình ảnh tươi đẹp của thiên nhiên và con người xứ Huế mộng mơ qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”. Đó là bức tranh tuyệt đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và con người, giữa nét thực và hư mộng cuộc đời, cũng là tiếng lòng yêu tha thiết cuộc sống của thi sĩ.
2. Thần bài
2. 1) Bức tranh thiên nhiên và con người thôn Vĩ
Câu thơ mở đầu là lời nhà thơ tự hỏi mình, vừa giống như một lời mời của ai đó, vừa như thể thầm trách chính mình. Nhưng ý tứ chính của câu thư thể hiện một niềm khao khát muốn được về thăm thôn Vĩ. Trong cảm xúc của một tình yêu đối với sự sống, thôn Vĩ Dạ được hiện ra thật trong trẻo, thanh khiết. Hình ảnh đậm nhất chính là mảnh vườn của một ngôi nhà thôn Vĩ. Ở đó có hàng cau đang được tắm trong nắng sớm tinh khôi. Câu thơ mang tính tạo hình, rất động. Mảnh vườn được ví với một viên ngọc lớn với hai nét vẽ “mướt quá "và “xanh”- vẻ thanh sạch, và ngời lên một màu xanh mát khi mà ánh nắng của buổi sớm mai toả xuống.
Một nét vẽ nữa là hình ảnh con người thấp thoáng sau rèm trúc. Câu thơ này tồn tại hai cách hiểu: đó là khuôn mặt của những người dân thôn Vĩ hiền lành, trung hậu, gần gũi. Hay đó là khuôn mặt của chính nhà thơ...
Có thể bức tranh thiên nhiên và con người thôn Vĩ này sẽ chia lìa tan tác. Nó không hề là cái Đẹp bất biến, vĩnh hằng. Nó bị xé ra thành những thực thể mà đáng lí phải quấn quýt trong nhau, tồn tại bởi vì nhau. Gió và mây, dòng nước và hoa bắp trên triền sông, thuyền và bến, thuyền với trăng. Sông trăng là một hình ảnh sáng tạo. Từ kịp chứa đầy tâm trạng, lại được đặt trong một câu hỏi tu từ “Có chở trăng về kịp tối nay?", hẳn là một tâm trạng lo âu, mong ngóng, phập phồng niềm hi vọng, một niềm mong nhuốm màu tuyệt vọng, cũng tại bởi yêu quá mà ra thế, yêu đến thắt lòng.
2. 2) Và khao khát một tình yêu
Linh hồn của bài thơ này phải là tình yêu, mối tình thầm kín, tha thiết và tuyệt vọng của nhà thơ đối với người con gái thôn Vĩ Dạ, tức là một “ai”đó được gọi đến ba lần: Vườn ai, thuyền ai, ai biết tình ai và chỉ một lần duy nhất được gọi bằng em (áo em). Cách gọi phiếm chỉ bằng đại từ “ai”thể hiện một thái độ dè dặt, kín đáo có phần mặc cảm, tự trọng của nhà thơ.
“Mơ khách đường xa” diễn tả cái ý mơ về, ước mong về một đối tượng được gọi là “khách đường xa kia”, tức là cô gái ấy. Các câu thơ tiếp theo thể hiện trạng thái mơ, là cái ảo - mơ nỗi càng cháy bỏng thì hình ảnh trong mơ ước càng có khuynh hướng trở thành ám ảnh: “áo em trắng quá nhìn không ra”.
Câu thơ “ở đây sương khói mờ nhân ảnh” đã mách bảo cho ta một nơi chốn: ở đây, tức là ở trong này, nơi Hàn Mặc Tử đang bị bệnh tật giam cầm đang rất xa cách với không gian ngoài kia, tức nơi Vĩ Dạ và cô gái ấy. Mặc cảm chia lìa lại một lần nữa làm tình làm tội tâm hồn thi sĩ: “Ai biết tình ai có đậm đà?". Câu thơ thật ai oán.
3. Kết bài
Cũng như làng cảnh, sông nước, vầng trăng, con thuyền, bến bãi kia không bao giờ thuộc về thi sĩ, giữa thi sĩ và chúng là một khoảng cách tuyệt vọng, thì với cô gái ấy cũng y như thế. Rơi vào tuyệt vọng nhưng tình yêu không chết ngược lại tình yêu càng trở nên da diết, đau đớn... Một người yêu sự sống, khát sống như thế mà sự sống trong anh đang dần tắt. Vì là tiếng của tình yêu tuyệt vọng, nên Đây thôn Vĩ Dạ mang âm điệu nghẹn ngào, khắc khoải.