Bình giảng bài thơ Tràng giang của Huy Cận.
Huy Cận đã dựng lên nỗi buồn của cả thế hệ mình. Người đã dựng và khắc ghi nó bằng cả hình ảnh lẫn âm thanh của một ngôn ngữ trác tuyệt. Vì thế. biết bao năm tháng đã trôi qua, dòng Tràng giang ấy vẫn chảy trong tâm hồn người yêu thơ Việt Nam.
Tràng giang là một trong những bài thơ xuất sắc của nhà thơ Huy Cặn thời kì Thơ mới. Đã có khá nhiều bài viết về tác phẩm này. Mỗi bài có những khám phá riêng, đôi chỗ rất sâu sắc và vượt quá phạm vi, cách hiểu đối với trình độ một học sinh trung học phổ thông. Để có bài viết tốt, cần hiểu hồn thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám, một hồn thơ đượm nỗi buồn rầu, triền miên, dằng dặc. Nỗi buồn ấy vươn tới cả vũ trụ, vượt qua thời gian, gợi nỗi buồn trần thế, xuất phát từ chính cuộc đời nhà thơ đang sống. Ngoài ra, bài thơ còn là một công trình điêu luyện về ngôn ngữ thi ca tiếng Việt. Tràng giang là Thơ mới nhưng đã đạt đến trình độ cổ điển về ngôn ngữ. Bởi vậy, khi bình giảng, ngoài việc hiểu, còn đòi hỏi phải tỏ ra tinh tế, cần nắm một số điểm sau:
Tiêu đề bài thơ
Bài thơ có tên Tràng giang, một từ Hán Việt. Đây cũng là điểm lạ đối với một nhà thơ mới. Nhiều bài thơ trong tập Lửa thiêng, Huy Cận đặt tên khá mộc mạc, bình dị như: Em về nhà, Trông lên, Gánh xiếc, Ngủ chung, Áo trắng. Tràng giang có nghĩa là sông dài. Riêng chữ tràng thường đọc là trường. Huy Cận đặt tên bài thơ của mình là Tràng giang, chứ không phải là Trường giang, càng không phải là Sông dài - tất cả những từ đồng nghĩa. Lí do có lẽ là như thế vừa gợi cho người đọc nhiều liên tưởng về văn hóa, mà cụ thể là con sông dài, khá nổi tiếng là Trường giang ở Trung Hoa. Song, nhà thơ đã thay trường bằng tràng, tạo ra sự phối âm (ang), gợi lên cảm giác mênh mang, dài rộng huyền hoặc hơn.
Thời thơ mới, Huy Cận hay ghi dòng đề từ trên các bài thơ là tặng một người nào đó, thường là những nhà văn, nhà thơ, những nghệ sĩ thân thiết với ông như Nhất Linh, Thạch Lam, Thế Lữ, Tú Mỡ, Hoàng Đạo, Tô Ngọc Vân. Bài này Huy Cận đề tặng Khái Hưng, người đã cùng với nhà văn Nhất Linh lập nên nhóm Tự Lực văn đoàn. Nhưng, Huy Cận không ghi bút danh quen thuộc của nhà văn này mà lại ghi tên thật của ông ta (Trần Khánh Dư). Khó có thể biết rõ lí do Huy Cận dành bài Tràng giang cho Khái Hưng. Có thể một phần vì do tình cảm quý mến, trân trọng đối với một bậc tài hoa, có công tạo đựng nên một phong trào văn chương, cũng có thể là vì Khái Hưng, bên cạnh nhiều tác phẩm viết về đề tài hôn nhân, tình yêu trong buổi đầu Âu hóa, đã viết không ít tác phẩm xuất sắc về các thời kì lịch sử đã qua như tiểu thuyết Tiêu Sơn tráng sĩ. Bên cạnh đó, trên phần đề từ còn có câu thơ của Chính Huy Cận (Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài). Câu thơ này phần nào đã thâu tóm được cả tình (bâng khuâng, nhớ thương) lẫn cảnh (trời rộng, sông dài) của Tràng giang.
