Cảm nhận về bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” (2) của Phan Bội Châu — Không quảng cáo

Tổng hợp các bài văn nghị luận về tác phẩm Vào nhà ngục


Cảm nhận về bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” (2) của Phan Bội Châu

Lúc bấy giờ, nhà thơ đang bị đày đọa vô cùng dã man: cổ đeo gông, chân tay bị xiềng xích trong nhà ngục tử tù Quảng Đông. Có biết cảnh ngộ ấy mới cảm thấy cốt cách và khí phách anh hùng của Phan Bội Châu qua "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác".

Vẫn viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật; giọng thơ mạnh mẽ hào hùng. Lúc bấy giờ, nhà thơ đang bị đày đọa vô cùng dã man: cổ đeo gông, chân tay bị xiềng xích trong nhà ngục tử tù Quảng Đông. Có biết cảnh ngộ ấy mới cảm thấy cốt cách và khí phách anh hùng của Phan Bội Châu qua "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác".

Phần đề nói đến chết và sống. Câu phá đề bộc lộ một tâm thế coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng chấp nhận mọi hi sinh. "Nếu chết xong đi thế cũng hay, bởi lẽ tự biết: Chết vì nước là chết vinh; Chết vinh còn hơn sống nhục trong vòng nô lệ! Câu thừa đề lại nói đến sống: "Còn ta, ta lại tính cho mày!" "Mày" là bè lũ thực dân Pháp, lũ vua quan bán nước, là bọn phản động Long Tế Quang, v.v... "Tính" là tính sổ, tính tội ác tày trời của bè lũ. Bao căm thù, khinh bí dồn vào chữ "mày" cuối câu.

Hai câu thực đăng đối, tác giả sử dụng hình ảnh tượng trưng, biểu lộ một niềm tin sáng chói. Người anh hùng chân chính (thần thánh) không thể chết (chôn) trong chốn ngục tù. Con đường cách mạng "ruổi gió mây" không kẻ thù nào có thể ngăn cản được. Ngôn ngữ thơ vừa đối xứng, vừa tương phản đầy ấn tượng. Hai chữ “đâu có" với "há không" đối lập, phủ định và khẳng định một sự nghiệp chính nghĩa cao cả:

"Trời đâu có ngục chôn thần thánh,

Đất há không đường ruổi gió mây".

Phần luận thể hiện một cốt cách anh hùng của người chiến sĩ vĩ đại. Một chí lớn quyết vượt qua mọi thử thách, không lùi bước trước mọi nguy hiểm khó khăn để hướng tới sự nghiệp: "tát cạn bể Đông", "mỏ quang ngàn Bắc". Phan Bội Châu đã từng kêu gọi đồng chí, đồng bào đoàn kết đứng lên chiến đấu bằng gươm giáo, bằng xương máu, bằng thơ ca: "thiết chiến, thiệt chiến, huyết chiến" để giành lại tự do. "Chèo tấc lưỡi", "vảy đôi tay" là những hoán dụ nghệ thuật đầy ý nghĩa. Ở phần thực đã nói đến trời, đất, tiếp theo phần luận lại hướng tới bể Đông, ngàn Bắc, một không gian nghệ thuật kì vĩ mở ra, và đó cũng là tầm vóc lớn lao của người anh hùng xứ Nghệ dù máu chảy đầu rơi mà "gan không núng, chí không mòn":

"Tát cạn bể Đông chèo tấc lưỡi,

Mở quang ngàn Bắc vẫy đôi tay”.

Hai câu kết là lời động viên, kêu gọi chiến đấu. Sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc là to lớn, lâu dài (ngàn thu) há đâu chỉ ngày một ngày hai. Cho nên "gắng sức", phải biết "xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ" (Bài ca chúc tết thanh niên). Và đó cũng là lời tự động viên mình

“Anh em ai nấy xin thêm gắng,

Công nghiệp ngàn thu há một ngày".

Ngôn ngữ khoa trương, hình ảnh tượng trưng, hài hòa cân xứng, giọng thơ hào hùng là vẻ đẹp bài thơ thứ hai trong chùm thơ "Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” này. Nó là bài ca yêu nước. Cốt cách anh hùng, khí phách anh hùng của người con vĩ đại xứ Nghệ làm cho chúng ta cảm phục, ngưỡng mộ.


Cùng chủ đề:

Cảm nhận về bài Hai cây Phong
Cảm nhận về bài thơ "Khi con tu hú” của nhà thơ Tố Hữu
Cảm nhận về bài thơ "Ông đồ” của Vũ Đình Liên
Cảm nhận về bài thơ Quê hương của Tế Hanh
Cảm nhận về bài thơ “Muốn làm thằng Cuội” của Tản Đà thi sĩ
Cảm nhận về bài thơ “Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác” (2) của Phan Bội Châu
Cảm nhận về hình ảnh người mẹ trong truyện ngắn "Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh
Cảm nhận về hình tượng con hổ trong bài thơ "Nhớ rừng" của thi sĩ Thế Lữ
Cảm nhận về nhân vật cậu Vàng trong truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao
Cảm nhận về nhân vật ông giáo trong truyện “Lão Hạc” của Nam Cao
Cảm nhận về truyện Cô bé bán diêm