Bình giảng bài thơ Vội vàng của tác giả Xuân Diệu
“Vội vàng’’ bộc lộ một nhân sinh quan lành mạnh. Đó là tình yêu đời, là cách sống chân thành, sống hết mình vì một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Xuân Diệu là nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới 1932-1945. Trong “Thi nhân Việt Nam”, nhà phê bình Hoài Thanh đã viết: “Với Thế Lữ, thi nhân ta còn nuôi giấc mộng lên tiên, một giấc mộng rất xưa. Xuân Diệu đốt cảnh Bồng Lai và xua ai nấy về hạ giới”. Bài thơ “Vội vàng” đã minh chứng cho nhận xét thiên tài đó.
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Bốn câu thơ mở đầu nói cái ước muốn giữ mãi vẻ đẹp của những chốn trần gian. Rồi nhà thơ cầm tay chúng ta và náo nức chỉ những cảnh thật đáng yêu đang phô bày ra trước mắt:
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa.
Một bức tranh tuyệt tác của Tạo hóa có màu sắc tươi mát (xanh rì), có âm thanh vui (khúc tình si) và chứa chan ánh sáng. Trái đất ta đang sống quả là một Thiên đường! Và trong Thiên đường đó, đáng yêu nhất là hình ảnh:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Nghệ thuật xưa coi thiên nhiên là chuẩn của cái đẹp, cho nên Nguyễn Du viết: “Làn thu thủy, nét xuân sơn”.
Vẻ đẹp của đôi mắt nàng Kiều được so sánh với làn nước mùa thu; lông mày nàng Kiều được so sánh với nét núi thanh tú của mùa xuân. Nghệ thuật Xuân Diệu ngược lại, coi con người là chuẩn của cái đẹp, cho nên mới có câu thơ xuất thần đó đem so sánh thiên nhiên với con người.
Đang vui, nhà thơ bỗng giật mình:
“Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”.
Câu thơ bị bẻ gãy làm hai, nói lên cái lo sợ của con người khi nhận ra một sự thật đau đớn:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Xuân ờ đây có hai nghĩa: Vừa là mùa xuân - mùa đẹp nhất trong năm, vừa là tuổi xuân - tuổi đẹp nhất của đời người. Cụm từ “Nghĩa là” lặp lại ba lần như một sự hoảng hốt khi hiểu ra một qui luật: Tuổi xuân chỉ có một thời; con người không thể trẻ mãi đề tận hưởng niềm vui sướng của chôn “vườn trần” này.
Nhà thơ lên tiếng hỏi cảnh vật :
Con gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Thì ra không chỉ thi nhân mà thiên nhiên tươi thắm kia cũng đang tiếc nuối mùa xuân sẽ đi qua, sẽ trôi qua, thời gian một đi không trỏ lại.
Trước quy luật nghiệt ngã đó của tạo hóa, con người phải làm gì? Cái ước mong “tắt nắng”, “buộc gió" là không thể thực hiện được. Thi nhân đã gợi cho chúng ta một cách sống mới mẻ:
Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muôn riết mây đưa và gió lượn
Ta muôn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi.
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Đây là đoạn thơ nồng cháy nhất, hay nhất của bài thơ vì cảm xúc của thi nhân đã đạt đến cao trào.
Tác giả đã nhân cách hóa thiên nhiên, làm cho thiên nhiên hiện lên như một người đẹp đầy vẻ hấp dẫn. Cách dùng đại từ đã khác so với phần mở đầu trên dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số ít (tôi) một cách dè dặt coi đây lại dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất số nhiều vì qua sự truyền cảm của bài thơ đã hòa điệu tâm hồn cùng bạn đọc. Sự “vội vàng” của thi nhân cũng phát triển dần qua cách sử dụng các động từ: “ôm” đã thân thiết, nhưng “riết" còn mạnh mẽ hơn đến “say” thì đã nồng nàn, và đến “thâu” thì đã thu tất cả mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu vào trong tâm hồn mình.
Câu kết đã gói trọn tâm tình của thi nhân:
“Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
Nghệ thuật làm thơ khó nhất là viết câu cuối cùng. Nó phải nâng cao xúc cảm phải chứng tỏ rằng sự vận động của tứ thơ đến đây là hết không thể viết thêm một câu nào nữa. Xuân Diệu đã thật cao tay khi viết câu thơ trên. “Cần” là tột đỉnh của sự cuồng nhiệt, sự nồng cháy của cảm xúc. Câu thơ cảm thán như một tiếng kêu sung sướng, thỏa mãn vì tâm hồn đã “chếch choáng”, "đã đầy”, đã “no nê” khoái lạc của thiên đường trên mặt đất.
Ngoài ra, tác giả còn sử dụng nhiều điệp từ: “ta muốn”, “và”, “cho” làm cho nhịp thơ đoạn cuối trở nên dồn dập, diễn đạt rất đúng tâm trạng cúa con người “vội vàng”.
Thi phẩm này quả là một bài thơ hay, rất tiêu biểu cho phong cách tài hoa, phong tình lãng mạn của Xuân Diệu — nhà thơ mới nhất của phong trào thơ mới.
“Vội vàng’’ bộc lộ một nhân sinh quan lành mạnh. Đó là tình yêu đời, là cách sống chân thành, sống hết mình vì một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Quả thật, “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chôn nước non lặng lẽ này’’ (Hoài Thanh).