Khổ hai
Mở ra một cảnh sông nước mênh mông, tưởng chừng như vô tận. Trên cái nền không gian rộng lớn ấy, hình bóng một con thuyền đơn chiếc càng thêm lẻ loi và sự xuất hiện của nó lại càng khiến cho cảnh thêm hoang vắng:
Nắng xuống chiều lên sâu chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.
Khổ ba
Đến khổ thơ thứ ba, mọi âm thanh của cuộc sống con người đều không còn nữa, chỉ còn có cảnh vật với nhau mà cũng hết sức lặng lẽ:
Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật.
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Bèo dạt mây trôi vô định; bờ xanh tiếp nối bãi vàng. Tất cả ở bên nhau mà dường như không biết có nhau, không cần có nhau. Thế mới lạ làm sao? Chỉ có một người biết rõ sự cô đơn ấy và cũng chỉ có người khao khát sự sống, cần thiết sự giao hòa. Song, mọi cánh cửa có lẽ khép, mọi mối tương giao đã không còn. Người ấy làm sao tránh nổi cô đơn?
Khổ bốn
Khổ cuối vừa có cảnh, vừa có diễn tả nỗi lòng của chủ thể trữ tình:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Cảnh ấy, tình này là lẽ đương nhiên!
Khổ thơ câu nào, hình ảnh nào cũng dễ hiểu được. Chỉ có một câu lạnh lùng:
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
Xưa nay, thơ cổ điển phương Đông viết nhiều về cảnh hoàng hôn. Cảnh nào cũng đẹp, nhưng đều buồn:
Ngày mai, gió cuốn chim bay mỏi,
Dặm liễu, sương sa khách bước dồn.
(Cảnh chiều hôm - Bà Huyện Thanh Quan)
Thơ Huy Cận có cảnh hoàng hôn như thế và nỗi buồn man mác. Có người nói, khi viết: Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà, nhà thơ đã liên tưởng đến tình ý của bài Hoàng Hạc Lâu trong thơ Thôi Hiệu:
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Dịch thơ:
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Tản Đà)
Nhà thơ mới tiếp thu vốn văn hóa cổ, nhưng vẫn khác nhà thơ cổ. Nỗi buồn trong thơ của người xưa đôi khi do cảnh vật tạo ra, cảnh khiến người buồn. Còn ở nhà thơ hiện đại, nhất là với Huy Cận, nỗi buồn ấy như tiềm ẩn. Vì thế, người ta làm thơ không cần mượn cớ của thiên nhiên, tạo vật. Và họ thành thật giãi bày nỗi lòng mình cùng với trời đất!
Tràng giang bao trùm một nỗi buồn thương mênh mang và nhớ mong tha thiết. Bài thơ tiêu biểu cho chặng đường thơ của Huy Cận trước năm 1945, khi mà ở đó cái buồn tỏa ra từ một hồn người cơ hồ không biết đến ngoại cảnh (Hoài Thanh). Song, đó cũng là nỗi buồn của một thế hệ. nỗi buồn mang tính thời đại. Nỗi buồn ấy xuất phát từ sự bơ vơ, lạc loài và luôn khao khát được cảm thông chia sẻ trước cuộc đời. Buồn nhưng lại sáng trong và rất đáng trân trọng. Vì thế, nói như nhà thơ Xuân Diệu. “Tràng giang” là một bài thơ ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn, Tổ quốc.
Huy Cận đã dựng lên nỗi buồn của cả thế hệ mình. Người đã dựng và khắc ghi nó bằng cả hình ảnh lẫn âm thanh của một ngôn ngữ trác tuyệt. Vì thế. biết bao năm tháng đã trôi qua, dòng Tràng giang ấy vẫn chảy trong tâm hồn người yêu thơ Việt Nam.